Thế Giới

Kim cương hồng Pink Star được bán với giá kỷ lục

Tuesday, 04/04/2017 - 08:21:42

Đây là lần thứ hai Pink Star được đưa ra đấu giá công khai. Năm 2014, viên đá được bán đấu giá tại Geneva ở mức 52 triệu bảng Anh (gần $65 triệu Mỹ kim). Do người mua không đủ khả năng trả tiền, viên đá quý được trả lại cho hãng đấu giá Sotheby's.



Viên kim cương hồng Pink Star hôm thứ Ba đã được bán với mức giá kỷ lục $71.2 triệu Mỹ kim, tại Hong Kong, Trung Quốc. Khi hãng Sotheby's bán đấu giá Pink Star, một khách hàng mua qua điện thoại đã giành được viên kim cương này với mức 553 triệu đô la Hong Kong, tương đương hơn $71.1 triệu Mỹ kim. Mức giá cuối cùng này bao gồm cả phí bảo hiểm cho khách hàng.
Pink Star là viên kim cương hồng lớn nhất từng được đưa ra đấu giá. Công ty DeBeers tìm thấy Pink Star tại châu Phi vào năm 1999. Ban đầu, viên kim cương nặng khoảng 132.5 carat, tuy nhiên sau hai năm mài giũa và đánh bóng, viên đá hiện nặng 59.6 carat. Nó có trọng lượng gấp đôi viên kim cương màu xanh Oppenheimer Blue 14,62 carat, lập kỷ lục vào năm ngoái tại Geneva, với giá 40 triệu bảng Anh, tương đương gần $50 triệu Mỹ kim.
Đây là lần thứ hai Pink Star được đưa ra đấu giá công khai. Năm 2014, viên đá được bán đấu giá tại Geneva ở mức 52 triệu bảng Anh (gần $65 triệu Mỹ kim). Do người mua không đủ khả năng trả tiền, viên đá quý được trả lại cho hãng đấu giá Sotheby's.

Nam Phi Luật Tân có thể thành nơi ẩn náu cho các tay súng ISIS
SINGAPORE – Các chuyên gia quân sự vừa lên tiếng cảnh cáo rằng, các tay súng Nhà Nước Hồi Giáo có xuất xứ là người Đông Nam Á, có thể sẽ quay về tìm cách lập căn cứ tại miền nam Phi Luật Tân, sau khi ISIS bị đẩy lùi ở vùng Trung Đông. Tình trạng bất ổn và vũ khí tràn lan khắp nơi đã biến Mindanao và các đảo lân cận của Phi Luật Tân trở thành địa điểm lý tưởng cho các nhóm cực đoan, theo lời các diễn giả tại hội nghị Milipol tổ chức ở Singapore, bàn về chủ đề an ninh.
Nhà phân tích chống khủng bố Rohan Gunaratna cho biết, ISIS hiện đang tạo ra một lãnh thổ tại miền nam Philippines, và đã chính thức thành lập chi nhánh Đông Á tại đây. Bộ Trưởng Nội Vụ Singapore, ông Shanmugam, cũng nói rằng, miền nam Phi Luật Tân đã trở nên khó kiểm soát, bất chấp các nỗ lực tối đa của Manila. Vì vậy, khu vực này có thể trở thành nơi ẩn náu cho các tay súng quay về từ chiến trường Trung Đông.
Nhiều nước Đông Nam Á từ lâu nay vẫn đang phải vất vả đối phó với các tay súng Hồi giáo. Hàng trăm kẻ cực đoan từ khu vực này, bao gồm cả Indonesia và Malaysia, đã gia nhập ISIS tại Iraq và Syria. Trong bối cảnh Nhà Nước Hồi Giáo đang dần thua trận tại các chiến trường lớn, các tay súng châu Á dự kiến sẽ quay về quê nhà của họ và lập căn cứ. Tại Mindanao, một số nhóm phiến quân Hồi giáo cũng đã tuyên bố trung thành với ISIS. Mối đe dọa tại nam Philippines dự kiến sẽ gia tăng trong năm 2017, vì sự hiện diện của ISIS và các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Bắc Hàn dọa đáp trả nếu bị trừng phạt vì thử vũ khí
Chính phủ Bình Nhưỡng vừa lên tiếng đe dọa rằng, nước này sẽ đáp trả nếu cộng đồng thế giới áp đặt thêm lệnh trừng phạt, liên quan đến các vụ thử vũ khí gần đây của Bình Nhưỡng. Lời đe dọa được đưa ra sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng tự mình giải quyết vấn đề Bắc Hàn, nếu Trung Quốc không chịu can thiệp.
Bắc Hàn đã đẩy mạnh chương trình hỏa tiễn trong những tháng gần đây, và nói rằng nước này đã gần đạt đến khả năng bắn đến lãnh thổ Hoa Kỳ bằng vũ khí nguyên tử. Một số nhà phân tích Hoa Kỳ cho rằng, Bắc Hàn có vẻ như đang chuẩn bị cho 1 cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử mới. Cho đến nay, Bình Nhưỡng đã 5 lần thử nghiệm vũ khí nguyên tử, với 2 lần được thực hiện vào năm ngoái.
Vào hôm thứ Hai, một viên chức Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn đã chỉ trích những lời lẽ cứng rắn của Hoa Kỳ, và cáo buộc cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Hoa Kỳ, Nhật, và Nam Hàn, là hành động diễn tập cho một cuộc xâm lược. Viên chức này nói thêm rằng, bán đảo Triều Tiên đang đến gần bờ vực chiến tranh, và ý nghĩ cho rằng Hoa Kỳ có thể dùng lệnh cấm vận để cản trở sức mạnh nguyên tử của Bình Nhưỡng chỉ là một giấc mơ hoang đường. Đại diện Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn khẳng định, vì Hoa Kỳ kích động mâu thuẫn chống lại Bình Nhưỡng, nước này không còn cách nào khác ngoài việc thực hiện các hành động đáp trả cần thiết. Thông điệp của Bắc Hàn được đưa ra ngay trước cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida.

Nam Hàn phản ứng trước hành động trả đũa kinh tế của Trung Quốc
SEOUL – Chính phủ Nam Hàn đang đẩy mạnh các biện pháp phản đối chính thức chống lại Trung Quốc, trước các hành động gây áp lực kinh tế, liên quan đến việc Seoul định lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ. Trong những ngày gần đây, các cơ quan chính phủ, các nhà lập pháp, và các viên chức cấp cao của Nam Hàn, đều công khai chỉ trích Trung Quốc đã vi phạm các quy định thương mại quốc tế. Đây là sự thay đổi đáng kể trong thái độ của Seoul, vốn trước đây vẫn tỏ ra khá thận trọng vì phải tìm cách cân bằng mối quan hệ với Hoa Kỳ, một đồng minh lâu năm, và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất quốc gia.
Bắc Kinh vẫn thường dùng sức mạnh kinh tế để hậu thuẫn cho các mục tiêu chính trị, ngoại giao, nhưng ít khi trả đũa mạnh tay như đối với Nam Hàn hiện nay. Để đáp lại, Seoul mới đây thực hiện một loạt hành động, bao gồm việc gởi thư chính thức đến các bộ ngoại giao, thương mại, và bộ an ninh của Trung Quốc, yêu cầu ngừng các hành động trả đũa nhắm vào tập đoàn Lotte của Nam Hàn. Ngoài ra, các nhà lập pháp Nam Hàn cũng vừa chuẩn thuận 1 nghị quyết hiếm hoi, cáo buộc việc Trung Quốc ngăn cấm các tour du lịch đến Nam Hàn và việc gây khó dễ cho các công ty Nam Hàn, là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Vào tuần trước, trong hội nghị thương mại thế giới tại Seoul, phó Ngoại Trưởng Nam Hàn Ahn Chong-ghee cũng cáo buộc, các hành động trả đũa của Trung Quốc là vi phạm quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đến vùng Bomdila của Ấn Độ
BOMDILA - Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, vào hôm thứ Ba đã đến vùng Bomdila, thuộc tỉnh Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Ngài khởi hành từ vùng Guwahati tại Assam, và đi đường bộ đến Bomdila. Đức Lạt Lai Lạt Ma dự kiến sẽ có một cuộc nói chuyện trước công chúng tại Bomdila vào thứ Tư.
Trước đó, tại Assam, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có cuộc hội ngộ cảm động với một cựu quân nhân, người đã từng hộ tống ngài đến Ấn Độ an toàn, sau khi vị lãnh đạo tinh thần này phải rời khỏi Tây Tạng sau cuộc nổi dậy thất bại chống lại chính quyền Trung Quốc vào tháng 3, 1959. Ông Naren Chandra Das, 79 tuổi, cựu quân nhân về hưu, là 1 trong 5 quân nhân đã hộ tống đức Đạt Lai Lạt Ma đến tu viện Tawang ở vùng đông bắc tỉnh Arunachal Pradesh – một khu vực biên giới nhạy cảm đang được New Delhi kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang trong chuyến thăm 12 ngày đến vùng đông bắc Ấn Độ. Ngài dự kiến sẽ về thăm Tawang vào ngày 6, hoặc trễ nhất là ngày 7 tháng 4. Đức Đạt Lai Lạt Ma vốn dự định sẽ đến Tawang vào hôm thứ Ba, nhưng hành trình bị trì hoãn do thời tiết xấu. Tại Tawang, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ dự lễ khai trương tu viện Thupsung Dhargyeling, và dự một hội thảo Phật giáo. Trong khi đó, chính phủ New Delhi cũng đáp trả một cách cứng rắn trước sự phản đối của Trung Quốc về chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma, bằng cách yêu cầu Bắc Kinh không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Ấn Độ.

Chú của tổng thống Syria bị tịch thu tài sản ở Tây Ban Nha
PUERTO BANUS – Tòa án Tây Ban Nha hôm thứ Ba đã tịch thu hàng triệu euro tài sản thuộc sở hữu của 1 người chú của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad và các phụ tá của ông ta, vì nghi ngờ những người này phạm tội rửa tiền. Vụ thu giữ tài sản của ông Rifaat al-Assad, một người phản đối chính phủ Bashar al-Assad, diễn ra vào 1 năm sau khi ông Rifaat cũng bị điều tra tại Pháp vì tội gian lận thuế và rửa tiền.
Tòa án Tây Ban Nha đã ra lệnh tịch thu nhiều ngôi nhà nghỉ hè, bãi đậu xe, các căn chung cư sang trọng, và nhiều dinh thự ở ngoại ô miền nam Tây Ban Nha, với giá trị tổng cộng là $736 triệu Mỹ kim. Nhà chức trách Pháp trước đó đã nghi ngờ ông Rifaat có được các tài sản ở Pháp một cách trái phép, nên đã mở cuộc điều tra và phát hiện ông này sở hữu nhiều bất động sản ở các vùng đất du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha là Puerto Banus và Marbella.
Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng tham gia điều tra, và các quá trình pháp lý bắt đầu khởi sự tại Tây Ban Nha vào tháng 12 năm ngoái. Sau khi rời khỏi Syria và sống lưu vong từ thập niên 80, ông Rifaat al-Assad bị nghi đã dùng tiền lấy từ công quỹ quốc gia để mua các tài sản ở nước ngoài. Tổng cộng, nhà chức trách Tây Ban Nha đã thu giữ 503 bất động sản, bao gồm cả một nông trại rộng hơn 33 triệu mét vuông, với giá thị trường khoảng 60 triệu euro. Nhiều trương mục ngân hàng có liên quan đến ông Rifaat cũng bị đóng băng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT