Thế Giới

Israel: Con trai thủ tướng đòi tiền bạn để mua dâm

Wednesday, 10/01/2018 - 07:51:39

Cuộc trò chuyện sau đó bị gián đoạn bởi cuộc gọi từ mẹ của Yair. Tuy nhiên, anh chỉ lướt màn hình và không trả lời. "Thật phiền phức", Yair nói. Dư luận Israel không chỉ tức giận về phát ngôn của Yair, mà còn khó chịu vì vệ sĩ và tài xế của chính phủ cũng phải đi theo, phục vụ cuộc ăn chơi của người đàn ông này.



TEL AVIV - Đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của Yair Netanyahu với con trai của tài phiệt Israel Koby Maimon từ năm 2015 vừa được công bố hôm thứ Ba, và lập tức gây phản ứng gay gắt ở nước này. Khi đó, hai thanh niên vừa rời khỏi một câu lạc bộ thoát y tại Tel Aviv và Yair đã nhắc đến một thỏa thuận khí đốt gây tranh cãi ở quốc hội Israel, để đòi người bạn phải đưa tiền cho anh ta.
"Bố tôi đã sắp xếp thỏa thuận $20 tỷ Mỹ kim cho bố cậu, còn cậu thì đang tranh cãi với tôi về 400 shekel (khoảng $115 Mỹ kim),” Yair nói và sau đó giải thích rằng số tiền này để trả cho một cô gái mại dâm. Hai thanh niên sau đó cũng đưa ra những lời chê bai về các vũ công thoát y, các nữ bồi bàn và nhiều phụ nữ khác, trong đó có cả bạn gái của Yair. Cùng đi với họ còn có con trai của các thương gia khác và 1 vệ sĩ của chính phủ. Một người trong số này nói đùa rằng vệ sĩ này sẽ bị giết nếu dám nghỉ việc.
Cuộc trò chuyện sau đó bị gián đoạn bởi cuộc gọi từ mẹ của Yair. Tuy nhiên, anh chỉ lướt màn hình và không trả lời. "Thật phiền phức", Yair nói. Dư luận Israel không chỉ tức giận về phát ngôn của Yair, mà còn khó chịu vì vệ sĩ và tài xế của chính phủ cũng phải đi theo, phục vụ cuộc ăn chơi của người đàn ông này.
Trước phản ứng của dư luận, Yair đã lên tiếng xin lỗi nhưng cho rằng đoạn nói chuyện nêu trên xảy ra khi anh đang say. Con trai Thủ Tướng Netanyahu lâu nay vẫn bị chỉ trích vì không đi làm mà chỉ ở nhà hưởng thụ cuộc sống xa hoa từ tiền thuế của người dân, và có nhiều phát ngôn thô lỗ trên mạng xã hội. Đoạn ghi âm được công bố khi Thủ Tướng Netanyahu cũng đang bị điều tra về cáo buộc tham nhũng. Gia đình Netanyahu gọi đoạn ghi âm là một phần trong chiến dịch chống lại ông.

Mỹ sẽ đối thoại với Bắc Hàn vào thời điểm thích hợp

SEOUL – Văn phòng Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in vào ngày thứ Tư cho biết, ông Moon đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump, và ông Trump nói rằng ông sẵn sàng đối thoại với Bắc Hàn vào thời điểm thích hợp. "Cả hai nhà lãnh đạo đều hy vọng, các cuộc đàm phán liên Triều hiện tại có thể dẫn đến các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, sau Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang. Hai ông đồng ý sẽ thảo luận chặt chẽ với nhau về tiến trình đàm phán liên Triều,” văn phòng Tổng Thống Moon cho biết.
"Tổng Thống Trump nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đối thoại với Bắc Hàn, trong hoàn cảnh và thời gian phù hợp,” thông cáo viết. Ông Trump cũng khẳng định, tin đồn về việc ông đang dự tính một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Bắc Hàn là "hoàn toàn sai.” Trong cuộc điện đàm, ông Trump nói sẽ không có hành động quân sự nào khi cuộc đàm phán Hàn - Triều đang diễn ra.
Sắp tới, Phó Tổng Thống Mike Pence sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Olympic mùa đông ở Pyeongchang. Nam Hàn và Bắc Hàn hôm thứ Ba đã tổ chức cuộc hội đàm đầu tiên sau hơn hai năm. Washington gọi đây là bước đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng về chương trình vũ khí của Bắc Hàn.

Đài Loan: Con cờ để Mỹ đàm phán với Trung Cộng
BẮC KINH – Theo giới phân tích tại Trung Quốc, Tổng Thống Donald Trump có thể đang sắp dùng Đài Loan làm quân cờ trong mối quan hệ Mỹ - Trung, sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ phê chuẩn 2 dự luật ủng hộ chính phủ Đài Bắc. Các dự luật này tuy vẫn cần phải vượt qua Thượng Viện và phải có chữ ký của tổng thống, nhưng chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh tức giận, tương tự như cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn vào cuối năm 2016.
Nếu được phê chuẩn, Washington sẽ xem xét cách áp dụng các đạo luật này, từ đó có thêm ưu thế trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Dự luật Taiwan Travel Act sẽ giúp cải thiện sự trao đổi chính thức giữa Washington và Đài Bắc, bao gồm việc cho phép các viên chức cao cấp của 2 nước qua lại gặp mặt lẫn nhau. Dự luật thứ hai có nội dung nhằm giúp Đài Loan lấy lại tư cách quan sát viên tại Hội đồng y tế thế giới - cơ quan nắm quyền quyết định chính tại Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Hai dự luật mới cho thấy Đài Loan vẫn là quân cờ quan trọng giữa Bắc Kinh và Washington, cho dù Tổng Thống Trump đã nói rằng ông sẽ tôn trọng chính sách Một Trung Hoa. Vào tháng trước, Tổng Thống Trump cũng đã ký dự luật Nataional Defence Authorisation Act, với điều khoản cho phép quân đội Hoa Kỳ gia tăng trao đổi với Đài Loan. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, ông Trump sẽ cân nhắc các rủi ro chính trị của việc ký phê chuẩn dự luật, và sẽ sử dụng việc này để mặc cả với Bắc Kinh.

Trung Quốc: Chuyến thăm của tổng thống Pháp quan trọng
BẮC KINH - Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Thống Emmanuel Macron có thể không đem về nhiều thỏa thuận thương mại, nhưng được dư luận Trung Quốc cho là sẽ giúp lãnh đạo Pháp mở đường cho sự hội nhập của châu Âu, và thắt chặt quan hệ giữa Paris và Bắc Kinh. Trước đó, giới truyền thông phương Tây đã chê bai công du 3 ngày của ông Macron, cho rằng số lượng thỏa thuận thương mại đạt được là quá ít. Một hãng tin chỉ trích, dù đem theo phái đoàn hùng hậu gồm hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng chuyến thăm của ông Macron chỉ đem lại số lượng hợp đồng đếm được trên 1 bàn tay. Chuyến đi diễn ra vào lúc nền kinh tế Pháp và cả nền kinh tế châu Âu vẫn đang trên đà hồi phục. Ngoài ra, sự liên kết của châu Âu đang bị đe dọa, khi Anh quốc rời khỏi EU và xu hướng ly khai của nhiều thành viên Liên Âu khác.
Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang khá căng thẳng, sau khi EU không cho Trung Quốc mua lại một số hãng công nghệ cao của châu Âu, và từ chối không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Số lượng thâm hụt thương mại khổng lồ giữa EU và Trung Quốc càng làm vấn đề thêm tồi tệ. Theo giới chuyên gia Trung Quốc, dù không có nhiều thành công thương mại, nhưng chuyến đi của ông Macron có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì Pháp là một trong những cường quốc dẫn đầu EU. Ông Xu Mingqi, giáo sư tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, tin rằng chuyến thăm của lãnh đạo Pháp sẽ đặt nền tảng cho sự hợp tác tốt hơn, làm tăng độ tin cậy và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa 2 nước.

Nga hứa ủng hộ thỏa thuận nguyên tử Iran
MOSCOW - Vào hôm thứ Tư, chính phủ Nga đã tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với thỏa thuận nguyên tử Iran, vốn đang bị Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump phản đối. Trong cuộc họp với Ngoại Trưởng Iran Mohammad Zarif tại Moscow, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận lập trường của Nga đối với Kế hoạch hành động chung JCPOA về chương trình nguyên tử Iran. Ông Lavrov nói Nga sẽ tiếp tục bảo vệ sự tồn tại của JCPOA, cũng như vai trò quan trọng của thỏa thuận này trong việc bảo đảm ổn định khu vực. Hai ông Lavrov và Zarif cũng thể hiện hy vọng rằng, các cuộc đàm phán tại Sochi về Syria sẽ giúp làm tăng xác suất thành công cho các cuộc thương lượng sau đó tại Geneva, diễn ra vào cuối tháng.
Vào thứ Năm, các nước Iran, Anh quốc, Pháp, và Đức, dự kiến sẽ gặp gỡ tại thủ đô Brussels, Bỉ, trong phiên họp được triệu tập bởi Ngoại Trưởng EU Federica Mogherini. Các cường quốc châu Âu tham gia đàm phán JCPOA năm 2015 đều bảo đảm với Iran rằng, các nước này sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận. Phát ngôn viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran hôm thứ Tư tuyên bố, việc Hoa Kỳ tái áp đặt lệnh trừng phạt sẽ là hành động vi phạm hiệp ước nguyên tử. Đồng thời, cơ quan này khẳng định, nước Cộng Hòa Hồi giáo Iran có đủ khả năng để cường hóa uranium. Ngày 12 tháng 1 sắp tới sẽ là hạn chót để Tổng Thống Trump quyết định có nên tiếp tục gia hạn lệnh miễn trừng phạt Iran, hay sẽ đưa Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận nguyên tử JCPOA.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT