Thế Giới

Iraq: Sẽ chiếm lại Mosul trong vòng vài ngày

Thursday, 29/06/2017 - 08:01:55

Cho đến nay, khoảng 191,000 thường dân đã quay lại Đông Mosul. Tình trạng của khu vực này khá hơn Tây Mosul – nơi đã bị hư hại nặng nề vì bom đạn chiến tranh.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho biết, với việc chỉ còn lại vài trăm tay súng ISIS cố thủ tại Mosul, việc giành lại thành phố sẽ hoàn tất trong vòng vài ngày. Trong cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Năm, Lực lượng an ninh Iraq đã chiếm được khu vực đền thờ al-Nuri, nơi vào 3 năm trước đây, thủ lãnh Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập vương triều Nhà Nước Hồi Giáo. Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi gọi việc chiếm lại đền thờ al-Nuri là “ngày tàn của ISIS.” Vào tuần trước, các tay súng ISIS đã đặt bom phá hủy phần lớn khu đền thờ lịch sử này và ngọn tháp ngay bên cạnh.
Hiện chỉ còn 2 địa điểm tại Mosul là còn phiến quân ISIS cố thủ, gồm khu bệnh viện al-Jamhuri và khu thành cổ tại tây Mosul. Một nhánh của quân đội Iraq hôm thứ Năm tuyên bố họ đã chiếm lại bệnh viện al-Jamhuri, nhưng tin tức này chưa được xác nhận. Với việc Mosul đang sắp sụp đổ và Raqqa bị bao vây, các viên chức quân sự tuyên bố ISIS không còn nơi trú ẩn nào nữa. Cho đến nay, khoảng 191,000 thường dân đã quay lại Đông Mosul. Tình trạng của khu vực này khá hơn Tây Mosul – nơi đã bị hư hại nặng nề vì bom đạn chiến tranh.

Ả Rập Saudi bác tin giam lỏng cựu thái tử
Viên chức cao cấp của Ả Rập Saudi bác bỏ thông tin cho rằng, cựu thái tử nước này bị giam lỏng và cấm ra nước ngoài. Cựu Thái Tử Mohammed bin Nayef, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Ả Rập Saudi, vẫn gặp gỡ các vị khách và không hề có lệnh cấm nào với ông hoặc thành viên gia đình, một viên chức Ả Rập Saudi cho biết hôm thứ Năm. Trước đó, một số viên chức và những người thân cận với hoàng gia Ả Rập Saudi, nói rằng cựu thái tử "bị cấm rời vương quốc và bị giam lỏng trong cung điện" tại thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ.
Nhà chức trách Ả Rập Saudi, tuyên bố ông Mohammed bin Nayef "có thể dùng hành động pháp lý chống lại các tờ báo và bất cứ ai xúc phạm danh dự ông bằng những tin tức giả mạo.”
Vào ngày 21 tháng 6, vua Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud đã bất ngờ phế truất cháu trai Mohammed bin Nayef, 57 tuổi, khỏi vị trí thái tử, và thay thế bằng con trai Mohammed bin Salman, 31 tuổi.

Hoa Kỳ, Úc bắt đầu tập trận chung
SYDNEY – Hoa Kỳ và Úc đã bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào thứ Năm. Sự phô diễn lực lượng quân sự, chủ yếu là trên biển, được cho là thông điệp nhắn gởi tới các đồng minh và đối thủ của 2 nước, bao gồm Trung Quốc. Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều chiến hạm, chiến đấu cơ, và 33,000 quân nhân Úc và Hoa Kỳ. Sự kiện này diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang càng lúc càng lấn lướt trên biển Đông, dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột.
Đô Đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ Thái Bình Dương, cho biết quy mô của cuộc tập trận là một thông điệp gởi đến các đồng minh, các đối tác, và cả các đối thủ tiềm năng. Cuộc tập trận sẽ kéo dài một tháng, diễn ra trên các vùng lãnh hải của Úc, và cũng có nhiều chiến dịch huấn luyện trên bộ và trên không. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xấu đi trong những tháng gần đây, khi Washington muốn đối phó những hành động của Bắc Kinh trên Thái Bình Dương, đặc biệt là việc xây đảo nhân tạo trên biển Đông.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên phần lớn biển Đông, trùng lặp với tuyên bố tương tự của những nước gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan. Hoa Kỳ ước tính, Trung Quốc đã tăng thêm hơn 3,200 acre đất trên 7 đảo san hô và đảo nhỏ tại biển Đông trong vòng 3 năm qua. Đồng thời, Trung Quốc cũng xây dựng trên các đảo nhân tạo này nhiều phi đạo, hải cảng, nhà chứa máy bay, và nhiều cơ sở thông tin liên lạc.

Đức chỉ trích Brexit của Anh và Mỹ ưu tiên
Trong bài diễn văn trước Hạ Viện quốc gia vào hôm thứ Năm, Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã ca ngợi Âu Châu, chỉ trích vụ Brexit, và tuyên bố các nỗ lực chống biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược. Bà Merkel nói, sự đoàn kết của thế giới đã giảm bớt, và bà dự đoán các cuộc thảo luận tại Hội Nghị G20, diễn ra tại Hamburg vào ngày 7 và 8 tháng 7, sẽ rất khó khăn.
Trong lời phát biểu nhắm vào chính sách “Người Mỹ Ưu Tiên” của Tổng Thống Trump, Thủ Tướng Merkel nói, những quốc gia tự cô lập và đi theo chủ nghĩa bảo hộ đang phạm sai lầm nghiêm trọng, và bà sẽ chứng minh một tinh thần đoàn kết mới trong Liên Âu, sau khi Anh quốc rời khỏi tổ chức này. Nhà lãnh đạo nước Đức cũng có những lời lẽ mạnh mẽ khi nói về Hiệp ước khí hậu Paris, khi tuyên bố, hiệp ước này là không thể đảo ngược và không thể tái đàm phán.
Trong Hội Nghị G20 sắp tới, bà Merkel sẽ tiếp đón nhiều lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng Thống Nga Vladimir Putin, và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng Đức kêu gọi các thành viên G20 nên thể hiện thái độ cho thấy, họ hiểu được trách nhiệm của mình đối với thế giới, và sẽ sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm này.
Hội nghị G20 tuần tới diễn ra trong bối cảnh nền chính trị toàn cầu đang có nhiều biến động, và trật tự thế giới có thể sẽ thay đổi. Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm vấn đề tự do thương mại, biến đổi khí hậu, và đối phó tình trạng di dân.

Tướng Ấn Độ thăm biên giới, căng với Trung Quốc
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ đã thăm tỉnh bang miền núi Sikkim, nơi tiếp giáp Trung Quốc, trong lúc hai nước đang có mâu thuẫn về biên giới. Tướng Bipin Rawat, tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, hôm thứ Năm đã tới Gangkok, thủ phủ bang Sikkim, trong lúc Bắc Kinh cáo buộc binh lính Ấn Độ tràn sang lãnh thổ Trung Quốc.
Phát ngôn viên quân đội Ấn Độ cho biết, chuyến thăm một ngày của tướng Rawat là chuyến đi theo thông lệ, và được lên dự trù trước khi có căng thẳng ở biên giới. Trước đó, Trung Quốc cáo buộc lính biên phòng Ấn Độ tiến vào khu vực Donglang hồi đầu tháng 6, và cản trở việc xây dựng một con đường tại đây. Binh lính hai bên sau đó đối đầu gần một thung lũng chiến lược do Trung Quốc kiểm soát, chia cách Ấn Độ và đồng minh thân cận Bhutan. Nơi này cũng giúp Trung Quốc tiếp cận nơi được gọi là Cổ Gà, vùng đất kết nối Ấn Độ với các vùng xa xôi ở đông bắc. Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ cho biết, xung đột xảy ra do Trung Quốc di dời một boongke cũ của Ấn Độ.
Trung Quốc nói nước này có quyền phát triển khu vực biên giới đã được phân chia ở Sikkim. Ấn Độ đã gia tăng quan hệ quân sự với Hoa Kỳ trong vài năm gần đây, gây lo ngại cho Trung Quốc. Các cuộc chạm trán nhỏ giữa binh lính hai nước thường xuyên xảy ra ở đường biên giới dài 3,500 cây số.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT