Tiêu Thụ

Khách hàng bị truy tố hình sự vì gian lận khi trả hàng

Friday, 10/03/2017 - 08:18:47

Tanamor-Steffan hiện bị truy tố hình sự về hai hạng mục: Trả hàng gian lận (7 cáo trạng) và dùng thông hành giả mạo (1 cáo trạng). Nếu bị kết tội, đương sự có thể bị giam tới 20 năm cho từng cáo trạng trả hàng gian lận bằng cách dùng thẻ ngân hàng, và 10 năm cho cáo trạng thông hành giả.

Bài ERIC TRẦN

Là người tiêu thụ, chúng ta muốn được yên tâm khi mua hàng. Bên bán hàng cũng muốn như vậy nên đã cho phép trả lại hàng đã mua nếu khách tiêu thụ không ưng ý về phương diện nào đó. Nhưng sự trao đổi này phải được thực hiện dựa trên thiện chí của người mua, bằng không bên bán sẽ rút lại, hoặc dần dần hạn chế cái “ưu quyền” này. Người mua hàng lạm dụng ưu quyền trả hàng có lỗi với thế giới người tiêu thụ nói chung, mà lại chuốc vào cho mình những rắc rối pháp luật hoàn toàn không tương xứng. Chuyện này không hẳn chỉ là lời cảnh cáo, mà đã thực sự xảy ra. Sau đây là một vụ còn nóng hổi, mới xảy ra vào cuối năm 2016.
Chuyện xảy ra ở Baltimore, Maryland, vào tháng 11, 2016. Thủ phạm có tên Marie Joy Tanamor-Steffan, cũng được gọi là Marie Joy Acibo Tanamore, 42 tuổi, bị truy tố đại hình về tội ăn cắp hàng ở nhiều nơi, rồi mang đến trả để nhận lại tiền mặt. Trước tiên, đương sự ăn cắp ở một cửa hàng chi nhánh. Bởi vì hàng ăn cắp không có biên nhận (receipt), mà đương sự lại muốn lấy được tiền mặt mang về nên y thị đã thực hiện một trò chơi gian manh phức tạp, nhưng cũng phải công nhận là … ngoạn mục.


Đây là “sa trường” để cho một số kẻ mạo danh giới tiêu thụ giở trò gian tham

Khi trả hàng không có receipt, đương sự phải xuất trình căn cước, thường là bằng lái xe đối với cư dân hợp pháp tại Mỹ. Đáp ứng đòi hỏi này, người khách hàng giả mạo đưa sổ thông hành Phi Luật Tân làm bằng chứng. Sau này khi bị bắt, nhà chức trách mới khám phá ra rằng, sổ thông hành đã được cạo sửa nhiều lần, để đương sự không bị ghi nhận là người chuyên trả hàng không receipt.

Với những món đồ trả lại không receipt, cửa hàng chỉ cấp Store Credit, tức là thẻ mua hàng có giá trị tương đương món hàng đã trả, chứ không trả lại tiền mặt. Để đối phó, đương sự đã mua một món gì đó có giá trị hơi nhỉnh hơn món trước một chút, và trả cho phần sai biệt bằng thẻ nhà băng (debit card) của mình. Lần này, đương sự có được một cái biên nhận chính thức. Có biên nhận rồi, mấy hôm sau đương sự lại đưa món hàng ấy trả về cho cửa hàng, để nhận lại toàn bộ số tiền bằng giá món hàng thứ hai trả về cho trương mục ngân hàng của mình. Như vậy, sau mấy màn biến hóa, món hàng ăn cắp đã được “rửa” để trở thành đồng tiền hợp pháp của y thị.


Mua sắm mùa lễ là thời gian làm ăn cao điểm của giới buôn bán, nhưng Hiệp Hội Các Nhà Bán Lẻ Toàn Quốc (National Retailers Federation) cho biết, mùa lễ mỗi năm giới bán hàng thiệt hại 3.8 tỷ đô vì sự trả hàng gian lận. Rốt cuộc, giới bán hàng lại “đập” sự thiệt hại này trên lưng khối khách hàng chân chính

Trong một trường hợp khác, đương sự đã đến cửa hàng với một tấm biên nhận trong tay. Vào thẳng bên trong các quầy hàng, y thị kiếm một món đồ y hệt, rồi ngang nhiên cầm món ấy ra khu vực “return” để trả lại hàng, và ung dung nhận lại tiền mặt cho món đồ mình đã không bao giờ mua. Một lần nữa, tiền lại được ký thác vào trong sổ ngân hàng của đương sự.

Cứ lần hồi như vậy, lạm dụng “Return Policy” bằng cách này hay cách khác, khi bị phát giác và truy tố, Tanamor-Steffan đã ăn cắp được món tiền khá lớn là $61,322.42. Con số thực tế có thể nhiều hơn, bởi vì đây mới là những “phi vụ” bị khám phá.

Tanamor-Steffan hiện bị truy tố hình sự về hai hạng mục: Trả hàng gian lận (7 cáo trạng) và dùng thông hành giả mạo (1 cáo trạng). Nếu bị kết tội, đương sự có thể bị giam tới 20 năm cho từng cáo trạng trả hàng gian lận bằng cách dùng thẻ ngân hàng, và 10 năm cho cáo trạng thông hành giả.

Trên đây chỉ là một vụ điển hình. Chắc chắn thị trường còn là “nạn nhân” của nhiều trò gian tham khác. Chính vì thế, tháng 11 năm ngoái, chính quyền liên bang Hoa Kỳ đã cho thành lập “Biệt Đội Truy Tìm Gian Lận Tài Chánh” (Financial Fraud Enforcement Task Force), với hơn 20 cơ quan liên bang, và 94 văn phòng công tố cấp liên bang và tiểu bang. Đây là một mạng lưới mở rộng kết hợp nỗ lực của cơ quan thực thi công lực các cấp, nhằm triệt hạ những xảo thuật ma bùn về tài chánh, và tái lập sự trong sáng, trung thực cho thị trường. Kể từ năm 2009 đến nay, Bộ Tư pháp đã lập 18,000 hồ sơ để truy tố 25,000 nghi can về tội phạm tài chánh.

Thiết tưởng việc lạm dụng ưu quyền trả hàng có thể làm manh nha những ý đồ đen tối, đưa lại những hậu quả lớn, trầm trọng hơn rất nhiều so với một chút lợi lộc tìm kiếm được. Người tiêu thụ chân chính không bao giờ làm như vậy để gìn giữ sự trong sáng của lương tâm mình, cũng là để bảo tồn những tập tục tốt đẹp của thương trường.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT