Người Việt Khắp Nơi

Khóa 5/68 Sĩ Quan Thủ Đức hội ngộ sau 50 năm

Monday, 16/09/2019 - 06:05:52

Có lẽ trong cuộc sống, không gì quý hơn là Tình Chiến Hữu. Từ hai phương trời cách biệt, hai hoàn cảnh sinh trưởng khác nhau, giáo dục khác nhau, bỗng nhiên gặp gỡ tại một quân trường...

(Hình cung cấp)


Có lẽ trong cuộc sống, không gì quý hơn là Tình Chiến Hữu. Từ hai phương trời cách biệt, hai hoàn cảnh sinh trưởng khác nhau, giáo dục khác nhau, bỗng nhiên gặp gỡ tại một quân trường, và trở thành thân thiết rất nhanh. Không lãng mạn, không cầu kỳ, mà “mày, tao, chi, tớ,” rồi sinh tử có nhau. 

Trong chiến tranh, dù mỗi người mỗi phương, kẻ lái xe tăng, người lội sình lầy, người làm phi công, kẻ khác lại trụ ở văn phòng để tiếp vận cho người ở xa… nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về nhau, mong được tin nhau, dầu chỉ một lời: “Mày ra sao rồi? Vết thương thế nào? Ăn, ngủ được không?” kèm theo vài câu chửi thề âu yếm. Đôi khi lại nghẹn nào, “Mày biết tin thằng Thanh không? Nó mới bị gẫy cánh!” để những giây phút sau đó là yên lặng với những giọt nước mắt lăn chầm chậm..

Ngay tại mặt trận, nơi tiếng súng gầm gào, hai người lính tự lấy thân mình làm mộc che chắn cho nhau, quên rằng mình cũng chỉ là xác thịt, cũng chỉ một tiếng réo bên mình là tất cả chấm hết. Tình chiến hữu là như thế đó, như hai cánh của đại bàng, vũ lộng không gian cho đến khi không còn vẫy được nữa, thì nở nụ cười mãn nguyện: “Đời mình đã có những thằng bạn sinh tử…”
Năm 1968 là năm chiến trường bỗng đổi sắc đột ngột, từ những trận đánh nhỏ, bỗng thành trận địa chiến, từ những cuộc đạn pháo xa thành thị, bỗng ào vào trung tâm thành phố, từ du kích sang tấn công. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa bỗng thấy mình nổ súng ngay bên cạnh nhà người thân, bạn bè. Những quân nhân tham mưu phải đội nón sắt, chụp vội lấy súng, gài quả lựu đạn ngang lưng và lao mình ra chiến hào. Các anh lính mới vào trung tâm huấn luyện bỗng thấy mình là chiến sĩ thực sự, dù chưa tập bắn, cũng đã nổ súng liên hồi vào những điểm khả nghi, theo lệnh của viên chỉ huy, chưa biết mặt, biết tên.


Hugo Nguyễn, 14 tuổi, và cháu Hannah Nguyễn, 6 tuổi, cùng song ca các bản nhạc lính. (Hình cung cấp)

 

Vì thế, khóa 5/68 Thủ Đức là một khóa Sinh Viên Sĩ Quan thật đặc biệt, đầy dẫy những bất ngờ. Ngày nay, sau hơn 50 năm nhập ngũ, những Sinh Viên Sĩ Quan ngày ấy, những chàng trai dân sự thời ấy, nay đã thành những Ông Nội, Ông Ngoại, những người hưu trí. Một số đã thành công dân của những nước Âu Châu, một số còn kẹt lại ở quê nhà, nhưng đại đa số những người còn lại đều ở Hoa Kỳ.
Ngày 8 tháng 9 năm 2019, đã có gần 300 Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 5/68 tụ hội ở nhà hàng Diamond, thành phố Garden Grove, miền Nam California, trong một tình cảm sâu đậm, không thể diễn tả. Những vòng tay ôm thật chặt, những cặp mắt mở lớn nhìn nhau, những cái bắt tay, lắc mạnh… trong một thứ tình cảm đặc biệt: Tình Chiến Hữu 50 năm, hơn một nửa đời người.

Sau phần nghi thức khai mạc với các MC Trương Kính Thành, Nguyễn Khải và bà Phạm Hữu Tuấn, phần chào cờ Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như Mặc Niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến Quốc – Cộng vừa qua, ông Lê Xuân Phước, người vẫn luôn chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc họp mặt lớn ở nhà hàng cũng như các cuộc họp nhỏ ở tư gia của ông, đã chia sẻ những lời thật cảm động, “Sau nhiều tháng miệt mài luyện tập tại các quân trường Quang Trung, Trường Bộ Binh Thủ Đức, chúng ta đã ra trường ngày 25 tháng 1 năm 1969, để rồi từ đó, mỗi người mỗi ngả. Năm-mươi năm qua, biết bao thăng trầm nổi trôi của lịch sử mà số phận chúng ta phải gắn liền. Từ những chiến thắng oai hùng, những hy sinh cao cả trong cuộc chiến, cho đến những gian nan, đầy đoạt và chết chóc tang thương trong lao tù Cộng Sản.”
Ông Lê Xuân Phước cũng cho biết là hàng năm, mỗi độ Xuân về, vẫn huy động sự đóng góp của đồng môn để gửi về cho các chiến hữu kém may mắn còn kẹt lại ở quê nhà, từ năm 2010 đến nay. Khóa 5/68 cũng không quên chia sẻ và thăm viếng các đồng môn bị bệnh, cũng như gửi vòng hoa trực tiếp đến phân ưu với những gia đình đồng môn khi Tứ Thân Phụ Mẫu quá cố, đặc biệt là khóa đã thực hiện được 4 tập Đặc San gồm những hình ảnh, tài liệu liên quan đến từng cựu Sinh Viên Sĩ Quan.

Tiếp theo lời chia sẻ của ông Lê Xuân Phước, ông Văn Đức Thiệm, người đã lãnh trách nhiệm gánh vác việc đại diện khóa 5/68 trong nhiều năm qua, phát biểu những lời chân tình: “Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ biến cố lịch sử Tết Mậu Thân mùa Xuân 1968, và cũng vừa tròn 50 năm ngày anh em chúng tôi rời xa Trường Mẹ tỏa đi khắp bốn vùng Chiến thuật trong tất cả các quân binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cầm súng chống lai bọn Cộng Sản phương Bắc. Trong tổng số 1752 SVSQ của Khóa đến hôm nay chúng ta còn lại được bao nhiêu?”
Ông Văn Đức Thiệm cũng cho biết lần hội ngộ này là thứ 11, liên tục, Khóa 5/68 vẫn luôn tạo cơ hội để “điểm danh” các đồng đội cũ, xem ai còn, ai mất. Lời phát biểu cảm động của Ông Văn Đức Thiệm được tiếp nối bằng những chia xẻ thật ngắn gọn của ông Phạm Hữu Tuấn, người mới được anh em bầu lên đảm nhiệm việc đại diện cho toàn khóa.
Một tiết mục được coi là thể hiện không những tình đồng môn, mà còn nặng tình chiến hữu với những người từng hướng dẫn những bước chân đầu đời quân ngũ: các Sĩ Quan Cán Bộ quân trường. Dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, Khóa 5/68 vẫn luôn giữ gìn phong cách của một Sĩ Quan chân chính: Chia sẻ với đồng đội, tôn trọng cấp trên, giữ gìn quân phong, quân kỷ.

Vị đại diện Khóa đã mời một Sĩ quan Cán Bộ năm xưa lên chia sẻ vài lời với các khóa sinh cũ: Ông Chu Tất Tiến. Với một tâm tình thật xúc động, ông Chu Tất Tiến đã ngỏ lời cám ơn sự ưu ái của các cựu Sinh Viên Sĩ Quan khóa 5/68 đã tạo cơ hội cho ông được gặp lại những khuôn mặt thân yêu cũ, đồng thời, ông cũng không quên cám ơn những vị phu nhân, là những người thân đã là những cánh thiên thần hỗ trợ cho các chiến sĩ trong chiến tranh cũng như trong những năm tháng tù đầy, lao nhọc tại các trại tù Cộng Sản. Ông xác nhận là nếu không có các vị phu nhân lên thăm nuôi tù, thì nhất định ngày hội ngộ hôm nay, quân số chỉ còn một phần nhỏ.
Tiếp theo là phần tặng hoa cho các vị phu nhân từ tay của các ông, tặng quà lưu niệm giữa Cựu đại diện và Tân đại diện, rồi điểm danh từng Đại đội. Những cánh tay giơ lên hân hoan sau tiếng gọi: “Đại Đội 51 đâu? Đứng dậy!.. Đại đội 52…”

Những nụ cười hãnh diện của người đã vượt thoát các giai đoạn chiến tranh, tù đầy để đến đây gặp gỡ, đặc biệt là phần phát biểu của ông Nguyễn Hữu Nhân, người đại diện đầu tiên, sáng lập ra hội ái hữu Khóa 5/68 đã làm cho toàn thể cử tọa vỗ tay khâm phục không ngớt.
Sau các tiết mục chính thức có tính chất nghi lễ, phần văn nghệ được trình diễn rất ngoạn mục, đặc biệt là sự tham dự của thế hệ thứ 3: hai cháu ngoại của Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Như Niệm là hai cháu Hugo Nguyễn, 14 tuổi và cháu Hannah Nguyễn, 6 tuổi cùng song ca các bản nhạc lính thật điêu luyện. Tiếng hát của hai cháu vừa dứt là từng tràng vỗ tay khen ngợi như không muốn ngừng.
Cuộc hội ngộ khóa 5/68 Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức đã chấm dứt trong sự lưu luyến của mọi người, hẹn lại sang năm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT