Tiêu Thụ

Kinh nghiệm đi mua kính (bài 2)

Friday, 19/05/2017 - 08:16:25

Đi đâu bây giờ trong khi tôi tiếc tiền, không muốn bỏ ra $50, $60 khám bác sĩ? Ấy vậy mà rất mau chóng tôi đã tìm được một chỗ bằng lòng khám mắt miễn phí, xin chia sẻ với các bạn đang có cùng một hoàn cảnh.

Bài ERIC TRẦN


Xin mời các bạn nghe tiếp câu chuyện đi mua kính của một bạn đọc. Nếu quí bạn có thắc mắc gì với tác giả, xin liên lạc qua địa chỉ email của Eric (ở cuối bài), và chúng tôi sẽ chuyển đến cho đương sự:

“Lần trước tôi đã vào Walmart, gặp lúc họ đang on sale nhiều cặp kính $9 trông khá lịch sự. Tiếc rằng, toa kính của tôi lại quá hạn nên không order được. Cô y tá xinh đẹp hứa sẽ chờ để tôi đi lấy toa. Đi đâu bây giờ trong khi tôi tiếc tiền, không muốn bỏ ra $50, $60 khám bác sĩ? Ấy vậy mà rất mau chóng tôi đã tìm được một chỗ bằng lòng khám mắt miễn phí, xin chia sẻ với các bạn đang có cùng một hoàn cảnh.

Khám Mắt Miễn Phí: Eyecare America

Về nhà tôi lên mạng Internet và tìm chữ “free eye exam” (khám mắt miễn phí). Tôi đã tìm được khá nhiều chỗ, nhưng đa số là ở xa và thường kèm theo điều kiện là phải làm kính ngay tại chỗ khám. Tôi không muốn như vậy, tôi chỉ muốn lấy toa rồi mang về Walmart mua kính $9 và nhân thể gặp lại người đẹp đang chờ tôi (?).
Đúng là trời không phụ lòng người. Tôi đã tìm ra một nơi đáp ứng yêu cầu ấy: Chỉ khám mắt và khám miễn phí. Xin giới thiệu với các bạn một tổ chức có tên Eyecare America, thuộc American Academy of Ophthalmology, địa chỉ mạng tại: www.aao.org/eyecare-america. Theo những điều trình bày trên trang mạng này, đây là một chương trình săn sóc mắt hoạt động trên toàn nước Mỹ có sự tham gia của gần 6,000 bác sĩ chuyên khoa mắt (ophthalmologists). Kể từ sau ngày thành lập vào năm 1985 đến nay, tổ chức này đã giúp đỡ được gần 2 triệu người có bệnh mắt, mà 90% trong số đó đều không phải trả đồng nào.
Eyecare America có 2 chương trình như sau:


Eyecare America: Tổ hợp bác sĩ chuyên khoa mắt có thể khám và chữa trị miễn phí cho người có bệnh Glaucoma mà không có bảo hiểm

1. Chương trình phục vụ người cao niên: Từ 65 tuổi trở lên, bạn sẽ được khám mắt miễn phí và nếu có bệnh sẽ được theo dõi chữa trị trong vòng 1 năm sau đó.

2. Chương trình chữa bệnh Glaucoma: Người Việt gọi Glaucoma là bệnh “cườm nước,” khác biệt với bệnh “cườm khô” (cataract) cũng được gọi là “mắt kéo mây.” Glaucoma là thứ bệnh gây ra do áp suất trong mắt tăng lên, gây tổn hại cho các dây thần kinh mắt, mà hậu quả cuối cùng có thể là mù mắt.
Khám mắt trong chương trình Eyecare America, nếu có bảo hiểm, bạn sẽ phải khai báo để bảo hiểm trả tiền, bên cạnh đó bạn có thể phải trả thêm copay nữa. Nhưng nếu không có bảo hiểm, bạn sẽ được khám và chữa trị miễn phí.

Sau khi trả lời ít câu hỏi về tuổi tác và hoàn cảnh, tôi đã được chấp thuận khám mắt miễn phí. Nhưng tiếc rằng, tôi không thể nhận được ơn huệ này vì hai lý do sau đây:
- Thứ nhất, tôi phải chờ thư do Eyecare America gửi đến báo địa điểm phòng mạch, rồi tôi lại phải gọi để lấy hẹn cho ngày đến khám. Thời gian chờ đợi có thể mất tới 2, 3 tuần lễ, trong khi tôi cần có một cái toa làm kính ngay bây giờ.

- Thứ hai, và đây mới là lý do chính: Eyecare America chỉ khám mắt và chữa bệnh Glaucoma, chứ không cấp toa làm kính.


Nếu không cầu kỳ, bạn có thể lấy một cặp kiếng một tròng (single vision) với giá $40, trông cũng lịch sự chán.

Mặc dầu không đáp ứng nhu cầu của tôi trong lúc này, nhưng Eyecare America quả là nhân đạo khi đề nghị giúp đỡ chẩn đoán và chữa trị Glaucoma miễn phí cho người không có bảo hiểm. Thiết tưởng chúng ta nên ghi nhận điều quí hóa này, cũng như ghi nhớ địa chỉ của họ để sử dụng khi có nhu cầu. Bởi vì, ngoài cận thị, viễn thị, loạn thị và những khiếm khuyết có thể chữa lại bằng cặp kính, đôi mắt chúng ta còn là nạn nhân của nhiều thứ tật bệnh khác nữa chứ! Biết rằng có bác sĩ chuyên môn sẵn sàng khám và chữa miễn phí cho mình không phải là điều đáng nhớ sao?

Nhưng trong lúc này tôi chỉ cần một cặp kính, thế nên tôi lại phải đi tìm một phương thức khác. Tôi điện thoại cho một vài văn phòng nhãn khoa (optometrist) trong thành phố, và nhận được những câu trả lời sau:
- Khám mắt: Từ $40 tới $60

- Kính một tròng: Có nơi $40, có nơi $60, nơi khác nữa “rẻ nhất là $100”
Hóa ra họ giống nhau cả, Walmart hay ngoài Walmart cũng vậy thôi: Tôi phải có từ $80 đến $100 mới tậu được cặp kính để phục vụ màn hình computer.

Bây giờ, tôi đã có thể tự rút ra cho mình một bài học:
- Trong tương lai, nếu có mất kính thì phải lo đi làm kính thay thế ngay, càng sớm càng tốt. Bởi vì, có hành động ngay chăng nữa, tôi cũng vẫn phải chờ: Chờ gặp bác sĩ, rồi phải chờ thêm ít nhất một tuần trước khi có kính.

- Nếu được cấp toa, tôi phải giữ cái toa ấy để nhỡ ra lại mất kính thì đã có sẵn toa để làm kính mới. Nên nhớ toa kính chỉ có giá trị trong hai năm. Nếu có nơi nào ghi toa giá trị một năm, tôi phải có đủ can đảm xin bác sĩ ghi gia hạn cho một năm nữa.

- Nếu có toa, tôi có thể chi chừng $40. Nếu không có toa, tôi phải chấp nhận đi khám mắt lại,và bằng lòng với phí tổn tổng quát có thể lên tới $100.

Tôi ghi nhớ bài học này, và đang chuẩn bị ra ngoài để đến một phòng khám thì... phút chót, tôi lại tìm được một “better deal,” có thể nói là “very, very good deal.” Và lập tức ba chân bốn cẳng tôi chạy đến đó.
(Còn tiếp)
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT