Sức Khỏe

Khi bàng quang làm việc quá mức

Friday, 08/06/2018 - 08:50:37

Thận sản xuất nước tiểu, chảy vào bàng quang. Khi đi tiểu, nước tiểu từ bàng quang qua một lỗ ở phía dưới, vào một ống gọi là ống dẫn tiểu. Ở phụ nữ, chỗ ống dẫn tiểu thóat ra nằm ngay phía trên âm đạo. Ở nam giới, chỗ này ở đầu dương vật.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Bàng quang làm việc quá mức là một vấn đề khá "nhạy cảm", xảy ra cho khá nhiều người, nhất là những người lớn tuổi. Chứng này làm nạn nhân cảm thấy thình lình rất muốn đi tiểu, đôi khi không thể kềm chế được, khiến họ phải bị xón tiểu.

Triệu chứng
Gồm có:
- Thình lình cảm thấy thôi thúc muốn đi tiểu, thôi thúc này có thể khó kiểm soát
- Xón tiểu không kiểm soát được ngay lúc cảm thấy mắc tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, thường là tám hoặc nhiều lần trong 24 giờ
- Thức dậy hai hoặc nhiều lần trong đêm để đi tiểu
Mặc dù những người già thường bị chứng này nhưng việc bàng quang hoạt động quá mức không phải là một phần cần phải xảy ta trong tiến trình lão hóa. Nếu các triệu chứng này gây khó khăn trong cuộc sống, có thể tìm hiểu việc chữa trị bằng cách nói chuyện với bác sĩ của mình.

Khi bàng quang làm việc bình thường
Thận sản xuất nước tiểu, chảy vào bàng quang. Khi đi tiểu, nước tiểu từ bàng quang qua một lỗ ở phía dưới, vào một ống gọi là ống dẫn tiểu. Ở phụ nữ, chỗ ống dẫn tiểu thóat ra nằm ngay phía trên âm đạo. Ở nam giới, chỗ này ở đầu dương vật.
Khi bàng quang đầy, các tín hiệu thần kinh được gửi tới não gây ra cảm giác mắc tiểu. Khi đi tiểu, các tín hiệu thần kinh phối hợp sự thư giãn của bắp thịt ở sàn khung chậu và các cơ thắt của ống dẫn tiểu. Các cơ của bàng quang bóp lại, đẩy nước tiểu ra ngoài.

Nguyên nhân bàng quang làm việc quá mức
Bàng quang hoạt động quá mức xảy ra vì các cơ của bàng quang bắt đầu co thắt tự động dù lượng nước tiểu trong bàng quang còn thấp. Sự co thắt tự động này tạo ra nhu cầu cấp thiết đi tiểu.
Một số điều kiện có thể làm tăng triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức, gồm có:
- Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não và bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis).
- Sản xuất nước tiểu tăng cao, thí dụ như khi uống quá nhiều chất lỏng, chức năng thận bị suy giảm hoặc bị bệnh tiểu đường
- Một số các loại thuốc gây ra sự gia tăng sản xuất nước tiểu, hoặc cần phải uống chung với nhiều nước
- Nhiễm trùng đường tiểu cấp tính có thể gây ra các triệu chứng tương tự như khi bàng quang hoạt động quá mức
- Có sự bất thường trong bàng quang, chẳng hạn như khối u hoặc sạn bàng quang
- Các yếu tố gây cản trở dòng chảy bàng quang, thí dụ như tuyến tiền liệt phình lớn, táo bón hoặc những cuộc giải phẫu trước đó để điều trị xón tiểu.
- Uống nhiều caffeine hoặc rượu
- Suy giảm chức năng nhận thức do lão hóa, làm bàng quang khó khăn hơn để hiểu các tín hiệu nhận được từ bộ óc
- Đi lại khó khăn, có thể dẫn đến cấp bách nếu không thể vào phòng tắm một cách nhanh chóng
- Không đi tiểu hết, có thể dẫn đến các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức, vì chỗ chứa nước tiểu bị ít đi.
- Táo bón
Nhưng thường thì người ta không tìm ra nguyên nhân cụ thể của chứng bàng quang hoạt động quá mức khiến bác sĩ phải làm nhiều thử nghiệm khác nhau mong tìm ra nguyên nhân.

Khi một người già đi, họ có nguy cơ bị chứng bàng quang hoạt động quá mức. Họ dễ bị các bệnh và các chứng rối loạn, chẳng hạn như tuyến tiền liệt phình lớn và tiểu đường, có thể góp phần vào việc gây ra các vấn đề chức năng bàng quang.

Nhiều người bị giảm nhận thức, do tai biến mạch máu não hoặc mắc bệnh Alzheimer, có thể bị bàng quang hoạt động quá mức. Trường hợp này có thể giải quyết bằng cách uống chất lỏng theo lịch trình, đi tiểu theo giờ và nhắc nhở, mặc đồ dễ thấm nước, và đi cầu theo giờ.
Một số người bị chứng bàng quang hoạt động quá mức cũng có vấn đề kiểm soát ruột; nên cho bác sĩ biết.

Ảnh hưởng
- Bất kỳ những chứng không thể kiểm soát chức năng nào cũng có thể ảnh hưởng đến phẩm chất cuộc sống. Nếu các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức gây ra gián đoạn đời sống, nạn nhân cũng có thể bị rối loạn xúc cảm, phiền muộn, rối loạn giấc ngủ và chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn. Bác sĩ có thể khuyên nên điều trị các chứng liên quan này, nhưng không chắc việc điều trị chúng có làm bớt những triệu chứng của bàng quang không.

Một số phụ nữ cũng có thể bị rối loạn hỗn hợp, tức gồm cả hai vấn đề là không kiểm soát do căng thẳng và không kiểm soát do bị quá thôi thúc. Không kiểm soát do căng thẳng là bị xón tiểu khi vận động thể lý gây ra áp lực lên bàng quang, chẳng hạn như khi chạy nhảy. Điều trị chứng này cũng không làm giảm được các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức.

Những người giàcũng có thể gặp vấn đề về sức chứa của bàng quang và đi tiểu không hết. Bàng quang có thể làm nạn nhân rất mắc tiểu hoặc xón tiểu nhưng lại không đi tiểu cho hết được. Họ cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa về các vấn đề bàng quang.

Điều trị

Bác sĩ có thể làm nhiều thử nghiệm khác nhau để hiểu rõ các vấn đề của bàng quang và đề nghị cách điều trị, có thể bao gồm:
- Những bài tập cần thiết để thay đổi các thói quen bài tiết như bài tập cơ sàn chậu Kegel, làm cơ sàn chậu và cơ thắt ống tiểu săn chắc hơn, có thể giúp ngăn chặn các cơn co thắt ngoài ý muốn của bàng quang. Bác sĩ hoặc một nhân viên trị liệu vật lý có thể giúp bệnh nhân học cách thực hiện các bài tập Kegel đúng cách. Có thể mất sáu tới tám tuần trước khi nhận thấy một sự khác biệt trong các triệu chứng.
- Giữ cho cân nặng không quá cao. Nếu nạn nhân bị dư cân, việc giảm cân có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Giảm cân cũng có thể giúp triệu chứng xón tiểu khi vận động thể lý.
- Giảm uống chất lỏng. Bác sĩ có thể khuyên giới hạn lượng chất lỏng ở một mức nào đó và khuyên nên uống vào lúc nào.
- Tiểu hai lần. Để tiểu cho hết, nên chờ một vài phút sau khi tiểu xong và cố gắng tiểu thêm để chắc chắn là bàng quang đã hết nước tiểu.
- Lập lịch trình đi tiểu. Lập một lịch trình để đi tiểu, thí dụ tiểu mỗi 2- 4 giờ thay vì chờ đến mắc tiểu.
- Dùng ống lấy nước tiểu ra theo định kỳ. Hỏi bác sĩ phương pháp này có phù hợp không.
- Mặc thêm miếng thấm trong quần lót để bảo vệ quần áo và giúp tránh xấu hổ khi có "tai nạn" để có thể hoạt động bình thường, không bị giới hạn.
- Huấn luyện bàng quang. Tập trì hoãn khi cảm thấy muốn đi tiểu. Bắt đầu bằng cách trì hoãn ít, chẳng hạn như 30 phút, và dần dần tăng lên để đi tiểu mỗi 3- 4 giờ. Huấn luyện bàng quang chỉ thành công khi người bệnh có thể thắt chặt cơ sàn chậu.

Thuốc

Những loại thuốc làm thư giãn bàng quang có thể hữu ích cho việc làm giảm các triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức và giảm hối thúc đi tiểu.
Tác dụng phụ thường gặp của hầu hết các loại thuốc này gồm có khô mắt và khô miệng, nhưng uống thêm nước cho bớt khô miệng lại làm nặng thêm các triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức. Táo bón - một tác dụng phụ khác - có thể làm nặng thêm các triệu chứng bàng quang. Những hình thức có tác dụng kéo dài của các loại thuốc này, như miếng dán trên da hoặc gel, có thể gây ít tác dụng phụ hơn.


Thay đổi lối sống để trị bệnh

- Duy trì cân nặng vừa phải
- Uống nước theo lịch trình và chỉ uống đủ lượng cần thiết. Có thể hỏi bác sĩ về lượng chất lỏng bạn cần hàng ngày
- Tránh chất caffeine và rượu.
- Sống với bàng quang hoạt động quá mức có thể khó khăn.Các nhóm hỗ trợ có thể cung cấp các thông tin, kết nối những người bị chứng bàng quang hoạt động quá mức và tiểu xón.
- Giáo dục gia đình và bạn bè về chứng bàng quang hoạt động quá và trải nghiệm của bạn có thể giúp bạn thiết lập mạng lưới hỗ trợ và giảm cảm giác xấu hổ. Một khi bắt đầu nói chuyện về nó, bạn có thể ngạc nhiên khi biết chứng này thực ra rất thông thường.
- Vậnt động thể chất hàng ngày thường xuyên và tập thể dục.
- Bỏ hút thuốc.
- Chữa trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, có thể góp phần làm giảm triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức.
- Làm các bài tập Kegel: thắt chặt cơ sàn chậu, giữ hai giây, sau đó thư giãn ba giây. Tăng dần đến giữ co thắt trong năm giây và sau đó 10 giây. Làm 10 co thắt, 3 lần mỗi ngày.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT