Thế Giới

IS dọa cho Trung Quốc "tắm máu"

Wednesday, 01/03/2017 - 08:27:56

Chính quyền địa phương của Trung Quốc ở Tân Cương đã làm dân chúng Uighur phẫn nộ vì một loạt luật lệ có tính cách trấn áp tôn giáo của họ gần đây.

Trang mạng SITE Intelligence Group có trụ sở ở Mỹ mới cho hay những chiến binh IS thuộc sắc tộc Uighur thiểu số ở vùng cực tây Trung Quốc thề sẽ quay lại quê hương và sẽ “tắm máu” Trung Quốc. Các chuyên gia an ninh quốc tế cho là đây là lần đầu tiên có một sự hăm dọa như thế nhắm vào Trung Quốc.
Trong một đoạn video kéo dài nửa tiếng, các chiến binh người Uighur đã xuất hiện và lên tiếng đe dọa như thế rồi xử tử một kẻ mà họ cho là “làm chó săn” cho Bắc Kinh. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh luôn tố cáo họ là tác giả của một loạt tấn công khủng bố ở vùng Tân Cương, vốn là quê hương của sắc dân Uighur theo Hồi giáo.
Trong đoạn video, một tay súng Uighur nói, “Người Hán quý vị chả có hiểu dân của chúng tôi nói cái gì, chúng tôi sẽ đến và sẽ trả thù những kẻ bị áp bức bằng những dòng sông máu.” Chính quyền địa phương của Trung Quốc ở Tân Cương đã làm dân chúng Uighur phẫn nộ vì một loạt luật lệ có tính cách trấn áp tôn giáo của họ gần đây.

Singapore than chuyện Mỹ-Trung kèn cựa ở Biển Đông
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thủ Tướng Lý Hiển Long của Singapore cho hay ông “cảm thấy chuyện tranh nhau ảnh hưởng quyết liệt ở Biển Đông của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ đưa đến hệ quả là những nước nhỏ trong vùng như Singapore bị ép phải đứng vào vị trí lựa chọn ngã theo phe nào, Hoa Kỳ hay Trung Quốc.”
Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, ông Lý tuyên bố, “Nếu Mỹ và Trung Quốc làm căng với nhau quá ở Biển Đông, chúng tôi bị đưa vào vị trí rất khó khăn là xem như bị ép phải lựa chọn phải làm bạn với Mỹ hay làm bạn với Trung Quốc, chuyện này thì thực là lôi thôi to rồi. Hiện nay Singapore đều là bè bạn của cả hai siêu cường, không có gì đáng lo cả.”
Các chuyên gia cho là Singapore “đi dây rất khéo,” một mặt ủng hộ chuyện Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, mặt khác vẫn làm ăn buôn bán bình thường với Trung Quốc. Nhưng ông Lý từng nói là “các xứ nhỏ ở Đông Nam Á không thích lựa chọn phải ngã hẳn vê phe nào đâu.”

Pháp: Fillon chưa bỏ cuộc dù mất hy vọng
Ngày 23 tháng 4 sẽ là ngày dân Pháp bỏ phiếu bầu một tổng thống mới thay thế ông Francois Hollande. Cựu Thủ Tướng Pháp Francois Fillon, một trong các ứng cử viên, hôm thứ Tư tuyên bố ông không hề bỏ cuộc chạy đua giành ghế tổng thống Pháp năm nay, nhưng cũng chính ông lại nói “ông có thể bị truy tố chính thức trong vụ vợ con ông bị tố cáo tham nhũng.”
Ông Fillon tổ chức họp báo và nói “sẽ không bỏ cuộc.” Trong tháng qua gia đình ông đã bị hoen ố nặng nề vì vợ ông là bà Penelope và hai người con đã bị tố cáo được trả hàng trăm ngàn euros từ công quỹ của chính phủ Pháp cho những “công việc ma” của họ.
Vụ này đã làm hại hình ảnh của ông, chắc chắn nhiều cử tri Pháp sẽ không còn tin vào các lời hứa của ông. Bà Marine Le Pen, một ứng viên cực hữu và ông Emmanuel Macron, cựu Bộ Trưởng Kinh Tế, nổi lên như các ứng viên sáng giá nhất cho vòng một.

Nga cương quyết can thiệp mạnh vào Libya
Vào năm 2011 lực lượng NATO tham gia lật đổ lãnh tụ Muammar al-Qaddafi của Libya nhưng tình hình diễn biến sau đó hết sức xáo trộn, đưa đến cuộc nội chiến ở xứ này và lực lượng IS nổi dậy mạnh mẽ. Chính cựu Tổng Thống Obama cũng phải thừa nhận do thiếu chuẩn bị, vụ binh biến Libya là lỗi lầm tai hại nhất trong năm cuối cùng của ông ở Tòa Bạch Ốc. Nga vẫn luôn chống lại sự can thiệp của NATO vào Libya và Tổng Thống Nga Putin vẫn có ý định sẽ can thiệp.
Phát ngôn viên Peskov của chính phủ Nga nói hôm thứ Tư, “Nga hy vọng sau vụ can thiệp tàn bạo này, Libya vẫn là một quốc gia có chủ quyền.”
Thủ Tướng Fayez al-Sarraj sẽ dẫn đầu một phái đoàn chính phủ đến thăm Nga trong vài ngày sắp tới. Ông al-Sarraj có một đối thủ rất đáng gờm là ông Khalifa Haftar, một lãnh tụ quân sự vốn cũng được Nga hậu thuẫn, vì ông này đã đến Moscow vào tháng 11 năm 2016 và cũng từng được đón tiếp khá nồng hậu trên hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga hoạt động ngoài khơi Syria.

Liên Hiệp Quốc tố cáo các phe ở Syria
Các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho hay tất cả các phe phái tham gia cuộc chiến ở Syria đều đã vi phạm tội ác chiến tranh đối với dân chúng xứ này khi chiến sự dành giật thành phố Aleppo diễn ra ác liệt. Một báo cáo mới cho hay những phi vụ oanh kích do không quân Nga và Syria tiến hành gần như hàng ngày đã làm nhiều trăm thường dân thiệt mạng.
Ngoài ra không quân Syria còn bỏ bom chlorine, vốn là thứ vũ khí bị cấm, làm nhiều người nữa thiệt mạng. Phe kháng chiến thì bị tố cáo đã oanh tạc bừa bãi vào những khu vực do quân đội Syria chiếm đóng và họ còn bị tố cáo đã dùng dân thường làm khiêng đỡ đạn khi bị quân dội Syria tấn công.
Liên Hiệp Quốc cũng cho biết việc di tản dân chúng ở phía đông Alepp vào tháng 12 năm ngoái tương đương với chuyện ép buộc bằng vũ lực họ phỉ ra đi. Trong 6 tháng diễn ra cuộc chiến ở Aleppo, dân chúng thường là nạn nhân của mọi hình thức tàn bạo, theo Liên Hiệp Quốc nhận định.

Úc: Hỏa hoạn làm 3 người chết ở Melbourne
Một trận hỏa hoạn rất khả nghi đã bùng ra trong một nhà máy bỏ hoang ở Melbourne của Úc hôm thứ tư làm 3 người chết. Cảnh sát và lực lượng cứu hỏa được gọi đến vào khoảng 11 giờ 30 phút khuya thứ tư sau khi có tin là một vụ nổ đã xảy ra. Phải mất 40 phút toán cứu hỏa mới dập tắt được ngọn lửa và sau đó họ khám phá có 3 thi thể, hai của đàn ông và một của phụ nữ, đã được tìm thấy.
Nhà máy bỏ hoang này là nơi dân homeless thường hay tụ tập về trú ẩn. Người ta nghi ngờ là đám cháy này do ai đó gây ra và các chuyên gia chuyên về chuyện này đang điều tra. Anh Mohamed Ali, một tài xế xe taxi, cho hay anh đã nghe có tiếng người la hét từ nhà máy ở khu vực Footscray này, khi ngọn lửa bùng ra.
Anh nói, “Phải vài phút sau khi nghe có tiếng kêu la và lửa bùng lên, tôi mới thấy xe cứu hỏa chạy đến, tôi cảm thấy khó chịu vì không cứu được ai cả.” Khi nhà máy này đóng cửa vào năm 2002, chính quyền địa phương có kế hoạch xây dựng một khu chung cư lớn tại đây.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT