Sức Khỏe

Khi bệnh nhân bị nổi hạch (sưng hạch bạch huyết)

Friday, 30/03/2018 - 07:55:13

Trong một số trường hợp sưng hạch bạch huyết, chỉ cần chờ đợi một thời gian hoặc chườm nước ấm thì đã có thể điều trị các hạch bạch huyết bị sưng. Nhưng điều trị nhiễm trùng hay viêm hạch bạch huyết cần tùy theo nguyên nhân.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Hệ bạch huyết là một hệ thống các cơ quan, mạch máu và các hạch bạch huyết nằm khắp cơ thể. Nhiều hạch bạch huyết nằm ở vùng đầu và cổ. Các hạch bạch huyết sưng thuờng ở khu vực này cũng như ở nách và vùng háng.

Thường thì các hạch bạch huyết sưng dễ nhận thấy ở cổ, dưới cằm, nách và háng. Chúng ta hay nói là "nổi hạch". "Nổi hạch" thường được coi là một triệu chứng đáng sợ. Tuy nhiên, sưng hạch xảy ra khá thường xuyên và thường thì sẽ hết khi được chú ý và chữa trị. Các hạch bạch huyết thường là nơi đầu tiên tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm trùng như vi trùng (bacteria) hay siêu vi trùng (virus), đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng. Chúng hoạt động như các bộ phận sàng lọc và tiêu diệt virus, vi trùng và các tác nhân gây bệnh khác trước khi chúng có thể lây sang các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, các hạch bạch huyết thường sưng hay nổi to lên khi tiếp xúc với vi trùng hoặc virus. Các hạch bạch huyết hiếm khi bị sưng do ung thư.
Trong một số trường hợp sưng hạch bạch huyết, chỉ cần chờ đợi một thời gian hoặc chườm nước ấm thì đã có thể điều trị các hạch bạch huyết bị sưng. Nhưng điều trị nhiễm trùng hay viêm hạch bạch huyết cần tùy theo nguyên nhân.

Triệu chứng
Sưng hạch bạch huyết là một dấu hiệu cho thấy có chuyện gì đó trong cơ thể. Khi bị sưng hạch bạch huyết, bạn có thể bị:
- Đau chỗ hạch bị sưng
- Hạch có thể sưng to bằng hạt đậu đen hoặc đậu hình thận, hoặc lớn hơn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng khác có thể gồm:
- Chảy nước mũi, đau họng, sốt và các dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Sưng các hạch bạch huyết trên khắp cơ thể - có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng, như HIV hoặc mononucleosis, hoặc rối loạn miễn dịch, như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp
- Hạch cứng, cố định, lớn nhanh có thể là một khối u
- Sốt
- Đổ mồ hôi đêm

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Một số hạch bạch huyết bị sưng sẽ trở lại bình thường khi nguyên nhân gây ra nó, chẳng hạn như một nhiễm trùng nhỏ, hết đi. Nên đi khám bệnh nếu cảm thấy lo lắng hoặc nếu các hạch bạch huyết bị sưng và:
- Không có lý do rõ ràng (thí dụ như nhiễm trùng gần đó)
- Tiếp tục lớn hơn hoặc kéo dài hai đến bốn tuần
- Sờ thấy cứng hay dai như cao su, hoặc không di chuyển khi bị đè xuống
- Đi cùng với sốt dai dẳng, đổ mồ hôi ban đêm hoặc giảm cân không giải thích được
Nên đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu khó nuốt hoặc khó thở.

Nguyên nhân
Hạch bạch huyết là một cụm tế bào nhỏ được bao phủ bởi một bọc mô liên kết. Các tế bào trong hạch gồm bạch cầu (lymphocytes), là tế bào chế tạo ra chất protein thu hút những vật xâm lấn như virus, và đại thực bào (macrophages), là tế bào phá vỡ vật bị hút vào. Bạch cầu và đại thực bào lọc chất dịch bạch huyết khi nó di chuyển qua khắp cơ thể và bảo vệ bạn bằng cách tiêu diệt những vật xâm lấn.
Các hạch bạch huyết nằm thành các nhóm, mỗi nhóm sàng lọc và bảo vệ một vùng cơ thể khác nhau. Bạn có thể dễ bị sưng ở một vùng nào đó, chẳng hạn như hay sưng các hạch bạch huyết ở cổ, dưới cằm, ở nách và ở háng. Vị trí của nhóm hạch bạch huyết sưng có thể giúp xác định nguyên nhân.
Nguyên nhân thông thường nhất của sưng hạch bạch huyết là nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như bệnh cảm lạnh. Các nguyên nhân khác bao gồm:

1) Nhiễm trùng thường gặp
- Bệnh sởi
- Nhiễm trùng tai
- Nhiễm vi trùng Strep
- Răng bị nhiễm trùng tạo thành bọc mủ (abscess)
- Bệnh Mononucleosis
- Nhiễm trùng da hoặc vết thương, thí dụ như viêm tế bào (cellulitis)
- Nhiễm (HIV) - siêu vi gây ra AIDS

2) Nhiễm trùng ít thấy
- Bệnh Lao
- Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, thí dụ như bệnh giang mai
- Bệnh Toxoplasmosis, một bệnh nhiễm ký sinh trùng do tiếp xúc với phân của một con mèo nhiễm bệnh hoặc ăn thịt nấu chưa chín·
- Bệnh mèo cào (cat scratch disease), một bệnh nhiễm trùng do mèo cào hoặc cắn

3) Bệnh do rối loạn hệ miễn dịch
- Lupus, một bệnh viêm mãn tính xảy ra ở khớp, da, thận, tế bào máu, tim và phổi
- Viêm thấp khớp, một bệnh viêm mãn tính ở các mô lót các khớp (synovium)

4) Ung thư·
- Ung thư bạch cầu (lymphoma): ung thư bắt nguồn từ hệ bạch huyết.
- Ung thư máu (leukemia): ung thư của các mô làm ra máu, bao gồm tủy xương và hệ bạch huyết.
- Các loại ung thư khác đã lan ra (di căn) tới các hạch bạch huyết

5) Các nguyên nhân khác hiếm gặp: bao gồm một số loại thuốc như thuốc chống động kinh phenytoin (Dilantin) và thuốc ngừa sốt rét.

Biến chứng
Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân của sưng hạch bạch huyết nhưng không được điều trị, những biến chứng sau có thể xảy ra:·

1) Bọc mủ (abscess) nơi hạch sưng. Abscess là một bọc mủ gây ra do nhiễm trùng, trong bọc mủ có chất lỏng, bạch cầu, mô chết, vi trùng hoặc những thứ xâm lấn khác. Bọc mủ có thể cần phải điều trị bằng cách rạch cho chảy mủ ra và thuốc trụ sinh.·

2) Nhiễm trùng máu (sepsis). Nhiễm vi trùng bất cứ nơi nào trong cơ thể cũng có thể tiến triển thành nhiễm trùng máu, là một chứng nhiễm trùng rất nặng của dòng máu. Nhiễm trùng máu có thể tiến triển thành chứng trụy tất cả các cơ quan và tử vong. Bệnh nhân cần được nhập viện và truyền kháng sinh đường tĩnh mạch.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT