Hôn Nhân, Cuộc Sống

Khi người bạn đời... khó tính

Friday, 25/01/2019 - 08:20:49

Người bạn đời có thể oán giận bạn vì bạn không phải là người hoàn hảo. Bạn cần phải nhắc nhở họ rằng trên đời này chẳng có ai hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo, và anh ấy/cô ấy cũng vậy.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Ông T.V.B là con của một gia đình khá giả ở Sài Gòn. Ông được người mẹ chăm sóc rất lỹ lưỡng khi còn nhỏ, từ miếng ăn, giấc ngủ đều phải theo đúng giờ giấc. Lớn lên, ngoài thời khóa biểu ở trường, ông cũng có một thời khóa biểu khác ở nhà. Quen với lịch trình định sẵn như thế, nên những gì thay đổi đều làm ông... khó chịu.

Khi lập gia đình, ông cũng lập những thời khóa biểu cho người vợ của mình. Là người nội trợ, vợ ông chỉ có việc lo cho chồng con, nên chẳng có gì xảy ra. Đôi khi người vợ cũng thấy chồng mình quá nguyên tắc, quy củ, đến mức bảo thủ, nhưng bà chấp nhận được.

Đến khi vợ chồng ông sang Hoa Kỳ định cư, cuộc sống thay đổi, nhưng ông không hề thay đổi.
Về chuyện ăn uống, ngày ba bữa thì người vợ phải chuẩn bị ba thực đơn khác nhau, chứ ông không bao giờ ăn món của bữa trước còn dư. Ông quy định, cuối tuần phải là “ngày của gia đình,” không ai được làm gì một mình mà không có cả nhà. Vì vợ ông phải đi làm, nên những quy định mà ông đặt ra ngày càng trở nên khó thực hiện. Các cuộc cãi vã bắt đầu xảy ra. Cho đến khi cuộc sống hôn nhân của ông bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, ông mới thấy mình đã quá khó khăn với vợ con, và đã đến lúc ông phải thay đổi chính mình để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Trong câu chuyện của ông T.V.B., ông là người khó tính và chính ông tự thay đổi để cải thiện tình hình trong cuộc sống gia đình, nhưng trên thực tế có không ít những trường hợp mà cả người khó tính lẫn “người kia” phải dùng những phương pháp để hòa giải, thương lượng, cam kết, nhằm đem cuộc hôn nhân trở lại con đường hạnh phúc.

Phương pháp 1: Cải thiện cách giao tiếp

Nỗi bực tức để trong lòng là nguyên nhân gây ra căng thẳng (stress). Nếu muốn tránh các cuộc cãi vã với người bạn đời khó tính, bạn hãy viết xuống những suy nghĩ của mình. Cách tốt nhất là chuẩn bị điều bạn muốn nói, rồi viết ra mối bận tâm để bạn có thể chia sẻ với bạn đời. Viết ra suy nghĩ là cách chữa bệnh và sẽ giúp sắp xếp tình cảm theo cách giúp bạn giảm bớt căng thẳng.

Bạn cũng nên quan tâm nhiều hơn đến người chồng/vợ khó tính của mình và đừng mong mọi chuyện trở nên hoàn hảo. Nếu cần phải nói chuyện để tìm giải pháp tốt nhất cho những mối bất đồng, hãy chọn thời điểm thích hợp. Hai thời điểm bạn nên tránh đối thoại là vào lúc sáng sớm trước khi đi làm, và ngay khi đi làm về. Hãy thư giãn và nghỉ ngơi trước khi bạn tiếp cận họ.

Trò chuyện ở nơi công cộng, hoặc ở gia đình cha mẹ đôi bên cũng hữu ích, vì có nhiều khả năng “đối phương” bớt gay gắt hơn trước mặt mọi người. Tốt hơn cả, hãy kéo được người ấy đến quán ăn, hoặc quán cà phê mà cả hai cùng thích, bởi ở đó sẽ tạo cơ hội lý tưởng cho giao tiếp tích cực.

Trong cuộc trò chuyện, hãy duy trì thái độ tích cực, lạc quan cùng nhau tìm ra giải pháp, nên tập trung vào điều quan trọng là tạo ra thay đổi tốt đẹp hơn. Nếu phản ứng đầu tiên của người bạn đời mang tính tiêu cực, thì hãy cố ngăn họ lại bằng cách nói. Hãy xoa dịu phản ứng tiêu cực của họ bằng một cuộc đối thoại bình tĩnh, chân thật.

Nếu người bạn đời nhất thiết phải phản ứng bằng thái độ hung hăng hoặc kích động, thì chỉ cần nói, “Có lẽ chúng ta nên nói về điều nay sau,” và tìm cách chấm dứt sớm để không xảy ra xung đột.
Có thể người bạn đời phản hồi bằng cách lắng nghe và thể hiện mối bận tâm thực sự. Đây là cơ hội để cho chồng/vợ biết được bạn cảm thấy ra sao về việc bị chỉ trích. Đừng ngại nói với họ rằng điều đó làm bạn tổn thương và khiến bạn lo lắng cho mối quan hệ cũng như tương lai sắp tới. Tiếp tục nói với người bạn đời rằng bạn yêu họ và bày tỏ sự ủng hộ điều mà họ muốn nói.

Người bạn đời có thể oán giận bạn vì bạn không phải là người hoàn hảo. Bạn cần phải nhắc nhở họ rằng trên đời này chẳng có ai hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo, và anh ấy/cô ấy cũng vậy.

Sự bất an về năng lực làm việc, phụ thuộc tài chính, và sức khỏe thể chất tất cả có thể góp phần tạo nên sự than phiền và suy nghĩ tiêu cực dai dẳng trong một người, gây khó chịu, nhiều người mắc chứng trầm cảm cũng vì những nguyên do trên. Vì thế, cần tìm hiểu căn nguyên để có hướng điều chỉnh thích hợp.
Thể hiện sự tôn trọng và yêu cầu đối phương cũng tôn trọng bạn, vì sự tôn trọng là điều bạn phải xứng đáng được hưởng. Nếu bạn hành động một cách đáng tôn trọng thì điều này sẽ tạo ra nền tảng để nhận lại sự tôn trọng.

Phương pháp 2: Cách đối phó trong tình huống căng thẳng

Nếu người bạn đời luôn khó chịu, và hay mắng nhiếc người thân của bạn sau lưng họ, điều này ăn mòn giá trị bạn đặt ra cho gia đình của mình, thì nên nói thẳng với họ. Thật khó lòng mà thỏa hiệp nếu bạn không được tôn trọng.
Tuy khó thỏa hiệp, nhưng bạn hãy luôn thắt chặt nhu cầu và mong muốn của bạn với mục đích cải thiện mối quan hệ. Hãy xác nhận rằng mọi thứ bạn muốn là được cả hai cùng được hạnh phúc. Nếu “đối phương” vẫn đưa ra những điều mà bạn không thể đồng ý, chỉ cần nói, “Em không thể đồng ý. Việc này không phù hợp với em. Có lẽ chúng ta nên dành thời gian để suy nghĩ về một số lựa chọn khác và tìm ra giải pháp thỏa hiệp.”
Những người có vấn đề suy nghĩ tiêu cực cực mãn tính thường đem khuynh hướng tiêu cực vào mọi tình huống. Trong trường hợp này, không nên cho phép bản thân bị tác động bởi lối suy nghĩ chỉ trích và tiêu cực của người bạn đời. Nhưng nếu họ tiếp tục cư xử tiêu cực thì hãy nói, “Em đang cố gắng tập trung vào điều tích cực để chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Thật dễ để cư xử tiêu cực. Dù trở nên tích cực là điều khó khăn, nhưng đó là điều mà em sẽ làm.”
Để giảm bớt căng thẳng, bạn cũng có thể đặt ra lời cam kết cho cả hai. Nên nói thế này, “Em sẵn sàng hứa với anh và cam kết thực hiện điều thỏa thuận. Hãy nói với em là anh cảm thấy thoải mái và sẵn lòng hứa cải thiện mọi điều tốt hơn vì chúng ta.” Cam đoan với họ thêm lần nữa là bạn đang cố gắng để cải thiện tình hình vì cả hai và vì tương lai bên nhau.

Phương pháp 3: Điều chỉnh lỗi lầm

Thay đổi không dễ dàng đối với một số người. Người bạn đời có thể gặp khó khăn thử thách phía trước, nhất là nếu họ đã không ý thức được hành vi của mình hoặc tác nhân gây ra các hành vi đó. Sự kiên nhẫn là chìa khóa giúp mối quan hệ thành công tốt đẹp. Tự thuyết phục chính mình rằng mặc dù đây là thời gian thử thách gay go, nhưng chỉ mang tính tạm thời. Mọi việc sẽ tiến triển nếu bạn duy trì tập trung vào mục tiêu mà bạn đã đề ra. Nếu sự việc không diễn ra tốt đẹp, cũng đừng nên từ bỏ.
Người mắc lỗi biết thay đổi một chút mà được sự động viên, khen ngợi, họ sẽ có động lực để sửa lỗi nhanh hơn. Nếu bạn bắt gặp anh ấy/cô ấy cư xử tiêu cực và rồi họ tự sửa chữa, thì nên thừa nhận đây là một thành tích đáng khen. Nếu bạn là người làm lỗi, hãy cố gắng nhận ra và tự điều chỉnh.
Biết nhận lỗi chưa đủ, bạn còn phải chịu khó học hỏi. Không nên chỉ trích người bạn đời hoặc phê bình bản thân vì đã phạm sai lầm. Thay vào đó, nên tập trung vào nỗ lực mà cả hai đang thực hiện để trở thành người tốt hơn. Một bước nhỏ cũng có vai trò hướng tới con đường đúng đắn.
“Nụ cười là 10 thang thuốc bổ.” Thuốc này có thể chữa được cả những nỗi đau trong lòng, xoa dịu được những căng thẳng trong trí não. Nụ cười rút ngắn khoảng cách nhất, mang hai người lại gần nhau. Nụ cười làm tan biến nỗi buồn. Vì thế, hãy áp dụng liều thuốc này để giải quyết những căng thẳng đời thường.

Phương pháp 4: Nhờ giúp đỡ

Bạn là người biết rõ điều gì làm bạn hạnh phúc, vì thế nên tham gia nhiều hoạt động bên ngoài mối quan hệ sẽ giúp duy trì cảm xúc tích cực. Bạn sẽ dễ dàng đối diện với người khó chịu và tiêu cực nếu bạn luôn có tâm trạng tốt. Càng hạnh phúc, bạn sẽ càng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Đối diện với người mà luôn sống tiêu cực có thể rất mệt mỏi và căng thẳng, vì thế hãy tìm nguồn năng lượng tích cực, tìm bạn bè hoặc người mà bạn tin tưởng và bất cứ ai có thể trở thành nguồn động viên bạn. Nhớ là người tiêu cực làm cạn kiệt năng lượng vì thế chúng ta cần phải bổ sung. Một số hoạt động như tập thể dục, nhảy múa, tập yoga, chơi thể thao, ca hát, ... là cách giúp bạn nạp lại năng lượng.
Hạnh phúc không tự nhiên mà có, nếu vì một trong hai người khó chịu làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, thì việc tìm lại được hạnh phúc như xưa cũng không dễ dàng. Trong trường hợp khó quá, và tự điều chỉnh không được, bạn cũng có thể cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia.
Chuyên gia tâm lý và chuyên gia sức khỏe tâm lý đều có mặt ở địa phương.Tại Hoa Kỳ, bạn có thể tìm họ thông qua Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) và Hiệp Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association).
(Theo Wikihow, Healthywomen.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT