Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Kể “Chuyện Bà Thị Kính" thế nào cho hay

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 15/08/2012 - 03:59:49

Kỳ hai này sẽ bàn tiếp về những suy nghĩ của ông về vấn đề làm sao kể lại chuyện Thị Kính dưới con mắt khoa học và nghệ thuật cho khán giả của thế kỷ 21 ở Mỹ.

Hành trình một vở opera (kỳ 2)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


“Hành trình một vở opera” là loạt bài về quá trình nhà soạn nhạc P.Q. Phan đã “thai nghén” và “cho ra đời” vở opera “Chuyện Bà Thị Kính" như thế nào. Kỳ một vừa rồi là kể chuyện P.Q. Phan đã ấp ủ dự án vở opera Thị Kính trong một thời gian dài ra sao. Kỳ hai này sẽ bàn tiếp về những suy nghĩ của ông về vấn đề làm sao kể lại chuyện Thị Kính dưới con mắt khoa học và nghệ thuật cho khán giả của thế kỷ 21 ở Mỹ.

Khi dự án vở opera Thị Kính đã bắt đầu khởi động, nhà soạn nhạc P.Q. Phan tập trung suy nghĩ làm sao kể lại câu chuyện Thị Kính cho khán giả Mỹ một cách thích hợp nhất. Một mặt, ông vật lộn với vấn đề nên giữ lại bao nhiều phần nguyên thủy của câu chuyện Thị Kính. Mặt khác, là một nghệ sĩ làm việc trong lãnh vực sáng tạo, ông muốn kể câu chuyện theo cách riêng của mình - bởi vì có muốn hay không thì phiên bản mới của câu chuyện sẽ là tài sản trí tuệ của riêng ông.


Ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Truyền thống chèo xưa
Theo truyền thống của chèo thời xưa, thay đổi và thêm bớt câu chuyện để phục vụ khán giả là chuyện bình thường. Vì vậy mà chuyện Thị Kính có nhiều dị bản khác nhau do nhiều phường chèo khác nhau kể/diễn qua hơn một ngàn năm. Ban đầu chuyện Thị Kính chỉ đơn giản là câu chuyện về một cô gái trẻ đã đồng ý lấy chồng để làm vui lòng cha, rồi cô bị gia đình chồng vu oan là có ý giết chồng, cô bỏ nhà cải trang làm trai đi tu, vào chùa bị người con gái khác quyến rũ, cô cự tuyệt sự dụ dỗ, rời bỏ chùa, sau đó chết và thành phật bà.
Trong các buổi diễn chèo ở đình làng, người nghệ sĩ đồng quê đã cố tình thêm thắt vào câu chuyện đơn giản trên nhiều chi tiết để phản ảnh văn hóa nông thôn mà không màng đến văn hóa nhà nho. Đây là truyền thống của chèo và các nhà nghiên cứu không tranh cãi về vấn đề này nữa bởi vì bằng chứng đơn giản là các nhân vật nông dân trong chèo đều được miêu tả như là người tốt, trong khi các nhân vật được xem là thuộc tầng lớp cao hơn như ông giáo, lý trưởng, hoặc sư cụ đều là những người không hay ho gì.
Hơn nữa vào thời xưa, các buổi hát chèo diễn ra vào cuối mùa gặt lúc nông dân đã xong việc và có cả đêm dài để vui chơi giải trí, do đó các diễn viên nông dân khi biểu diễn thường thêm vào các chi tiết kể chuyện hấp dẫn để lôi cuốn người nghe vì khán giả nông thôn thích nghe kể chuyện, hoặc chọc cười khán giả khi thấy một khuôn mặt buồn ngủ. Tất cả đều là chuyện bình thường.
Ví dụ, ở màn một khi Mãng Ông xuất hiện, ông hát một tràng thật dài kể lể câu chuyện đời của mình. Thật ra chi tiết này cắt bỏ đi vẫn không ảnh hưởng gì đến cốt truyện. Rồi cuộc đấu trí giữa Vợ Mõ và Lý Trưởng. Hai người này có đấu trí hay không thì bản chất câu chuyện cũng vẫn y như cũ. Và nữa, khi Phú Ông bắt quả tang Thị Mầu và Nô đang tình tự. Tất cả những chi tiết này nếu cắt bỏ đi vẫn không làm câu chuyện thay đổi tí nào. Vậy thì chúng được thêm vào chỉ là để người nghệ sĩ nông dân được cười nhạo tầng lớp quyền quý, để đùa cho vui, và giúp giải khuây cho khán giả nông dân như họ. Qua những chi tiết thêm thắt đó, họ muốn nói rằng những người ít học như họ cũng có thể rất thông minh và có thể cao tay hơn những người được cho là có học trong xã hội.

Tiếp nối truyền thống chèo xưa

Về phần mình, nhà soạn nhạc P.Q. Phan cho rằng đã đến lúc ông kể câu chuyện Thị Kính theo cách riêng của mình. Những chi tiết thêm thắt kể trên thích hợp cho khán giả nông thôn trong môi trường biểu diễn ở đình làng, nhưng liệu chúng có mang ý nghĩa gì đối với khán giả phương Tây hay không. Truyền thống học thuật ở phương Tây đòi hỏi một câu chuyện có kết cấu chặt chẽ. Hơn nữa, khán giả thời nay không muốn ngồi trong nhà hát quá ba tiếng đồng hồ. Do đó câu chuyện phải có điểm trọng tâm rõ ràng (focus) và không nhiều chi tiết rườm rà gây phân tán.
Để khán giả Mỹ có thể thưởng thức nội dung câu chuyện Thị Kính đồng thời nhận thức được những giá trị văn hóa Việt Nam lồng trong đó, P.Q. Phan phải xét tất cả những chi tiết về các nhân vật xem nên giữ gì và nên bỏ gì. Việc làm này không những không làm hỏng câu chuyện Thị Kính mà còn là một phần của truyền thống chèo, đồng thời là một cách để tiếp nối truyền thống này trong thế kỷ 21.

Cốt truyện cần giữ

Có nhiều người muốn kể câu chuyện Thị Kính theo hướng tôn sùng đạo phật và tập trung vào nhân vật Sư Cụ. P.Q. Phan thì nghĩ rằng hành động của Sư Cụ thật ra là biểu tượng của sự đạo đức giả, bởi vì Sư Cụ miệng thì nói rằng nhà chùa là nơi nương tựa của mọi người, nhưng lại từ chối che chở Tiểu Kính Tâm lúc cần thiết. Như thế thì không thể xem là lời dạy của Đức Phật được.
P.Q. Phan tin rằng đọc kỹ tuần chèo, người ta sẽ thấy rằng niềm tin căn bản của nông dân chỉ đơn giản là: nếu người nào sống tốt và biết hy sinh cho một mục đích cao cả hơn thì cuối cùng người đó sẽ có thể trở thành Phật. Nhân vật Thị Kính đã sống như thế, và đây là cốt lõi câu chuyện cần được giữ nguyên. Còn những chi tiết thêm bớt khác thì phải được xem lại khi P.Q. Phan viết tuần bản "Chuyện Bà Thị Kính" ("The Tale of Lady Thị Kính") của mình.

Kỳ 3 sẽ bàn đến quá trình P.Q. Phan phân tích và đặt tựa cho "Chuyện Bà Thị Kính".

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT