Văn Nghệ

Kênh truyền hình SDC hướng dẫn cách phòng ngừa trộm cướp

Friday, 18/10/2019 - 07:45:15

Vào cuối tháng 8, 2019 vừa qua, trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam đã xuất hiện thêm một kênh truyền hình xem trên internet mang tên Security Discovery Channel

Nhạc sĩ Quốc Võ edit chương trình An Ninh Trong Cuộc Sống phát trên Security Discovery Channel, xem trên internet (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Vào cuối tháng 8, 2019 vừa qua, trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam đã xuất hiện thêm một kênh truyền hình xem trên internet mang tên Security Discovery Channel (gọi tắt là SDC) do nhạc sĩ Quốc Võ thực hiện.
Nhạc sĩ Quốc Võ đệm đàn trong nhiều chương trình nhạc trong cộng đồng, đã sáng tác nhiều ca khúc và vài MV ca nhạc được khán giả yêu thích. Gần đây nhất, nhạc sĩ Quốc Võ còn được khán giả biết đến trong vai trò đạo diễn phim trinh thám rùng rợn Bàn Tay Máu đã chiếu tại rạp Regency Westminster 10 trong tháng Giêng. Phim Bàn Tay Máu của Quốc Võ còn được ban tổ chức Viet Film Fest 2019 chọn để tham gia dự thi trong kỳ đại hội điện ảnh năm nay.
Không chỉ là nhạc sĩ, đạo diễn phim truyện, Quốc Võ còn là huấn luyện viên của bộ môn bắn súng chuyên nghiệp, được cấp bằng bởi National Rifle Association. Vì vậy anh lập ra kênh truyền hình SDC để chiếu chuỗi phim tài liệu ngắn về đề tài An Ninh Trong Cuộc Sống, nhằm hướng dẫn mọi người cách phòng chống bọn cướp như thế nào để an toàn, hiệu quả và chính xác, mà không vi phạm đến pháp luật.

Lý do ra đời kênh truyền hình SDC

Nhắc lại cơ duyên thực hiện chuỗi phim tài liệu về đề tài An Ninh Trong Cuộc Sống, nhạc sĩ Quốc Võ cho biết, trước đây anh thường hay xem phim tài liệu của Mỹ Investigaton Discovery (Viết tắt là ID) được làm rất hay. Các tập phim tài liệu dựa trên những câu chuyện vụ án có thật đã xảy ra trong quá khứ nhiều chục năm. Chương trình điều tra cặn kẽ những câu chuyện bí ẩn về tội phạm, phỏng vấn những đối tượng có liên quan đến vụ án và cho người xem thấy phân tích xác thực từ các chuyên gia. Thậm chí có những vụ án chìm sâu nhiều chục năm trời, vẫn chưa bắt được thủ phạm, nhưng tình cờ có chi tiết của vụ án xuất hiện lại, giúp các thám tử lật lại vụ án để điều tra và tìm ra được thủ phạm thật sự. Chương trình được thực hiện có diễn viên đóng để tái hiện lại những vụ án. Mấy năm trước nhạc sĩ Quốc Võ mong muốn thực hiện chuỗi phim tài liệu nhiều tập giống như vậy về các vụ án trong cộng đồng người Việt tại Mỹ để bán cho đài Mỹ. Vì muốn thực hiện chuỗi phim tài liệu này bán cho đài Mỹ, đòi hỏi rất nhiều chi phí, nên anh tạm ngưng dự án này lại.
Tuy vậy vài tháng nay, nhạc sĩ Quốc Võ lại quyết định thực hiện chuỗi phim tài liệu An Ninh Trong Cuộc Sống, để giúp cộng đồng người Việt. Anh làm trong khả năng tài chính của cá nhân, anh tự quay, tự edit, rồi trình chiếu trên internet để truyền bá đến cộng đồng.

Bởi vì, “Trong thời gian gần đây, cả nước Mỹ, đặc biệt là tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, đã xảy ra nhiều vụ cướp giật táo bạo. Bọn cướp không chỉ manh động tấn công người dân vô tội, mà còn ra tay hạ sát một cách dã man không thương tiếc nếu bị nạn nhân chống cự. Điều đó làm thiệt hại về người và của không hề nhỏ cho người dân, gây mất trật tự an ninh và làm hoang mang lo sợ cho tất cả mọi người.
“Vì một xã hội tốt đẹp, văn minh và an toàn, chúng tôi đã thành lập kênh truyền hình Security Discovery Channel để thực hiện chuỗi phim tài liệu đề tài An Ninh Trong Cuộc Sống. Chúng tôi dựng lại những thước phim ngắn dựa trên những câu chuyện có thật đang xảy ra trong xã hội ngày nay. Những vụ cướp giật táo bạo, những mưu mô lừa đảo có tính toán, sẽ được tái hiện lại trên màn ảnh nhỏ một cách chân thật nhất. Ngay khi đó, chúng tôi sẽ có nhiều chuyên gia tư vấn như luật sư, bác sĩ, cảnh sát, quân nhân, võ sư, chuyên viên bảo hiểm, chuyên viên tâm lý… sẽ cho chúng ta ý kiến về cách giải quyết sự việc một cách đúng đắn nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất, để tránh khỏi sai phạm đến luật pháp đang ban hành của nước Mỹ.”

Hiện nay kênh SDC đã chiếu ba chương trình, mỗi chương trình dài khoảng 20 đến 45 phút. Cả ba chương trình đều được thực hiện rất hấp dẫn, phần đầu có các diễn viên tái diễn lại các tình huống bị cướp như một cuốn phim truyện, có thoại, hành động, âm thanh, nhạc nền… Phần sau của phần tái hiện câu chuyện là chia sẻ của các chuyên gia về cách phòng chống và xử lý tình huống một cách an toàn nhất và hiệu quả nhất khi gặp kẻ cướp.
Chương trình đầu tiên có tên gọi là “Kẻ Sát Nhân Máu Lạnh.” Chương trình thứ hai mang tên “Cuộc Đối Đầu Đẫm Máu.” Chương trình thứ ba “Sai Thời Điểm” (Wrong Time, Wrong Place).

Với bọn cướp, nên phòng ngừa hay đối đầu?

Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên cướp đặc biệt là những tên cướp có mang theo hung khí, luôn là điều mà rất nhiều người quan tâm. Nhạc sĩ Quốc Võ nói, “Bọn cướp không bao giờ đi một mình và luôn có vũ khí, mục đích ban đầu của chúng chỉ là cướp tài sản, nhưng nhiều trường hợp bọn cướp đã giết người khi bị nạn nhân phản kháng. Vì vậy khi bị cướp tấn công, chúng có lời nói cử chỉ để hăm doạ, khống chế yêu cầu đưa tài sản, bạn hãy tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng, làm theo tất cả yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay bị kích động. Ngoài ra ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo ngay cho cảnh sát. Nếu là cướp vào nhà thì bạn không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường. Nếu trong nhà bạn có đặt camera giám sát giấu kín thì càng tốt, những hình ảnh lưu lại sẽ giúp cảnh sát truy tìm kẻ cướp dễ hơn.”

Nhạc sĩ Quốc Võ cho biết thêm, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Chúng chỉ giết người nếu nạn nhân giằng co lại tài sản hoặc hô hoán khiến chúng manh động. Do vậy khi bị cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình. Mình còn mạng thì còn làm ra của cải. Cho nên đừng xem trọng số tài sản của mình mà hãy xem như “của đi thay người.” Trong những tình huống như vậy cần phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo. Không nên đối đầu với một tên cướp có hung khí trong tay. Tên cướp khi bị dồn vào đường cùng có thể liều mạng. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy truy hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn mà còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Nhạc sĩ Quốc Võ khuyên, “Thường thì chị em phụ nữ rất thích đeo giỏ xách những hiệu nổi tiếng (như Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Chanel, Gucci…). Dĩ nhiên giỏ hiệu đẹp thì muốn khoe rồi. Nhưng khi ra đường như đi chợ không nên mang giỏ hiệu. Càng không nên bỏ tiền mặt nhiều trong túi. Nếu cướp có giựt thì thả cho nó giựt, không nên tiếc của giành giật với tụi cướp, sẽ nguy hiểm tín mạng.
“Còn nếu tiếc giỏ hiệu, thì nên mua bảo hiểm cho chiếc giỏ đó. Quốc Võ từng phỏng vấn cô Trang Lương bán bảo hiểm cho biết, mình có quyền mua bảo hiểm những vật dụng có giá trị như giỏ hiệu, trang sức… Khi bị cướp thì bảo hiểm sẽ đền cho mình. Người Việt có thói quen giữ tiền mặt nhiều, hãy bỏ thói quen này. Chỉ nên đem trong giỏ xách ít tiền mặt thôi, nếu bị cướp giỏ thì cũng không tiếc của.

“Trong chương trình An Ninh Cuộc Sống trên kênh SDC, Quốc Võ từng đề cập đến người thợ Nails gặp phải người khách sau khi được làm nails xong không trả tiền, mà bỏ chạy. Lời khuyên là người thợ, chủ tiệm nails không nên đuổi theo đòi tiền, hãy nghĩ “của đi thay người”. Mình đuổi theo, chẳng may người khách này quay ngược lại tấn công mình, gây nguy hiểm cho mình, bị chết oan.”
Theo nhạc sĩ Quốc Võ, để phòng hờ bị bắt cóc, khi ra ngoài, phụ nữ nên có dụng cụ phòng thân. Ví dụ như tìm mua roi điện (loại nhỏ gọn, cầm trong tay). Khi bị nguy hiểm, hãy sử dụng để tránh thoát. Những lúc đi từ khu thương xá ra chỗ đậu xe, các cô gái nếu đi vào giờ chạng vạng tối hay nơi đó rất vắng vẻ, thì hãy nhìn kỹ gần xe của mình có xe nào khả nghi đậu kề bên hay không. Nhất là xe có cửa kiếng màu tối. Bản thân mình có cảm giác có người theo dõi, không an tâm, thì không nên tự một mình đi ra xe. Hãy nhờ sự trợ giúp người xung quanh. Hãy chờ có nhóm người đi đông, hãy cùng ra chung với họ.
Còn với trường hợp là chủ tiệm vàng, chủ tiệm nails có nhiều tiền mặt nhiều trong người, hoặc mang vàng khi đi từ tiệm về nhà, gặp phải bọn cướp thì sao?

Nhạc sĩ Quốc Võ khuyên, “Khi bạn về gần tới nhà, hãy nhìn kính chiếu hậu có xe lạ nào đi theo hay không. Nếu nghi ngờ có xe đang theo dõi mình, thì hãy chạy qua khỏi nhà, chứ không nên vào nhà. Rồi quẹo sang những con đường khác xem chiếc xe khả nghi có tiếp tục bám theo sát xe mình không? Nếu vẫn thấy xe khả nghi theo sát xe mình thì hãy gọi 911 ngay và báo cho biết có chiếc xe đang theo dõi mình, cho biết mình đang đi trên đường nào. Rồi chạy ra đường lớn, chứ không nên đi vào những đường nhỏ. Vì đường nhỏ, vắng xe, bọn cướp rất dễ áp xe mình và ra tay cướp. Không nên đã nghi ngờ có xe theo dõi mình, mà còn mở gara chạy xe vào nhà. Ngay thời điểm đó là bọn cướp sẽ ra tay, hoặc nó biết nhà rồi, ngay hôm đó không hành động, thì bữa sau sẽ đến nhà mình để cướp. Nhất là với những chủ tiệm vàng hay mang vàng hoặc tiền về nhà.”
Còn khi đến nhà băng rút tiền, hãy để ý những chiếc xe đậu lùi trong bãi đậu xe, tài xế nhìn thẳng và rõ vào nhà băng, vào ATM hoặc cửa sổ dịch vụ lái xe qua (drive thru). Những chiếc xe đến ngân hàng mà không có ai từ trong xe vào nhà băng. Những chiếc xe thường xuyên thay đổi chỗ đậu xe. Những chiếc xe có nhiều người bên trong. Những lúc như vậy, các để tự bảo vệ mình, hãy luôn để mắt đến môi trường chung quanh.
Giấu kín tiền trước khi rời nhà băng, đừng bao giờ công khai cầm túi của ngân hàng, phong bì hay những hộp đựng tiền xu. Để ý những người đi theo từ ngân hàng.

Nếu nghi ngờ đang bị để ý, hãy gọi 911, thông báo địa điểm, hướng mình đang đi, và tốt hơn hết lái xe về đồn cảnh sát cho đến khi xe cảnh sát có thể nhận dạng được xe của mình.
Đừng nên để hoặc tìm cách dấu túi hoặc phong bì của ngân hàng trong xe khi đến nơi tiếp theo, ngay cả khi về đến nhà.
Nhạc sĩ Quốc Võ nói thêm về cách phòng ngừa bị cướp khi đi đổ xăng. “Có hai cách đổ xăng, một là trả tiền mặt (phải vào tiệm tại cây xăng để trả tiền) hoặc trả thẻ (ngay tại máy bơm xăng). Các bạn hãy tập thói quen trong lúc đổ xăng cũng hãy khóa xe. Ngay trong lúc đổ xăng vào xe, bạn hãy đi xung quanh xe một vòng, xem xe có gì lạ không. Nhìn xem có đồng 25 xu nào nhét vào khe nắm tay của cửa xe bên tay phải mình không. Vì như vậy nghĩa là kẻ xấu đã lén nhét khi bạn không để ý, có đồng xu ngay khe năm tay của xe sẽ không khóa xe được. Khi mình vào bên trong trả tiền mặt, bọn trộm cướp có thể sẽ nhẹ nhàng mở cửa xe mình vào, nằm băng sau để khi mình lái xe đi sẽ ra tay với mình. Hoặc bọn trộm cướp chui vào xe lấy túi xách, đồ dùng của mình rồi bỏ đi khi mình vẫn còn đang trả tiền xăng.

“Quốc Võ từng bị hai người đàn ông nhìn rất bậm trợn to lớn, là Mỹ đen cầm thùng đến xin xăng, nói rằng hết tiền và xe hết xăng rồi, nên dí thùng vào mặt Quốc Võ để xin xăng. Hôm đó Quốc Võ sơ ý để cho hai người đó tự cầm vòi đổ vào đầy bình, mất hơn 20 đồng. Lẽ ra mình cầm vòi đổ, và chỉ đổ chừng 7 đồng thôi. Hoặc có tiền mặt trong túi thì đưa cho họ 5 đồng thôi. Lúc đó họ không trấn áp mình, mà chỉ xin xăng, mình không cho thì làm phiền mình bằng cách dí thùng không vào mặt mình. Mình không làm gì được.”
Nhạc sĩ Quốc Võ tâm sự, “Nhiều người hỏi Quốc Võ khi làm những chương trình này, không sợ bị trộm cướp trả thù à. Bà xả Quốc Võ cũng sợ. Nhưng Quốc Võ nghĩ mình sợ mà không làm thì ai làm. Hơn nữa Quốc Võ chỉ nhắm đến cách phòng chống bọn cướp cạn, chỉ mánh khóe của bọn chúng để bà con đề phòng. Quốc Võ không đụng chạm đến những băng đảng như về ma túy… Vì khả năng mình cũng có hạn.”
Nhạc sĩ Quốc Võ cho biết thời điểm hiện tại anh vẫn tự bỏ tiền túi ra để thực hiện chuỗi phim tài liệu đề tài An Ninh Trong Cuộc Sống. Riêng anh không tính thù lao, bỏ công viết kịch bản, làm đạo diễn, quay hình, edit phim, làm âm thanh, ánh sáng, tiếng động, âm nhạc cho chương trình. Diễn viên chỉ lấy thù lao tượng trưng thôi, tiền mời các diễn viên và nhóm thực hiện ăn uống, tiền mua dụng cụ… vậy mà cũng tốn cả ngàn đồng cho mỗi chương trình. Nên anh rất mong sẽ có những nhà bảo trợ giúp anh tiếp tục thực hiện những chương trình tiếp theo.

“Quốc Võ đang dự định làm tiếp những phần sau, sẽ có chương trình tái hiện lại một gã khùng vào xả súng trong trường học. Sẽ có diễn viên đóng. Sau đó sẽ mời cảnh sát nói cách thức các giáo viên, học sinh gặp vậy thì phải làm gì để bảo vệ mạng sống, cách nào để thuyết phục kẻ đang muốn xả súng giết người dừng lại, cách trấn áp như thế nào mới đúng… Quốc Võ vẫn còn nhiều ý tưởng đề tài về an ninh trong cuộc sống rất hữu ích, nhưng nếu không có tài trợ, e khó thực hiện được. Nếu không có nhà bảo trợ nào giúp thì có thể sau ba phần này, Quốc Võ sẽ tạm ngưng để tiếp tục dành dụm tiền để làm tiếp. Rất mong những chủ cơ sở thương mại nào muốn hỗ trợ cho Quốc Võ thực hiện thêm những phần tiếp theo càng ngày càng hay hơn hãy liên lạc với Quốc Võ. Khi quý vị bảo trợ, Quốc Võ sẽ để logo tên cơ sở của quý vị sau khi kết thúc chương trình và sẽ quảng bá tên cơ sở quý vị trên chương trình của SDC. Quốc Võ mong là cứ 2- 3 tuần Quốc Võ thực hiện được một chương trình mới, chiếu lên để bà con xem. Mong rằng SDC sẽ được lan rộng trong cộng đồng người Việt mọi nơi, mang thêm nhiều thông tin hữu ích đến cho cộng đồng. Hy vọng sẽ nhận được những đóng góp ý kiến của tất cả mọi người để SDC Team ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn trong tương lai.”
Quý vị muốn xem chương trình An Ninh Trong Cuộc Sống của kênh truyền hình SDC, xin vào Facebook Quoc Vo hoặc vào trang Security Discovery Channel, bấm vào Subscribe rồi nhấn icon chuông sẽ nhận được những chương trình mới của SDC. Hoặc có thêm những thắc mắc gì hay muốn bảo trợ cho chương trình, xin hãy liên lạc với nhạc sĩ Quốc Võ, số điện thoại (714) 247-9474 (xin text nếu không liên lạc được).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT