Thế Giới

Indonesia kêu gọi các nước ASEAN gia nhập TPP

Friday, 20/04/2018 - 10:36:56

Tổng Thống Trump cũng từng nhắc đến khả năng tái gia nhập TPP, với điều kiện hiệp ước này phải có những điều khoản tốt hơn cho Hoa Kỳ.

JAKARTA – Bộ trưởng thương mại Indonesia hôm thứ Sáu kêu gọi các nước Đông Nam Á chưa có tên trong TPP nên cân nhắc gia nhập hiệp ước, để các nền kinh tế này có thể cùng thương lượng các điều kiện tham gia. Bộ Trưởng Enggartiasto Lukita nói, Indonesia vẫn đang xem xét lợi ích của việc gia nhập phiên bản mới của TPP, gọi tắt là CPTPP, nhưng cũng kêu gọi các thành viên Asean cân nhắc gia nhập hiệp ước này.
CPTPP là hiệp ước được ký bởi 11 thành viên còn lại của TPP, ngoại trừ Hoa Kỳ. Sáu thành viên Asean vẫn chưa gia nhập CPTPP là Indonesia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Cambodia, và Lào. Bộ Trưởng Lukita cho rằng, 6 thành viên còn lại của Asean nên hợp tác cùng nhau để có vị thế đàm phán tốt hơn khi gia nhập CPTPP. Tổng Thống Joko Widodo trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 đã nói với Tổng Thống Barack Obama rằng Indonesia muốn gia nhập TPP. Tuy nhiên, sau khi Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước, Indonesia quyết định tập trung nhiều hơn vào các hiệp ước song phương và đa phương mà nước này đang có sẵn, bao gồm cả Hiệp ước đối tác kinh tế khu vực RCEP do Trung Quốc dẫn đầu.
Vào thứ Tư vừa qua, Bộ Trưởng Tài Chính Indonesia Sri Indrawati nói, Indonesia muốn gia nhập TPP, nhưng chưa sẵn sàng và đang tìm kiếm các thị trường mới. Thái Lan trước đó đã cho biết nước này sẽ xin gia nhập CPTPP trong năm nay. Tổng Thống Trump cũng từng nhắc đến khả năng tái gia nhập TPP, với điều kiện hiệp ước này phải có những điều khoản tốt hơn cho Hoa Kỳ.

Pháp giải tán các sinh viên biểu tình trong trường
PARIS - Vào sáng sớm thứ Sáu, cảnh sát Pháp đã giải tán khoảng 100 người, là các sinh viên đang chiếm dụng khuôn viên một trường đại học ở Paris để biểu tình phản đối các điều kiện nhận nhập học. Đại học Sorbonne Tolbiac là 1 trong khoảng 1 chục trường đại học có sinh viên biểu tình trên toàn nước Pháp, và việc cảnh sát giải tán biểu tình chính là thông điệp của chính phủ, muốn luật pháp và trật tự xã hội phải được bảo đảm, trong bối cảnh kỳ thi cuối khóa đang đến gần.
Cảnh sát Paris cho biết 1 người đã bị bắt giữ, nhưng nhìn chung, việc giải tán biểu tình diễn ra khá ôn hòa và không có rắc rối. Tuy nhiên, một sinh viên nói rằng, cô đã bị gãy 2 ngón tay trong các vụ đụng độ với cảnh sát, và một số người khác cũng bị thương. Hiệu trưởng trường đại học đã nhờ cảnh sát hỗ trợ từ hơn 1 tuần trước, nói rằng những người biểu tình, bao gồm các sinh viên và cả một số nhà hoạt động chống chính phủ đến từ bên ngoài, đã gây hư hại nghiêm trọng cho khuôn viên trường.
Những người biểu tình đã phong tỏa lối vào trường trong vài ngày, chất bàn ghế để kiểm soát những người đi vào, thiết lập nhà bếp và các chỗ ngủ tạm, và tổ chức các lớp học không có trong chương trình giảng dạy của trường. Cuộc biểu tình của sinh viên trường Tolbiac xảy ra cùng lúc với các cuộc biểu tình lớn hơn, chống lại kế hoạch cải tổ kinh tế của Tổng Thống Emmanuel Macron, và cũng đúng dịp kỷ niệm 50 năm của phong trào biểu tình của sinh viên Paris vào tháng 5, 1968.

Tổng thống Syria trả huân chương cho Pháp
DAMACUS – Chính phủ Syria đã trả lại cho Pháp huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh danh giá mà nước này từng trao cho Tổng Thống Bashar al-Assad vào năm 2001, sau vụ không kích của liên quân hôm 14 tháng 4. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Syria cho biết, huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp đã được Syria trả lại thông qua Đại sứ quán Romania ở thủ đô Damascus - cơ quan đại diện cho lợi ích của các nước Tây Âu tại Syria.
Theo Bộ Ngoại Giao Syria, quyết định trả lại huân chương được đưa ra sau khi Pháp tham gia cuộc không kích của liên quân với Anh – Hoa Kỳ, tấn công vào các mục tiêu của chính quyền Syria. Phía Syria khẳng định sẽ không nhận huân chương từ một nước chỉ biết nghe theo lệnh của Hoa Kỳ. “Không vinh hạnh gì cho Tổng Thống Assad khi đeo huân chương được trao bởi một nước nô lệ và là kẻ theo sau Hoa Kỳ hỗ trợ những kẻ khủng bố.” thông báo của văn phòng Tổng Thống Syria cho biết.
Trước đó, văn phòng Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói rằng, chính phủ Pháp đang dự định tước huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh từng trao cho Tổng Thống Assad, sau khi Pháp cáo buộc chính quyền Syria gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, khiến hàng chục người thiệt mạng ở thị trấn Douma, Đông Ghouta hồi đầu tháng này. Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh được Vua Napoleon Bonaparte lập ra từ năm 1802, để vinh danh những công dân Pháp và người nước ngoài nổi bật, có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp.

Nepal: Máy bay chở 139 người trượt phi đạo
KATHMANDU – Phi trường Kathmandu, Nepal, hôm thứ Sáu đã phải đóng cửa sau, khi một phi cơ của hãng hàng không Malindo Airlines, Malaysia, trượt khỏi phi đạo trong lúc cất cánh. Không có ai bị thương sau sự việc, nhưng nhà chức trách đã chuyển chuyến bay tới thủ đô Nepal sang các phi trườngkhác trong lúc các nhân viên cố gắng kéo chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Malaysia khỏi bùn.
Chuyến bay khởi hành từ Kathmandu tới Kuala Lumpur đêm 19 tháng 4, bị trượt khỏi phi đạo sau khi các phi công phát hiện máy bay gặp vấn đề và cho dừng việc cất cánh giữa chừng, phát ngôn viên phi trường Prem Nath Thakur cho hay. Máy bay trượt cách phi đạo khoảng 30 mét và lao xuống bùn. "Tất cả người trên máy bay đều an toàn,” ông Thakur nói. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới vấn đề đối với phi cơ.
Sự việc xảy ra 1 tháng sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không US-Bangla Airways cũng tại sân bay Kathmandu khiến, 51 người thiệt mạng. Hồi năm 2015, một máy bay thuộc hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ trượt khỏi phi đạo khi đang hạ cánh, khiến sân bay Tribhuvan, Nepal, phải đóng cửa trong 4 ngày.

Lãnh đạo Nam-Bắc Hàn có đường dây trực tiếp
SEOUL – Phủ Tổng Thống Nam Hàn hôm thứ Sáu cho biết đã thử nghiệm thành công đường liên lạc hotline đầu tiên giữa Tổng Thống Moon Jae-in và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Đường liên lạc này sẽ kết nối trực tiếp văn phòng của Tổng Thống Moon với Ủy Ban Quốc Vụ Bắc Hàn, do lãnh đạo Kim Jong-un làm chủ tịch.
Cuộc gọi thử nghiệm kéo dài 4 phút 19 giây đã diễn ra suôn sẻ, theo ông Youn Kun-young, viên chức chính phủ Nam Hàn. Hành động này diễn ra 1 tuần trước cuộc họp thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn tại Khu phi quân sự DMZ ở biên giới nhằm, xây dựng niềm tin cho việc hợp tác hai bên. Hồi đầu tháng 3, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un nói với các đặc sứ Nam Hàn đến thăm Bình Nhưỡng rằng, ông có thể dùng đường dây điện đàm mới để liên lạc với ông Moon bất cứ khi nào quan hệ hai bên có vấn đề.
Hai miền Triều Tiên trong nhiều năm đã lập và ngưng các đường liên lạc, tùy theo diễn biến căng thẳng trong quan hệ. Các đường liên lạc được xem như một "máy đo" mức độ hợp tác của hai bên. Seoul và Bình Nhưỡng đã ngắt đường dây nóng quân sự vào đầu năm 2016, sau đó nối lại vào đầu năm nay. Ông Cho Myoung-gyon, Bộ Trưởng Hợp Nhất Nam Hàn cho hay, hai bên đã từng có 30 đường dây liên lạc. Theo dự kiến, Tổng Thống Nam Hàn và chủ tịch Bắc Hàn sẽ gặp gỡ vào ngày 27 tháng 4. Sau đó ông Kim Jong-un dự kiến gặp Tổng Thống Donald Trump, có thể vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT