Phóng Sự

Kinh nghiệm dạy con chậm nói của một người mẹ

Sunday, 30/09/2018 - 08:40:17

Điều mà chị Trâm Lê luôn tự nhắc nhở mình và luôn áp dụng khi dạy con học nói, chính là luôn chú ý dạy con những kỹ năng giao tiếp cơ bản, dạy con cách chào hỏi, cách cảm ơn, cách xin lỗi.


Góc nhà nào của chị Trâm Lê cũng điều có chữ để dạy con. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Một số cha mẹ cho rằng, trẻ 18 tháng tuổi mà chưa nói được thì cũng không cần quá lo lắng vì nếu là chậm nói đơn thuần (không phải chậm nói do tự kỷ) thì đến khoảng 2, 3 tuổi trẻ sẽ nói được. Nhưng với chị Trâm Lê, sống tại thành phố Westminster, điều này chỉ đúng trong một vài trường hợp, nhưng nếu trẻ biết nói chậm, trẻ sẽ rất thiệt thòi trong việc tiếp thu, phát triển nhận thức, tư duy ngôn ngữ kém. Khi đến tuổi đi học, trẻ sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là những môn liên quan đến tư duy ngôn ngữ.
Việc chậm nói có thể khiến trẻ đọc chậm, viết kém, văn miêu tả kém. Việc chậm nói cũng khiến trẻ mất tự tin trong giao tiếp, khó biết cách bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình có thể dẫn đến bực tức, giao tiếp kém, các hoạt động và sự phát triển sau này cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy khi John con trai của chị đến 18 tháng thay vì phải biết bập bẹ nói, thì John lại không nói gì hết, chỉ nói được đúng chữ “Amen” mà thôi, chị rất lo lắng.
 

Sách do chị Trâm Lê tự soạn để dạy cho con học nói. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Cho con đi học nói

Chị Trâm Lê nói, “Thật ra thường với trẻ đến 2 tuổi mới bắt đầu quan tâm đến việc cho trẻ đi học nói, nếu như 2 tuổi rồi mà trẻ vẫn chưa nói. Nhưng khi John 18 tháng vẫn không nói, thì tôi đã đưa con đi học nói tại New Hope Therapy (thành phố Westminster). John học một tuần một buổi, một buổi/ 1 tiếng. Về nhà tôi tiếp tục chơi và nói chuyện với con, vì tôi biết tiếng Anh của tôi không giỏi, nên ở nhà tôi chỉ nói tiếng Việt với con. Con đi học nói thì thầy cô giáo dạy con nói tiếng Anh. John học nói vài tháng thì bắt đầu biết lặp lại những câu tôi nói ở nhà (tiếng Việt). Ví dụ khi đưa con đi chợ, tôi tới quầy đựng táo, cầm lên nói với con đây là táo. John nhìn táo thì nói apple. Tôi nói với John, tiếng Việt là táo, tiếng Anh là apple. John vẫn không chịu nói táo, mà nói apple. Tôi cứ kiên nhẫn vậy một thời gian ngắn, đến khi John nhìn thấy táo thì biết nói với tôi 'tiếng Việt là táo. Tiếng Anh là apple.”


Hai mẹ con cùng đọc sách. (Băng Huyền/Viễn Đông)
Chị Trâm Lê kể ngay từ lúc mang thai John, chị đã chú ý đến thai giáo cho con (dạy con từ lúc còn trong bụng mẹ). Chị để dành mỗi ngày một tiếng để đọc sách cho John nghe từ trong bụng mẹ, vì theo thai giáo thì người mẹ đọc lên, đứa nhỏ trong bụng mẹ cũng đã nghe rồi. Ngay khi thai được 4 tháng, chị đã đặt tên cho con và khi con còn trong bụng mẹ, chị đã hát những bài hát do tự chị soạn ra như chào buổi sáng cho con nghe. “Tôi đọc sách cho con nghe khi con còn trong bụng mẹ toàn bộ đều bằng tiếng Việt. Lúc đó tôi đọc kinh thánh là chính. Tôi còn cho con nghe nhạc hòa tấu thì có lấy một tai nghe áp lên bụng và một tai nghe để vào tai của mình.”
 

Tủ sách nho nhỏ của con trai chị Trâm Lê. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Dù rất chú trong thai giáo cho con, nhưng khi sinh John ra, chị rất lo lắng, vì lúc mới sinh, con không ngủ nhiều như trẻ bình thường, con thường hay khóc quấy, lúc đó chị lo lắm. Con nít thường sẽ hay cười, nhưng John lại không cười, mặt của con luôn cau có. Không bao giờ chịu cười. Lúc đó chị rất sợ bé bị tự kỷ. Khi sinh con ra, chị quyết định nghỉ làm khoảng 5 năm, để ở nhà chuyên tâm chăm sóc con. Vì chị biết rằng trẻ từ lúc mới sinh đến 5 tuổi là tuổi cực kỳ quan trọng để giúp con phát triển. chị muốn 5 năm đầu đời của con luôn có chị chăm sóc, gần gũi và tạo một nền tảng tốt cho tuổi thơ của con.
Chị Trâm Lê nói, “Nhiều người Việt có quan niệm là tuổi nhỏ có hiểu gì đâu mà dạy. bỏ qua thời gian vàng để điền vào tâm hồn đứa trẻ những cơ bản về giáo dục. Hồi mới sinh John, tôi đọc quyển sách Dạy Trẻ Thông Minh Sớm của tác giả Glenn Doman, Janet Doman. Vì vậy khi John còn sơ sinh, tôi dành thời gian chơi với con, nói chuyện với con, dạy con nắm tay... thực hành đúng với những chỉ bảo trong sách, kết hợp với cách của người Nhật (đọc sách).

“Đến khi John 4 tháng, John có thay đổi, bớt quấy khóc. Lúc 6 tháng, khi tôi hỏi John có yêu ba mẹ không, John trả lời dạ yêu. Khi kêu tên John ơi, John còn biết trả lời dạ ơi. Bắt đầu hiểu khi mẹ và ba kêu làm cái này cái kia. John cũng biết ngồi, biết đi nhanh hơn so với trẻ cùng tháng tuổi. Nhưng đến 18 tháng lại không chịu nói gì hết. Khi tôi đọc sách cho con nghe, thì John chịu ngồi yên nghe. Khi kêu con lập lại lời mình nói, thì không chịu lập lại, kêu thì không chịu trả lời. Nhiều người trong gia đình chồng la tôi nói có lẽ vì tôi dạy con nhiều quá, nên con bị tẩu hỏa nhập ma.”

Chị Trâm Lê chia sẻ, “Thật ra tôi nghĩ những gì tôi nói với con mỗi ngày, đó không phải là dạy. Ví dụ như lúc con còn bé, tôi đã hát cho con nghe dù không giỏi nhạc, nhưng tôi vẫn tự phổ nhạc đơn giản dựa trên ca dao tục ngữ hoặc những câu nói đơn giản thành bài hát để hát cho con nghe. Nhịp điệu, giai điệu vui tươi của bài hát giúp con dễ học từ hơn và cảm thấy vui hơn. Khi con mới biết đi, tôi luôn nói với con những câu nói để dạy con, như Con đi bằng hai chân, nắm bằng hai tay, làm cái gì cũng phải từ từ.
“Tôi cứ nói đi nói lại với con suốt như vậy. Theo tôi với con nít, ngay từ bé, mình cứ giải thích cho con, dù có thể con không hiểu gì hết, nhưng cứ lặp đi lặp lại để in vào đầu con. Tôi có đọc trong sách có một câu đại ý thế này, Nếu một thành phố có đường phố, có quy luật hết rồi, lại bắt người ta đổi luật lệ thì rất khó, còn nếu vào một thành phố mới xây, vẽ đường và đặt luật lệ như thế nào thì rất dễ. Vì vậy tôi áp dụng cho con bằng cách dạy con trước khi con hiểu.
 

Chị Trâm Lê viết chữ để dạy con. (Băng Huyền/Viễn Đông)

“Từ khi con còn nhỏ, chưa hiểu gì hết, tôi cứ lập đi lặp lại thành quan điểm trong đầu cho con. Tôi dạy cho con hiểu ý nghĩa về kiên nhẫn, về yêu thương, ích kỷ, kiêu ngạo, tự cao. Khi đọc sách cho con, tôi luôn giảng cho con và dựa vào thực tế để con hiểu rõ những ý nghĩa trên. Tôi dạy con hiểu tại sao phải yêu thương, phải biết chia sẻ, tại sao cần phải đi học, tại sao cần phải biết chào hỏi lễ phép Tôi tự thực hiện những dvd dạy con bằng cách download từ Youtube rồi tự cắt ghép đưa vào DVD, có những DVD tiếng Anh, có những DVD tiếng Việt như ba mẹ thương con. Trong dvd tôi thực hiện, có một bài nhạc, một câu chuyện, đếm số để mở cho con xem, thay vì cho con tự xem Youtube hoặc tivi mà bản thân mình không kiểm soát được con đang xem gì. Tôi còn đọc sách cho con và thu âm lại để khi dỗ con ngủ, mở lên cho con nghe, hoặc lái xe chở con đi ra ngoài thì mở lên cho con nghe trên xe.”
Trong nhà chị Trâm Lê, xung quanh mọi góc nhà luôn dán chữ, có những câu ca dao tục ngữ vì chị hy vọng con thích chữ. Ngoài những sách chị mua bên Mỹ và nhờ mẹ sống bên Việt Nam mua sách tiếng Việt gửi qua. Chị còn tự sáng tạo ra những cuốn sách độc đáo để lôi cuốn con, và nay con trai chị đã gần 4 tuổi, bé đã có thể lặp lại và hiểu hết những ý tứ mà chị Trâm Lê đã kiên trì dạy cho con từ thuở lọt lòng. Chị mong con biết nói thông thạo và hiểu được tiếng Việt. Vì sau này con đến tuổi đi học, con sẽ học tiếng Mỹ, học văn hóa của Mỹ, chơi với bạn bè người Mỹ, chị không muốn con thành một người Việt mất gốc.

Chị Trâm Lê hiểu rằng khi con chậm nói, ngoài đi học nói với thầy cô, quan trọng nhất vẫn là người mẹ, người ba của trẻ gần gũi trẻ, kiên nhẫn trò chuyện với con, chơi cùng với con, thì mới có thể giúp con nhanh biết nói.

Từ những kinh nghiệm thực tế của chính bản thân và lời khuyên từ các sách vở mà chị tích lũy làm hành trang cho mình khi dạy con chậm nói, chị muốn qua nhật báo Viễn Đông, chia sẻ đến các phụ huynh có con bị chậm nói, hy vọng sẽ giúp các phụ huynh có thêm những gợi ý có thể giúp họ thêm cách để giúp con sớm biết nói.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy con chậm nói

Chị Trâm Lê cho biết, từ những tài liệu chi đọc được với nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy não của trẻ dưới 6 tuổi chưa hoàn thiện nhưng lại có khả năng nghe, khi học chữ, não của trẻ sẽ chụp hình lại, cho vào đầu hết, rồi dần dần học cách giải mã ngôn ngữ. Từ 6 tuổi trở đi, trẻ có bộ não tương tự người lớn và khả năng giải mã tự nhiên này sẽ biến mất. Vì vậy, là người mẹ nên rất cần nói chuyện với con ngay từ những ngày đầu tiên con được sinh ra chứ không phải đợi cho đến khi con biết nói.

Khi giúp trẻ chậm nói, người lớn đừng quên vừa nói vừa biểu cảm, ra điệu bộ, bởi các thông điệp trong giai đoạn đầu của trẻ chủ yếu là phi ngôn ngữ. Còn khi người lớn đơn thuần nói như một cái máy, đứa trẻ có nguy cơ bắt chước như một con vẹt.
 



Sách và dĩa DVD do chị Trâm Lê thực hiện để dạy con học nói. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Theo chị Trâm Lê, rất cần cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ càng sớm càng tốt. Không bao giờ là quá sớm để trẻ yêu ngôn ngữ. Ngay sau khi con chào đời, cha mẹ nên tập các kỹ năng ngôn ngữ đầu tiên cho trẻ. Không bao giờ là quá nhiều khi cho con tiếp xúc với ngôn ngữ trong giai đoạn đầu đời. Luôn thực hiện thường xuyên và sáng tạo việc cho con tiếp xúc với ngôn ngữ. Luôn kiên nhẫn cho dù lúc đầu tất cả những gì mình nhận lại chỉ là sự im lặng của con.

Qua thời gian, cho con nghe được càng nhiều từ càng tốt. Ba mẹ nên phối hợp với nhau để nói chuyện với con nhiều nhất có thể và cho con nghe một từ lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì trẻ càng được nghe nhiều từ thì não bộ phát triển càng tốt hơn một cách đáng kể. “Khi con nói sửa, thì tôi luôn lặp lại câu nói để tập con nói, mẹ ơi, con muốn uống sữa. Nghĩa là tôi giúp điền cho con một câu đầy đủ để con học theo. Luôn lặp tới lặp lại cho con nghe quen.”

Chị Trâm Lê mong rằng các phụ huynh đừng ngại việc nói chuyện thật nhiều với con, ngay cả khi con không thể nói hay phản ứng lại thì những câu chuyện của cha mẹ, hay của bất cứ ai khi giao tiếp cùng con cũng sẽ giúp con ghi nhớ. Phụ huynh hãy nói chuyện với con mọi lúc mọi nơi, hãy mô tả những việc mình đang làm cho con thấy, như lúc mình nấu cơm, rửa rau, giặt đồ, tắm cho con, cho con ăn, luôn nói cho con biết mình đang làm gì để con học và đừng quên những cử chỉ hay hành động đáng yêu, ngộ nghĩnh, chúng sẽ giúp con rất tốt trong việc học nói.

Chị Trâm Lê khuyên, Khi nói chuyện với con, hãy để con có cơ hội đáp lại cho dù con chưa đủ khả năng nói ra từ nào. Ba mẹ hãy luôn kiên nhẫn. Ba mẹ không nên bắt chước ngôn ngữ của con. Vì thường trẻ sẽ có những phát âm không chuẩn, ngọng nghịu, ba mẹ đừng bắt chước những tiếng đó, có thể sẽ khiến trẻ hiểu rằng trẻ nói đúng. Cách dạy trẻ chậm nói tốt nhất là khi trẻ nói ngọng, nói sai, ba mẹ nói lại cho đúng, nhắc lại nhiều lần để trẻ học, dần dần trẻ sẽ làm được. Ba mẹ hãy luôn chú ý quan sát để hiểu trẻ nói gì và trả lời trẻ. Vì trẻ không biết nói, nên ba mẹ cần quan sát trẻ để biết trẻ muốn gì và hiểu trẻ hơn, nhất là những lúc trẻ muốn gì đó ba mẹ hãy trả lời lại và khuyến khích trẻ nói, như vậy trẻ sẽ cảm nhận được rằng ba mẹ hiểu trẻ. Đồng thời việc ba mẹ trả lời với trẻ cũng sẽ giúp con học hỏi được nhiều câu từ.

Theo chị Trâm Lê, điều quan trọng trong việc dạy con chậm nói là hãy tạo cơ hội để con tiếp xúc với nhiều người. giữa trẻ con với nhau mặc dù chưa nói được nhưng chúng cũng có những ngôn ngữ riêng, chúng có thể trò chuyện với nhau mà bạn sẽ không thể hiểu được. Vậy nên, hãy tạo điều kiện để con bạn được tiếp xúc với những đứa trẻ khác, nhất là đồng trang lứa, việc này sẽ giúp con tự tin tiếp xúc, thích thú và phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Ngoài ra, cách dạy trẻ chậm nói đạt hiệu quả không kém đó là hãy thường xuyên cho bé đi chơi ở những nơi có nhiều người, giúp bé tiếp xúc với nhiều người hơn có thể là cách dạy trẻ tập nói nhanh nhất, để con thích ứng với môi trường, phát triển tư duy và ngôn ngữ, chắc chắn bé nhà bạn sẽ nhanh chóng biết nói hơn.

Nên cho trẻ đi chơi ở những nơi có nhiều người, giúp trẻ tiếp xúc với nhiều người hơn có thể là cách dạy trẻ tập nói nhanh nhất, để trẻ thích ứng với môi trường, phát triển tư duy và ngôn ngữ, sẽ giúp con nhanh biết nói hơn.

Tập cho con sở thích lành mạnh

Chị Trâm Lê cho biết, khi John còn nhỏ, chị thường đưa con ra bên ngoài, mùa hè cho con ra biển, để cho con bò chơi trên cát. “Càng cho con ra bên ngoài nhiều tâm hồn con càng mở rộng. Cần phải tập cho con sở thích lành mạnh ngay từ bé. Không nên để khi con lớn lên, con tự chọn sở thích riêng, chỉ thích ở nhà, chỉ thích phim ảnh, chỉ thích chơi game, không thích ra bên ngoài hoạt động ngoài trời. Khi John hơn 1 tuổi, vợ chồng tôi đã cho con đi leo thác, leo núi, không dùng xe đẩy nhiều, tôi học theo cách người Nhật, đeo con vào trong người mình, làm như vậy thì con gần gũi với mình, con nghe nhịp tim của mình, cùng tầm nhìn với mình, biết được con nhìn gì để giải thích cho con. Hai vợ chồng vào cuối tuần đưa con đi công viên, chỉ cho con cỏ là như thế nào, bầu trời là như thế kia.”

Chị Trâm Lê luôn hướng con đến việc thích đọc sách, sử dụng những cuốn truyện, cuốn sách với nhiều hình ảnh màu sắc tươi sáng vì hầu hết trẻ rất thích ngắm nhìn vào những cuốn sách và được ba mẹ đọc cho trẻ nghe. Khi đọc sách cho con, chị luôn chỉ vào sách để giải thích rõ hơn cho con. Đọc sách cho con mỗi ngày, chị mong con sẽ có thói quen tốt sau này và một tình yêu cả đời với những cuốn sách. Nhờ luôn đọc sách cho con, là cách chị bổ sung thêm các từ ngữ mới để tăng vốn từ vựng cho con, giúp con học cách liên hết các từ với nhau.

Khi chơi với con, nói chuyện với con, chị Trâm Lê luôn cố gắng nhìn trực diện bằng mắt. Hành động này khuyến khích phát triển sự tự tin khi giao tiếp cho con. Khi con tự tin, con cũng sẽ nói nhiều hơn. Chị luôn dành thời gian để trò chuyện với con, Khi hai mẹ con đối đáp qua lại và trò chuyện với nhau sẽ giúp phát triển ngôn ngữ cho con và là cách bồi dưỡng tình cảm của mẹ con với nhau.

Điều mà chị Trâm Lê luôn tự nhắc nhở mình và luôn áp dụng khi dạy con học nói, chính là luôn chú ý dạy con những kỹ năng giao tiếp cơ bản, dạy con cách chào hỏi, cách cảm ơn, cách xin lỗi. Dạy con những lễ nghĩa của người Việt, biết dạ thưa, lễ phép, học nói tiếng Việt... Là cách giúp con phát triển ngôn ngữ và nhân cách nói chung. Để khi con trưởng thành, ra đời, con sẽ tạo được thiện cảm với người khác và giúp con không bị mất gốc.

Từ những chia sẻ của mình, chị Trâm Lê hy vọng sẽ giúp được vài điều có ích cho các phụ huynh có con bị chậm nói. Dạy con tập nói chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt với những bé chậm nói. Nhưng chị Trâm Lê tin rằng những người mẹ, người cha có tình yêu thương với con, sẽ đủ kiên nhẫn để giúp con.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT