Hoa Kỳ

Kiến điên loại kiến lửa, xâm lăng Texas

Tuesday, 29/03/2022 - 09:26:13

"Đây là một sinh vật gây nguy hại. Chúng không chỉ phá hủy hệ sinh thái mà còn làm rối loạn cuộc sống của con người.”


(Alabama Cooperative Extension System)

 

Một loài kiến ngoại lai hung dữ, có khả năng tiết ra formic acid độc hại, đang xâm lấn tiểu bang Texas, đe dọa các loài động vật bản địa, kể cả đồng loại kiến như kiến lửa. Có nguồn gốc từ Argentina và Brazil, kiến nâu điên (Tawny crazy ant), hay còn gọi là kiến điên Rasberry đã "quá giang" tàu thủy vượt đại dương để đến Hoa Kỳ và nhanh chóng sinh sôi nảy nở.

 

Chúng đang tràn vào các vùng đất ở Texas, tiêu diệt côn trùng và thằn lằn bản địa, xua đổi chim chóc, thậm chí làm mù cả thỏ con bằng cách phun acid vào mắt.

 

Kiến nâu điên được gọi là kiến điên vì cách di chuyển nhanh và thất thường, không giống "cuộc hành quân có trật tự" như các loài họ hàng của chúng. Mặc dù không có nọc độc như kiến lửa, kiến nâu điên có thể tiết ra chất độc formic acid để tự vệ trước kẻ thù hoặc làm mất khả năng sinh sản của động vật bản địa.

 

"Đây là một sinh vật gây nguy hại,” nhà sinh thái học Edward LeBrun, người đã chứng kiến những đàn kiến điên xâm lấn Công Viên Estero Llano Grande ở Texas, cho biết. "Chúng không chỉ phá hủy hệ sinh thái mà còn làm rối loạn cuộc sống của con người.”

 


(The University of Texas at Austin)

 

Kiến điên có xu hướng làm tổ trên các hệ thống điện, gây chạm điện, hư hại máy móc. Một số biện pháp kiểm soát kiến điên, bao gồm cả việc phun thuốc trừ sâu độc tính cao, đã được thực hiện nhưng chỉ có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của chúng mà không thể tiêu diệt hoàn toàn.

 

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới được công bố hôm 28 tháng 2 trên tạp chí của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ, các nhà khoa học tại Đại Học Texas-Austin đã mang đến một giải pháp mới. Họ phát hiện một mầm bệnh từ nấm có nguồn gốc thiên nhiên, có thể đảo ngược sự xâm lấn tràn lan của kiến điên trên khắp các vùng đông nam Hoa Kỳ.

 

Loại nấm này được gọi là Microsporidia. Nó có thể chiếm đoạt tế bào mỡ của côn trùng và biến chúng thành các "nhà máy" sản xuất bào tử. Nguồn gốc của mầm bệnh không rõ ràng, có lẽ nó đến từ Nam Mỹ hoặc từ một loài côn trùng khác.

 

Trong lúc nghiên cứu những con kiến điên được thu thập ở Florida, ông LeBrun và đồng nghiệp Rob Plowes đã tình cờ khám phá một số con kiến có bụng sưng to bất thường vì mỡ. Nguyên nhân chính là do Microsporidia. Nhóm nghiên cứu đã quan sát 15 đàn kiến điên trong nhiều năm và nhận thấy mọi đàn chứa mầm bệnh đều suy giảm số lượng, trong đó có tới 60% bị tuyệt chủng hoàn toàn.

 

Trong một lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu quyết định đặt những con kiến nhiễm bệnh với những con khỏe mạnh vào cùng một địa điểm làm tổ bên trong công viên, và đặt thức ăn để dụ hai đàn kiến nhập vào nhau. Thử nghiệm đã thành công lớn, khi mầm bệnh lây lan trong đàn kiến, khiến kiến điên biến mất khỏi công viên trong vòng vài năm.

 

Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục thử nghiệm phương pháp kiểm soát sinh học mới của họ, tại các môi trường sống của kiến điên tại Texas vào mùa xuân năm nay.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT