Người Việt Khắp Nơi

Jordan Nguyễn, nhà phát minh trẻ chế máy điều khiển bằng não

Sunday, 20/11/2016 - 08:23:41

Anh tìm kiếm và bắt đầu gặp gỡ những người sống với những khuyết tật thể chất nghiêm trọng, để thử cố gắng tìm hiểu những mối thách đố mà họ gặp phải trong việc di chuyển.

Jordan Nguyễn muốn chế máy giúp người khuyết tật có thể dùng não bộ để điều khiển máy. (Hình cung cấp cho News.com)

Jordan Nguyễn


SYDNEY - Tiến sĩ Jordan Nguyễn là một cái tên mà trước đây không có nhiều người Úc có thể đã nghe nhắc tới. Thế nhưng những công trình sáng tạo của anh đang ảnh hưởng tới cuộc sống của người ta, theo những cách thức mà chúng ta không thể nào tưởng tượng ra được.

Người Úc gốc Việt trẻ tuổi này là một thiên tài về kỹ thuật y sinh. Anh nhắm tới đích cao, “Mục tiêu lớn của tôi là cải thiện cuộc sống của càng nhiều người càng tốt theo khả năng của tôi, trong khi tôi đang ở đây, và hy vọng vượt lên cao nữa.”

Jordan Nguyễn nhắm đạt cho được mục tiêu đầy ước vọng này, bằng cách sự tự do thể lý cho những người khuyết tật, và giải thích cách thức anh dự định làm điều này, trong tập mới đây nhất của loạt chương trình podcast 'Giải Mã Thiên Tài' (Decoding Genius).

Tiến sĩ Jordan Nguyễn đã thực hiện những bước tiến bộ lớn trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Anh tạo ra một loại xe lăn mà người ta có thể dùng óc của mình để điều khiển, và đang phát triển một loại xe hơi có thể được lái bằng cách dùng thị giác. Mới đây, anh được công nhận bằng một việc đề cử trong hạng mục New South Wales cho giải thưởng Australian of the Year (Người Úc Trong Năm). Việc đề cử làm cho anh trở thành đối thủ của Stan Grant, Turia Pitt, và Deng Adut, người rốt cuộc đoạt giải thưởng tiểu bang.
Hơn 12,000 người Úc bị chấn thương tủy xương sống. Có nhiều người hơn nữa mắc những chứng khuyết tật di truyền, khiến cho họ phải ngồi xe lăn. Tiến sĩ Joradan muốn đem lại cho họ khả năng di chuyển lớn hơn.

Cuộc hành trình của anh, để tạo ra sự khác biệt cho những người mắc khuyết tật thể lý, đã bắt đầu khi anh suýt nữa tự làm cho anh bị tê liệt, khi lặn xuống hồ bơi của một người bạn.

Mặc dù anh không bị gãy xương sống, nhưng ý tưởng về những hạn chế thể lý mà anh có thể gặp phải đã thúc đẩy anh thăm dò những cách thức, nhằm đem lại sự tự do thể lý cho những người bị bại liệt, bị liệt thân dưới và bị liệt tứ chi. Anh bắt đầu tìm tòi sau khi tự hỏi, “Tôi sẽ giải quyết như thế nào, nếu tôi không có thể di chuyển về mặt thể lý?”

Tiến sĩ Jordan Nguyễn nói, “Đó là bước ngoặt trong đời tôi.”
Anh tìm kiếm và bắt đầu gặp gỡ những người sống với những khuyết tật thể chất nghiêm trọng, để thử cố gắng tìm hiểu những mối thách đố mà họ gặp phải trong việc di chuyển.

Anh nói, “Tôi bắt đầu tìm hiểu về những chuyện ở đó đó, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của những người phải dùng xe lăn, hoặc dùng bất kỳ công nghệ được hỗ trợ mà tôi có thể tìm thấy vào thời điểm đó, rất bị hạn chế.” Anh nói thêm rằng có rất ít thứ có sẵn cho những người ấy, và anh muốn tạo ra một cái gì đó sẽ đem về lại sự tự do của họ.

Tiến sĩ Jordan nói, “Tôi muốn đẩy cuộc nghiên cứu tiến tới phía một chiếc xe lăn do tư tưởng điều khiển.”
Dùng những năng khiếu của anh về ngành khoa học robot, tiến sĩ Jordan dùng một chương trình máy điện toán nhận ra được những dạng thức, trong những làn sóng não của những ý nghĩ khác nhau, kết hợp chương trình này với một chiếc xe lăn, mà anh tạo ra, dùng máy camera lập thể và có thể nhìn xuyên qua những bức tường và nổi ba chiều 3D, để vẽ ra bản đồ khu vực, để cho “bạn nghĩ tới nơi mà bạn muốn, và chiếc xe lăn đưa bạn đến đó một cách an toàn.”

Khi chiếc xe lăn để di chuyển lần đầu tiên, Joradan nói rằng anh hết sức phấn khởi.
“Trời ơi, tôi không thể tin rằng việc này đem lại hiệu quả. Điều này rất giống như siêu nhân giả tưởng Giáo Sư X.”

Jordan Nguyễn đang làm nhiều hơn, chứ không phải chỉ là đem lại sự tự do di chuyển cho những người bị liệt nặng phải ngồi xe lăn. Anh đã đạt được những ước mơ suốt đời.

Động lực thúc đẩy anh để phát minh ra loại xe do thị giác kiểm soát là phát xuất từ Riley Saban. Cậu bé bị bại não này có một ước mơ rất lớn là lái một chiếc xe hơi. Riley nói thông qua một máy điện toán mà cậu điều khiển bằng đôi mắt. Tiến sĩ Jordan đã tạo ra một cái đai đeo trên đầu nhận ra được cử động đôi mắt của Riley, chuyển những dữ liệu ấy tới một chiếc máy điện toán. Đến lượt chiếc mày này điều khiển một chiếc xe cho phép Riley, mới 13 tuổi, lái xe.

Jordan Nguyễn giải thích, “Về căn bản, chúng tôi đã lập được một cây cầu nối chiếc xe với đôi mắt của Riley.”

Sau khi lái xe, Riley nói, “Em cảm thấy độc lập. Em cảm thấy nắm được quyền kiểm soát cuộc đời mình.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT