Chuyện Nước Pháp

Khi nhân dân biểu tình khắp nơi chống đối chính phủ Macron

Tuesday, 10/10/2017 - 08:40:37

Ngay cả cựu tông-tông Hòa Lan nhiệm kỳ trước cũng chưa bao giờ bị đương đầu với cái lỏi nhân cứng chắc của công chức mạnh đến thế. Ngày thứ Hai vừa qua, các đại biểu của tất cả liên đoàn lao động công chức đã chuẩn bị hội họp để kêu gọi và hành động thống nhất hôm sau.

Bài NGỌC DIỄM

Con số người được kêu gọi xuống đường bày tỏ sự bất bình đối với những biện pháp kinh tế đưa ra bởi Tổng Thống Macron lên đến khoảng 5,4 triệu trong ngày hôm nay, thứ ba 10 tháng 10 năm 2017. Thật là một ngày có thể nói là tổng hợp sức mạnh đoàn kết để cùng nhau đình công của công chức Pháp! Điều này rất ít khi xảy ra, các tờ nhật báo đều đưa tin nóng hàng đầu trước khi đài truyền hình cũng chuyển tiếp đến toàn dân hình ảnh sống động của cuộc biểu tình. Từ 10 năm nay mới thấy hiện tượng này xuất hiện, chứng tỏ sự trầm trọng của sự việc. Ngay cả cựu tông-tông Hòa Lan nhiệm kỳ trước cũng chưa bao giờ bị đương đầu với cái lỏi nhân cứng chắc của công chức mạnh đến thế. Ngày thứ Hai vừa qua, các đại biểu của tất cả liên đoàn lao động công chức đã chuẩn bị hội họp để kêu gọi và hành động thống nhất hôm sau.

Từ giới chức giữ vai trò thấp nhất trong hàng ngũ những nhân viên làm việc trong bệnh viện là người chăm sóc trực tiếp cực nhọc như nâng đỡ bệnh nhân, quét dọn lau chùi phòng ốc… cho tới giáo viên giảng dạy tại các trường học đều tham gia. Họ có thể trực thuộc các bộ chính phủ ở thủ đô hay các viện nhỏ địa phương cùng nhau đồng lòng nghe lời kêu gọi của giới lãnh đạo đại diện quyền lực tự vệ chống lại sự bắt nạt. Tổng Liên Đoàn Lao Động -la CGT- ước lượng có 400,000 người xuống đường tổng cộng trên toàn quốc, trong khi ở Paris là 45,000 người. Sở cảnh sát thủ đô đưa ra con số thấp hơn là 26,000.

Một số lý do đưa tới cuộc biểu tình rầm rộ là chính phủ sẽ hủy bỏ 120,000 việc làm từ đây cho đến hết năm năm tại chức của Macron, sự đóng băng lương tháng không tăng, quyền lợi công chức sẽ bị sửa đổi theo luật mới. Tính ra, có đến chín liên đoàn lao động cùng nhau biểu tình chống đối chính phủ vì họ không đồng ý sâu sắc với những điều thay đổi nói trên. Đó là CGT, CFDT, FO, UNSA, FSU, Soliadaires, CFE-CGC, CFTC và FA: tên viết tắt của những liên hiệp nhân công đại diện bởi những người có tài điều khiển và ăn nói giỏi điều đình với phía mạnh chính quyền. Ba bộ sườn quan trọng đảm trách nhiệm vụ trọng yếu thuộc về công chức quốc gia, y tế và lãnh thổ.


Biểu tình để bảo vệ khả năng tài chính mua sắm của công chức không bị sụt xuống.

Tại tỉnh lỵ Saint Nazaire thuộc miền phố biển nước Pháp, dân chúng căng biểu ngữ viết rằng Macron hãy nhìn vào đồng hồ hiệu sang Rolex của ông để thấy giờ phản kháng đã đến rồi. Nơi đây có chừng 4000 người ngoài đường. Một chỗ khác có biểu ngữ nói nặng hơn nữa khi họ dựa vào sự lỡ lời của vị cầm đầu nước nhà chê bai “người vô dụng” đang xuống đường trong khi “bọn lưu manh” ngồi trên cao nắm quyền. Nơi khác nâng cao chức vụ phục vụ nhân dân của công chức thanh liêm, cũng như bệnh viện đang cần thêm vốn nhà nước để hoạt động tốt đẹp. Nhiều tỉnh lớn khác như Montpellier, Strasbourg, Lyon… đều có đoàn biểu tình ra mặt với hàng loạt biểu ngữ.

Viên tổng thư ký liên đoàn lao động thợ thuyền FO ở Lyon phát biểu rằng quả thật sự khó chịu đang tăng lên đến độ trầm trọng vì sau 10 năm mới có lần xuống đường huy động nhiều người làm việc nhất như thế. Các nhân viên nhà nước xúm nhau than phiền về tiền lương cố định trong vòng 15 năm không hề nhích lên chút nào, thí dụ cụ thể của những toà đô sảnh với các văn phòng cung cấp giấy tờ chính thức. Một số khác cho rằng đám nhân viên cao cấp với bằng đại học năm năm sau Tú Tài thì được cưng chiều lương cao và việc làm bảo đảm hết đời. Những lời tán thán nói trên hầu như được lặp lại hàng năm nhưng không đưa đến kết quả khả quan hơn. Bộ máy quan liêu của chính phủ cộng hoà nào cũng cồng kềnh nặng ký và rất khó thay đổi. Được dịp công kích chính quyền, phe đối lập trong quốc hội cũng nhào vô phát biểu ý kiến lia chia.


Các nghị sĩ phe đối lập nhân khi công chức chống đối lên chỉ trích chính phủ te tua.

Sẵn dịp thừa cơ nước đục thả câu, một số phần tử côn đồ bịt mặt đã đập phá làm bể vỡ nhiều cửa kính hay ném các vật liệu tấn công cảnh sát. Nhân viên cảnh sát vừa đẩy lui bọn xấu vừa vừa nhắn tin trên mạng xã hội với hình ảnh kèm theo làm bằng chứng. Bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng có những phần tử ba gai len lỏi vào phá đám.

Thủ Tướng Edouard Philippe phát biểu rằng ông đảm trách trọn bộ thi hành các điều luật mới ra và công chức là thành phần quan trọng của nhà nước đâu hề bị bạc đãi. Phát ngôn viên chính phủ Christophe Castaner tiếp lời rằng biểu tình lớn lắm, phải lắng nghe sự lo âu của họ, nhưng vẫn cho rằng tiền mua sắm của công chức không bị giảm xuống. Về phần lương hưu bỗng của người làm việc cực nhọc phải nghỉ sớm, chính phủ cũng còn chưa có biện pháp rõ ràng giúp họ.


Công nhân làm việc cực nhọc về hưu lương bỗng quá ít ỏi.

Trong một số nhà giữ trẻ em dưới hai tuổi cho cha mẹ đi làm, cũng có đình công và không có phục vụ tối thiểu thay thế làm họ xính vính. Bộ giáo dục báo tin số ngưiờ làm reo bậc tiểu học chừng 20%, bậc trung học còn ít hơn nữa với 17% trong khi những đại diện giáo chức nói gấp đôi. Về đường hàng không dân sự có trưng dụng công chức, khoảng 30% các chuyến bay bị hủy bỏ vì đình công trong khi đường xe lửa và xe điện ngầm không bỏ việc. Thủ đô Paris mà tê liệt vì không có métro là khổ dài dài cho dân chúng đi làm hàng ngày chỉ trông cậy vào phương tiện di chuyển rất tiện lợi và rẻ tiền này.

Đặc biệt lần đình công này có cả liên đoàn công chức cấp cao trong các bệnh viện như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ cũng hợp tác với nhóm thấp hơn là y tá và công nhân. Lãnh vực nhà băng, hóa chất, thương nghiệp nông lâm thực phẩm cũng phản đối chính quyền luôn thể dù là tư nhân để ủng hộ công chức.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của công chức, ông bộ trưởng phụ trách ngạch công chức lấy hẹn với đại biểu trách nhiệm ngày 16 tháng 10 sắp tới và nói rằng không ai bị trừ bớt lương tháng như lời đồn vô căn cứ. Tuy nhiên, những người biểu tình có lý khi họ chưng ra bằng cớ ông Macron đã nuốt lời hứa là tăng lương cho họ và giảm bớt tiền đóng thuế xã hội.


Biểu ngữ chống đối người gây phiền nhiễu chính là ông Macron và thủ hạ dưới trướng.

Cũng vị nguyên thủ quốc gia này tuần lễ vừa qua đã văng tục quá bình dân với chữ “bordel” làm dân chúng chê cười và sẵn dịp họ dùng luôn lời nói của ông để quật ngược lại thủ phạm gây lộn xộn. (nd)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT