Sức Khỏe

Khí Công Hoàng Hạc qua cái nhìn tâm lý trị liệu

Wednesday, 28/07/2021 - 04:19:06

Do việc kết hợp tâm, thân, thở qua các cử động của những thế “Bấm. Vòng, Vươn, Buông” mang ảnh hưởng của thiền, nó giúp con người có tầm nhìn về chân trời rộng mở.

 

 

KHÍ CÔNG HOÀNG HẠC QUA CÁI NHÌN TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Trần Mỹ Duyệt

 

 

Trong bài viết về Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc kỳ trước, tôi đã tóm lược tiểu sử của vị Chưởng Môn là Võ sư, Bác sỹ, Giảng sư và Nhạc sỹ Phạm Gia Cổn. Ông đã nghiên cứu và sáng lập ra môn Thể Dục này như một ứng dụng khoa học vào việc giúp thăng hoa cuộc sống con người dựa trên ba tiêu chuẩn: Tinh thần, Thể chất và Xã hội. Lần này, tôi muốn trình bày cái nhìn của tôi về môn thể dục do ông sáng lập bằng cái nhìn Tâm Lý Trị Liệu.   

 

HOÀNG HẠC TRỊ LIỆU

 

Trong bài viết của mình có tựa đề: Giá trị của Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc về Sức Khỏe Tinh Thần và Thể Chất, tác giả Hoàng Hạc Kiều Hạnh đã đưa ra nhận định: “Gần đây chúng tôi có nghe ít nhiều nhận định về Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc (TDKCHH) như TDKCHH nhẹ nhàng quá, không đủ nhanh để đốt năng lượng thừa, hoặc không đủ mạnh để làm cho các bắp thịt trên cơ thể thêm rắn chắc. Những nhận định này khởi lên chỉ vì bạn chưa hiểu hết về TDKCHH.” Cũng theo tác giả, Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là một môn võ thuật mang tính thể dục. Đặc tính nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhưng bền dẻo của nó rất phù hợp với những kết quả khảo cứu về các động tác liên quan đến thể dục có lợi cho sức khỏe như “đi bộ” và “bơi lội” đã được các đại học Colorado và Harvard thực hiện.

 

Từ ngữ “khí công” đã cho thấy khái niệm thế nào về môn thể dục này. Nó không phải là môn luyện tập đổ mồ hôi để có một thân hình rắn chắc và cơ bắp. Nó cũng không lệ thuộc vào những thứ thuốc tăng cường sinh lực, những máy móc, dụng cụ vẫn thường thấy tại các phòng tập thể dục. “Khí công” Hoàng Hạc phát xuất từ những thế bấm chân, uốn tay, xoay vòng, vươn tới, và buông lỏng các cơ bắp và tứ chi. Và theo Bác Sỹ Dương Đức Huyên, thì “mỏi” mà không “mệt”, nhịp nhàng, thanh thoát nhưng liên tục, bền bỉ như những cái sải cánh của con hạc trên nền trời. Tóm lại, đặc tính nổi bật của Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc dưới cái nhìn tâm lý chính là một môn thể dục có tính cách trị liệu. Tôi tạm gọi là “Hoàng Hạc Khí Công Trị Liệu”.

 

Như vậy, đặc tính trị liệu của Khí Công Hoàng Hạc là phối hợp hài hòa giữa y khoa, y học cổ truyền với võ công và âm nhạc. Nó giúp cho người tập luyện cách tu tỉnh, quân bình trí khôn, loại bỏ những tạp niệm, và đưa tâm hồn về sự bình an. Nhờ tâm an, con người hấp thụ được dễ dàng khí thiêng của đất trời, tích tụ lại thành sinh khí cho riêng mình rồi tải chuyển tới những tế bào toàn cơ thể.  

 

Do việc kết hợp tâm, thân, thở qua các cử động của những thế “Bấm. Vòng, Vươn, Buông” mang ảnh hưởng của thiền, nó giúp con người có tầm nhìn về chân trời rộng mở. Nhờ đó, hòa mình vào với thiên nhiên, với vũ trụ bao la giúp ta dễ buông bỏ và chấp nhận tất cả, không vội vàng, chộp giật, không khó chịu, cau có, bất mãn với mình, với tha nhân và với cuộc đời. Đây chính là tinh thần của thiền, của suy niệm, mà theo tâm linh thì đó là những giây phút “nhiệm hiệp”, những giây phút kết hợp nhiệm màu giữa con người với vũ trụ, giữa con người với con người, giữa con người với càn khôn. Các vị chân tu, các vị bồ tát, và các thánh nhân họ đã tu luyện, hít thở và sống với tinh thần này, nhờ vậy họ đã nhẹ nhàng, thanh thản bước đi trong cuộc đời giữa trăm ngàn sóng gió, thử thách.

 

NHỮNG TRIỆU CHỨNG TÂM BỆNH

 

Cũng như trong lãnh vực y khoa, tâm bệnh có nhiều triệu chứng gây ra những bệnh lý khác nhau. Một số bao gồm:

 

-Thể lý: Nhức đầu, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, lở loét dạ dày, ngứa ngáy mình mẩy, tiêu chảy, kinh nguyệt bất thường.

 

-Tâm lý: Cáu gắt, bực bội, tự ty mặc cảm, tự tôn và tự đại, chán nản, buồn bực, tù túng, yếm thế, có tư tưởng tự tử.

 

-Tâm lý và Thể lý: Biếng ăn, mất ngủ, quên sót, mất trí nhớ, mất hứng thú về tình dục, nghiện ngập.

 

Theo tâm lý trị liệu, phần lớn những bệnh tật đều phát xuất từ sự bất ổn về tâm lý. Khởi đi từ những khó khăn của cuộc sống, những thách đố, những thất bại, và ngay cả những thành công một cách quá mau chóng đều là những cơ hội rất dễ đưa con người đến tình trạng tâm lý bất ổn. Trong những tình trạng như thế, nhiều người thường đổ lỗi cho hoàn  cảnh, cho số mệnh, cho sự ghen ghét của người này, người khác. Nhưng tựu trung là vì “tâm không an” nên “thân không bình”, và “cuộc sống không hòa”.

 

Những triệu chứng trên ít nhiều chúng ta ai cũng thường gặp phải trong đời sống trong một số trường hợp, và ở vào một số giai đoạn. Nếu chúng chỉ đi qua trong một thời điểm và trong một môi trường hoặc hoàn cảnh nào đó thì không thành vấn đề. Vì do cuộc sống và những thách đố cuộc đời đôi khi làm cho con người bị chao đảo, mất thăng bằng về mặt tâm sinh lý. Nhưng nếu những triệu chứng đó tiếp tục kéo dài và đẩy chúng ta vào trường hợp liên quan đến tâm bệnh như Lo âu sợ hãi (Anxiety), Căng thẳng (Stress), Trầm cảm (Depression), Hỗn loạn sinh lý (Sexual dysfunction), Tư tưởng tự tử (Suicidal ideation), Mất ngủ (Insomnia)… thì đó là những điều không tốt cho bất cứ ai, ở bất cứ tuổi tác và thời điểm nào trong cuộc sống. Nhưng rất may nhờ có Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc như một phương pháp ngăn ngừa và trị liệu, nhiều người gặp khó khăn về thể lý cũng như tâm lý đã tìm được những kết quả tích cực cho cuộc sống, đã vui vẻ, yêu đời và khỏe mạnh hơn.  

 

NHỮNG ỨNG DỤNG TÂM LÝ TRỊ LIỆU

 

Những ứng dụng tâm lý trị liệu của Khí Công Hoàng Hạc bao gồm:

 

1. Thiền Hoàng Hạc:

 

Bác Sỹ - Võ Sư Chưởng Môn với căn bản chân truyền của võ Thiếu Lâm và cũng là Chưởng Môn Việt Nam Thiếu Lâm Thất Sơn, mà Tổ sư là Bồ Đề Đạt Ma cũng là sư tổ của thiền. Vì vậy ông ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng thiền, và đã mang thiền vào Khí Công Hoàng Hạc. Tinh thần này đã nhẹ nhàng len lỏi vào từng thế tập, từng cử động, đặc biệt những giây phút thiền cuối sau mỗi buổi thực tập khi cả lớp ngồi thinh lặng, nhắm mắt, và an hưởng những phút giây thật bình an.  

 

 

Ảnh hưởng của thiền được thể hiện trong 4 thế: Bấm, Vòng, Vươn, Buông phối hợp giữa Tâm Ý - Thân Pháp - và Hơi thở (Tam Hợp) tạo nên một phương pháp trị liệu rất độc đáo của môn thể dục Hoàng Hạc.  

 

-Hơi Thở: Khí Công Hoàng Hạc có một cách thở rất tự nhiên. Lối hít thở hút khí từ đất do bấm những ngón chân, và hít từ trời do vươn cao những ngón tay, rồi chuyển vào đan điền tạo ra sinh khí qua phối hợp những tác động nhịp nhàng lan tỏa ra khắp thân thể, khiến toàn thân trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển nhờ đó khí huyết lưu thông trong lục phủ, ngũ tạng một cách đều hòa, tự nhiên.

 

Trong khi sử dụng các thế vòng, hoặc khi giang 2 tay, khi vươn tới của 10 ngón tay, hoặc bấm chân, toàn bộ lồng ngực được mở rộng ra để hít vào, thở ra một cách tự nhiên làm cho bộ máy hô hấp chạy điều hòa. Và như đã trình bày, mỗi động tác tập như thế, theo bác sỹ Dương Đức Huyên, nhờ hơi thở ra vào đều đặn và sâu sẽ giúp dưỡng khí di chuyển khắp cơ thể, đến lục phủ, ngũ tạng, khai thông những khúc quanh bị tắc, thông suốt huyệt mạch, làm giảm đau nhức, nuôi dưỡng cơ thể, cho ta cảm giác sảng khoái.

 

-Thân Pháp: Trong Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc sự khoan thai, nhẹ nhàng nhưng liên tục là điều cần thiết. Nó không phải là một đường quyền của Thái Cực Quyền, cũng không phải là một chưởng lực đánh ra như những võ công khác. Việc để “tâm ý” vào “thân pháp” cùng nghĩa là đưa ý vào những động tác khi xoa, khi vươn tay, cũng như bấm ngón chân.

 

Nhờ phối hợp tâm ý - thân pháp - hơi thở như vậy sẽ giúp điều hòa được hơi thở, và khi để tâm ý vào hành động, hành động sẽ có “thần”, có “thức”. Việc phối hợp cả 3 (tam hợp) còn dẫn đến thái độ chậm dãi, khoan thai, nhẹ nhàng. Nó đem lại cái cảm giác riêng tư, một không gian, thời gian riêng tư, và tạo ra những giây phút tuyệt vời, hạnh phúc. Kéo dài những giây phút đó nhiều lần trong ngày, bạn sẽ có một ngày đầy bình yên!

 

-Tâm Ý: Như một kết quả tất yếu, những ai đã chuyên tâm thực tập môn thể dục này cũng đều có một cảm nghiệm rất thực tế của việc ngồi thiền. Theo kinh nghiệm của một học viên chia sẻ với Hoàng Hạc Kiều Hạnh, thì đó là những giây phút “vắng lặng, êm đềm, trong sáng cùng những cảm giác tinh tế xuất hiện trên thân thể”.

 

Trong Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc “biết” mình đang thở trong khi thực hành thiền cũng giống như đưa “tâm ý” vào những động tác khi tập Hoàng Hạc. Nó sẽ giúp thanh lọc những tạp niệm và giữ lại những giây phút bình yên. Kết quả là tâm trí trở nên thanh thản, tinh thần sảng khoái, tâm tư phấn khởi, vui vẻ, yêu đời, và hạnh phúc.

 

2. Nâng Đỡ Gia Đình (Family Support):

 

Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là một gia đình yêu thương và thông cảm, chia sẻ. Tuy có trên, có dưới, có thầy, có trò, có sư phụ, có môn sinh, nhưng tất cả sinh hoạt với nhau như tình anh chị em một nhà. Điều này phản ảnh tinh thần bầy đàn, của sinh hoạt chung trong thiên nhiên, đặc biệt, nếu chúng ta nhìn vào sinh hoạt của một đàn hạc. Trong khi chúng bay, con đầu đàn luôn gánh chịu lực cản của không khí, chấp nhận để hướng dẫn cả đàn. Đến khi mỏi mệt thì nó tự lùi về phía sau cho một con kế tiếp. Không ghen tỵ, không chọn cho mình vai trò kẻ cả và chiếm ưu thế. Tất cả đều chia sẻ và cùng tiến về chân trời mà chúng đang tìm về.

 

 

Từ sự hỗ trợ xã hội (social support) dẫn tới nâng đỡ gia đình (family support). Trong sinh hoạt Hoàng Hạc, sự nâng đỡ này rất cần thiết cho những ai đang gặp những hoàn cảnh cô đơn, chán nản, buồn bực, và thấy mình bị bỏ rơi, quên sót. Tinh thần “chị ngã em nâng”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” luôn có trong Gia Đình Hoàng Hạc. Điều này có nghĩa là ai cũng phải lên để hướng dẫn lớp một hoặc hai lần trong giờ tập, để rồi mọi người đều nhận được sự góp ý rất tích cực. Cũng như tất cả những ai cần được sự chỉ dẫn, nâng đỡ riêng đều được hướng dẫn và giúp đỡ tận tình.

 

3. Âm Nhạc Trị Liệu (Music Therapy):

 

Y-Võ-Nhạc. Chưởng Môn của Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là người tinh thông võ nghệ, thấu triệt, am tường y học và âm Nhạc. Vì thế ông đã hòa quyện ba đặc tính này trong phương pháp trị liệu của Khí Công Hoàng Hạc.  

 

Âm nhạc trị liệu (Music therapy) là một môn học hiện đang được dạy tại các trường đại học Hoa Kỳ. Trong các khóa tâm lý trị liệu, âm nhạc mang những đặc tính trị liệu như tạo sự hưng phấn, giảm bớt căng thẳng, đau khổ, và đem lại bình an. Do những đặc tính này, âm nhạc đã được dùng trong y khoa và tâm lý, đặc biệt, đối với những trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm (depression).

 

Chính vì thế trong phòng tập của Hoàng Hạc luôn luôn được mở một loại nhạc êm dịu, thanh thoát và hướng về tâm linh (nhạc thiền). Những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu và thanh thoát đã đem lại sự bình an, thư dãn tâm hồn, và nhẹ nhàng khối óc. Những âm thanh làm dịu êm những tâm hồn bị căng thẳng, lo lắng và buồn bực. Những dòng nhạc như vậy chính là một hình thức âm nhạc trị liệu trong Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc.    

 

KẾT LUẬN

 

Trung thành và đều đặn tập luyện, Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc sẽ đem lại cho người tập sự bình an, an nhiên, tự tại, khoan dung, và trưởng thành trong tâm lý ứng xử. Họ sẽ điềm tĩnh hơn, không bất an, sợ hãi, lo lắng, và nhất là không bị những tư tưởng bi quan, tiêu cực ảnh hưởng. Họ cảm thấy hài lòng với chính họ hơn, thấy yên bình hơn, có giấc ngủ an lành hơn, và nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan hơn.

 

Đến với Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc một giờ sẽ giúp cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, trí tuệ minh mẫn thì đó cũng như trải qua một giờ tâm lý trị liệu.

 

 

 

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT