Hôn Nhân, Cuộc Sống

Làm lại cuộc sống mới với quá khứ đau buồn

Monday, 14/05/2018 - 11:44:54

Những ngày đầu tiên từ trại tù anh dành cho ba mẹ, vợ con. Nhưng anh không thể xa lánh bạn bè, trong đó có cả những người có liên quan đến hành vi gây nên tội khiến anh phải ngồi tù.


(Getty Images)

Phần 2: Học từ quá khứ, không quay lại đường cũ

Bài ĐOAN TRANG

Sau bốn năm ngồi “bóc lịch” trong tù vì có hành vi dính đến ma túy, đầu năm 2018, M.P. (San Diego) mãn hạn. Ngày ra tù, M.P được gia đình, bạn bè đón ngay tại cửa. Nhìn những gương mặt thân quen, sau một thời gian dài xa cách, những hình ảnh của quá khứ ùa về với anh.

Những ngày đầu tiên từ trại tù anh dành cho ba mẹ, vợ con. Nhưng anh không thể xa lánh bạn bè, trong đó có cả những người có liên quan đến hành vi gây nên tội khiến anh phải ngồi tù. Thật lòng, anh chỉ muốn chuyển đi nơi khác, sống một cuộc đời mới, để lại sau lưng quá khứ không tốt đẹp của mình. Phải thật mạnh mẽ và dũng cảm, M.P. mới làm được điều đó.

Các nhà tâm lý đã có nhiều lời khuyên đối với những ai có quá khứ đau buồn và đang muốn làm lại cuộc đời.
Cố gắng tách bản thân ra khỏi lối sống trong quá khứ càng nhiều càng tốt. Có thể khó nếu bạn đang cố gắng thay đổi cuộc đời nhưng vẫn có ý định sống ở chỗ cũ và đến trường cũ hoặc làm công việc trước kia. Bạn có thể phải đối mặt với hậu quả từ những hành vi trong quá khứ trước khi thanh danh của bạn được cải thiện.

Bạn sẽ phải tiếp tục cố gắng hết sức mình để cho người khác thấy rằng bạn đã thay đổi: hãy để những hành động của bạn nói lên điều đó.

Chấp nhận bất kỳ hình phạt nào được đưa ra bởi những người có quyền lực (nếu trong nhà trường thì người quyền lực nhất là hiệu trưởng, nếu đi làm thì đó là ông chủ) và cố gắng hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình. Điều này sẽ là cách cho thấy bạn có thể nhận trách nhiệm về hành động của mình.
Bạn có thể có bất bình với người khác và điều này khiến cho hiện tại của bạn khó khăn và khổ sở. Có thể bạn đã có trận chiến nảy lửa với anh trai và anh ấy không thèm nói chuyện với bạn nữa. Hãy hướng đến một mối quan hệ tốt đẹp hơn có thể cải thiện tình hình của bạn và giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm. Chấp nhận nếu bạn bị khiển trách về những điều khiến cho tình hình tệ hơn.

Xin lỗi và chỉ ra rằng bạn muốn làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Nói với người bạn yêu quý rằng bạn rất tiếc về những gì đã xảy ra, giải thích bạn nghĩ mình đã làm anh ấy/cô ấy tổn thương như thế nào và tại sao điều này là sai. Sau đó nói với anh ấy/cô ấy là bạn có thể làm nó tốt đẹp hơn. Một trong những câu nói đơn giản sau:
Anh/em xin lỗi vì…
Điều này là sai vì…
Lần sau, anh/em sẽ…
Anh/em sẽ tha thứ chứ?
Người bạn yêu quý có thể không tha thứ cho bạn ngay lập tức. Hãy tiếp tục cố gắng.
Phạm lỗi không làm giảm đi giá trị của bạn và không làm bạn trở thành người xấu. Mọi người ai cũng phạm sai lầm. Khi bạn có trách nhiệm với cuộc đời mình, bạn có thể cảm thấy tội lỗi về những điều tiêu cực bạn đã gây ra (hoặc bạn nghĩ mình đã gây ra), nhưng bạn cần tha thứ cho bản thân mình. Tha thứ, để rồi không tái phạm.

Nếu có một người nào đó mà bạn tin cậy nhất, bạn hãy chạy đến và giải thích rằng bạn cảm thấy như thế nào và tại sao bạn cảm thấy như vậy. Người ấy có thể cho bạn thấy những khía cạnh khác nhau.
Nếu bạn không có ai để tỏ bày, hãy thử viết xuống những suy nghĩ của bạn. Sau đó, trong vai người nghe, hãy viết lại lời hồi đáp. Hãy thành thật và thẳng thắn.

Có thể phải mất một thời gian dài để đạt được mục tiêu trong đời khi bạn quyết định làm lại từ đầu. Ngoài ra, bạn có thể đã sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh không tốt và bạn đã quyết định rằng bạn cần làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho dù bạn ở trong hoàn cảnh nào, hãy cố gắng xác định những yếu tố góp phần tạo nên hoàn cảnh đó.

Bạn cũng nên lập danh sách những điều tiêu cực mà bạn có thể lặp lại với chính mình. Tìm bằng chứng cho và chống lại suy nghĩ này. Tìm sự thật, thay vì quan điểm. Tự hỏi bản thân điều gì khiến bạn nghĩ như vậy.
Lập biện pháp phòng ngừa tránh phạm sai lầm. Nếu dùng đúng phương pháp, bảo đảm bạn không lặp lại những điều tiêu cực đã xảy ra trong quá khứ. Lên kế hoạch để làm theo trong trường hợp bạn nhận thấy có những cảm xúc gây ra hành vi khiến bạn hối tiếc.

Ví dụ, một người thường tìm đến rượu bia mỗi lúc có chuyện buồn. Vấn đề là dù đang say xỉn, anh ta vẫn cứ lên xe phóng ào ào. Và hậu quả là anh đã được nhận vài ba ticket vì DUI. Nếu là bạn, hãy nhanh chóng lên kế hoạch giải quyết nỗi buồn sẽ giúp bạn tránh xa rượu bia.

Bạn cũng có thể trò chuyện với một người bạn và nhờ anh ấy giúp bạn trong vấn đề này. Khi bạn cảm thấy buồn, bạn có thể gọi cho anh ấy và rủ họ ghé qua nhà bạn. Hai bạn có thể chơi một môn thể thao hoặc làm điều gì đó khác biệt. Thậm chí bạn có thể cố gắng thổ lộ về những gì khiến bạn buồn nhằm giúp bạn giải quyết tình huống.

Cố gắng lập ra nhiều hơn một kế hoạch để thực hiện trong những tình huống này trong trường hợp xảy ra sự cố khiến bạn không thể làm theo kế hoạch ban đầu.

Nếu bạn hiểu được tại sao những việc trong quá khứ lại xảy ra, hãy cố nghĩ đến hướng giải quyết sẽ ngăn quá khứ xảy ra một lần nữa. Nếu người khác là lý do khiến cuộc sống của bạn tiêu cực, thì việc thay đổi tình hình có thể khó hơn. Ví dụ, nếu bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên và bố mẹ bạn khiến cho cuộc sống gia đình khó khăn, bạn có thể động viên bố mẹ, và tìm kiếm giúp đỡ cho cuộc sống của họ.

Bạn biết rõ nhất những người bạn yêu quý. Có thể khó để thuyết phục người khác tìm kiếm sự giúp đỡ mà họ cần cho cuộc sống của họ. Nghĩ về những cách bạn có thể tự mình giúp anh ấy, hỏi ý kiến người khác về cách tốt nhất để tiếp cận tình huống hoặc đọc các bài báo tâm lý liên quan đến vấn đề của bạn.

Hình thành thói quen và lối sống mới. Ví dụ bạn có thói quen khi từ trường về nhà là phải kiếm một điếu thuốc là để phì phèo. Thay vì cứ làm như vậy theo thói quen, bạn hãy cố gắng sửa thói quen ấy đi, hoặc tìm một việc khác thay thế. Thử xem, khi về nhà, bạn hãy ăn một cái gì đó, rửa chén, dọn phòng cho sạch sẽ, và chạy bộ ngoài công viên, hoặc đến phòng tập gym. Tập thể dục, thể thao là cách tốt nhất để bạn quên điếu thuốc kia đi.

Thật ra, những thói quen mới có thể khó hình thành hơn lối sống mới. Bạn hãy bắt đầu bằng cách tự giác thực hiện hành vi mà bạn muốn trở thành thói quen. Ví dụ, chà răng mỗi khi thức dậy buổi sáng và trước khi đi ngủ là thói quen tốt, nhưng bạn chưa làm được như vậy. Hãy đặt báo thức nhắc nhở hàng ngày trong phone để giúp bạn thực hiện hoặc nhờ bố mẹ kiểm tra xem bạn đã chải răng chưa. Khi điều này trở thành thói quen, bạn sẽ cảm thấy khó chịu nếu không chà răng vào những giờ này.

Một khi đã mắc sai lầm, bạn thường cẩn trọng hơn trong những quyết định sau. Hãy cố gắng đưa ra quyết định tốt hơn, và luôn ghi nhớ những mục tiêu trong đầu khi bạn đưa ra quyết định. Nghĩ xem quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến một ngày và tương lai bạn như thế nào. Nhớ đến những quyết định sai lầm bạn tạo ra trong quá khứ. Chọn cái nào tốt cho bạn hơn.

Đôi khi, bạn có thể đưa ra quyết định có hiệu quả trong quá khứ nhưng không còn tác dụng ở hiện tại. Có thể trong quá khứ việc chơi trò chơi điện tử giúp bạn thư giãn đầu óc nhưng bây giờ nó không mang lại cho bạn sự thư giãn đó nữa. Điều này là bình thường. Bạn có thể từ bỏ bất cứ thứ gì. Không nên ép bản thân làm những việc không còn hữu ích cho bạn nữa.

Ai trong cuộc đời chẳng phạm sai lầm. Người người chiến thắng được bản thân chính là người biết nhận ra cái sai của mình, không đi theo vết xe cũ, và hướng tới tương lai.
(Nguồn: Psychologytoday.com, Acamedia.edu, Nhs.uk)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT