Sức Khỏe

Kiệt sức vì sức nóng

Friday, 03/08/2018 - 08:55:31

Tập thích nghi. Giảm bớt thời gian làm công việc nặng hoặc tập thể dục dưới sức nóng cho đến khi cơ thể bạn thích nghi. Những người không quen với thời tiết nóng đặc biệt dễ bị bệnh liên quan đến nhiệt. Có thể mất vài tuần để cơ thể bạn điều chỉnh theo thời tiết nóng.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Mùa hè năm nay nóng hơn các năm trước ở khắp nơi. Hầu như tuần nào cũng có tin liên quan đến việc các em bé hay thú nuôi bị bỏ quên trong xe khóa kín đậu dưới ánh mặt trời gay gắt, khiến các nạn nhân đáng thương này phải chết. Nhiệt độ trong xe có thể tăng lên rất nhanh, đưa đến các hội chứng liên quan đến sức nóng như kiệt sức vì sức nóng.
Kiệt sức vì sức nóng là một tình trạng có các triệu chứng như toát mồ hôi nặng và tim đập nhanh,do cơ thể bị quá nóng. Đây là một trong ba hội chứng do sức nóng gây ra, từ nhẹ đến năng nhất, gây ra tử vong: heat cramps (chuột rút do sức nóng), heat exhaustion (kiệt sức vì sức nóng) và heatstroke (đột quị vì sức nóng).
Nguyên nhân của kiệt sức vì sức nóng là tiếp xúc với nhiệt độ cao, đặc biệt khi độ ẩm cao, và hoạt động thể lý quá mạnh. Nếu không điều trị kịp thời, heat exhaustion có thể dẫn đến heatstroke, một tình trạng có thể gây ra tử vong.

Triệu chứng
Triệu chứng kiệt sức có thể xảy ra đột ngột hoặc dần dần, đặc biệt là khi tập thể dục quá lâu, bao gồm:
· Da mát, ẩm, nổi da gà khi tiếp xúc với sức nóng
· Ra mồ hôi rất nhiều
· Ngất xỉu
· Chóng mặt
· Mệt mỏi
· Mạch yếu, nhanh
· Huyết áp thấp khi đứng
· Bắp thịt bị chuột rút
· Buồn nôn
· Đau đầu

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị kiệt sức vì sức nóng, hãy:
· Dừng tất cả hoạt động và nằm nghỉ
· Di chuyển đến nơi mát hơn
· Uống nước lạnh hoặc đồ uống thể thao
Liên lạc với bác sĩ nếu các triệu chứng nặng lên hoặc không nhẹ bớt trong vòng một giờ. Nếu bạn đang ở chỗ một người có dấu hiệu kiệt sức do sức nóng, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu người đó trở nên lẫn lộn hoặc kích động, bất tỉnh hoặc không thể uống được. Bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp và làm mát ngay lập tức nếu nhiệt độ cơ thể (đo bằng nhiệt kế trực tràng) lên tới 104 F (40 C) hoặc cao hơn.

Nguyên nhân

Sức nóng của cơ thể kết hợp với sức nóng của môi trường tạo nên nhiệt độ cốt lõi - nhiệt độ bên trong cơ thể. Cơ thể cần điều chỉnh sự tăng nhiệt (và, trong thời tiết lạnh, sự mất nhiệt) từ môi trường để duy trì nhiệt độ cốt lõi bình thường, khoảng 98,6 F (37 C).

Khi cơ thể không thể tự làm mát
Khi thời tiết nóng, cơ thể tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Mồ hôi bốc hơi khiến nhiệt độ cơ thể được điều chỉnh. Tuy nhiên, khi bạn tập thể dục quá sức trong thời tiết nóng ẩm, cơ thể bị giảm khả năng tự làm mát một cách hiệu quả.

Kết quả là cơ thể có thể bị chuột rút do nhiệt, dạng nhẹ nhất của các hội chứng liên quan đến nhiệt. Các dấu hiệu và triệu chứng của chuột rút do nhiệt thường bao gồm đổ mồ hôi nhiều, mệt mỏi, khát nước và chuột rút. Điều trị kịp thời thường ngăn ngừa chuột rút tiến triển đến kiệt sức do nóng.
Có thể điều trị chuột rút bằng cách uống nước hoặc đồ uống thể thao có chứa chất điện giải (Gatorade, Powerade,...), dời vào chỗ mát như nơi có máy lạnh hoặc bóng râm và nằm nghỉ.

Các nguyên nhân khác

Ngoài thời tiết nóng và hoạt động thể lý mạnh, các nguyên nhân gây kiệt sức do nhiệt khác gồm có:
· Bị khô nước khiến làm giảm khả năng đổ mồ hôi của cơ thể và duy trì nhiệt độ bình thường
· Uống rượu, có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể
· Mặc quá nhiều quần áo, nhất là những quần áo làm mồ hôi không bay hơi dễ dàng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị kiệt sức vì sức nóng

Bất cứ ai cũng có thể bị kiệt sức do nhiệt, nhưng một số yếu tố làm tăng độ nhạy cảm với nhiệt, gồm có:
· Tuổi trẻ hoặc tuổi già. Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi dễ bị kiệt sức do nhiệt hơn. Khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể chưa được phát triển đầy đủ ở trẻ nhỏ và có thể bị giảm do bệnh tật, thuốc men hoặc các yếu tố khác ở người lớn tuổi.

· Một số loại thuốc. Các loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và phản ứng thích hợp với nhiệt của cơ thể bao gồm những thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp cao và các vấn đề về tim (thuốc ngăn beta, thuốc lợi tiểu), giảm các triệu chứng dị ứng (thuốc kháng histamin), bình tĩnh (thuốc an thần) hoặc giảm các triệu chứng tâm thần như ảo giác (antipsychotics). Ngoài ra, một số loại thuốc bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine và amphetamine, có thể làm tăng nhiệt độ cốt lõi của bạn.

· Béo phì có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể và làm cho cơ thể giữ nhiều nhiệt hơn.
· Thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu không quen với sức nóng, bạn dễ bị các bệnh liên quan đến nhiệt hơn, chẳng hạn như kiệt sức do nhiệt. Đi du lịch từ nơi lạnh đến nơi khí hậu ấm hoặc sống trong một khu vực bị cơn nóng sớm có thể khiến bạn có nguy cơ bị các hội chứng liên quan đến nhiệt vì cơ thể không có cơ hội làm quen với nhiệt độ cao hơn.

· Chỉ số nhiệt cao. Chỉ số nhiệt là con số duy nhất xem xét cả nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời ảnh hưởng đến việc bạn cảm thấy ra sao. Khi độ ẩm cao, mồ hôi không thể bốc hơi dễ dàng và cơ thể có nhiều khó khăn trong việc tự làm mát, làm cho bạn dễ bị kiệt sức do nóng và đột quỵ do nóng. Khi chỉ số nhiệt là 91 F (33 C) hoặc cao hơn, bạn nên tìm cách giữ mát.

Biến chứng

Không được điều trị, kiệt sức do nóng có thể dẫn đến heatstroke (đột quỵ do nóng), một tình trạng đe dọa tính mạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể cốt lõi của bạn đạt đến 104 F (40 C) hoặc cao hơn. Say nắng đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho óc và các cơ quan quan trọng khác

Phòng ngừa

Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn tình trạng kiệt sức do nhiệt và các bệnh liên quan đến nhiệt khác. Khi nhiệt độ tăng lên, hãy nhớ:

Mặc quần áo rộng rãi làm bằng chất liệu nhẹ. Mặc quần áo quá nhiều hoặc quá chật sẽ làm cơ thể không thể tự làm mát được.

Tránh bị cháy nắng. Bị cháy nắng ảnh hưởng đến khả năng tự làm mát cơ thể, vì vậy khi ra ngoài hãy đội mũ rộng vành, đeo kính râm và bôi kem chống nắng có SPF ít nhất là 15. Nên bôi thật nhiều kem chống nắng và bôi lại cách mỗi hai giờ - hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi.

Uống nhiều nước. Cơ thể đủ nước sẽ giúp đổ mồ hôi và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường.
Cẩn thận khi đang dùng một số loại thuốc. Cần để ý đến các triệu chứng của những bệnh liên quan đến nhiệt nếu bạn đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và giải nhiệt của cơ thể.

Không để "quên" bất cứ ai trong một chiếc xe đậu. Đây là nguyên nhân thường thấy gây tử vong do sức nóng quá lớn ở trẻ em. Khi đậu xe trong ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe của bạn có thể tăng thêm 20 độ F (hơn 6,7 độ C) trong 10 phút. Không để bất cứ ai ở lại trong xe khi thời tiết đang nóng, dù có mở hé cửa hay đậu trong bóng râm.

Nên nghỉ ngơi trong những giờ nóng nhất của ngày. Nếu bắt buộc phải làm các hoạt động nặng nhọc trong thời tiết nóng, hãy uống nước nhiều và nghỉ ngơi thường xuyên ở nơi thoáng mát. Nên tập thể dục hoặc lao động thể lý vào những giờ mát hơn trong ngày, chẳng hạn như sáng sớm hoặc buổi tối.

Tập thích nghi. Giảm bớt thời gian làm công việc nặng hoặc tập thể dục dưới sức nóng cho đến khi cơ thể bạn thích nghi. Những người không quen với thời tiết nóng đặc biệt dễ bị bệnh liên quan đến nhiệt. Có thể mất vài tuần để cơ thể bạn điều chỉnh theo thời tiết nóng.

Cẩn thận khi bạn có những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh liên quan đến nhiệt. Nếu bạn dùng thuốc hoặc bị bệnh làm tăng nguy cơ bị bệnh liên quan đến nhiệt, chẳng hạn như từng bị bệnh do nhiệt trước kia, nên tránh chỗ nóng và hành động nhanh chóng nếu bạn nhận thấy mình có những triệu chứng bệnh. Nếu bạn tham gia vào một sự kiện thể thao phải gắng sức nhiều hoặc hoạt động nặng trong thời tiết nóng, hãy ở gần những nơi có các dịch vụ y tế.

Cấp cứu kiệt sức vì sức nóng

Nếu không được điều trị, kiệt sức do nhiệt có thể dẫn đến đột quỵ do nhiệt (heatstroke), một tình trạng đe dọa tính mạng. Nếu bạn nghi ngờ một người bị kiệt sức do nhiệt, hãy thực hiện các bước này ngay lập tức:
Di chuyển người đó ra khỏi chỗ nóng, vào một nơi râm mát hoặc có máy lạnh.
Đặt người đó nằm xuống, nâng cao chân và bàn chân một chút.
Cởi bỏ quần áo bó sát hoặc nặng.
Cho người đó uống nước lạnh hoặc đồ uống không có chất rượu và không có caffeine.
Làm mát người bằng cách phun nước hoặc lau nước mát và bật quạt.
Theo dõi cẩn thận người đó.
Liên lạc với bác sĩ nếu các dấu hiệu hoặc triệu chứng nặng thêm hoặc nạn nhân không bớt trong vòng một giờ.
Gọi số 911 hoặc số điện thoại khẩn cấp tại địa phương khi nạn nhân:
Ngất xỉu
Bị kích động
Bị lẫn lộn
Động kinh
Không thể uống nước
Nhiệt độ cơ thể lõi - đo bằng nhiệt kế trực tràng - lên tới 104 F (40 C) (heatstroke)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT