Việc Làm

Khôn khéo thắng được một vụ bắt nạt tại nơi làm việc

Monday, 30/04/2012 - 10:51:09

... hầu hết những vụ ức hiếp ở chỗ làm việc đều xảy ra giữa một người chủ và một nhân viên, mặc dù cũng có thể xảy ra giữa các đồng nghiệp với nhau.

Bắt nạt không kết thúc trên sân chơi. Những vụ ăn hiếp ở nơi làm việc xảy ra còn thông thường hơn nhiều so với bạn nghĩ. Bà Donna Fuscaldo viết trên trang mạng glassdoor.com phân tích về chuyện bắt nạt nơi sở làm.
Theo Workplace Bullying Institute, một viện nghiên cứu về nạn bắt nạt xảy ra ở nơi làm việc, thì có 35 phần trăm trong tổng số những người thành niên ở Mỹ có kinh nghiệm về chuyện bắt nạt tại nơi họ làm việc trong năm 2010. Trong khi những kẻ bắt nạt ở trường tiểu học và trung học nhắm vào mục tiêu là những khuyết điểm được tri nhận, thì tại những chỗ làm việc, mục tiêu bắt nạt lại là những người hoàn thành công việc mình làm một cách xuất sắc. Ông William F. Badzmierowski, giám đốc Các Dịch Vụ Hướng Dẫn Viên tại CPI, một tổ chức quốc tế chuyên trách huấn luyện đào tạo, nhận xét: “Nạn bắt nạt ở những nơi làm việc thường chọn các mục tiêu dựa trên sức mạnh có thực sự hoặc là được tri nhận. Các mục tiêu dường như có thể là những người có khả năng cao và xuất sắc, vượt trội trong công việc họ làm, những người được các giới chức quản trị hay đồng nghiệp tôn trọng, có thể là những nhân viên được lòng nhiều người ưa thích, được ngưỡng mộ vì tính cách thanh liêm của họ, hoặc có thể là vì họ độc đáo một cách nào đó, đe dọa tới kẻ thành niên bắt nạt”.
Theo Tiến Sĩ Gary Namie, giám đốc của Viện Workplace Bullying Institute, chuyên nghiên cứu về nạn ăn hiếp tại sở làm, thì hầu hết những vụ ức hiếp ở chỗ làm việc đều xảy ra giữa một người chủ và một nhân viên, mặc dù cũng có thể xảy ra giữa các đồng nghiệp với nhau. Vấn đề ấy hiện nay càng trở nên nổi bật hơn, vì trong một thị trường việc làm eo hẹp, người ta sẵn sàng chấp nhận thà mình bị lạm dụng, vì lo sợ không tìm ra được một công việc khác, và những ông bà chủ bắt nạt nhân công đều thừa biết điều ấy.

Các loại bắt nạt
Không dễ mà định nghĩa được thế nào là ăn hiếp tại những nơi làm, nhưng nhiều người đồng ý rằng loại bắt nạt này có liên quan đến các hoạt động quấy rối và bất nhã, xảy ra liên tục dai dẳng. Tiến Sĩ Namie nói: “Chuyện ấy không liên quan tới những chính sách về văn phòng, không phải là những cái nhìn vụng về, hoặc những cái nhướng lông mày lên, mà liên quan tới việc phá hủy một cách nghiêm trọng mối tương quan giữa các cá nhân”. Theo ông Badzmierowski cho biết, một vài thí dụ điển hình của nạn bắt nạt tại nơi làm việc bao gồm chuyện một người chủ hoặc một đồng nghiệp cướp mất công lao của người khác, hoặc nhiều lần coi thường một nhân viên, không mời một người nào đó tham dự một cuộc họp quan trọng, hay là phớt lờ một nhân viên hoặc một người đồng nghiệp, nhằm mục đích gây tổn hại hoặc kiểm soát người ấy. Chuyện ăn hiếp cũng xảy ra khi người chủ tham gia vào hành vi ứng xử có tính cách gây hấn thụ động đang diễn ra, trong những lời nói và hành động dường như là vô hại, nhưng cố ý kiểm soát hoặc gây tổn thương cho người ấy.

Những dấu hiệu của bắt nạt
Rủi thay, những người trở nên mục tiêu bắt nạt lại thường là những người cuối cùng nhận ra được rằng họ đang bị ăn hiếp. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải nhận biết cho được những dấu hiệu của chuyện bắt nạt.
Theo Tiến Sĩ Namie, dấu hiệu đứng hàng đầu là tình trạng căng thẳng thần kinh, và cách thức cơ thể phản ứng lại đối với sự căng thẳng ấy. Điều này có thể có nghĩa là huyết áp tăng cao, bị nôn mửa, hoặc sợ những ngày Chủ Nhật vì đó có nghĩa là bạn sẽ trở lại chỗ làm việc vào Thứ Hai.
Những dấu hiệu khác bao gồm chứng trầm cảm, rút lui không muốn giao thiệp, bị lo âu và mất ngủ, bị ám ảnh về chuyện phạm những điều sai lầm tại nơi việc làm việc. Tiến Sĩ Namie nói: “Những người phát giác ra chuyện bắt nạt đều không phải những mục tiêu. Bác sĩ đo thấy huyết áp cao, và cả gia đình thực sự tức bực và mệt mỏi vì những ám ảnh về việc làm".

Làm thế nào để chống lại
Nếu bạn là mục tiêu của nạn ăn hiếp tại nơi làm việc, thì có những điều mà bạn có thể làm để bảo vệ chính mình, và ít nhất là giữ vững niềm hãnh diện và lòng tự trọng.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị bắt nạt, điều quan trọng là đừng phản ứng phòng thủ và tham gia vào các hoạt động mà bản chất có thể xem ra nhằm mục tiêu bắt nạt. Ông Badzmierowski nói rằng điều này có nghĩa là bạn phải phản ứng một cách quyết đoán với lòng tôn trọng, bất cứ khi nào có thể làm được như vậy. Ông nói thêm rằng nếu bạn không ở trong một hoàn cảnh trong đó bạn lo sợ mình có thể bị làm hại về thể lý, thì bạn có thể tiến lại kẻ bắt nạt và thông báo cho người ấy biết rằng hành vi như vậy là một việc không đáng hoan nghênh.
Hãy ghi chép lại một bản liệt kê chi tiết từng vụ bắt nạt, và nếu có thể thì bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những giới chức phụ trách nhân sự, hoặc viên chức lo việc giải quyết những sự việc xảy ra ở sở làm. Điều này có thể giúp hạn chế bớt chuyện ăn hiếp.
Có thể bạn bị thôi thúc muốn nghỉ việc ngay tức khắc, nhưng Tiến Sĩ Namie nói rằng bạn không nên làm điều đó ngay lập tức. Ông nói rằng nếu nơi bạn làm là một tổ chức khá lớn, thì bạn nên trình lên thượng cấp, trình bày khiếu nại với một giới chức không có tương tác trực tiếp với kẻ bắt nạt. Ông nói: “Bạn phải chỉ ra cho họ thấy một kẻ bắt nạt gây ra tốn kém như thế nào cho công ty. Bạn phải đóng vai một người cố vấn kinh doanh, và lập hồ sơ về chi phí của số lượng nhân viên mà công ty thu được hoặc mất đi, số người không đi làm, cũng như số lượng những vụ kiện tụng”. Đến lúc ấy, nếu không có gì thay đổi và bạn bị sa thải, hoặc những vụ ăn hiếp vẫn cứ tiếp tục không suy giảm, thì ít nhất bạn có thể bỏ chỗ làm mà giữ được nguyên vẹn lòng hãnh diện của mình.
Tiến Sĩ Namie nói: “Nếu bạn lặng lẽ ra đi, bạn có thể tin vào những lời nói dối. Nếu bạn rời bỏ nơi làm việc mà phải muối mặt âm thầm chịu nhục, thì bạn sẽ chẳng bao giờ phục hồi lại được”.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT