Chuyện Nước Pháp

Khi vòng tay học trò là một chính trị gia

Wednesday, 21/12/2016 - 08:16:10

Thời ấy, tiếng tăm của báo chí hay dở là chuyện có thật như hôm nay cũng vậy thôi, chẳng hạn tuy tôi còn nhỏ mà lúc đó cũng biết rằng nhật báo hàng ngày nhà mua đọc là tờ Chính Luận vì nổi tiếng là đứng đắn nhất ba tôi cứ nói mãi với các con bên tai.

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM

Trước khi bước vào chủ đề của bài viết tuần này, tôi xin phép quý vị độc giả trở về cùng tôi sống lại dĩ vãng vàng son ngày xa xưa đó, cách đây hàng chục năm rồi.

Chúng ta hẵn còn nhớ đến cuốn tiểu thuyết hấp dẫn của nhà văn nữ nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hoà khi đó là bà Nguyễn Thị Hoàng với tựa đề Vòng Tay Học Trò. Sách ra mắt vào năm 1966, kể lại chuyện tình có thật giữa bà và một cậu học sinh trung học đệ nhị cấp với kết quả cụ thể là một hậu duệ ra đời. Trước khi được in thành sách, câu chuyện kể đã được ra mắt nhiều kỳ trong tờ tuần báo (nếu tôi không lầm) Bách Khoa và thu hút độc giả ngay. Tờ Bách Khoa có tiếng là đứng đắn và đăng tải bài vở văn chương giá trị chọn lọc do những tác giả tài năng viết ra. Không có những ai là tay mơ mà có bài đăng trong đó, viết văn không bao giờ và không thể nào là chuyện dễ dàng mà phải suy nghĩ đắn đo dù cho người viết có sẵn thiên khiếu bẩm sinh đi nữa. Thiên hạ đọc bài của họ nhiều vô số và đủ các ngành nghề trong xã hội cần phải kính trọng, trước tiên là giữ lễ sau đó mới hành văn. Thời ấy, tiếng tăm của báo chí hay dở là chuyện có thật như hôm nay cũng vậy thôi, chẳng hạn tuy tôi còn nhỏ mà lúc đó cũng biết rằng nhật báo hàng ngày nhà mua đọc là tờ Chính Luận vì nổi tiếng là đứng đắn nhất ba tôi cứ nói mãi với các con bên tai.

Nhân tài lỗi lạc, ứng cử viên Tổng Thống vào tuổi 40.


Tôi đi tìm tài liệu trên mạng và bàng hoàng khi được biết về đời tư của nhà văn tiền bối đáng kính này. Bà đi trước thế hệ chúng tôi (là những nhà văn nữ sinh sau đẻ muộn, sống kiếp lưu vong trên xứ người phần lớn cuộc đời) và vị trí cao vời vợi trong những năm văn chương miền Nam đang lên ngôi rực rỡ mặc dù chiến tranh khốc liệt Quốc-Cộng đã và đang xảy ra từng ngày. Thời đó, tôi chỉ là một cô bé mới lớn nghe tiếng bà nổi như cồn và mua sách về đọc mà thôi. Tôi vốn là con mọt sách kinh khủng, giống như bà chị cả và cô em gái kế cận tôi. Một thời oanh liệt của ba má tôi là lúc ông bà mở tiệm bán sách nhưng thất bại, sách ế quá không ai mua nên chúng trở thành món ăn say sưa cho mọt nhà gặm nhấm hàng ngày thay cơm!

Những ai từng đọc tài liệu viết về các nhà văn nữ của tác giả Hồ Trường An đều biết về những bàn tay cầm bút văn chương phái đẹp hậu sinh ở hải ngoại sau 75. Đọc về cuộc đời của tác giả Vòng tay học trò mới hiểu vì sao nhà văn đại tài Mai Thảo đã khen chúng tôi thuộc về thế hệ mới của những phụ nữ cầm bút đàng hoàng (ý ông khen là không rượu chè thuốc lá, bê bối tình riêng). Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt trong cuộc sống thiên hình vạn trạng và mỗi người tự quyết định lấy số phận của riêng mình là hay nhất.

Được biết bà Nguyễn Thị Hoàng chào đời năm 1939 (78 tuổi năm 2017), có một thời sinh sống với nghề dạy học. Trước khi rơi vào vòng tay học trò, bà đã có một cuộc phiêu lưu tình ái với một giáo sư đại học. Bà cho biết chỉ vì muốn có với ông một nhân tài mai sau giống như khuôn đúc, còn lại là bất cần tai tiếng. Vào lúc đó muốn gì làm ngay thì đúng là Trời đã muốn theo ý phụ nữ nên bà đã mãn nguyện, không hề đổ lỗi cho ông. Chuyện này tôi chưa biết, chỉ đọc thấy tin tức sau này lan truyền trên mạng và đề cập đến quyển sách Vòng tay học trò là chính. Tại hải ngoại mới biết thêm vị giáo sư nói trên họ Cung. Tài liệu có nhiều, chúng ta tham khảo tùy ý.

Trở lại chuyện nước Pháp. Có một vị nữ giáo sư duyên dáng xinh đẹp hay tươi cười với mái tóc vàng như màu đồng lúa mì chín thơm hương dạy môn Pháp văn kiêm Triết đệ nhị cấp. Bà hành nghề trong một trường tư thục ở tỉnh nhỏ xa thủ đô Paris, đã lập gia đình và có 3 người con. Năm đó, bà tổ chức một buổi vui chơi đóng kịch cho các học sinh tham gia mà không ngờ định mệnh đã khiến gia đình êm ấm của bà thay đổi bất ngờ. Trước đó có lần cô con gái lớn của bà (bà sinh năm 1953, vào tháng Tư) báo cáo với mẹ như sau: «Trong nhóm đóng kịch có một thằng khùng bác học, cái gì nó cũng biết hết!». Tên khùng đó mới vừa 15 tuổi mà thôi và do đó được bà giáo sư chú ý tới ngay. Bà giúp cậu học trò vào năm 1992 tiền định viết một vở kịch, từ đó về sau họ đã bị tiếng sét ái tình quật ngã.

Nữ giáo sư kể lại đã nghe theo tiếng gọi của những tình cảm riêng tư thôi thúc và nhất quyết không bỏ lỡ dịp may vì tình nhân tuy còn quá trẻ nhưng tài năng đã hiển lộ rõ ràng qua các bài Triết luận đặc sắc nhất lớp. Chẳng những thế, cả hai cùng rất hợp nhau ở gu văn chương. Chướng ngại lớn nhất ư? Đó là điều bà Nguyễn Thị Hoàng bên Ta đã bị miệng lưỡi thiên hạ thị phi đủ điềuvì họ khó chấp nhận tuổi tác và vai vế đôi bên. Còn ở bên Tây sau này, học sinh và cô giáo cách nhau 24 tuổi mà chẳng ăn nhầm gì cả. Cậu nhỏ có lúc đã tuyên bố với nàng đáng tuổi mẹ mình như sau: «Dù cho bà làm gì đi nữa, tôi sẽ cưới bà làm vợ.»

Thế rồi năm chàng vừa đúng 30 tuổi thì thực hiện lời phán nguyện ngày xưa là làm đám cưới trân trọng với phu nhân đáng tuổi thân mẫu mình (54 tuổi). Chẳng những thế, ông bố ghẻ cùng tuổi với 3 con của vợ còn giữ đúng lời hứa là không cần có thêm hậu duệ với bà, chàng trai quá lý tưởng còn nhận luôn một mạch lên chức ông đến 7 lần! Đó là khi các con riêng của vợ (cũng là bạn học với mình) lập gia đình và có con nối dõi. Cả ba đều tốt nghiệp đại học với nghề cao chức trọng trong xã hội. Bà vợ lớn hơn chồng 2 con giáp đã kể lại còn giữ nguyên những bài làm xuất sắc về Triết học của ông khi xưa. Trong hình, ông đeo mỗi chiếc nhẫn cưới ở 2 bàn tay trái và phải, yêu vợ đến thế là cùng vì bà có lúc ca tụng (quá lố!) ông là người đến từ hành tinh khác.

Khi Vòng tay học trò lại là một chính trị gia thì câu chuyện đi rất xa và có hậu. Nước Pháp vẫn còn hùng cường và dân tộc tiến bộ thuận theo thời thế. Chính trị gia Emmanuel Macron (bộ luật do ông này đặt ra từng bị phản đối dưới trướng TT Hollande khi chưa từ chức) ly khai phe Tả để ra ứng cử độc lập với chiêu bài mới của đảng Tiến Bước (En Marche, viết tắt là E.M. giống như tên họ của ông) do ông khai sinh. Vốn là con đầu đàn của một cặp vợ chồng cùng là bác sĩ làm việc cho bệnh viện công, ông Macron học giỏi có tiếng kể cả chơi đàn dương cầm (tốt nghiệp học viện âm nhạc quốc gia). Ông có bằng cấp về Kinh Tế, sau học thêm quốc gia hành chánh ENA; từng làm chủ nhà băng rồi Bộ Trưởng kinh tế và… có thể làm TT tương lai năm 2017!

Sang năm, người học trò tuổi nhỏ đã dám tự chọn vợ lớn như mẹ bước vào tuổi 40 chững chạc nhưng hãy còn quá trẻ để mang tham vọng làm chủ đất nước. Nhiều chính trị gia lâu năm lại bày tỏ niềm tin vào nhà lãnh đạo mới khi ông Macron dám từ chức bộ trưởng của chính phủ Hollande để ra ứng cử TT. Đã vậy, ông tẩy chay luôn cuộc bầu cử vòng loại của đảng Xã hội đưa ra và đi thẳng vào cuộc tranh tài bằng thanh thế của đảng Tiến Bước. Thật đúng là hậu sinh khả úy. Có ai dám thổi luồng gió mới vào chính trị tả hữu truyền thống của nước Pháp thời nay bằng cách chỉ trích cả hai bên nhưng không là ba phải?

Trong 1 buổi phỏng vấn truyền hình, chàng thư sinh Vòng tay học tròđã nổi giận đập tay lên bàn khi các phóng viên cứ hỏi mãi về chuyện đôi vợ chồng so le tuổi của ông sao cứ xuất hiện nhiều quá trên báo? Ông gầm lên rằng: «Tôi mới vừa cho xuất bản quyển sách mới toanh, sao quý vị không chú ý đến mà cứ hỏi toàn những chuyện gì đâu?»! Đó là cuốn Cách Mạng, với con số 200 ngàn quyển, có nội dung trình bày các biện pháp trị quốc ra sao nếu ông đắc cử.
Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT