Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 1)

Monday, 26/06/2017 - 07:40:48

Thầy Trí cho biết mỗi khóa học khoảng 10 tuần, từ tuần thứ tư, thứ năm là thầy đã gửi ra cho các sinh viên phần hướng dẫn, chia nhóm làm phim, cho các bạn biết phải làm như thế nào, sắp xếp như thế nào để viết kịch bản, thu nhạc, làm thế nào để đóng vai diễn của mình…

Bài BĂNG HUYỀN

Tiếng Việt- cầu nối văn hóa

Người Việt Nam tại hải ngoại, tuy đã mất quê hương, nhưng còn lại ngôn ngữ. Đó là di sản ngàn đời của tổ tiên, là một kho tàng chứa đựng các yếu tố văn hóa để lưu truyền qua các thế hệ, là một gạch nối với miền quê xa vời bên kia bờ đại dương.

Nơi đó vẫn còn những dấu tích khó quên của một thời chiến tranh bom đạn, ngục tù cộng sản mà thế hệ thứ nhất đã từng trải qua.


Thầy Quyên Di bên các sinh viên học lớp tiếng Việt. (Hình cung cấp)

Vẫn còn đó những dấu tích trong ký ức tập thể về những chuyến vượt biên, vượt biển đầy cam go để đi tìm tự do, đi tìm “sự sống trong cái chết.”

Vẫn còn những câu chuyện của chặng đường phấn đấu sinh tồn và ổn định cuộc sống nơi quê hương mới, để ngày nay gầy dựng cho thế hệ thứ nhất, cho thế hệ tiếp nối một địa vị xã hội, khiến người bản xứ cũng phải chú ý đến và ngưỡng mộ.

Theo kết quả của thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010, liên quan đến sắc dân Châu Á hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt hiện nay đang đứng thứ tư về số lượng, với hơn 1 triệu rưỡi người. Cũng theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, thì người Mỹ gốc Việt là cộng đồng người gốc Á nói tiếng mẹ đẻ trong gia đình chiếm đến 87.5% tổng số (đứng hàng thứ nhì, sau cộng đồng người Mỹ gốc Hmong, 92.1%).
Còn tại tiểu bang California, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quan trọng thứ tư sau Anh ngữ, Tây Ban Nha và tiếng Hoa.

Tiếng Việt dạy trong trường đại học

Hiện nay, tiếng Việt đã được đưa vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, tại một số trường trung học cho đến đại học, nên việc học tiếng Việt trở nên hữu ích hơn cho người Việt tại Mỹ.

Chính sự lớn mạnh của cộng đồng Việt và những tranh đấu trong cộng đồng của các giáo sư, nhân sĩ, chính trị gia, phụ huynh, sinh viên nên từ cuối thập niên 1980 đầu 1990 của thế kỷ 20 nhiều đại học nổi tiếng tại Hoa Kỳ đã có chương trình tiếng Việt. Như đại học Havard, Yale, UC Berkeley, UC Los Angeles, UC Irvine, UCR (Riverside), Cornell, Washington, Arizona, Florida, CSU Long Beach, CSU Fullerton, tại các trường này, tiếng Việt được xem là một trong những ngoại ngữ sinh viên cần phải học để lấy tín chỉ, theo điều kiện nhà trường đòi hỏi, để tốt nghiệp với văn bằng cử nhân. Ngoài ra có rất nhiều đại học cộng đồng cũng có chương trình tiếng Việt.

Tại Nam California, những trường như Coastline Community College, Orange Coast, Santa Ana, Golden West, Long Beach là những đại học cộng đồng nổi tiếng và có đông sinh viên Việt Nam ghi danh, đều có các lớp tiếng Việt.


Thầy Chấn Trí bên các sinh viên lớp tiếng Việt. (Hình cung cấp)

Làm phim của lớp tiếng Việt tại UCLA

Thầy Quyên Di là một trong những người đã có công góp phần gìn giữ nền văn hóa và ngôn ngữ Việt không những trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, mà thầy còn hướng dẫn và đưa nền văn hoá cũng như ngôn ngữ Việt giới thiệu đến các chủng tộc khác trên thế giới. Thầy đã từng dạy học tại Cal State University Fullerton, Cal State University Long Beach, Cal State University Los Angeles, University of California Los Angeles (UCLA).

Hiện nay thầy Quyên Di đang giảng dạy tại UCLA và Cal State University Long Beach với tính cách là giảng sư (lecturer) dạy lớp tiếng Việt trung cấp, lớp cao cấp và một vài lớp về văn hóa Việt Nam như “Các chủ đề trong văn chương và phim ảnh Việt Nam,” “Tính chất văn chương trong ca từ âm nhạc Việt Nam,” vì lớp này dạy bằng tiếng Anh, nên có nhiều sinh viên sắc dân khác ghi danh theo học, và thầy còn giám sát viên đại học (university supervisor).

Giới thiệu về chương trình dạy tiếng Việt tại UCLA và Cal State University Long Beach do thầy phụ trách, có hình thức làm phim bằng tiếng Việt để các sinh viên thi giữa khóa và cuối khóa, thầy Quyên Di cho biết, “Năm 2003, tôi bắt đầu dạy tiếng Việt tại Đại Học UCLA, lúc đó tôi có suy nghĩ như thế này, bất cứ người nào mà dạy ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nào, không riêng gì tiếng Việt, đều có trách nhiệm giúp cho học viên phát triển bốn kỹ năng, đó là nghe, nói, đọc và viết.

“Nếu mà không giúp học viên phát triển bốn kỹ năng đó thì coi như không thành công trong vấn đề dạy của mình, vì mục đích chính của vấn đề dạy ngôn ngữ là giúp học viên nghe nói đọc viết ngày càng tốt hơn. Tôi có suy nghĩ là thì giờ học trong lớp cũng không có nhiều lắm, vì học tại UCLA theo hệ thống của UC, là học theo tam cá nguyệt (quarter), có nghĩa là mỗi mùa chỉ 10 tuần cho 1 lớp thôi. Một tuần học 2 buổi, mỗi buổi khoảng 1 tiếng 15 phút. Tôi mới nghĩ rằng vỏn vẹn chỉ có chừng đó thời giờ thôi thì làm sao mà giúp cho học viên khá hơn được. Tôi nghĩ hình thức cho các em sinh hoạt nhóm, mà không có sinh hoạt nhóm nào sinh động bằng cho làm phim.”

Theo thầy Quyên Di, vì làm phim có thể phát triển đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Khi các sinh viên muốn làm phim, các sinh viên phải viết kịch bản, tức là bắt đầu phát triển khả năng viết. “Khi viết thì đâu phải chỉ một em viết, có thể các em ngồi bàn với nhau, lấy ra một cốt truyện để rồi bắt đầu viết. Viết xong kịch bản, các em trong nhóm cùng xem kịch bản, đóng góp ý kiến để sửa chữa cho nó hoàn hảo. Nếu kỹ hơn thì gửi cho thầy, nhờ thầy xem giúp kịch bản hoàn hảo chưa, thầy có trách nhiệm xem và sửa chữa, chỉnh đốn lại cho kịch bản càng tốt hơn, giúp các em học so sánh giữa kịch bản đã viết, kịch bản thầy sửa, khác nhau chổ nào, thì học thêm cách viết.

“Khi có kịch bản rồi, phải chia công tác ra, cô này đóng vai này, cậu kia đóng vai kia, và phải tập thoại với nhau, nói không như kiểu đọc bài trong lớp mà phải lên giọng, xuống giọng, đối thoại một cách hết sức tự nhiên, y như nói chuyện hằng ngày vậy, thành ra các sinh viên phải tập nói. Mà muốn nói cho trôi chảy thì đọc nhiều lần cho trôi chảy rồi mới tập nói. Các em phải tập nghe, vì trong một cuốn phim, có đối thoại, phải nghe người kia nói gì, mới trả lời lại.”

Thầy Quyên Di kết luận, “Bởi vậy chỉ một phim ngắn thôi, tôi thay luôn cả bài thi giữa khóa và bài thi cuối khóa là các em phải tham gia với nhóm để làm phim chung với nhau, đây là hình thức group project. Các em sẽ chia điểm chung với nhau. Nhóm nào mà làm biếng thì điểm ít, làm dở thì điểm không nhiều.

“Khi làm phim như vậy, không những phải có chủ đề liên quan đến chương trình học, mà sinh viên còn phải cố gắng áp dụng những câu mà tôi đã dạy trong bài học, biết vận dụng đưa vào trong những đối thoại trong phim càng nhiều càng tốt và càng có nhiều điểm. Hơn thế nữa các em còn phải phụ đề tiếng Anh cho phim (nói bằng tiếng Việt) và phị đề tiếng Việt luôn để xem phần nói thì được đấy nhưng viết ra có đúng chính tả không.”

Thầy Quyên Di cho biết thầy đưa ra quy định cho sinh viên là một phim làm ở giữa khóa thời lượng khoảng từ 8- 10 phút, phim để kết thúc khóa học dài 12- 15 phút. Đòi hỏi sinh viên phải bỏ công vào rất nhiều, nhưng cũng học được rất nhiều. Ngay từ cuối tuần thứ năm là các nhóm phải nộp phim đây là bài thi giữa khóa, và cuối tuần thứ 10 phải nộp phim cho bài thi cuối khóa. Vì vậy ngay từ tuần lễ thứ 2 của khóa học, thầy Quyên Di đã cho sinh viên biết sẽ có làm phim. Cả lớp sẽ cùng bàn với giáo viên chọn chủ đề nào làm phim.

Thầy Quyên Di nói suốt bao năm qua, chủ đề phim có thể giống nhau, nhưng mỗi một nhóm sinh viên các năm học đều phát triển chủ đề đó theo khía cạnh khác. Thí dụ năm học về văn chương truyền khẩu, thì bàn nhau làm phim về truyện cổ tích, đó là chủ đề chung thôi, sau đó, mỗi nhóm lại chọn một chuyện nào đó để đóng, đôi khi họ chọn trùng nhau, nhưng cách thực hiện khác nhau. Dù có trùng nhau đề tài, nhưng không nhàm chán, vì mỗi một nhóm có cách phát triển phim khác nhau.

Làm phim của lớp tiếng Việt tại UCI

Tiến sĩ Trần Chấn Trí là giảng viên khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn đại học UC Irvine, thường dạy môn tiếng Việt, cũng có áp dụng hình thức làm phim để kết thúc khóa học lớp tiếng Việt, thầy kể, “Năm 2000 là tôi vào dạy tại UCI, nhưng tôi không nhớ chính xác khi tôi đưa hình thức làm phim bằng tiếng Việt vào đại học UCI khi nào, có lẽ khoảng 2001- 2002.

Nói về ý nghĩa và mục đích của hình thức này, thầy Trí cho rằng “khi mình dạy và học ngoại ngữ, phải chú trọng cả bốn mặt, nghe nói đọc viết, nhưng với tôi quan trọng nhất vẫn là nói. Tôi vẫn thường nói là khi mình nói với mọi người mình biết một thứ tiếng nào đó, thì khả năng để mình chứng tỏ cho người ta thấy liền là phải nói một cách lưu loát. Tôi rất chú trọng về mặt nói. Ngôn ngữ nói theo tôi thể hiện ở mức cao nhất là qua những tình huống thật sự ngoài đời, mình có thể gói nó lại trong một cuốn phim nhỏ. Từ suy nghĩ đó nên tôi mới cho các em sinh viên làm phim.

“Mỗi năm học có ba mùa, gồm có lớp sơ cấp là 1 A, 1 B, 1 C, và lớp trung cấp 2 A, 2 B, 2 C (Trường UCI không có lớp tiếng Việt cao cấp như trường UCLA). Chỉ có những em học lên đến lớp C tôi mới cho các em làm phim, vì tôi muốn tạo cho các em trong suốt một năm đó các em thu thập khả năng nói tạm gọi là nhuần nhuyễn một tí thì đến lớp C các em mới sẵn sàng để làm phim. Chỉ có học đến lớp C mới làm phim thôi. Nhiều em học đến lớp B thôi không tiếp lớp C thì sẽ không có cơ hội làm phim.”

Thầy Trí nói trong suốt thời gian các sinh viên học lớp 1 A, 1 B, thầy có tổ chức cho các sinh viên thi nói, để tập cho các bạn làm phim khi lên lớp 1 C. Giữa mùa của lớp 1 A, B, có thi giữa kỳ, và kỳ thi cuối kỳ. Ngoài hai bài thi phần viết, các sinh viên phải thi nói nữa.

Thầy Trí giới thiệu, “Tôi soạn danh sách các câu hỏi bằng tiếng Anh và có những câu trả lời mẫu thôi, có khoảng 25- 30 câu. Mỗi hai em sẽ làm việc với nhau, khi bốc thăm lên, hai em sẽ ngồi đối diện với nhau, em này hỏi, em kia trả lời, phần thi này các em chỉ hỏi ba câu và trả lời ba câu, nhưng muốn hỏi và trả lời được, các em phải học hết 25- 30 câu tôi đưa ra. Tôi sẽ chấm điểm phần hai em đó hỏi và trả lời với nhau. Những em chưa đến phiên thì ngồi đợi bên ngoài.

“Những câu hỏi và câu trả lời của bài thi nói này đi theo những bài các em đã được học, có tính chất thực dụng vào những tình huống trong cuộc sống hằng ngày. thí dụ dạy một chương về áo quần, sẽ có câu hỏi bằng tiếng Anh, nhưng các em phải nói lại bằng tiếng Việt, tôi có nói các em là không phải dịch câu đó ra, mà yêu cầu các em khi đọc câu hỏi bằng tiếng Anh, các em phải nói lại ý nghĩa câu đó bằng tiếng Việt như thế nào, chứ còn dịch ra sẽ ngô nghê lắm. Người bạn nghe câu hỏi nghĩa bằng tiếng Việt xong phải trả lời lại bằng tiếng Việt. Ví dụ câu hỏi về quần áo, sẽ hỏi bạn thích mặc loại quần áo màu nào? Người kia sẽ trả lời tôi thích mặc áo sơ mi và quần tây chẳng hạn.

“Phần này chỉ dành cho lớp 1 A, B, C thôi, nếu học lên lớp 2 thì thi khó hơn. Lên lớp 2 thi viết, phần nói thì không thi nữa mà cho các em thảo luận trong lớp, nói qua nói lại bằng tiếng Việt, đề tài tự do hơn, mở rộng hơn. Đó là hình thức cho các em tập luyện nói, nhưng không phải thi như lớp 1. Ví dụ cho các em nói về phong tục tập quán của người Việt Nam, nêu ý gì đó lên rồi cho các em đóng góp ý kiến, hỏi qua hỏi lại, chuyện này qua chuyện kia, nó tự nhiên hơn là thi vấn đáp.

“Đặc điểm năm thứ 2 là có nhiều em giỏi tiếng Việt rồi thành ra các em nói tiếng Việt thoải mái hơn. Bên cạnh đó tôi cũng khuyến khích những em nói chưa giỏi tham gia đóng góp ý kiến, nhiều khi các em kẹt quá phải nói tiếng Anh thì tôi cũng tìm cách để các em trở lại nói tiếng Việt. Nhờ những chuẩn bị trước cho các em từ các lớp A, B, đến khi lên lớp C giúp các em có số vốn từ để bắt đầu đóng phim.”

Thầy Trí cho biết mỗi khóa học khoảng 10 tuần, từ tuần thứ tư, thứ năm là thầy đã gửi ra cho các sinh viên phần hướng dẫn, chia nhóm làm phim, cho các bạn biết phải làm như thế nào, sắp xếp như thế nào để viết kịch bản, thu nhạc, làm thế nào để đóng vai diễn của mình…

Thường khi thầy giao cho các sinh viên làm phim, phản ứng đầu tiên của các bạn là rất ngại. “Có nhiều lý do lắm, như không có thời giờ, vì nhiều sinh viên học nhiều lớp, đến gần cuối khóa phải học ôn thi các môn, và còn phải bỏ thời gian ra làm phim. Hoặc nhiều em không muốn nói trước công chúng, đằng này quay phim, trước bạn bè. Phim hoàn tất sẽ chiếu cho cả lớp xem. Nhưng thường thường sau khi làm phim xong, các em trở nên tự nhiên hơn, thoải mái hơn và lúc nào cũng nói là lúc làm thì rất cực, nhưng khi làm rồi thì rất vui, đáng với công và thì giờ bỏ ra. Nhờ vậy các em gắn bó với nhau, có nhiều nhóm phim sau khi xong rồi, thì vẫn tiếp tục chơi với nhau như nhóm bạn thân sau nhiều năm dù không còn học lớp tiếng Việt nữa.

Thầy Trần Chấn Trí khẳng định “Tôi thấy rất có ích việc cho các em làm phim khi học tiếng Việt. Cho các em thấy sự sống động của ngôn ngữ như thế nào khi được thể hiện lên trên màn ảnh. Cho các em thấy là ngôn ngữ không chỉ nằm trong cuốn sách, nằm trong lớp học mà thật sự nằm trong cuộc sống và nó được thể hiện qua cuốn phim.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT