Mẹo Vặt

Lầm lẫn khi tỉa cành

Friday, 12/06/2015 - 12:35:26

Sai lầm này phát sinh từ ý nghĩ: Chặt cành lớn sẽ làm cây bị đau, và tỉa sơ sơ ở vòng ngoài chắc không gây tổn hại gì cả.

Bài VŨ HẰNG

Đối với cây ăn trái, công việc cắt lá tỉa cành hằng năm là điều cần thiết, không những để cho vườn tược đẹp mắt mà còn để cho cây sai trái. Nhưng nhiều người chúng ta dễ mắc phải sai lầm khi làm công việc này. Sau đây là một vài lỗi thường thấy:

1. Chỉ cắt tỉa ở đầu cành

Sai lầm này phát sinh từ ý nghĩ: Chặt cành lớn sẽ làm cây bị đau, và tỉa sơ sơ ở vòng ngoài chắc không gây tổn hại gì cả.
Thực ra, cắt tỉa đầu ngọn là một trong những lỗi lầm lớn nhất của dân làm vườn… tay mơ. Bởi vì, cắt tỉa vốn dĩ là cách kích thích tăng trưởng: Nếu tỉa ở đầu cành, chúng ta sẽ làm phát sinh thêm nhiều cành nhỏ mọc ra từ đó. Thế nên xin đừng lấy làm lạ là “cây mình mới tỉa đây mà bây giờ đã rậm rạp um tùm.” Rốt cuộc chừng độ một tháng sau, chúng ta lại phải ra tay tỉa gọt những cành mới, vừa mất giờ mà vừa vô tình thúc đẩy sự phát triển vô lối, hỗn độn nhưng rất tiêu hao năng lực của cây.

                                                Cây lùn mà sai trái nhìn thật là “đã” con mắt

Chắc chắn cái thói quen mất giờ mà lại làm cho cây hao tổn công lực này phải được sửa lại: Cắt bỏ một vài cành lớn còn tốt hơn là cắt vài chục nhánh nhỏ. Nhưng nếu đã lỡ cắt tỉa lẻ tẻ rồi thì thôi: Hãy để cho cây có thời giờ mọc thêm các nhánh phụ một cách tự nhiên, rồi chờ đến mùa thu - là lúc cây rũ lá ngủ say - hãy ra tay một lần nữa. Lần này, nhớ cắt tỉa những cành lạc loài, chỉ để lại những cành khỏe khoắn, phát triển đúng hướng để cây dồn sức tài bồi cho chúng. Nhưng thế nào là “phát triển đúng hướng”? Tức là làm cách nào để biết những cành cần loại bỏ, và giữ lại những cành có tiềm năng phát triển, chuyện đó chúng ta sẽ nói sau. Bây giờ nếu trước nay, ai có thói quen tỉa sơ sơ ở đầu cành vì sợ cây đau, xin hãy ngừng tay nhé.

2. Cắt cụt chính ngọn, không để cho cây phát triển chiều cao

Lỗi này thường xảy ra với những loại cây có chính ngọn (central leader) tức là ngọn lớn, mọc thẳng lên theo thân chính, như cây táo (apple), cây lê (pear), cây mít (jackfruit)…. Nhìn những cây này, lùn mà xum xuê sai trái, chúng ta thấy “đã” mắt hơn là nhìn những cây cao lớn vượt quá mái nhà. Chính vì thế, cây có thể bị cắt cụt ngay chính ngọn (central leader) để duy trì một độ cao nào đó theo ý chủ nhà. Mặc dầu đây là một mong muốn chính đáng, nhưng hành động cắt ngọn tạo ra sự khủng hoảng lớn cho cây. Để phản ứng, cây sẽ phát triển thêm nhiều “chính ngọn” khác tương đương. Những “chính ngọn” này sẽ giành giựt nhau để lớn, và làm cho cây yếu đi.
Cũng như quốc gia không thể có hai vua, nhà không thể có hai chủ thì cây không thể có 2 chính ngọn. Gặp trường hợp cây phát triển nhiều chính ngọn, chủ vườn cần phải tìm xem ngọn nào khỏe hơn, vững hơn thì giữ lại, những ngọn phụ đang tranh giành sức sống với ngọn chính cần phải cắt bỏ, làm sao cho ngọn chính trở thành “ngọn chủ đạo, và là ngọn cao nhất” trong tàng cây.
Cây có một chính ngọn chủ đạo sẽ sống khỏe hơn, có sức chịu đựng dẻo dai hơn trước mưa to, gió lớn, bão tuyết…. Đồng thời, cây phát triển theo hình kim tự tháp - đáy lớn, ngọn nhỏ dần - giúp cây đón nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, thứ thuốc bổ thiên nhiên giúp cây chống thối mục và sâu bệnh hiệu quả nhất.
Vuhang231@yahoo.com

.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT