Hôn Nhân, Cuộc Sống

Khi con bỏ học

Friday, 14/12/2018 - 08:52:31

Chờ chưa tới lúc con trở thành bác sĩ, ông bà T. đã mất con, khi cậu bé bỏ học trường y để vào học trường âm nhạc – học đúng ngành mà mình đam mê, chứ không làm theo đam mê của cha mẹ. Giờ thì mọi chuyện đã quá muộn màng, khiến ông bà phải thốt lên “Giá tôi đừng ép con...”


Chán học là căn bệnh mà nhiều học sinh mắc phải ở mọi lứa tuổi. Nếu được cha mẹ nhận ra kịp thời và có biện pháp ngăn chặn, bệnh có thể mau lành. (Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Mắt đỏ hoe, giọng khàn đặc, chị H., cư dân thành phố Garden Grove, California than thở với bạn vè về con trai 16 tuổi lại đòi nghỉ học ở nhà. Đây không phải là lần đầu chị phải khóc vì con. Con chị đã nhiều lần bỏ học trong suốt hai năm qua.
“Con không muốn đến trường nữa.”

Cách đây ba năm, chị H. cùng hai đứa con trai sang Hoa Kỳ định cư theo diện cha ruột bảo lãnh. Vì thân phụ đã đi thêm bước nữa, và có con riêng, nên tình cảm giữa chị và cha không còn đẹp như trước khi ông sang Hoa Kỳ. Thời gian đầu, chị được hướng dẫn cho con ghi danh vào học các trường gần nhà. Minh, đứa con trai lớn, 13 tuổi, và Hoàng, đứa nhỏ, 8 tuổi của chị H. khi đó rất háo hức với cuộc sống mới. Minh không phải là đứa ham chơi, chán học. Năm học đầu tiên, cậu bé nhanh chóng theo kịp với bạn kè cùng lớp, dù vô sau vài tháng.

Cuộc sống không dễ dàng. Sau hai năm, do xích mích trong gia đình, chị H. phải dọn ra riêng, thuê một căn phòng cho ba mẹ con. Nơi ở mới cách xa trường cũ, nên Minh phải chuyển trường. Chuyện xảy ra từ khi Minh vào học lớp mới, cô mới, bạn mới. Minh thường xuyên viện cớ, hôm thì nhức đầu, bữa lại đau bụng, để được nghỉ học ở nhà.

Do thấy học sinh thường xuyên đau bụng, nhức đầu, nhà trường đã gọi phụ huynh lên gặp thầy cô giáo. Những lần nghe nhà trường gọi, chị H. đều bấn loạn tinh thần, bởi chị không biết tiếng Anh. Nhà trường có cô giáo người Việt để thông dịch cho H., nhưng không phải lúc nào chị H. cũng được nói chuyện mà có người thông dịch như vậy.

Mới đây, Minh tuyên bố với chị “Con không muốn đến trường nữa.” Chị H. rụng rời chân tay. Chị nói với bạn bè, “Tôi đã khuyên lơn nó hết lời, năn nỉ nó đến trường, vì nó ở nhà trong lúc tôi đi làm, tôi đâu có yên tâm. Vây mà cuối cùng nó cũng không chịu đi học. Giờ tôi chẳng biết phải làm sao.”
Chán học là căn bệnh mà rất nhiều học sinh đang mắc phải. Lứa tuổi nào, cấp học nào cũng có học sinh mắc bệnh chán học. Nếu các bậc phụ huynh không phát hiện kịp thời và có những biện pháp ngăn chặn ngay tình trạng chán học cho trẻ, tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn để giúp trẻ thoát khỏi căn bệnh này.

Vì sao con chán học?

Khi trong nhà có trẻ chán học, không muốn đến trường, các bậc cha mẹ cần phải để ý đến con nhiều hơn bình thường. Trước tiên, cần phải tìm ra nguyên nhân của căn bệnh để có những biện pháp khắc phục phù hợp.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý chán học của trẻ. Trẻ từ chối việc học, vấn đề không chỉ nằm ở tính cách và năng lực của trẻ mà đôi khi còn xuất phát từ chính môi trường sống cũng cách nuôi dạy con của cha mẹ.

Có một số nguyên do gây nên tình trạng chán học ở trẻ:
- Trẻ thiếu tự tin, đang học giỏi bỗng tụt dốc, thua kém bạn bè, sẽ dẫn đến tâm lý tự ti, chán nản và buông bỏ việc học. Con thông minh, học giỏi là điều mà cha mẹ nào cũng mong mỏi. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng phát triển theo một tốc độ giống nhau. Khi kết quả học tập của con không được như ý muốn mặc dù con đã cố gắng hết sức, lúc này trẻ rất dễ có tâm lý tự ti, chán nản. Tâm lý của các bậc cha mẹ là người Việt Nam lại luôn muốn con là tài giỏi nhất, ngoan ngoãn nhất. Nhưng con không được như vậy thì quay ra quát tháo, la mắng, khiến trẻ càng chán nản, không muốn gặp gỡ ai, không muốn tiếp xúc với ngay chính cha mẹ của mình, và kết cục là không muốn tới trường.

Trong trường hợp này, cha mẹ nên nhìn nhận vào khả năng của con để vạch ra các kế hoạch học tập phù hợp cho con, đồng thời phải thường xuyên khuyến khích và động viên con, tuyệt đối không quát mắng và so sánh con với những đứa trẻ khác đồng trang lứa.

- Tự bản thân trẻ không có khả năng tập trung, kiểm soát bản thân.
Nhiều học sinh hay bị những tác nhân bên ngoài gây ảnh hưởng đến việc học tập, như trẻ làm bài tập là lúc anh chị em đang chơi game, hoặc đang xem truyền hình, hoặc nhà có khách, ăn uống ồn ào, khiến trẻ không tập trung được. Nhiều gia đình có phòng riêng cho con trẻ, nhưng cũng có gia đình chật hẹp, anh chị em ở chung phòng, hoặc một cái bàn, góc học tập riêng cũng không có cho trẻ.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải coi trọng việc học của con trên hết, sắp xếp cho con một không gian yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng để con có thể tập trung học hành, và nghiêm khắc với thời gian biểu cho con.

Áp lực từ cha mẹ

Không chỉ có học sinh lớp nhỏ như Minh, con chị H., chán học, bỏ học, mà ngay cả sinh viên đại học cũng mắc căn bệnh này.

Một đêm, thấy con trở về nửa tỉnh nửa say, nói rằng ngày mai sẽ chuyển sang tiểu bang khác cùng một người bạn để theo đuổi ước mơ của mình là trở thành nghệ sĩ dương cầm, ông bà T. ở thành phố Huntington Beach té ngửa.

Con bà học giỏi, ngoan ngoãn, biết vâng lời, bởi câu mà bà thường nói là nếu biết thương yêu cha mẹ thì không được cãi lời cha mẹ. Ông bà T. muốn con trở thành bác sĩ, nên từ nhỏ đã ép con phải học cho thật giỏi, lên đại học phải chọn đúng ngành y. Người con vâng lời, nhưng lại có một niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là dương cầm. Biết vậy, nhưng ông bà T. vẫn hạn chế thời gian chơi đàn của con, thậm chí khi con vào đại học, ông bà bán luôn cây đàn và hứa khi nào trở thành bác sĩ, con sẽ có được cây đàn dương cầm mới hơn, đẹp hơn, tốt hơn.”

Chờ chưa tới lúc con trở thành bác sĩ, ông bà T. đã mất con, khi cậu bé bỏ học trường y để vào học trường âm nhạc – học đúng ngành mà mình đam mê, chứ không làm theo đam mê của cha mẹ. Giờ thì mọi chuyện đã quá muộn màng, khiến ông bà phải thốt lên “Giá tôi đừng ép con...”

Gia đình, yếu tố quan trọng

Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng đa số những đứa con sống trong gia đình hạnh phúc sẽ thành công trong cuộc sống. Gia đình là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tình trạng cha mẹ thường xuyên bận rộn với công ăn việc làm, dành ít thời gian cho con, cũng khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình học tập. Tệ hơn nữa, nếu cha mẹ hay cãi vã, thậm chí ly thân, ly dị cũng khiến con bị ảnh hưởng nặng về tâm lý. Khi hạnh phúc gia đình không có, con cái bị tổn thương, việc học không còn ý nghĩa với chúng nữa.

Ngược với ông bà T., nhiều bậc cha mẹ không coi trọng việc học của con và thường đưa ra nhiều tấm gương kiếm tiền mà không cần học. Bà L. có đứa cháu ngoại cũng mới từ Việt Nam sang. Thay vì khuyến khích cháu hoàn thành việc học, bà cho cháu ra tiệm phụ làm nails với người cô ruột. Lúc đầu là vừa học vừa làm, sau cậu bé thấy làm có tiền, nên bớt học, lo làm. Bà hay so sánh con cháu người này người kia là bạn của bà, người nào cũng kiếm được rất nhiều tiền dù chẳng cần bằng cấp gì. Cho đến lúc cậu bé không muốn động chạm vào sách vở, không có động cơ cố gắng học tập vì thấy đi không cần học mà vẫn có thể đi làm kiếm tiền – mà còn kiếm được nhiều nữa, cậu bé bỏ học trước sự lo lắng của cả gia đình về một tương lai bấp bênh.

Việc con cái chán học, bỏ học không diễn ra một cách vô lý, và xảy ra ngày một ngày hai, mà đều xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, và kéo dài từ nhiều tháng. Một khi đã tìm hiểu được nguyên do ngọn ngành, các bạn sẽ chủ động hơn trong việc nuôi dạy con cái cho nên người.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT