Thế Giới

Kim cương hồng lớn nhất thế giới dự kiến có giá $30 triệu

Sunday, 15/10/2017 - 08:53:26

Trước đó, hãng Sothebys đã lập kỷ lục khi bán viên kim cương hồng Graff Pink với giá $46.2 triệu Mỹ kim, tương đương $1.86 triệu Mỹ kim/carat, vào tháng 11, 2010. Với 24.78 cara, Graff Pink nhỏ hơn Raj Pink và có màu sắc nhạt hơn.



LONDON – "Raj Pink", viên kim cương hồng lớn nhất thế giới, với "kích thước và màu sắc tuyệt vời,” dự kiến sẽ được bán với giá lên tới $30 triệu Mỹ kim ở Geneva vào tháng tới. Viên kim cương có trọng lượng 37.30 carat, được hãng đấu giá Sotheby's trưng bày cũng nhiều món nữ trang quý giá tại London, Anh vào tuần trước. Ông David Bennett, người đứng đầu bộ phận đồ trang sức quốc tế của Sotheby, cho biết: “Bất kỳ viên kim cương hồng nào cũng đều đặc biệt, nhưng kích thước và màu sắc tuyệt vời của Raj Pink khiến nó trở thành một trong những viên kim cương hồng quan trọng nhất từng được biết đến.”
Viên kim cương này sẽ là tiêu điểm của cuộc đấu giá Magnificent Jewels and Noble Jewels tại Geneva vào ngày 15 tháng 11. Sau khi được phát hiện vào năm 2015, viên kim cương thô nguyên thủy của Raj Pink đã được nghiên cứu trong hơn 1 năm, để tìm phương pháp gọt giũa tối ưu. Viện đá quý hoa kỳ Gemological of America (GIA) đánh giá viên kim cương này là một viên “đá kỳ diệu”, mang “màu hồng rực rỡ và quyến rũ".
Trước đó, hãng Sothebys đã lập kỷ lục khi bán viên kim cương hồng Graff Pink với giá $46.2 triệu Mỹ kim, tương đương $1.86 triệu Mỹ kim/carat, vào tháng 11, 2010. Với 24.78 cara, Graff Pink nhỏ hơn Raj Pink và có màu sắc nhạt hơn.

Dùng ảo ảnh để ngăn người lạ chạy trong hành lang
ANH QUỐC - Quá mệt mỏi với việc nhiều người chạy ầm ầm qua hành lang của khu trưng bày, một công ty bán gạch lót sàn tại Anh đã thiết kế lại sàn nhà, tạo ảo giác như sàn nhà bị trũng xuống, khiến ai cũng phải e ngại và giảm tốc độ khi đi qua. Sau khi tạo ra sàn nhà ảo ảnh, showroom trưng bày sản phẩm của hãng gạch men Casa Ceramica bỗng trở nên nổi tiếng, thu hút rất nhiều người muốn đến nhìn tận mắt. Tuy ảo ảnh chỉ thật sự có tác dụng với hướng nhìn từ ngoài vào trong, nhưng thiết kế của hãng Casa Ceramica được coi là một sản phẩm độc đáo, khiến những người đến xem đều có cảm giác lạ lùng và thích thú.

Người Trung Quốc chi hàng ngàn Mỹ kim để học quy tắc xã giao
QUẢNG CHÂU – Khi cuộc sống ngày càng giàu có, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẵn sàng chi đến $5,400 Mỹ kim, để tham gia khóa học do bà June Dally-Watkins, cựu người mẫu nổi tiếng và một chuyên gia về quy tắc xã giao người Úc, giảng dạy. Lớp học của bà Dally-Watkins diễn ra tại một khách sạn sang trọng ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, với 30 học viên cả nam và nữ. Họ được người phụ nữ hơn 90 tuổi này hướng dẫn từ cách ăn, đứng, ngồi và thậm chí là cách ôm chào hỏi phù hợp.
Bà Dally-Watkins cho biết dáng điệu là chìa khóa của vấn đề. "Họ phải có một tư thế tốt. Họ không được cúi xuống khi ăn, không được há miệng quá lớn,” bà nói. Bà Dally-Watkins bắt đầu mở trường dạy quy tắc xã giao ở Sydney từ năm 1950. Năm 2014, bà mở các lớp dạy xã giao ở Quảng Châu. Khóa học 4 ngày hiện có giá $5,400 Mỹ kim mỗi người. Trong bối cảnh giới trung lưu của Trung Quốc ngày càng phát triển, bà Dally-Watkins chứng kiến nhu cầu theo học tăng theo cấp số nhân trong những năm qua. Các lớp dạy kỹ năng giao tiếp của bà được mở ra ở 5 thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
Cô Yang Jiatao, 16 tuổi, được mẹ khích lệ tham gia khóa học. "Tôi muốn trở thành người giống bà Dally để giúp nhiều người khác biết cách giao tiếp và có các kỹ năng xã hội,” Jiatao nói. Một thành viên khác, bà Wang Lijuan, 55 tuổi, lặn lội từ tỉnh Vân Nam đến Quảng Châu sau khi nhìn thấy sự "lột xác" của con gái nhờ khóa học này. "Nhiều phẩm chất tốt có vẻ đã biến mất trong thế hệ trẻ nước tôi. Tôi cảm thấy phải tìm và lấy lại những phẩm chất đó,” bà nói.

Quốc gia hạnh phúc thứ 4 thế giới bán quyền công dân bằng Bitcoin
VANUATU - Quốc gia có hộ chiếu "mạnh" thứ 34 thế giới và đứng thứ 4 về chỉ số hạnh phúc toàn cầu đang rao bán quyền công dân với giá tính bằng Bitcoin. Vanuatu, một quốc gia gồm khoảng 80 hòn đảo tại Nam Thái Bình Dương, đang mở bán "quyền công dân đầu tư" cho người nước ngoài và chấp nhận nhà đầu tư trả tiền bằng tiền ảo. Mức giá mà quốc gia này đưa ra để người nước ngoài trở thành công dân hợp pháp và sở hữu passport Vanuatu là $280,000 Mỹ kim, nhận trả bằng Bitcoin. Người mua quyền công dân có thể ghi danh thêm 3 thành viên gia đình khác để nhận hộ chiếu.
Vanuatu từng là quốc gia hạnh phúc nhất vào năm 2006, năm đầu tiên danh sách này được công bố, và hiện đang đứng ở vị trí thứ 4. Với mức giá $5,745 Mỹ kim một Bitcoin vào ngày 14 tháng 10, người mua sẽ phải trả tổng cộng 48.73 Bitcoin để trở thành công dân của Vanuatu. Với một gia đình 4 người, trung bình mỗi hộ chiếu sẽ có giá hơn 12 Bitcoin. Vanuatu không phải là đảo quốc duy nhất rao bán quyền công dân. Danh sách này còn bao gồm các quốc đảo như Antigua, Grenada, Malta và St. Kitts & Nevis. Tuy nhiên đây lại là quốc gia đầu tiên cho phép người mua quốc tịch trả bằng tiền Bitcoin.
Quyền công dân của Vanuatu mang lại cho người mua một số lợi ích rất lớn. Passport của quốc gia này là hộ chiếu "mạnh" thứ 34 thế giới, miễn visa khi du lịch tới 116 quốc gia. Để so sánh, passport Hoa Kỳ được tổ chức Passport Index xếp hạng thứ 4, trong khi Nga đứng thứ 40. Vanuatu còn không có thuế thu nhập cá nhân, không có thuế thụ hưởng tài sản, không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Đất nước này cách thành phố Sydney, Úc, 3.5 giờ bay. Dân số của Vanuatu chỉ khoảng 290,000 người, và với khả năng tài chính tốt, bạn hoàn toàn có thể mua một hòn đảo riêng để sinh sống. Đảo rẻ nhất tại quốc gia này có giá khoảng $645,000 Mỹ ki, có bãi biển, một vài bungalow nghỉ ngơi, một khu bếp ngoài trời, và được phủ xanh bởi cây dừa và cây ăn trái.

Băng giá bất thường khiến 36,000 chim cánh cụt chết ở Nam Cực
NAM CỰC - Khoảng 36.000 con chim cánh cụt Adelie đã chết bởi thiếu thức ăn tại Nam Cực trong thời gian mùa sinh sản của chúng. Vùng đất Terre Adelie, lãnh thổ của loài chim cánh cụt Adelie, đã chứng kiến cái chết của hơn 36,000 cá thể chim cánh cụt sơ sinh. Chỉ 2 cá thể mới sinh của đàn cánh cụt nêu trên sống sót sau thảm họa. Nguyên nhân của thảm họa sinh học được cho là do băng đá nhiều bất thường bao phủ vùng biển phía đông Nam Cực, khiến chim cánh cụt bố mẹ gặp khó khăn trong việc tìm thức ăn để duy trì sự sống cho con non.
"Diện tích băng đá tăng khiến các cá thể bố mẹ phải di chuyển xa hơn 100 cây số so với mọi năm", Yan Ropert-Coudert, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho biết. Các chuyên gia từ Quỹ Động vật hoang dã (WWF) cho biết, thảm họa lần này chỉ xảy đến với một đàn chim cánh cụt riêng biệt ở Adelie. Nam Cực sẽ ấm dần lên, băng đá sẽ tan bớt. Tuy nhiên, điều này sẽ có thể gây ra những thách thức khác trong tương lai. WWF đang kêu gọi các chính phủ ban hành lệnh cấm đánh cá tại vùng biển phía đông Nam Cực, để giảm sự cạnh tranh nguồn thức ăn với chim cánh cụt Adelie, đồng thời bảo tồn các loài sinh vật khác.
Các biện pháp nhằm giải cứu các loài sinh vật Nam Cực sẽ được thảo luận trong buổi họp của Ủy ban Bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR), dự kiến diễn ra vào ngày 16 tháng 10. Trước đó, khoảng 150,000 con chim cánh cụt Adelie đã chết trong năm 2015, sau khi một tảng băng trôi khổng lồ mắc kẹt bao vây vịnh Commonwealth tại Nam Cực, khiến đàn chim cánh cụt không thể đi tìm thức ăn.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT