Mẹo Vặt

Kỹ thuật sơn trần nhà

Tuesday, 22/11/2016 - 07:56:20

Nếu định sơn cả nhà, bạn nên tiến hành theo thứ tự: Trần nhà, tường vách, cửa sổ, cửa ra vào, nẹp chân vách (baseboards).

Bài VŨ HẰNG

Một việc đương nhiên cần thiết trước khi vung cọ sơn, chổi sơn, đó là thu dọn đồ đạc trong phòng để sơn không vương bắn vào làm chúng hư hỏng. Khi sơn trần, chúng ta lại càng phải cẩn thận hơn: Những vật dụng quá lớn như bàn ghế, tủ, giường… cần được kéo gom lại một chỗ rồi lấy vải phủ lên. Đồng thời, trải vải hoặc giấy bảo vệ nền nhà. Sau đó, tháo gỡ mành cửa, đậy lại các công tắc điện, lỗ cắm điện. Khi sơn cửa, nhớ gỡ tay cầm, và đậy ổ khóa....
Nếu định sơn cả nhà, bạn nên tiến hành theo thứ tự: Trần nhà, tường vách, cửa sổ, cửa ra vào, nẹp chân vách (baseboards).
Khi bắt đầu công việc sơn trần, chúng ta nên lưu ý các điểm sau:

                                Dùng chổi sơn chạy đường “cắt góc” ở chỗ trần tiếp giáp với tường

Cắt góc (corner cutting-in)

Với một trần nhà rộng mênh mông, chúng ta bắt đầu từ đâu? Nhúng roller vào thùng, rồi đưa con lăn đi vẫy vùng ở bất cứ chỗ nào vừa tầm tay? Không đúng. Trước hết, bạn phải “cắt góc” mép cạnh, tức là sơn phần tiếp giáp giữa trần và tường theo cách sau:
- Dùng chổi sơn kích thước từ 2” tới 4” để kẻ một đường sơn chạy theo mép trần.
- Tiếp tục dùng chổi sơn, kéo đường “cắt góc” dài ra tới 5 feet thì ngưng.
- Dùng roller tô sơn lại trên đường vừa cắt.
Nhớ đừng cắt góc hết cả chiều dài bức tường rồi mới tô sơn đợt 2. Làm như vậy, lớp sơn ở những phút đầu tiên trên đường “cắt góc” có thể khô. Tốt hơn, chúng ta chỉ nên chạy đường cắt góc chừng 5 feet rồi tô lại ngay khi sơn còn ướt để lớp sơn trước hòa trộn với lớp sau, không phân biệt cũ mới.
Sau khi sơn “cắt góc” xong rồi, chúng ta mới có thể dùng roller một cách thoải mái ở giữa trần được.

                           Chia thành những ô vuông nhỏ, chạy đường ngang dọc thẳng góc với nhau

Đường rèm ướt (wet edge)

Một khuyết điểm dễ nhận biết của “thợ vườn” là để lại dấu vết ở những nơi roller tiếp giáp (lap marks). Để tránh tình trạng này, chúng ta có kỹ thuật “đường rèm ướt,” nghĩa là nối cạnh hai khu vực khi sơn ở đường rèm chưa khô. Sau đây là chút mẹo vặt giúp bạn thực hiện điều đó:
Làm việc theo từng ô vuông nhỏ, mỗi cạnh chỉ chừng 5 hoặc 6 feet. Sơn xong ô này chúng ta mới chuyển sang ô kia, và khi chuyển ô thì sơn ở đường rèm vẫn còn ướt, giúp cho hai lớp sơn tiếp nối hoặc đè chồng lên nhau mà không tỏ lộ điều khác biệt.

Lăn sơn hai chiều

Sau đó lăn thêm một lượt sơn bằng cách kéo đường sơn mới thẳng góc với đường trước. Mặt trần bây giờ sẽ được phủ kín, dầy đặc và phẳng mịn với một lớp “áo sơn” đẹp đều. Tuy nhiên, nếu trần nhà quá rộng, khiến bàn tay thợ vườn như chúng ta không thể hoàn tất công việc trong một buổi thì sao? Đành để công việc sang một ngày khác! Khi đó, vấn đề “sơn khô” tiếp nối “sơn ướt” được giải quyết thế nào? Các thầy cô lại bầy cho chúng ta một mẹo vặt khác:

            Phiết mỏng bằng roller khô để sơn ở cạnh mỏng dần khi phải để lại công việc tới ngày mai…

Phiết cạnh mỏng (feather out)

Không ai buộc “thợ vườn” phải sơn xong một bức tường lớn ngay trong một buổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể để lại khuyết điểm để mọi người thấy. Kỹ thuật phiết cạnh mỏng (feathering out the paint) sẽ hạn chế tới mức tối đa khuyết điểm ở những nơi hai đường sơn cũ mới tiếp giáp (lap marks). Khi biết rằng mình đành phải để lại mặt trần còn dang dở, bạn nhớ phiết sơn cho mỏng dần ở các cạnh. Việc phiết mỏng được thực hiện bằng cách dùng roller đang khô dần, chạy ngang dọc nhiều đường trước khi kết thúc. Cạnh sơn càng mỏng càng dễ giấu khuyết điểm. Ngày hôm sau, tô lại trên đường rèm phiết mỏng ấy, khó ai có thể nhận ra dấu vết “lap marks” của 2 lớp sơn cũ mới chồng lên nhau.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT