Người Việt Khắp Nơi

Kỷ niệm 110 năm Phong Trào Duy Tân, Viện Việt Học triển lãm sách, tài liệu

Sunday, 07/08/2016 - 10:36:14

Sau đó có phần thảo luận giữa diễn giả và người tham dự, lời cảm tạ của ban tổ chức và bế mạc vào lúc 5 giờ chiều..

Bài THANHPHONG

WESTMINSTER - Vào trưa Chủ Nhật, ngày 31 tháng 7, 2016, Viện Việt Học ở địa chỉ 15355 Brookhurst St, Suite 222, Westminster, CA 92683 đã tổ chức buổi triển lãm sách và tài liệu về Phong Trào Đông Du và Duy Tân với chủ đề “Kỷ Niệm 110 Năm Phong Trào Duy Tân và Buổi Nói Chuyện Về Duy Tân – Con Đường Sống Của Việt Nam”.

Cắt băng khai mạc phòng triển lãm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Trên một dãy bàn dài dưới lớp kính trong suốt trưng bày hơn 40 tác phẩm gồm những cuốn sách viết về hai nhà ái quốc Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, về Phong Trào Đông Du và Duy Tân, trong đó có những bản gốc như cuốn “Bút Quan Hoài” tác phẩm của Á Nam Trần Tuấn Khải đã bị thực dân Pháp cấm lưu hành; cuốn Cao Đẳng Quốc Dân của Phan Bội Châu viết vào năm 1957, cuốn Thư Thất Điều (1958) của Phan Chu Trinh.

Ngoài ra, có hai tờ báo: Tờ Điện Biên số 1 ra ngày thứ Năm 24 tháng Ba, 1949 (tục bản) kỷ niệm nhà ái quốc Tây Hồ Phan Chu Trinh và tờ Trung Bắc Tân Văn ra ngày thứ Tư, 29 Janvier 1926 là hai bản chính còn được lưu giữ khá nguyên vẹn sau gần một thế kỷ.


Một người đến tham dự nhìn thấy tấm bảng này đã lặng lẽ bỏ ra về. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Viện Việt Học cho biết: “Công trình sưu tập này do Thư Viện Viện Việt Học thực hiện dưới sự chăm sóc của giáo sư Phạm Thị Lệ Hương, Giám Đốc Thư Viện Viện Việt Học, cũng như do sự sưu tập của các diễn giả và thân hữu, đặc biệt là của kỹ sư Nguyễn Trung Nam.”

Có gần 50 người tham dự. Sau khi cô Kim Ngân mời một số quan khách và các diễn giả lên cắt băng khai mạc, mọi người được mời xem triển lãm sách nhưng chỉ được nhìn bìa sách dưới lớp kính. Riêng hai tờ báo và một số hình ảnh, tài liệu treo trên tường thì có thể đọc và xem thoải mái.
Sau hơn 20 phút, mọi người trở lại chỗ ngồi nghe giáo sư Lê Thọ Giáo, nguyên phụ tá viện trưởng Viện Đại Học Huế trước 1975, trình bày đề tài “Bức tượng của Phan Bội Châu tại Huế.”

Theo giáo sư cho biết, bức tượng cụ Phan Bội Châu do điêu khắc gia Lê Thành Nhơn thực hiện bằng 7 tấn đồng từ năm 1972, tượng cao 4 mét, đứng trên một bệ đá cao 6 mét, ngang 5 mét. Hai bên bệ có phù điêu diễn tả lịch sử nước Việt, mặt sau bệ tượng có khắc câu “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” trích trong “Bài Ca Chúc Tết Thanh Niên” do cụ Phan Bội Châu viết vào năm 1927.


Khán giả chú ý đến hai tờ báo lâu năm nhất còn tồn tại (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Và sau đó, con gái của Á Nam Trần Tuấn Khải, nữ sĩ Chính Nương Trần Thị Hồng Khương từ Philadelphia lên trình bày đôi nét tiêu biểu về thân phụ của bà qua đề tài “ Ảnh hưởng của Phong Trào Đông Du và Duy Tân đối với lòng yêu nước thương nòi cùa Á Nam Trần Tuấn Khải.” Nữ sĩ cũng trình bày và ngâm mấy bài thơ của thân phụ và của chính nữ sĩ sáng tác.

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm tiếp tục với đề tài “Tình cảm giữa hai nhà chí sĩ họ Phan qua bài văn tế của Phan Bội Châu.” Giáo sư Sâm đã phân tích rất kỹ về sự khác biệt và đồng cảm giữa hai nhà ái quốc Phan Bội Châu – Phan Châu Trinh và ông kết luận: “Tuy khác nhau về chánh kiến và đường lối hoạt động chính trị nhưng cả hai vị đã cho thấy cái tâm thương nước, thương nòi của hai ông giống nhau, và ngày nay, mọi người cần phải học cái gương đó đề không kết bè, kết nhóm chia rẽ lẫn nhau.

Họa sĩ Văn Mộch và kỹ sư Nguyễn Trung Nam thay phiên nhau giới thiệu các tác phẩm và tài liệu được trưng bày trong phòng triển lãm. Nhà biên khảo Đỗ Thông Minh từ Nhật gửi qua hệ thống skype bài nói chuyện của ông về 22 điểm tương đồng giữa hai chí sĩ họ Phan. Sau đó, nhà văn Ngự Thuyết thuyết trình đề tài “Phan Châu Trinh,những thành công và thất bại.” Diễn giả cuối cùng là ông Bùi Quốc Vinh nói về: “Duy Tân – Con Đường Sống Của Việt Nam”

Sau đó có phần thảo luận giữa diễn giả và người tham dự, lời cảm tạ của ban tổ chức và bế mạc vào lúc 5 giờ chiều..

Một trong số người đến tham dự nói với Viễn Đông: “Trước đây vài năm, mỗi lần Viện Việt Học tổ chức các buổi thuyết trình hay sinh hoạt văn học, nghệ thuật đều được đồng hương tham dự rất đông. Nhưng từ ngày Viện Việt Học dùng những chữ: Hoa kì, lí do, kỉ niệm, kĩ sư v.v. thay vì viết: Hoa Kỳ, lý do, kỷ niệm, kỹ sư mà suốt trong hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam mọi người đều viết như vậy, nên từ mấy năm trở lại đây, nhiều người đã không còn hứng thú với những sinh hoạt của Viện Việt Học nữa, ông lấy tay chỉ vào tấm bảng viết “Kỉ niệm 110 năm.” và bỏ ra về dù chưa khai mạc.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT