Sức Khỏe

Khám răng định kỳ cho trẻ em

Friday, 01/12/2017 - 09:01:57

Sau những năm dài hành nghề nhi khoa tại nước Mỹ, tôi nhận thấy sự hiểu biết về y khoa để tự chăm sóc sức khỏe của người Việt hải ngoại đã tăng lên khá nhiều, trong đó có sự thay đổi về những thói quen liên quan đến sức khỏe.

Bài BS NGUYỄN THỊ NHUẬN

Trước kia tôi thường cho rằng săn sóc răng cho trẻ em là phần việc của các nha sĩ. Nhưng hiện giờ tôi đã thay đổi quan niệm vì người tiếp xúc, trông thấy hàm răng của các bé nhiều nhất, ngoài cha mẹ và người thân của bé, chính là người bác sĩ nhi đồng. Bác sĩ nhi đồng cần nhận trách nhiệm chú ý đến hàm răng của các bé và có lời khuyên cho các bậc cha mẹ.

Sau những năm dài hành nghề nhi khoa tại nước Mỹ, tôi nhận thấy sự hiểu biết về y khoa để tự chăm sóc sức khỏe của người Việt hải ngoại đã tăng lên khá nhiều, trong đó có sự thay đổi về những thói quen liên quan đến sức khỏe. Và sự chú ý của các phụ huynh đối với hàm răng của các bé chính là một trong những tiến bộ này. Thay vì trước kia quan niệm rằng răng sữa là răng tạm thời, không cần săn sóc tới, ngày nay đa số các phụ huynh đều thấy sự quan trọng của một hàm răng sạch trắng đẹp trong nụ cười ngây thơ của các em cũng như trong sự phát triển của hàm răng vĩnh viễn sau này.

Do đó việc cho trẻ em đi khám răng định kỳ là một việc quan trọng để giữ gìn hàm răng và nụ cười đẹp của các em.

Tại sao phải đi khám răng định kỳ?
Khám răng định kỳ là một phần quan trọng của y khoa phòng ngừa, giúp cho hàm răng được khỏe mạnh, tránh sâu răng làm đau nhức và không nhai được. Đi khám răng định kỳ là cho nha sĩ một cơ hội nói cho các em biết cách giữ gìn hàm răng, cách ăn uống cho răng tốt cũng như cách đánh răng cho có hiệu quả. Trong kỳ khám răng, bác sĩ có thể định bệnh sớm để chữa cho tốt, thực hành phần vụ ngừa bệnh, cho biết những gì có thể làm hư hại hàm răng, thí dụ như hút thuốc, sử dụng ma túy, xỏ lỗ trong miệng...

Khi nào cần đi khám răng?
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc đi khám răng, gồm có tuổi, sức khỏe, nguy cơ sâu răng... Sau đây là những hướng dẫn về việc đi khám răng.

- Tuổi bắt đầu đi khám răng là từ 6 tháng tới 1 năm: Hội Nha Khoa Hoa Kỳ cũng như Hội Nha Khoa Trẻ Em Hoa Kỳ khuyên nên cho em bé đi khám răng lần đầu ngay từ khi mới mọc chiếc răng đầu tiên và không trễ hơn lúc được 1 năm tuổi.

- Sau đó nên cho các em đi khám răng ít nhất là 1 lần mỗi năm và tốt hơn nữa là mỗi 6 tháng. Nha sĩ có thể khuyên bạn cho em đi khám răng thường hơn nếu em là trẻ dễ bị sâu răng hoặc có vấn đề hàm miệng.

Sửa soạn trước khi đi khám răng

Bạn có thể đem em đi khám ở một nha sĩ tổng quát hay một nha sĩ chuyên về trẻ em. Nha sĩ chuyên về trẻ em có thể có những máy móc dành riêng để khám cho trẻ và phòng mạch cũng được trang hoàng hợp với trẻ em. Sau đây là những bước chuẩn bị cho cuộc đi khám răng
- Hẹn khám cho em vào giờ em đã nghỉ ngơi đầy đủ.
- Nói chuyện một cách tích cực với em về cuộc khám, không dùng những chữ như đau, khóc... Nói cho em biết nha sĩ sẽ dùng những dụng cụ đặc biệt để làm cho răng của em khỏe mạnh. Cho em biết bạn cũng đi khám răng thường xuyên để giữ cho răng tốt nhưng tránh nói về những lần chữa răng đau đớn của bạn.
- Lắng nghe em nói. Khuyến khích em nói ra nỗi lo sợ của em để bạn có cơ hội giảng giải thêm và trấn an em.

Cuộc khám răng
Những gì nha sĩ sẽ làm trong cuộc khám răng tùy thuộc vào tuổi và tình trạng răng của em.

1.Từ 6 tháng tới 1 tuổi
Em bé có thể được đặt lên bàn hay ngồi trong lòng bạn. Nha sĩ sẽ
- Đánh giá tình trạng răng miệng của em, cách em ăn uống, và nguy cơ sâu răng của em.
- Chùi những vết dơ trên răng em bằng bàn chải
- Chỉ cách chùi răng
- Tìm hiểu lượng flouride em đang lấy vô mỗi ngày từ thức ăn để cho toa mua thêm hoặc quét một lớp flouride lên răng.
- Khám xem em có bị lở trong miệng, lưỡi hay nóc họng không
- Khám xem các tật của em như mút tay có ảnh hưởng lên răng miệng không
- Chỉ cách tránh bị thương tích cho miệng

2.Từ 1 tuổi trở lên
- Giống như trên, thêm
- Chụp hình quang tuyến X hay những thử nghiệm định bệnh khác
- Quét lớp bọc lên răng hàm vĩnh viễn và răng đằng sau dễ bị sâu
- Chữa những răng sâu
- Tìm xem răng trên và dưới có chệch ra làm ảnh hưởng khớp cắn không
- Cho biết những ảnh hưởng tai hại của các tật bú tay, nghiến răng hay cắn móng tay...
- Giới thiệu đi chỉnh nha và chuẩn bị trước khi cần
- Đối với các em tuổi dậy thì, nha sĩ có thể chỉ rõ những tai hại của các tật xấu như ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, nhai thuốc, xỏ lỗ trong miệng hay không đeo miếng bảo vệ răng khi chơi thể thao, hoặc khuyên nên nhổ răng khôn.

Chụp quang tuyến X
Quang tuyến X cho nha sĩ thấy rõ tình trạng trong miệng bệnh nhân. Có những loại hình khác nhau chụp những phần khác nhau của răng khiến nha sĩ định bệnh dễ dàng hơn.

Lấy dấu răng
Nha sĩ dùng dụng cụ đặc biệt để lấy dấu răng. Bệnh nhân cắn vào một cái “khay” có chất mềm, in dấu răng trong đó để sau đó được đúc ra thành hàm răng mẫu bằng thạch cao của chính bệnh nhân.

Lời khuyên sau cùng
Sau khi thực hành những phần trên, nha sĩ có thể nói rõ tình trạng sức khỏe răng miệng của các em, tóm tắt lại những lời khuyên về vệ sinh răng miệng, đồng thời cho biết kỳ hẹn tới vào lúc nào.
Đi khám răng định kỳ từ sớm có nhiều điều lợi.
- Các em chưa bị sâu răng nên không phải qua việc chữa răng đau đớn, do đó sẽ không sợ khi đi khám lần tới.
- Các em được thấy sự quan trọng của vệ sinh răng miệng và học được cách bảo vệ hàm răng. Nên nhớ, sức khỏe răng miệng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe toàn diện. Răng sâu sẽ dễ gây ra nhiễm trùng ở các bộ phận khác của cơ thể do vi trùng theo máu chạy đi khắp nơi.
- Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều, cả về tiền bạc lẫn sự đau đớn, khi răng các em được chăm sóc đều đặn và ít bị sâu.
- “Răng có đẹp thì đời mới tươi.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT