Thế Giới

Kim hứa giải giới hạt nhân, Trump đồng ý ngưng tập trận, Tàu xen vô đòi Mỹ giảm cấm vận

Tuesday, 12/06/2018 - 09:04:34

Các nhà phân tích Hoa Kỳ hôm thứ Ba tin rằng, Hoa Kỳ có lẽ đã mất nhiều hơn được trong cuộc họp giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Jun, và cho rằng bản tuyên bố chung mà hai lãnh đạo đã ký vẫn còn thiếu quá nhiều chi tiết.


Lãnh tụ Kim Jong-un đang ngồi trên xe chở ông tới phi trường Changi tại Singapore, sau cuộc họp lịch sử với Tổng Thống Trump ngày thứ Ba. (Ore Huiying/Getty Images)

SINGAPORE - Một ngày sau cuộc gặp gỡ lịch sử, những gì mà thế giới nhận được từ biến cố hi hữu này là được nghe những lời hứa hẹn mà cả Bắc Hàn cũng như Hoa Kỳ đều không nói rõ chi tiết. Trong khi Chủ Tịch Kim Jong Un không phát biểu trước công chúng, Tổng Thống Donald Trump đã nói nhiều và dành những lời tốt đẹp nhất mà ông có thể nói dành cho Bắc Hàn. Tại Hoa Kỳ thì một số chính khách cho rằng Mỹ đã bị thua thiệt, vì Bắc Hàn không cân xứng với sự nhượng bộ của nước lớn như Hoa Kỳ.

Ông Trump đã lạc quan nói rằng sau nhiều thập niên đối địch, Hoa Kỳ và Bắc Hàn sẵn sàng viết nên một chương mới trong bang giao. Trong cuộc họp thượng đỉnh ngày thứ Ba, lãnh tụ cộng sản Bắc Hàn cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hủy diệt một cơ sở thí nghiệm mà ông không nói rõ là ở đâu trong số rất nhiều cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn.

Tuy vậy, Tổng Thống Donald Trump nói rằng Bắc Hàn có tiềm năng trở thành một “nơi chốn tuyệt vời.” Trump nói thêm rằng không có “giới hạn” đối với những điều mà nước này có thể đạt được khi từ bỏ vũ khí hạt nhân và đón nhận thương mại.

Trump đã phát biểu khá nhiều trong cuộc họp báo kéo dài hơn một giờ, khi ông kết thúc cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Singapore.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đó, hai nhà lãnh đạo ký một văn bản chung, trong đó ông Kim tái khẳng định rằng ông “cam kết vững chắc và kiên quyết hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.”
Ông Trump cũng cam kết cung cấp những bảo đảm về an ninh cho Bắc Hàn, nhưng không nêu rõ những bảo đảm đó có thể là gì.

Hai bên cũng cho biết họ sẽ cùng nhau xây dựng một chế độ hòa bình “bền vững và ổn định” trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump nói các cuộc thảo luận với ông Kim là “thành thật, trực tiếp và có hiệu quả.”
Ông nói, “Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu một lịch sử mới, và chúng tôi sẵn sàng viết một chương mới giữa hai nước.”

Tổng thống Mỹ nói rằng ngày thứ Ba là khởi đầu của một “tiến trình gian khổ” nhưng “hòa bình luôn luôn là đáng công.”

Trong lễ ký kết, Trump nói rằng ông và Kim đã “tạo một tình thân đặc biệt.”
Trước đó trong ngày, Kim và Trump đã tiến tới và bắt tay nhau tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore, trong lúc cả thế giới cùng theo dõi.

Trong bài diễn văn ông đọc hôm thứ Ba, Trump nói rằng trong tương lai ông sẽ đi Bình Nhưỡng, và sẽ mời ông Kim đến Tòa Bạch Ốc “vào một thời điểm thích hợp.”

Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ "ngưng các cuộc tập trận,” nhắc tới những cuộc diễn tập quân sự chung với Nam Hàn, mà nhiều lần Bắc Hàn nói rằng đó là hành động chiến tranh.

“Những cuộc tập trận đó hết sức tốn kém, số tiền mà chúng tôi chi tiêu cho việc đó là rất lớn. Nam Hàn có đóng góp, nhưng không phải 100%... Tập trận gây nhiều tốn kém, chúng tôi phải trả tiền cho phần lớn những cuộc tập trận, oanh tạc cơ bay từ đảo Gua... trong tình huống rất khiêu khích.”

Bắc Hàn có một kho vũ khí hạt nhân “rất đáng kể.” Nhưng việc giải trừ hạt nhân hóa sẽ bắt đầu “rất, rất sớm,” và sẽ được thực hiện nhanh chóng theo khả năng thực hiện về mặt cơ giới và vật lý, theo ông Trump nói.
Kim đã đồng ý phá hủy một địa điểm thử nghiệm động cơ hỏa tiễn sau khi ký kết thỏa thuận, theo Trump cho biết.

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt trên Bắc Hàn sẽ vẫn còn. Nhưng Tổng Thống Trump nói rằng ông mong muốn loại bỏ những biện pháp đó.

Trung Cộng lên tiếng
Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn có thể sẽ được dỡ bỏ, sau khi Trump và Kim cam hết giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc hiện vẫn đang tham gia các lệnh trừng phạt mạnh tay của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Hàn, tuy nhiên, Bắc Kinh luôn nói rằng, các biện pháp cấm vận nên đi chung với việc hòa đàm.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh sau cuộc họp Trump - Kim, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng nhắc lại rằng Trung Quốc luôn tuân thủ mọi quyết định của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn.

Ông Cảnh Sảng nói, “Theo sắc lệnh Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nếu Bắc Hàn tôn trọng và cư xử phù hợp với các đề nghị của thế giới, các biện pháp trừng phạt có thể được điều chỉnh, bao gồm việc đình chỉ hoặc xóa bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận liên quan.”

Ông Cảnh Sảng thêm rằng, các lệnh trừng phạt vốn không phải là mục tiêu của Trung Quốc, Hội Đồng Bảo An nên hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao hiện nay đối với việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, và đưa đến một giải pháp chính trị cho bán đảo này.

Cũng lên tiếng vào thứ Ba, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng nước này hy vọng Hoa Kỳ và Bắc Hàn có thể đạt được thỏa thuận hòa bình. Bắc Kinh có được lợi ích chiến lược nếu Nam – Bắc Hàn hòa bình, do Trung Quốc lâu nay vẫn lo ngại rằng, một cuộc chiến hạt nhân trên bán đảo Triền Tiên sẽ gây ô nhiễm phóng xạ và gây ra làn sóng người tị nạn tràn vào đại lục.

Nghi ngờ về kết quả cuộc họp
Các nhà phân tích Hoa Kỳ hôm thứ Ba tin rằng, Hoa Kỳ có lẽ đã mất nhiều hơn được trong cuộc họp giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Jun, và cho rằng bản tuyên bố chung mà hai lãnh đạo đã ký vẫn còn thiếu quá nhiều chi tiết.
Ông Victor Cha, giáo sư đại học Georgetown và là chuyên gia về Bắc Hàn, từng được chính phủ Trump cân nhắc bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn, cho rằng cuộc hội nghị là không cần thiết nếu chỉ đạt được một bản tuyên bố chung như vậy. Ông Cha gọi cuộc họp là một cột mốc lịch sử và là một khởi đầu ngoại giao tốt, nhưng cho rằng con đường phía trước vẫn còn rất dài.
Cựu giám đốc NSA và CIA, ông Michael Hayden, nói rằng Hoa Kỳ đã nhượng bộ rất lớn khi đồng ý hoãn cuộc tập trận chung với Nam Hàn, và các nhượng bộ này giúp Bắc Hàn có được lợi thế, vì đã được đối xử ngang hàng trong các cuộc đàm phán. Bà Wendy Sherman, cố vấn chính sách Bắc Hàn thời Clinton và viên chức ngoại giao thời Obama, cho rằng việc hai lãnh đạo gặp gỡ là điều tốt, nhưng bà phản đối việc xếp xen kẽ các lá cờ Mỹ và cờ Bắc Hàn trong cuộc họp, vì cho rằng hai nước hoàn toàn không ngang hàng, và việc sắp xếp này đã giúp Kim Jong Un có được vị thế mà ông ta không xứng đáng có. Theo các chuyên gia, bản tuyên bố chung của 2 lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn vẫn còn rất lỏng lẻo, không nói gì về vai trò của bất kỳ nước nào trong khu vực, và chỉ chứa những nội dung mà ông Kim từng tuyên bố trước đây.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT