Đời Sống Việt

Không Cháu Không Chắt, Tính Sao?

Cao Thu Cúc/Viễn Đông Thursday, 04/04/2013 - 04:59:49

Nhất là nhìn thấy con cái của các bạn tất cả đều là những tấm gương thành đạt, mình rất mừng và rất tự hào. Cộng đồng người Việt Nam chúng ta quả thật đã làm sáng thêm cho hai chữ Việt Nam.

Cao Thu Cúc/Viễn Đông



Sau ba tuần tới Mỹ, và sau khi đã làm xong mọi thủ tục giấy tờ, thăm viếng tiếp đãi bà con, tôi bắt đầu nghĩ tới bạn. Người duy nhất tôi có số điện thoại là Thi. Thi là người bạn thân nhất của tôi trong suốt ba năm học ở Đồng Khánh và Quốc Học ở Huế.
Tôi ở San Jose, Thi ở gần Las Vegas. Thi hớn hở nói trong điện thoại:
- Thu Cúc qua đây chơi, qua ở chơi với mình vài hôm, rồi mình dẫn Thu Cúc đi gặp bạn bè ở đây, tụi nó vui và dễ thương lắm.
Tôi ngồi xe đò Hoàng gần một ngày qua Santa Ana rồi Thi chở tôi về nhà. Nam California vào mùa hè, đường lên Las Vegas nắng nóng gần 100 độ Fahrenheit nhưng bước chân vào nhà Thi thì êm như nhung và mát như lụa. Ngôi nhà hai tầng lộng lẫy huy hoàng. Tôi nói đùa:
- Vào nhà Thi rồi thì mình không muốn đi ra nữa.
Thi cười :
- Mai mốt con của Thu Cúc sẽ mua nhà đẹp hơn thế này nữa, đừng ganh tị quá sớm bạn ơi.

Học hành và thành đạt trên đất Mỹ
Tôi biết gia đình Thi gặp nhiều khó khăn trước khi đi Mỹ. Cũng như đa số các bạn có chồng là sĩ quan trước năm 1975, chồng đi học tập trong trại tập trung, người vợ ở nhà phải lo bảo toàn sinh mạng của các con, vừa lo cho các con phải được học tập để có thể tiếp tục cuộc sống về sau. Đó là một thử thách sống chết, liên quan tới mạng sống và cuộc đời con cái trong tương lai. Tôi nghĩ, chỉ có những người mẹ cao cả, những người mẹ biết nhẫn nhục, biết hy sinh mới có đủ sức mạnh để chu toàn bổn phận cao quý ấy. Khi đặt chân đến nước Mỹ lại là một thử thách khác. Cả hai vợ chồng, tuổi trẻ đã qua, không có nghề nghiệp chuyên môn, phải làm gì để các con có thể tiếp tục con đường trau dồi kiến thức trên một nước có nền giáo dục đứng đầu thế giới này?
Thi kể, cả hai vợ chồng phải đi làm công việc lao động, các con ngày đi học, sau giờ học phải đi làm thêm, con trai đầu chịu hy sinh vì các em, sau ba năm học nurse, đi làm giúp gia đình thêm tiền cho các em đi học cao hơn.
Tôi đến thăm Thi đúng vào dịp gia đình Thi tổ chức mừng kỷ niệm đám cưới 50 năm. Thi chở tôi đến một nhà hàng sang trọng ở khu Phước Lộc Thọ, ở đó các con của Thi đã đưa gia đình của chúng đến đó rồi.
Thi có 4 con gái và một con trai. Bốn con gái đã có chồng có con. Tất cả họp thành từng gia đình nhỏ, rạng rỡ vui tươi trong sự thành công của bản thân và của các con nhỏ mới bắt đầu vào cấp một. Thi nói:
- Các con nhớ dì Thu Cúc bạn của mẹ không? Trước khi đi Mỹ dì có đến thăm mẹ ở Sài Gòn các con nhớ không?
Các con của Thi vẫn dịu dàng lễ phép như ngày nào, chúng ôm chầm lấy tôi mừng rỡ, tôi xúc động quá nước mắt cũng muốn tuôn trào như dòng nước đổ về nguồn.
Thi là một cô giáo xuất thân từ trường Sư Phạm, đã nhiều năm đi dạy học nên Thi biết rõ nên dạy con như thế nào để con cái có thể vừa hội nhập với xã hội Mỹ vừa giữ được những nguyên tắc căn bản của đạo lý làm người, không vội bỏ hết nguồn cội của mình cũng không vội chạy theo lối sống tự do của văn hóa Mỹ. Những con gái của Thi vì vậy, vừa dịu dàng xinh đẹp, vừa có chí học hỏi, nên ngày tốt nghiệp ra trường đã có các chàng trai đón đợi. Và đám cưới của chúng huy hoàng như đám cưới của các hoàng tử và công chúa trong truyện cổ tích. Sau 25 năm, bây giờ chúng đã là những công dân Mỹ, có công việc ổn định, cái nhà thứ nhất trả nợ ngân hàng gần xong và bây giờ chúng đang dự định mua căn nhà thứ hai. Nỗi buồn duy nhất của Thi là con trai chưa chịu lấy vợ. Tôi cũng có nỗi buồn tương tự.
Tôi nhìn gia đình Thi quây quần bên bàn ăn rộng lớn, rạng rỡ trong hạnh phúc. Nhìn họ tôi như thấy được một thứ ánh sáng tỏa ra từ những năm lao động vất vả, từ ý chí mạnh mẽ mà họ phải giữ vững giữa một thế giới đầy cám dỗ vây quanh, của sức kiên trì phấn đấu của cả gia đình. Nguồn sáng tổng hợp của gia đình đã hoàn toàn thay thế bầu không khí đen tối của thời kỳ bão tố trước kia ở Sài Gòn.
Rồi Thi chở tôi đi gặp nhóm bạn bè đang đợi tôi ở Los Angeles, trong một ngôi nhà rực rỡ huy hoàng khác. Nào là Quý, Hương, Hòa, Quỳnh. Tất cả con cái của họ đều đã thành công, thành danh. Người Việt Nam quả thật là một dân tộc thông minh hiếu học, biết chịu đựng gian khổ trong hiện tại để giành lấy một tương lai huy hoàng. Tất cả bạn tôi giờ đây đã là những ông bà ngoại ông bà nội hạnh phúc.
Chồng Quỳnh là bác sĩ, con trai con gái đều là bác sĩ. Quỳnh nói:
- Sao Thu Cúc về vội thế? Ở chơi với mình vài hôm nữa nói chuyện mới đã.
- Gặp các bạn như thế này là quý rồi. Nhất là nhìn thấy con cái của các bạn tất cả đều là những tấm gương thành đạt, mình rất mừng và rất tự hào. Cộng đồng người Việt Nam chúng ta quả thật đã làm sáng thêm cho hai chữ Việt Nam.

Học theo tinh thần cả người Mỹ
Tôi về nhà gậm nhấm nỗi buồn của mình. Tôi ở Việt Nam, các con tôi sau khi học xong đại học, hai con trai và hai con gái đều không chịu lập gia đình như phần đông bạn bè của chúng, chúng ôm giấc mơ đi Mỹ học tiếp. Vất vả nhiều năm, vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX chúng mới dành được học bổng qua Mỹ du học. Đại học Mỹ rộng lớn, thư viện Mỹ là kho kiến thức vô tận, các con tôi như lạc vào cõi thiên đường của những con người ham thích mở rộng kiến thức, nơi thỏa mãn cho chúng tất cả những gì chúng cần thiết, những nghiên cứu mới, những khám phá mới, những lý thuyết mới vân vân và vân vân. Chúng nó say mê học quên cả ngày đêm, quên cả cuộc sống, lấy chuyện học làm niềm vui, con trai quên lấy vợ, con gái quên lấy chồng. Con trai tôi, sau khi học xong tiến sĩ, làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ba năm, bây giờ đang dạy ở một trường đại học nhưng chúng vẫn ôm sách làm người tình trong mộng, làm sao tìm được người tình ngoài cuộc đời?
Con trai tôi vẫn thường nói:
- Qua Mỹ học cho có một chuyên môn rồi kiếm một việc làm để sau này lập gia đình ổn định thì việc đó con đã làm xong rồi. Nhưng con muốn học theo cách của người Mỹ, con muốn nghiên cứu xem người Mỹ đã học như thế nào, đã sống như thế nào, đã nghiên cứu như thế nào, đã làm việc như thế nào để kiến tạo một đất nước như ngày hôm nay. Học theo cách của Mỹ là phải học cho được cốt lõi tinh hoa của họ, nhìn bề ngoài chưa thấy hết đâu. Chuyện này thì con chưa làm được.
Câu nói của con làm tôi nhớ đến một người thầy dạy nó khi còn học ở đại học ở Việt Nam, thầy vẫn đang dạy ở trường đại học Tổng Hợp khoa Toán. Thầy là người có công hằng năm vẫn tìm cách đưa sinh viên Việt Nam qua Mỹ và vài nước khác trên thế giới để tiếp tục con đường nghiên cứu học thuật. Gần hai mươi năm trôi qua, số sinh viên của thầy đã là những nhà toán học hiện đang làm việc rải rác trên các trường đại học của Mỹ không phải là ít. Trong một lần tiếp xúc với thầy, thầy đã nhắc lại một câu nói thầy dùng để nhắn nhủ sinh viên trước khi lên đường:
- Học ở Mỹ về, gặp Mỹ không sợ Mỹ. Học ở Mỹ về, gặp Mỹ còn sợ Mỹ, như vậy là chưa học được gì.
Tôi rất thán phục tinh thần nghiên cứu học thuật của thầy, một tinh thần học hỏi mà ít người Việt Nam nghĩ đến. Và tôi cũng biết con trai tôi. Mạnh mẽ, cương quyết, nhiều đam mê. Bịnh ham học của chúng nó tôi cũng hết thuốc chữa!
Không có cháu nội cháu ngoại như bà con xa gần, như bạn bè khắp bốn phương trời, tôi về gậm nhấm nỗi buồn của mình.
Tôi gọi người bạn tri kỷ để tâm sự. Hiền là người bạn học của tôi ở cấp một cấp hai và đại học. Chúng tôi cùng yêu thích nghiên cứu thơ văn nên có nhiều điểm giống nhau. Tôi dè dặt hỏi:
- Nếu mình nhớ không lầm thì Hiền chưa có dâu chưa có rể thì phải?
Bạn tôi cười rất cởi mở:
- Dâu rể gì đâu! Tụi nó không chịu lấy vợ lấy chồng thì làm gì có dâu với rể!
- Vậy tụi nó sống có vui vẻ không? Bạn có lo cho chúng nó không?
- Hai con trai của mình cũng có nhiều bạn nhưng nó nói chưa thích lấy vợ. Hơn bốn mươi tuổi đầu rồi mà chúng nó nói còn trẻ! Con gái út thì sau khi đi làm việc một thời gian, trở lại học tiếp lên tiến sĩ nên cũng chưa muốn lấy chồng. Cuộc sống ở đây là như vậy. Đừng lo gì hết bạn ơi.
Bạn tôi nói phải. Tôi còn lo gì? Hai con trai tôi chưa chịu lấy vợ nhưng chúng đã tìm được thiên đường của chúng. Con gái ở đây đã có gia đình và có công việc vững vàng, vợ chồng chúng tôi qua đây là để hưởng niềm vui như con tôi vẫn nói, vậy tôi còn lo gì? Dần dần tôi cũng học được tinh thần lạc quan của người Mỹ để chấp nhận cuộc sống độc lập của con cái, tìm cách hòa nhập với lối suy nghĩ có nhiều thay đổi tích cực của chúng, vào đời sống văn hóa vô cùng phong phú và phức tạp của nước Mỹ rộng lớn, để quên đi phần nào cách suy nghĩ tiêu cực và bảo thủ theo truyền thống Việt Nam.
San Jose, 2011

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT