Văn Nghệ

Kịch Hamlet và vũ đoàn Việt Cầm

Friday, 08/07/2016 - 11:29:02

Mỗi lớp diễn của vở kịch đều được các diễn viên chính, phụ diễn đạt rất tuyệt cùng tài nghệ dàn dựng của đạo diễn giúp người xem hiểu hơn về những góc khuất tăm tối nhất của con người.

Bài BĂNG HUYỀN

Vũ đoàn Việt Cầm diễn trên sân khấu kịch Hamlet
“Hamlet” là một kiệt tác kinh điển của kịch tác gia tiêu biểu người Anh William Shakespeare (1564-1616). Ông là nhà thơ, nhà viết kịch đầu tiên ở nước Anh và là tác giả tiêu biểu nhất trong thời kỳ văn hóa phục hưng Châu Âu, được mệnh danh là "linh hồn của thời đại". Năm 2016 là năm kỷ niệm 400 năm ngày mất của kịch tác gia William Shakespeare, là “Năm Shakespeare toàn cầu 2016”, nên ban giám đốc và ban quản trị của rạp hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater (Địa chỉ 12762 Main St. Thành phố Garden Grove, CA 92840) đã dàn dựng “Hamlet” để diễn tại rạp, bắt đầu mở màn từ ngày 25 tháng 6 năm 2016 và sẽ diễn mỗi tối (từ 8 giờ đến 11 giờ) thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy hằng tuần, kéo dài đến ngày 23 tháng 7 năm 2016.

Diễn viên David Denman trong vai Hamlet (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)



Đã 4 thế kỷ trôi qua từ thời nhà viết kịch William Shakespeare viết “Hamlet” (được viết khoảng năm 1601), là một kịch bản vào hàng chuẩn mực cả về nội dung và nghệ thuật. “Hamlet” đã từng được dựng với hàng nghìn phiên bản sân khấu, điện ảnh ở khắp nơi trên thế giới. Vậy “Hamlet” của nhà hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater được dựng lần này có hơi thở mới như thế nào trong thế kỷ 21? Có cuốn hút không? Có đủ sức kéo khán giả đến rạp không? Nhất là những khán giả gốc Việt sống rất đông tại thành phố Gadern Grove, nơi đóng đô của nhà hát và cả những khán giả gốc Việt khác sống ở những thành phố lân cận trong quận Cam?

Vai vua Claudius của diễn viên Jahn Walcutt cùng diễn viên Tess Lina trong vai hoàng hậu Gertrude (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)


Theo người viết (đã dự đêm diễn mở màn vở diễn “Hamlet” đạo diễn Peter Uribe của nhà hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater) thì đây là một vở kịch được dàn dựng rất cuốn hút và đủ sức giữ chân các khán giả nói chung và khán giả người Việt nói riêng ngồi xem hết vở diễn. Dù các diễn viên nói tiếng Anh, mà lại là ngôn ngữ của tác giả Shakespeare cách nay 400 năm, nhưng “Hamlet” là câu chuyện mà hầu hết các khán giả đều thuộc nằm lòng về số phận của hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch trở về nước chịu tang Vua cha, phát hiện ra một âm mưu khủng khiếp: chính chú ruột đã giết cha mình để chiếm ngai vàng và chiếm luôn Hoàng hậu - mẹ của chàng - làm vợ. Chàng quyết định đi tìm bằng được sự thật và tìm cách báo thù cho cha, dù có phải trả giá đắt bằng cái chết của chính mình.

Diễn viên vũ đoàn Việt Cầm (Hình của Vũ đoàn Việt Cầm)


Nhiều khán giả dù không thông thạo Anh ngữ, nhưng nhờ đã biết trước nội dung câu chuyện, thông qua cách đạo diễn đã sử dụng hình tượng, màu sắc, các thiết kế sân khấu giúp người xem hiểu những gì mà đạo diễn muốn thể hiện qua phần dàn dựng độc đáo, diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên và một điều thú vị, giúp vở diễn trở nên gần gũi với khán giả Việt Nam hơn khi đạo diễn Peter Uribe đã khéo léo lồng ghép vào vở diễn chi tiết những nhân vật đào kép của một đoàn kịch được Hamlet mời vào cung điện diễn một vở kể sự tích một vụ mưu sát Vua, trước vở diễn có tiết mục múa “Con Rồng Cháu Tiên” của vũ đoàn Việt Cầm (do Vũ Đình Luân biên đạo). Tiết mục này được đưa vào không hề khiên cưỡng, mà mang một màu sắc độc đáo cho vở diễn khi mà ê kíp diễn viên trong vở kịch mang đậm văn hóa đa sắc tộc của cư dân sống tại quận Cam. Vì vở diễn không chỉ có các diễn viên là người Mỹ trắng, mà vai hoàng hậu Gertrude là diễn viên Tess Lina và vai Laertes (con trai của gian thần Polonius, là anh trai của Ophelia, người yêu của Hamlet) là diễn viên Napoleon Tavale, cả 2 diễn viên này đều là người gốc châu Á, và những diễn viên vai trong vai phụ khác, với nhiều sắc dân khác nhau.

Diễn viên Marisa Costa vai Ophelia (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)



Chắc hẳn những khán giả người Việt đến thưởng thức vở kịch “Hamlet” sẽ đều ít nhiều xúc động, rưng rưng muốn khóc khi nhìn thấy các vũ công của vũ đoàn Việt Cầm trong trang phục cổ của người Việt xưa đứng cùng với các diễn viên trong phục trang cổ Châu Âu, và khi nền nhạc hào hùng, khỏe khoắn của ca khúc Con Rồng Cháu Tiên (nhạc sĩ Trúc Hồ, trích từ CD Đoàn Phi, Y Phương) vang lên câu hát “Việt Nam tiếng gọi nước tôi. Ngàn xưa giữa dòng nổi trôi. Rồng Tiên núi rừng biển khơi. Mẹ Cha mỗi người mỗi nơi. Sầu đau bao giờ sẽ nguôi!... Ôi! Tiếng hát Lạc Long Quân giữa núi rừng vang rền.Tiếng hát Mẹ Âu Cơ giữa biển trời mênh mang. Dưới bóng cờ Văn Lang dấu tích Việt huy hoàng...” đã tạo cho người nghe cảm xúc rạo rực, cùng hình ảnh của các vũ công trong trang phục truyền thống với quạt, cờ, phướn tung bay và những động tác múa mạnh mẽ, bay bổng, đã khắc họa được hình tượng rồng, chim vươn lên tung bay, truyền đi thông điệp ý nghĩa của tác phẩm. Kết màn múa, những tràng pháo tay của khán giả tại rạp hát và cả những diễn viên trên sân khấu trong vai vua, hoàng hậu, Hamlet, các quan, lính, người hầu trong cung điện dành để tán thưởng cho tiết mục múa độc đáo.

Anh Vũ Đình Luân chia sẻ dù anh là người dàn dựng tiết mục này, và đã xem rất nhiều lần các vũ công của mình trình diễn trong nhiều chương trình trước đây, vậy mà trong đêm diễn vở “Hamlet”, anh vẫn rất xúc động khi câu hát Việt Nam vang lên trên sân khấu của người Mỹ, khi khán giả phần lớn là người Mỹ và các diễn viên trên sân khấu cùng chăm chú xem màn múa của vũ đoàn, rồi dành những tràng pháo tay thích thú, kể cả sự phản hồi của các diễn viên sau chương trình rằng họ và người thân bạn bè của họ đi xem vở diễn, rất thích màn múa của vũ đoàn Việt Cầm. Ngay cả diễn viên David Denman trong vai Hamlet, đạo diễn Peter Uribe khi Việt Cầm đến tập, đã đến bắt tay từng diễn viên và anh Đình Luân, khi xong phần của vũ đoàn, đạo diễn lại bắt tay từng người và yêu cầu các diễn viên cùng vỗ tay chào đoàn Việt Cầm ra về. Anh Vũ Đình Luân bày tỏ:

Vai Poloniut (cha của Ophelia và Laertes) của diễn viên Hal Landon Jr (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)


“Tôi rất cảm động, vì thấy mình thành lập đoàn đã 18 năm nay, có nhiều người trong cộng đồng nghĩ rằng vũ đoàn Việt Cầm chỉ là diễn nền cho ca sĩ thôi. Vậy mà không ngờ đi diễn cho người Mỹ, họ lại quý mình như vậy.”

Anh mong rằng những khán giả người Việt hãy đến xem vở diễn này để thưởng thức một vở kịch hay và cảm nhận được cảm xúc khi tiết mục của của Vũ đoàn Việt Cầm diễn vang lên câu hát của Con Rồng cháu Tiên trên sân khấu người Mỹ.

Vai Laertes (con trai của gian thần Polonius, là anh trai của Ophelia) của diễn viên Napoleon Tavale (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)

Nét hấp dẫn của vở kịch
Ngoài màn múa của vũ đoàn Việt Cầm, vở diễn Hamlet còn hấp dẫn khán giả ở sự độc đáo trong dàn dựng của đạo diễn thật mới mẻ khi sử dụng kỹ thuật slow-motion của điện ảnh đưa lên sàn diễn qua phần diễn xuất của các diễn viên trong lớp diễn lễ cưới của hoàng hậu với em chồng Claudius (diễn viên Jahn Walcutt) , hình ảnh một hoàng tử Hamlet đầy cô độc, đau đớn trước cái chết của cha và càng đau hơn khi mẹ mình nhanh chóng tái giá với em trai của chồng trong niềm vui hoan lạc. Hình ảnh các diễn viên trong vòng xoay khiêu vũ với động tác slow-motion hay đứng hình lại như tượng trong mọi động tác đang thực hiện, cả khán phòng lặng yên phăng phắc, âm nhạc ngưng lặng, chỉ còn một Hamlet độc thoại, rồi các hình ảnh náo nhiệt lại tiếp tục, những bước nhảy tiếp tục xoay vòng, âm nhạc và những nụ cười tiếp tục vang lên.


Diễn viên David Denman trong vai Hamlet và Tess Lina trong vai hoàng hậu Gertrude (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)

Hiệu ứng của kỹ thuật ánh sáng cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn. Sân khấu chỉ toàn màu đen xám, luồng ánh sáng có lúc đỏ ối như màu máu tạo cảm giác không gian bí bách, chật chội, tù túng để diễn tả những góc khuất tâm hồn của mỗi con người trong vở diễn, gợi lên cho tâm trạng buồn vui, bối rối, lạnh giá hay âm mưu thủ đoạn đen tối, nỗi đau và thù hận... rất “đắt”.

Đạo diễn đã không hoàn toàn sử dụng nguyên xi như trong kịch bản có hơn 100 nhân vật trong suốt 5 tiếng đồng hồ như nguyên tác. Mà chỉ trong hơn 2 giờ đồng hồ, vở diễn Hamlet của đạo diễn Peter Uribe đã được dàn dựng khéo léo, vì khán giả đến xem hầu như ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện trớ trêu trong số phận của hoàng tử Hamlet, vì vậy đạo diễn dựng rất nhanh những trường đoạn rườm rà của vở diễn, khán giả vẫn cảm được cái hồn của tác phẩm được bày ra gọn ghẽ. Đặc biệt những màn độc thoại và những câu nói nổi tiếng của Hamlet như: “Sống hay không sống? Tồn tại hay không tồn tại? Đan Mạch là một ngục thất hay cả thế giới này là một ngục thất” vẫn được đạo diễn giữ nguyên.

Diễn viên Marisa Costa vai Ophelia thơ ngây, hồn nhiên(Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)



Sức lôi cuốn của vở diễn còn ở khả năng diễn xuất tốt của các diễn viên. Một Hamlet của diễn viên David Denman có sự đĩnh đạc, trí thông minh, tâm hồn cao thượng, nhưng gặp cảnh ngộ đắng cay, luôn hoài nghi, phải giả điên để tìm hiểu sự thật, tự đấu tranh với mình “tồn tại hay không tồn tại”.Những lớp diễn giằng xé nội tâm khi phát hiện ra sự thuật chú mình chính là kẻ thù giết cha, tình yêu nồng nàn dành cho Ophelia, nhưng vì trả thù mà Hamlet phải hy sinh tình yêu ấy.

Vai vua Claudius của diễn viên Jahn Walcutt, là nhân vật phản diện nhưng không thể hiện qua vẻ ngoài đầy hăm dọa, hiểm ác lồ lộ, mà ẩn sau diễn biến nội tâm, thoắt đấy là ánh mắt của một kẻ ác tới tận cùng, sẵn sàng ra tay sát hại anh trai, giết cháu ruột. Nhưng cũng đôi mắt ấy, thoắt sau lại là một sự sợ hãi trước lẽ phải, lương tâm. Ông ta biết được tội ác, ý thức được tội ác nhưng vẫn phạm tội, sám hối đến ngụy biện cho lẽ tồn tại của cái ác, ông ta muốn sám hối, nhưng lại biện minh cho cái xấu, cái sai bằng những việc như cầu Chúa.

Vai vua Claudius của diễn viên Jahn Walcutt cùng Diễn viên David Denman trong vai Hamlet (Hình của nhiếp ảnh gia Jordan Kubat)



Diễn viên Marisa Costa vai Ophelia thơ ngây, hồn nhiên, là một người con gái có trái tim chung thủy, yêu Hamlet hết lòng, cô đau khổ dằn vặt vì mối tình ngang trái, lớp diễn cô quẫn trí, trước khi chết đuối đầy đau thương cho người xem của một Ophelia bấn loạn giữa thế giới thực - giả đảo điên.

Vai hoàng hậu Gertrude là diễn viên Tess Lina một người đàn bà yêu con nhưng sa ngã, nhẹ dạ, yếu đuối, đã tự dày vò những đau khổ, hối hận trước tội lỗi của mình. Trường đoạn hoàng hậu ngấm thuốc độc quằn quại trước khi lìa đời được Tess Lina diễn thật sắc sảo. Poloniut của Hal Landon Jr một lão già ti tiện, giả dối lại nghiêm khắc và độc đoán, tính hay giễu cợt mà xiểm nịnh, sâu cay...

Mỗi lớp diễn của vở kịch đều được các diễn viên chính, phụ diễn đạt rất tuyệt cùng tài nghệ dàn dựng của đạo diễn giúp người xem hiểu hơn về những góc khuất tăm tối nhất của con người.

Hiện vở diễn “Hamlet” vẫn đang được tiếp tục diễn tại rạp hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater (địa chỉ 12762 Main St., Garden Grove, CA 92840) vào tối thứ Năm, thứ Sáu, Thứ Bảy hằng tuần. Vé chương trình có các loại $15, $25 và $40.

Riêng tối thứ Năm dành cho khán giả tùy hỉ trả tiền vé, $1 hay $5 hay nhiều hơn đều được một tấm vé vào xem. Mọi chi tiết về vé và vở diễn, quý vị xem thêm tại trang nhà www.shakespeareoc.org
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT