Bình Luận

Jerome Powell tiếp tục lo chống lạm phát

Thursday, 25/11/2021 - 09:20:33

Không mấy ai biết đến ông Jerome Powell, kể cả người Mỹ, mặc dù những quyết định của ông...


Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Jerome Powell đang phát biểu trong lúc Tổng Thống Joe Biden đứng nghe, trong buổi lễ Tổng Thống tái đề cử ông Powell tiếp tục giữ chức chủ tịch trong nhiệm kỳ thứ nhì ngày 22 tháng 11, 2021. (Alex Wong/ Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Không mấy ai biết đến ông Jerome Powell, kể cả người Mỹ, mặc dù những quyết định của ông ảnh hưởng đến túi tiền của tất cả mọi người. Ông Powell mới được Tổng Thống Joe Biden đề nghị tiếp tục làm Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, lo bảo vệ giá trị đồng đô la, tức là chống lạm phát. Nếu lạm phát lên 5%, mỗi đô la mất 5% giá trị; $100 đô la trong túi chỉ còn bằng $95 đô la năm ngoái. Nhật Bản, Trung Quốc đang giữ hàng ngàn tỷ đô thì mỗi nước thiệt hại cỡ $50 tỷ; chia đều ra, mỗi người Nhật mất hơn $400, mỗi người Trung Quốc cũng mất $35!

Cả nước Mỹ đang lo lạm phát lên cao, chờ coi bao giờ Ngân Hàng Trung Ương (Fed) tăng lãi suất. Quyết định của Ngân Hàng Trung Ương cũng ảnh hưởng đến chính trị. Nếu họ không hành động thì giá sinh hoạt có thể tiếp tục lên cao, sang năm dân Mỹ đi bỏ phiếu sẽ trút hết trách nhiệm lên đầu đảng Dân Chủ. Ngược lại, nếu tăng lãi suất sớm quá khiến kinh tế phục hồi chậm hơn, đảng cầm quyền cũng gánh tội. Nặng hơn nữa, nếu Ngân Hàng Trung Ương chờ đến lúc lạm phát lên cao quá mới tăng lãi suất gấp thì kinh tế có thể suy sụp! Ông Biden lưu nhiệm ông Powell để có người chia sẻ trách nhiệm (và gánh tội) với mình!

Jerome Powell làm việc cho Bộ Tài Chánh từ thời Tổng Thống George H.W. Bush (Cộng Hòa). Năm 2012 ông được Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm làm một trong bảy thống đốc Fed. Bảy người này, cùng 12 vị chủ tịch các ngân hàng thương mại địa phương, quyết định chính sách tiền tệ. Năm 2017 ông được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm làm chủ tịch Fed. Năm 2018, 19, ông bị ông Trump liên tiếp đả kích vì không hạ lãi suất xuống như ông tổng thống muốn.

Ông Powell vốn là một luật sư, không phải một nhà kinh tế học. Ông tính toán theo kinh nghiệm thực tế hơn là lý thuyết. Trong ba năm đầu tiên, ông chứng kiến cảnh lạm phát gần như đã biến mất, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống rất thấp, hoàn toàn trái với tiên đoán theo kinh tế học cổ điển.

Trong cuộc khủng hoảng tài chánh 2008-09 ông Obama dè dặt không dám chi tiêu nhiều nên kinh tế trì trệ. Rút kinh nghiệm đó, năm 2020 ông Powell ủng hộ các đạo luật chi tiêu của quốc hội, tổng cộng $5.9 ngàn tỷ mỹ kim, kích thích nền kinh tế bị đình đốn vì bệnh dịch Covid-19.

Trong nhiệm kỳ thứ hai này, chắc ông sẽ thay đổi: Chú trọng việc đối phó với lạm phát, dù phải hy sinh cho kinh tế lên chậm. Ngân Hàng Trung Ương thường dùng hai phương pháp tăng hay giảm khối lượng tiền tệ. Một là thay đổi lãi suất xuống hay lên. Hai là “bơm tiền” vô hoặc rút tiền lại. Mỗi tháng Fed đang mua các công trái chính phủ Mỹ, bơm $120 tỷ vào thị trường. Ông Powell đã bắt đầu dè dặt đổi chiều: Giảm bớt từ từ số tiền bơm mỗi tháng, đến tháng 6 sang năm thì ngưng. Nhưng bao giờ thì ông sẽ tăng lãi suất?

Cho đến giờ, ông Powell vẫn nghĩ rằng lạm phát lên cao là do các nguyên nhân nhất thời. Có thể chờ đến khi tự nó nguội dần dần; không cần gấp gáp ngăn chặn. Nhiều người lo ông chẩn đoán sai!

Muốn hiểu câu chuyện thì phải nhớ lại những lý do khiến giá cả tăng lên. Khi số “cầu” lên mạnh mà số “cung” chạy theo không kịp, đó là lạm phát. Hiện nay số cầu vọt lên vì người dân đã nhịn mua sắm trong hơn một năm bệnh dịch, nhiều người lại được trợ cấp sẵn có tiền để xài! Các xí nghiệp bắt đầu mở cửa, họ cũng vay tiền dễ dàng vì lãi suất vẫn thấp. Người tiêu thụ giờ lại không cần phải đi tới cửa hàng, đại đa số có thể mua trên mạng, càng dễ mua sắm hơn.

Nhưng các xí nghiệp không thể sản xuất đủ hàng hóa cho người ta mua. Đường dây cung cấp vẫn bị tắc nghẽn dù bệnh dịch đã thuyên giảm. Mua nguyên liệu, mua các bộ phận đều khó khăn. Công ty Nike đặt làm giày ở Việt Nam. Các cơ xưởng và bến tàu ở Việt Nam bớt hoạt động. Các nước Á Châu đều thiếu tài xế xe tải vì Covid. Các bến tàu Los Angeles, Long Beach cũng tắc nghẽn vì thiếu người lái xe tải hoặc điều khiển cần cẩu bốc dỡ. Theo hãng thông tấn Blommberg, 500,000 chiếc “con” đựng hàng (containers), với 12 triệu mét khối hàng hóa, đang nằm chờ ngoài khơi. Trước đây các cửa hàng Nike nhận được giày từ Việt Nam trong 40 ngày. Bây giờ phải mất 80 ngày. Giá giày tất nhiên tăng lên.

Giá các nguyên liệu và xăng dầu trên thế giới cũng tăng. Trong tháng 10 giá xăng ở Mỹ tăng 50% so với năm ngoái; các thứ khác tăng giá theo. Đường dây cung cấp còn bế tắc vì nhiều công nhân vẫn sợ Covid chưa muốn đi làm, nhiều người bỏ việc đi tìm việc khác tốt hơn. Những người đi làm thì đòi tăng lương, xí nghiệp phải tăng giá bán, đẩy lạm phát lên nữa.

Giữa năm 2021 lạm phát đã lên đến 5.4%; Tháng 11, giá sinh hoạt tăng 6.2% so với năm trước. Nhưng ông Jerome Powell và các nhà lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tin rằng lạm phát sẽ ngưng lại khi các bế tắc nhất thời tự biến đi. Số cung sẽ tăng lên, trong khi cơn sốt mua sắm sẽ giảm bớt. Các tiệm ăn, khách sạn, giải trí, vân vân, hiện chưa phục hồi, trong vòng 6 tháng sẽ sinh hoạt lại như cũ.Người tiêu thụ chuyển sang các dịch vụ, sẽ bớt mua hàng hóa. Giữa năm 2022 lạm phát có thể chỉ còn 3.4%, đến cuối năm hy vọng còn 2.6% là mức bình thường.

Trong những năm trước, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ muốn giữ mức lạm phát ở 2% mà không được; có lúc người ta còn lo sẽ lâm vào tình trạng giá sinh hoạt đi xuống, gọi là giảm phát! Nước Nhật đã lâm cảnh này, giá cả không tăng mà có thể đi xuống, khiến dân Nhật không thích tiêu tiền, kinh tế bị trì trệ. Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ không để tình trạng đó xảy ra khi lạm phát lên trên 2% như Ngân Hàng Trung Ương muốn.

Nhưng tính về lâu dài thì những tiến bộ kỹ thuật ở Mỹ sẽ làm cho lạm phát không tăng lên mạnh. Trong cơn bệnh dịch, các xí nghiệp Mỹ đã dùng thêm máy móc “tự động hóa.” Các công ty lớn đầu tư thêm, mua các robot và chương trình điện tử để tăng năng suất. Phong trào này sẽ tiếp tục, khiến chi phí sản xuất xuống thấp, không cần phải tăng giá. Công ty McKinsey, theo dõi hoạt động các xí nghiệp, cho biết ba phần tư các công ty ở Mỹ và Âu Châu đang gia tăng đầu tư trong bốn năm tới. Thời 2014 đến 2019 chỉ hơn một nửa tính toán như vậy.

Đặc biệt, trong hai ngành y tế và giáo dục, tự động hóa sẽ cắt bớt nhiều chi phí. Đó là hai ngành ảnh hưởng trên giá sinh hoạt nặng nhất, cùng với giá nhà cửa. Khi các xí nghiệp tự động hóa nhiều hơn thì cũng giảm số công nhân làm việc. Số cầu cũng giảm theo, giá cả không tăng lên quá nữa. Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ thấy mức lạm phát khoảng 2% là bình thường.

Nhưng đó là một viễn tượng lâu dài. Nhiều người đang thúc đẩy ông Powell hãy tăng lãi suất sớm, trước khi lạm phát vọt lên thêm. Từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát sẽ là mối lo của hai ông Joe Biden và Jerome Powell. Họ sẽ cùng gánh trách nhiệm dù thành công hay thất bại. Điều mà dân Mỹ có thể yên tâm là người điều khiển chính sách tiền tệ cả nước lúc nào cũng giữ vai trò độc lập, không để chính trị chi phối!
(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT