Thế Giới

IS hát thánh chiến bằng tiếng Quan Thoại, chiêu dụ tín đồ Hồi Trung Hoa

Tuesday, 08/12/2015 - 08:49:21

Hiện chưa rõ bài hát tiếng Quan Thoại của IS muốn hướng vào đối tượng nào ở Trung Quốc. Người dân tộc Hồi ở Trung Quốc có dân số hơn 10 triệu và chủ yếu nói tiếng Trung Hoa, nhưng có truyền thống ôn hòa.

Người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ đang chờ xe bus tại phố cổ Kashgar, trong vùng Tân Cương tự trị, nơi mà người theo đạo Hồi luôn bị đàn áp bởi chế độ Bắc Kinh. Sự chống đối của họ đã bị Bắc Kinh liệt kê là khủng bố. (Kevin Frayer/Getty Images)


BẮC KINH – Mới hai tuần sau khi hành quyết con tin Trung Quốc đầu tiên, tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi Giáo Quốc (ISIL hay IS) công bố một bài hát thánh chiến bằng tiếng Quan Thoại, nhằm kêu gọi người theo đạo Hồi ở Trung Quốc hãy cầm vũ khí chống Bắc Kinh.

Theo nhật báo Wall Street Journal, bài hát kéo dài 4 phút được Al-Hayat, một bộ phận tuyên truyền của IS, phát đi thông qua mạng xã hội Twitter và ứng dụng tin nhắn Telegram vào ngày Chủ Nhật vừa qua.
Cũng như nhiều bài hát khác của IS, bài hát này nghe khá mượt mà, du dương, với những ngôn từ kêu gọi tinh thần “tử vì đạo.”

“Chúng ta là những chiến binh thánh chiến, kẻ thù vô liêm sỉ đang hoảng sợ trước chúng ta,” một giọng nam hát đoạn điệp khúc với sự hỗ trợ của âm thanh điện tử. “Giấc mơ của chúng ta là hy sinh trong cuộc chiến trên chiến địa này.”

Nỗ lực của các nhóm Hồi cực đoan từ Trung Đông tìm cách chiêu mộ chiến binh từ Trung Quốc đang trở thành một mối lo ngại ngày càng lớn đối với quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy vậy, từ trước đến nay, hiếm khi các nhóm thánh chiến tung tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Trung Hoa.

Thay vào đó, mục tiêu chủ yếu mà các nhóm này hướng vào để chiêu mộ chiến binh ở Trung Quốc là người thuộc bộ tộc Duy Ngô Nhĩ (Uighur) theo đạo Hồi ở Tân Cương. Bộ tộc này có nhiều phần tử ly khai muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Tân Cương.

Vào tháng Sáu năm nay, IS tung một đoạn băng video ghi hình một người đàn ông lớn tuổi nói tiếng Turk (Thổ), ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ, kể về việc ông ta quyết định gia nhập IS sau nhiều năm bị đàn áp ở Trung Quốc và cái chết của con trai ông ta ở Syria. Tiếp đó, đoạn băng cho thấy hình ảnh của những đứa trẻ người Duy Ngô Nhĩ mặc trang phục chiến binh trả lời phỏng vấn về việc gia nhập IS.

Hiện chưa rõ bài hát tiếng Quan Thoại của IS muốn hướng vào đối tượng nào ở Trung Quốc. Người dân tộc Hồi ở Trung Quốc có dân số hơn 10 triệu và chủ yếu nói tiếng Trung Hoa, nhưng có truyền thống ôn hòa.

Tuy vậy, bài thánh chiến cũng đã làm tăng mức báo động tại Trung Quốc.
Các giới chức Trung Quốc nói rằng có những người Uighur đã đến cả Syria lẫn Iraq, để chiến đấu cùng với các chiến binh thánh chiến. Bắc Kinh cũng nói rằng họ phải đối diện với một mối đe dọa “khủng bố” ở Tân Cương, từ những người ly khai dùng biện pháp bạo động.

Trung Quốc đã chỉ trích các nước Tây Phương, đặc biệt từ khi xảy ra các cuộc tấn công ở Paris. Bắc Kinh cho rằng các nước này áp dụng những tiêu chuẩn đôi, trong việc gọi các cuộc tấn công được thực hiện ở các thành phố ngoại quốc là “khủng bố,” trong khi đó lại không sử dụng thuật ngữ này cho tình trạng bất ổn bên trong biên giới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền, nói rằng bạo lực đôi khi lan ra tới bên ngoài Tân Cương, và trên khắp Trung Quốc, là bắt nguồn từ việc Bắc Kinh bức hại đàn áp tôn giáo và văn hóa.

Ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc ở ngoại quốc đã gặp phải chuyện các công dân Trung Quốc càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các nhóm chiến binh.

Trong tháng qua, ba giới chức điều hành của Trung Quốc đã bị giết chết, trong một cuộc tấn công vào một khách sạn ở Mali. Trong tháng 11, cũng xảy ra vụ một công dân Trung Quốc bị ISIL chặt đầu. Hành động này làm cho Bắc Kinh phẫn nộ và cam kết sẽ đưa các thủ phạm ra trước công lý.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn để chống nạn khủng bố. Lời lẽ của ông được lặp lại bởi một giới chức Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khi trả lời một câu hỏi về vụ thu âm bài hát ấy.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói: “Đối diện với khủng bố, không có nước nào có thể đứng vững riêng rẽ. Cộng đồng quốc tế nên đứng gần nhau hơn, và hợp tác để cùng nhau đanh lại mọi hình thức khủng bố.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT