Xe Hơi

Làm gì khi phát giác xe lemon?

Friday, 12/02/2016 - 10:26:18

Nếu trục trặc là khuyết điểm trầm trọng về an toàn (chẳng hạn, liên quan hệ thống thắng hoặc bánh lái), thì theo ý các luật sư thuộc tổ hợp Nolo, chỉ cần một lần sửa không thành công là đủ xếp hạng “lemon car”

Bài HAO SMITH


Lemon có nghĩa đơn giản là trái chanh, nhưng không biết từ bao giờ nó lại được dùng để gọi những cái xe hay ăn vạ, làm khổ chủ xe. Xin đừng nghĩ rằng Lemon chỉ là xe cũ, mà nó còn bao gồm cả những cái xe brand-new, những cái xe mới lăn những vòng bánh đầu tiên ra khỏi sân bãi đại lý. Không phải là tiếng lóng chỉ dùng giữa những tay “yêng hùng xa lộ”, Lemon là tên gọi chính thức, là chữ nghĩa của luật pháp để chỉ một loại xe mà nhà chế tạo hoặc người chủ đứng bán phải chịu trách nhiệm.

Đây không biết có phải là lemon car không?



Mỗi năm có khoảng chừng 150,000 xe trong số xe mới chạy khỏi sân đại lý được xếp vào loại Lemon, con số này tương đương 1% tổng số xe bán ra hàng năm. Nói chung, đó là những cái xe bị trục trặc hoài vì một khiếm khuyết nào đó không thể sửa chữa được. Nếu vô tình mua phải một cái xe như vậy, chúng ta thường chỉ biết vò đầu bứt tai than thở: “Tại sao số mình lại xui đến như vậy?”

Dĩ nhiên, xui thì có xui, nhưng bạn không nên nhận lấy tất cả sự xui xẻo ấy về phần mình, bởi vì Lemon Cars đúng ra là trách nhiệm của nhà sản xuất nếu đó là xe brand-new, và của người chủ cũ nếu đó là “used car”. Chính quyền mỗi tiểu bang đều có luật “Lemon Law” để giúp giới tiêu thụ không may gặp phải những cái xe có khuyết điểm dai dẳng.

Để có thể tận dụng được những điều khoản bảo vệ nạn nhân, chúng ta cần hiểu xe Lemon là gì dưới cái nhìn của luật pháp và làm sao có thể đòi lại tiền hoặc đòi người chủ phải đền một xe khác.

Lemon và luật pháp: “Lemon Laws” thường áp dụng với những chiếc xe brand-new, nhưng không phải là không thể áp dụng với xe cũ. Để được xếp vào hàng Lemon theo định nghĩa của luật pháp trong hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ, chiếc xe phải rơi vào hai trường hợp sau:
1. Mắc phải khuyết điểm căn bản nằm trong những mục được bảo hành. Khuyết điểm này xuất hiện khá sớm sau khi bạn mua xe.

2. Mặc dầu đã đưa đi sửa chữa nhiều lần, nhưng khuyết điểm vẫn còn đó.
Định nghĩa trên được diễn nghĩa như sau:

Khuyết điểm căn bản (substantial defects)

Đó là những khuyết điểm lớn làm ảnh hưởng tới sự vận hành của xe, sự an toàn của người sử dụng và giá trị tổng quát. Chẳng hạn, khuyết điểm liên quan tới thắng, đầu máy, hộp số, bánh lái, bộ phận đánh lửa, hoặc những bộ phận chính yếu của xe. Những khuyết điểm nhỏ (minor) như nút vặn radio, tay xoay cửa… bị lỏng, không được coi như khuyết điểm căn bản.

Thực ra, cũng như bất cứ một định nghĩa pháp lý nào khác, ranh giới giữa lỗi nhỏ (minor) và lỗi lớn (substantial) là một điều khó phân định. Và đây chính là đất dụng võ của luật sư: bằng khả năng lý luận của những người được gọi là “thầy cãi”, họ có thể chứng minh một lỗi mà chúng ta tưởng là nhỏ thành ra rất lớn. Không thiếu những khuyết điểm mà đa số chúng ta cho là bình thường như nước sơn không hoàn hảo hoặc xe có mùi khó ngửi…. đã được chứng minh là “lỗi trầm trọng” nhờ tài biến hóa rất có lý của giới thầy cãi.

Thế nào là “xuất hiện khá sớm sau khi mua xe”? Những chữ mơ hồ này được giới luật sư diễn giải là trong khoảng “một, hai năm” hoặc khi chiếc xe chưa đi được bao nhiêu dặm đường (từ 12,000 hoặc 24,000 dặm). Điều quan trọng là trục trặc xảy ra không phải do các hành vi lạm dụng như lái xe hung hăng, va chạm….

Sửa chữa nhiều lần

Xe đã được mang lại cho đại lý sửa chữa trong một số lần “phải chăng” (reasonable attempts) mà vẫn không thể sửa được trục trặc đó. Sự “phải chăng” được diễn nghĩa cụ thể như sau:
- Nếu trục trặc là khuyết điểm trầm trọng về an toàn (chẳng hạn, liên quan hệ thống thắng hoặc bánh lái), thì theo ý các luật sư thuộc tổ hợp Nolo, chỉ cần một lần sửa không thành công là đủ xếp hạng “lemon car”
- Nếu trục trặc không phải là khuyết điểm trầm trọng về an toàn, nó phải được sửa chữa 3 hoặc 4 lần không thành công
- Thời gian xe nằm trong tiệm chiếm khá nhiều ngày (thường là 30 ngày trong một năm) mà vẫn không sửa chữa được.
Quả thực nhức đầu nếu vô tình mua phải một chiếc xe như vậy. Như trên đã nói, bạn không nên nhận tất cả sự xui xẻo về phía mình, sau khi đã cho đại lý đủ thời gian và cơ hội để sửa chữa mà chiếc xe vẫn không thể hoạt động bình thường, đích thực nó là một “lemon car”: Bạn có quyền đòi đại lý phải trả lại tiền hoặc phải đền xe mới. Lần sau, chúng ta sẽ bàn về các thủ tục này.
haosmith@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT