Người Việt Khắp Nơi

Không còn bí ẩn nữa: Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt

Thursday, 27/10/2011 - 09:10:06

Nhiều người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người thuộc thế hệ đầu tiên, cảm thấy ngại ngùng, lưỡng lự, khi kể về dĩ vãng của mình, vì nhiều lý do khác nhau.

Vanessa White/Viễn Đông


Một bức hình chụp một gia đình tị nạn trong Văn Khố Đông Nam Á thuộc
Thư Viện Langson của đại học UC Irvine, là nơi sẽ lưu trữ toàn bộ Dự Án Lịch Sử
Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) sau khi hoàn tất - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông.

IRVINE, California – Những người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California có một bề dầy lịch sử xoay quanh quá khứ của họ tại Việt Nam, những chuyến hành trình đi sang đất Mỹ, và sự hội nhập vào trong xứ sở quê hương mới của họ.
Bất luận là những điều được cảm nghiệm lần đầu tiên, hoặc được truyền lại qua kiến thức tổ tiên, những người Mỹ gốc Việt này phản ảnh những dòng lịch sử phong phú ấy bằng chính sự hiện diện của mình.
Nhưng còn những câu chuyện không được kể ra thì sao, vì xấu hổ, sợ hãi, hoặc vì cảm thấy bất xứng?
Nhiều người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người thuộc thế hệ đầu tiên, cảm thấy ngại ngùng, lưỡng lự, khi kể về dĩ vãng của mình, vì nhiều lý do khác nhau. Tiến Sĩ Đặng Võ Thúy, người đứng đầu Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) sắp khởi động, nói với nhật báo Viễn Đông như vậy. Chẳng hạn, những chuyện như sống sót từ chiến tranh, dời nơi sinh sống, và tái định cư, tất cả những chuyện ấy đều là những kinh nghiệm gây chấn thương tâm lý, mà nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất đều không muốn làm hồi sinh lại, ngay cả chỉ là trong ký ức của họ. Ngoài ra, cũng có những người cảm thấy rằng những chuyện họ kể không đáng giá bao nhiêu cả.
Thế nhưng, TS. Thúy nói với Viễn Đông rằng dự án VAOHP sẽ đem những căn tính phức tạp bên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California đến với một cử tọa rộng lớn và “đem lại tiếng nói cho cộng đồng bằng một cách thức mà lịch sử chính lưu không thể nào làm được”.


Tiến Sĩ Đặng Võ Thúy, người đứng đầu Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu
Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) ở đại học UC Irvine - ảnh do văn phòng VAOHP cung cấp.

* Dự án VAOHP
TS. Thúy đứng đầu chương trình lịch sử truyền khẩu VAOHP, dưới thẩm quyền của Khoa Nhân Văn thuộc trường đại học University of California, Irvine (UCI). Dự án này sẽ được lưu giữ trong Văn Khố Đông Nam Á (Southeast Asian Archive) của hệ thống thư viện UCI, nổi tiếng trên thế giới. Dự án này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu, cũng như của công chúng, khi dự án được hoàn thành trong ba năm nữa.
Nhận được ngân khoản rộng rãi từ một nhà hiến tặng ẩn danh, mà VAOHP sẽ được phép công bố vào một thời điểm lý tưởng, phản ảnh một sự ý thức và mẫn cảm về mức độ đau thương bên trong cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California, liên quan tới quá khứ của họ.
Mục đích của VAOHP là thu thập, lưu trữ, và phát tán những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, từ trong lòng cộng đồng những người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California. Những cuộc phỏng vấn sẽ được thu âm, cũng như chuyển biên (ghi lại từng chữ thành bản văn), và tất cả những câu chuyện lịch sử truyền khẩu sẽ được đưa lên một trang mạng Internet.
Mặc dù hiện nay bà không thực hiện những cuộc phỏng vấn, TS. Thúy sẽ dạy một lớp về Kinh Nghiệm Người Mỹ Gốc Việt vào mùa đông năm nay. Khóa học này sẽ huấn luyện các sinh viên biết cách thu thập lịch sử truyền khẩu cho dự án VAOHP, cung cấp một nền tảng kiến thức cho họ để tiếp tục sự học tập về lâu về dài trong tương lai.
Bà Vicki Ruiz, khoa trưởng Khoa Nhân Văn của UCI và cũng là thành viên trong ủy ban cố vấn của VAOHP, nói với nhật báo Viễn Đông: “Có một điều rất quan trọng, đó là phỏng vấn các chứng nhân lịch sử, đặc biệt là những bậc cao niên, những người này đã gầy dựng cuộc sống mới cho chính mình và trong khi tạo lập như vậy, thì họ cũng đóng góp vào sự phát triển về kinh tế và văn hóa của Quận Cam, California, và toàn quốc Hoa Kỳ. Dự án này sẽ góp phần vào việc tìm hiểu một cách sâu rộng hơn về lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ”.
Mặc dù TS. Thúy nói với Viễn Đông rằng có sự khẩn cấp trong việc thủ đắc những phần lịch sử của thế hệ đầu tiên, VAOHP vẫn không bị hạn chế vào thế hệ ấy mà thôi. Dự án sẽ bao gồm những căn tính vượt lên khỏi mẫu người tị nạn lâu nay thường được miêu tả, mở rộng ra tới những tiếng nói của những người con lai, người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới tính, hoặc những người Mỹ gốc Việt mới di cư sang Mỹ.
TS. Thúy và phân khoa Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á Châu ở đại học UCI cũng như Giáo Sư Tiến Sĩ Võ Linda, thành viên ủy ban cố vấn VAOHP, đều đã thực hiện những công trình thu thập lịch sử truyền khẩu trong quá khứ và sẽ đưa những phần này vào chung với phần của các sinh viên.
Dự án VAOHP mong mỏi được hợp tác với các tổ chức khác hiện đang làm những dự án về lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt, để cho những ai muốn tiếp cận những bộ lịch sử khác nhau sẽ dễ dàng làm được điều ấy.
Bà Christine Woo, quản thủ thư viện chuyên về nghiên cứu đang làm việc cho Văn Khố Đông Nam Á của UCI, đồng thời đóng vai trò tham vấn cho VAOHP, nói với Viễn Đông: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có nhân viên và ngân quỹ để thu thập và ghi lại những câu chuyện do chính những người trong cộng đồng kể lại. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ đưa cộng đồng đến sử dụng nhiều hơn các tài liệu, bộ sưu tập trong Văn Khố Đông Nam Á, và chính họ sẽ đóng góp thêm hình ảnh, thư từ, nhật ký, và các giấy tờ cá nhân khác vào văn khố ngày càng mở rộng của chúng tôi”.

* Tác động của VAOHP
TS. Thúy nói với nhật báo Viễn Đông rằng VAOHP là một dự án dài hạn, được hoạch định nhằm tồn tại cả hàng trăm năm, để cho những thế hệ tương lai có thể học hỏi về những công lao của những người Mỹ gốc Việt đóng góp cho miền Nam California.
GS. Linda nói với Viễn Đông: “Khi những [câu chuyện] này được đưa lên mạng lưới điện toán, chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu và giáo chức sẽ sử dụng tài liệu vào mục đích giảng dạy, và con cái chúng ta sẽ có thể tiếp xúc với những tài liệu này nhằm học hỏi về lịch sử cộng đồng chúng ta”.
Nhiều người ít khi có dịp tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt, có thể chỉ qua việc tương tác với họ khi đi làm móng ở một tiệm làm đẹp hay đi ăn ở một nhà hàng Việt Nam, bà Woo nói với Viễn Đông. “Lịch sử truyền khẩu của VAOHP không những kết nối người Mỹ gốc Việt với nhau mà còn thuật cho người khác biết về họ qua chính giọng kể của họ”.
Bà Michelle Light, người đứng đầu Những Văn Khố Đặc Biệt của hệ thống thư viện UCI và một người giúp tham vấn cho VAOHP, nói với Viễn Đông rằng dự án này nhằm hỗ trợ ký ức và căn tính cộng động, đem đến kiến thức mới, sự hiểu biết và chữa lành. Bà hy vọng dự án sẽ khởi hứng cho những cuộc đối thoại kéo dài giữa các thế hệ già, trẻ.
GS. Linda nói với Viễn Đông: “Những câu chuyện về việc chúng tôi đến nước Mỹ như thế nào và tại sao, cũng như về những đấu tranh gian khổ mà chúng tôi gặp phải, để xây dựng cuộc sống mới tại đây, đều là một phần quan trọng của lịch sử Hoa Kỳ. Quả thật là một vinh dự khi có thể cộng tác với TS. Đặng Võ Thúy và hỗ trợ cho một dự án quan trọng như thế, đem lại lợi ích cho cộng đồng của chúng tôi”.
Trang mạng của Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt VAOHP: http://sites.uci.edu/vaohp/.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT