Đạo và Đời

Kinh Pháp Bảo Đàn (Kỳ 11)

Wednesday, 16/04/2014 - 10:45:54

Người chân chính học đạo sẽ không đố kỵ với ai và cũng chẳng nói xấu người nào. Nói xấu, dù dưới hình thức nào, cũng là một phần của ghen tỵ, hay đố kỵ người khác. Nếu chúng ta không đố kỵ, không ghen tỵ, không làm chướng ngại người nào, là dấu hiệu rõ ràng nhất của một người chơn chính học đạo.

Thầy Hằng Trường

Người chân chính học đạo sẽ không đố kỵ với ai và cũng chẳng nói xấu người nào. Nói xấu, dù dưới hình thức nào, cũng là một phần của ghen tỵ, hay đố kỵ người khác. Nếu chúng ta không đố kỵ, không ghen tỵ, không làm chướng ngại người nào, là dấu hiệu rõ ràng nhất của một người chơn chính học đạo. Cho nên, chúng ta hãy cẩn thận, không nên nói xấu người khác, không nên so sánh với người khác; vì nếu họ hay hơn mình, mình sẽ nói họ thế này thế kia, bôi nhọ bên này bôi nhọ bên kia. Điều này không hay lắm. Trong câu chuyện này còn tệ hơn nữa là người ta còn tìm cách giết hại ngài Huệ Năng, khiến ngài phải chạy trốn.

Lời của ngũ tổ quá hay, vì dạy đạo rồi, còn phải dạy cách sinh tồn trên cõi đời. Tại sao vậy? Vì ngài sẽ nhập diệt ba năm sau đó. Ngài đã khuyên lục tổ phải đi ở ẩn để dưỡng đạo, vì hiện giờ ánh sáng của ngài Huệ Năng chưa đủ mạnh. Dù ngài đã hiểu đạo, nhận ra đạo nhưng chưa có năng lực, công phu. Thân thể cũng cần được huấn luyện, có vậy mới có thể ra hoằng đạo được.

Ngũ tổ nói:

“Bất nghi tốc thuyết. Phật pháp nan khởi.”

Bất nghi là không thích hợp, tốc thuyết là nói pháp mau quá. Chẳng nên vội thuyết pháp, Phật pháp khó mà hiện ra được. Phải có nhân duyên đưa đẩy, khiến mình ra nói pháp. Còn tự nhiên, chẳng có nhân duyên gì, mình cứ cầm cờ cắm phướn, rồi nói pháp, sẽ không có ai nghe cả. Tự quảng cáo mình là một việc làm rất dễ cho chúng ta mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, trong xã hội Tây phương, chúng ta lại phải tự quảng cáo mình thì người ta mới biết đến. Đây là một khác biệt với suy nghĩ khiêm nhường của các vị tổ ngày xưa. Nếu bác có đủ duyên, tự nhiên sẽ hấp dẫn người này người kia tới giúp mình và mình sẽ nói được pháp. Đó là lý do tại sao chúng ta nói Phật pháp nan khởi, nghĩa là Phật pháp khó hưng khởi, phải chờ nhân duyên tới.

Truy đuổi

Ngũ tổ nói xong, lục tổ gạt lệ tạ từ rồi đi về hướng Nam. Đi bộ 2 tháng, ngài tới núi Đại Du Lãnh, một ngọn núi rất lớn và ngài an trụ trong đó.

Phần ngũ tổ, sau khi lục tổ đi rồi, chèo thuyền quay về chùa. Ngài nhập thất mấy ngày, không ra giảng. Ngài im lặng vì không muốn người khác biết, sẽ ganh tỵ, truy lùng lục tổ. Bởi một người giã gạo tự nhiên biến mất, thế nào trong chùa cũng có người hỏi. Ngũ tổ sẽ phải trả lời. Cho nên, trong tam thập lục kế, án binh bất động là phương sách hay nhất.

Trong ba ngày, ngày không làm gì cả, chỉ ở trong phòng, không ra. Môn đồ có lòng hoài nghi, tới thăm hỏi và được ngài cho biết y bát đã đi về hướng nam rồi. Sự thật đã được phơi bày, các vị cao tăng như ngài Thần Tú đều biết chuyện có người đã lãnh y bát đi về phương nam và người này có thể là ngài Huệ Năng. Sau khi tin được loan truyền ra, cả trăm người lập tức rời chùa, đi truy lùng lục tổ để đòi lại y bát. Họ còn muốn giết hại ngài.

Bên Trung Hoa, chuyện giết hại để thanh toán nhau xảy ra ở khắp nơi, không cứ gì trong chùa, dù là một ngôi chùa lớn nhất thời đó, dưới sự lãnh đạo của một bậc giác ngộ. Cho nên giác ngộ là một chuyện, người bên dưới làm lại là một chuyện khác. Hai việc này hoàn toàn khác biệt.

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT