Tiêu Thụ

Ích lợi của thẻ tín dụng: Chủ nợ bênh con nợ

Friday, 22/06/2018 - 08:45:33

Nhưng chúng tôi quyết định không mua, vì cái thẻ Bank of America mà chúng tôi dùng để trả $80 nguyên thủy đã cho chúng tôi hưởng Waiver mà không phải trả thêm xu nào. Nếu vô tình không biết mà vẫn mua, đó không phải là mất tiền vô ích sao?

Bài ERIC TRẦN

Trước nay, chúng ta thường chỉ dùng tiền mặt (cash) khi mua sắm. Nhưng với thẻ tín dụng, chúng ta lại có thêm một phương tiện khác để chi trả, một phương tiện hữu dụng, phổ thông và mang lại nhiều lợi ích cho giới tiêu thụ hơn. Lần trước chúng ta đã nói về lãi ngược. Hôm nay, xin nói về sự bảo vệ, cũng được gọi là sự bênh vực mà chủ nợ dành cho con nợ.


Luôn luôn trả tiền thuê xe bằng thẻ tín dụng để có thể tận dụng Collision Damage Waiver.

Liên hệ giữa chủ nợ và con nợ

Khi dùng thẻ tín dụng, chúng ta vay tiền của người khác để mua sắm, tự biến mình thành con nợ và chủ thẻ trở thành chủ nợ. Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ trong môi trường vay mượn cổ điển thường khá “căng”, người đi vay thường bị khinh thị, lép vế, phải chấp nhận ở thế yếu. Nhưng trong thị trường ngày nay, khi dùng thẻ tín dụng, người đi vay lại được chủ nợ coi trọng, và dành cho nhiều ưu thế.

Khác với mối quan hệ vay mượn ngày xưa chỉ có hai bên là con nợ và chủ nợ, quan hệ tín dụng bây giờ thì có ba bên: Người mua hàng (con nợ), người cho vay tiền mua hàng (chủ nợ) và người bán hàng. Trong mối quan hệ ấy, chủ nợ đứng hẳn về phía người mua hàng trong những tranh cãi, nếu có, với người bán hàng.
Sự bênh vực ấy được thể hiện trong các trường hợp sau:

1. Bênh vực khi tranh cãi (Dispute Protection)
Trên thị trường hiện nay, người tiêu thụ có quyền trả lại hàng hóa và đòi lại tiền trong một thời hạn nào đó do bên bán qui định: 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày… hoặc 1 năm. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp gây tranh cãi, khiến người tiêu thụ bận tâm sau khi hàng đã trả lại mà tiền chưa trả về.

Nếu đã dùng tiền mặt để mua hàng thì người tiêu thụ phải tự mình đối phó. Gặp người bán chây lì, không chịu trả lại tiền, bạn chỉ có cách kiện y ra tòa, bằng không đành chịu mất tiền trong sự ấm ức.
Tuy nhiên, nếu bạn chi trả bằng thẻ tín dụng, chủ thẻ sẽ nhảy vào can thiệp trực tiếp, chống lại người bán để lấy tiền về cho bạn. Bạn chỉ cần cho họ biết rằng bạn đã trả lại sản phẩm mà người bán gây khó dễ hoặc chậm chạp trả lại tiền.


Có nhiều quyền lợi được cung cấp miễn phí cho người dùng thẻ tín dụng.

Công việc này được thực hiện một cách đơn giản như sau:
- Báo cho chủ thẻ bằng cách gọi số điện thoại Customer Service, ghi ở mặt sau tấm thẻ. Số điện thoại này thường hoạt động 24/7, ngày đêm lúc nào cũng có nhân viên trả lời. Bạn có thể xin nói chuyện qua thông dịch viên tiếng Việt, nếu không muốn hoặc không thể nói tiếng Mỹ.

- Nói với nhân viên Customer Service rằng bạn muốn “dispute a transaction”, tức là khiếu nại về một khoản tiền đã trả.

- Chỉ cần nghe như vậy thôi, nhân viên Customer Service có thể sẽ trả lại tiền (Refund) ngay. Tuy nhiên, số tiền Refund lúc bấy giờ mới chỉ là “tạm thời”. Chủ thẻ còn phải điều tra, để xác nhận rằng bạn đã trả hàng và xin “refund” theo đúng qui định của người bán. Về chuyện này, xin kể lại một kinh nghiệm cá nhân: Mới đây, bản thân chúng tôi đã phải nhờ chủ thẻ đòi lại số tiền lớn ($30,000) đã đóng để ghi tên tham dự một lớp học. Dĩ nhiên, khi ghi tên học, người viết không đưa tiền mặt, mà dùng credit card của ngân hàng Bank of America. Không lâu sau đó, người viết đổi ý, nên đã cancel để lấy lại tiền. Trong khi việc “cancel” được thực hiện hợp lệ, mà bên tổ chức lớp học vẫn khoan giãn, chưa hoàn lại tiền, người viết đành phải báo cho chủ thẻ (Bank of America) can thiệp; Và sau đó ăn ngon ngủ khỏe, chẳng còn sợ mất tiền, hoặc lo lắng đòi tiền nữa. … Quả đúng như vậy, chỉ vài ngày sau khi chủ thẻ can thiệp, số tiền $30,000 đã ngoan ngoãn quay về. Chuyện này thực sự không lạ: Bàn tay uy lực của chủ thẻ luôn luôn đứng về phía giới tiêu thụ.

Khi có sự tranh chấp liên quan tới việc mua hàng bằng Credit Card, công ty cấp thẻ luôn luôn đứng về phía khách hàng.

2. Tăng thời gian bảo hành (warranty extended)
Các sản phẩm điện tử thời nay thường được nhà sản xuất bảo hành ít nhất 1 năm. Trong thời gian này, nếu máy móc trục trặc, nhà sản xuất sẽ sẵn lòng sửa chữa miễn phí. Không may, ngoài thời hạn đó, cái máy mới hư, bạn phải bỏ tiền riêng ra sửa hoặc mua máy mới. Tuy nhiên, nếu bạn đã dùng thẻ tín dụng để trả tiền mua máy, chủ thẻ sẽ tăng thời hạn bảo hành sản phẩm lên gấp đôi. Khi đó, bạn sẽ điện thoại cho chủ thẻ và yêu cầu họ giải quyết việc này.

Hiện nay, các cửa hàng thường “dụ” khách hàng gia hạn thời gian bảo hành bằng cách trả thêm tiền. Nếu đang phân vân, không biết có nên gia hạn thời hạn bảo hành hay không, bạn hãy tìm lại trong ví, xem cái thẻ tín dụng của mình có kèm theo quyền lợi đó không. Nếu có, hãy cứ dùng thẻ tín dụng ấy mà trả tiền, thời hạn bảo hành món hàng sẽ gia tăng mà không tốn kém thêm 1 xu nào.

3. Collision Damage Waiver
Khi đi thuê xe, bạn thường được hỏi có muốn mua thêm Collision Damage Waiver hay không? Đây là quyền lợi về bảo hiểm, giúp bạn thoát khỏi những phiền toái nếu chẳng may bị đụng xe, gây thiệt hại cho cái xe bạn thuê. Nếu có Collision Damage Waiver, thì dù là người có lỗi trong vụ tai nạn, bạn cũng không gặp rắc rối gì với hãng xe cả. Đây là một quyền lợi ít khi được tận dụng. Một phần vì bạn ít khi đi thuê xe, phần khác, bạn không ngờ thẻ tín dụng vốn cống hiến quyền lợi này. Nên nhiều khi bạn phải tốn thêm tiền một cách vô ích để mua lấy một quyền lợi mà mình đã có.

Xin nói về một trường hợp cụ thể: Gần đây, người viết có tổ chức một chuyến du lịch dài ngày, xuyên qua 6 tiểu bang (California, Arizona, Utah, Idaho, Montana, và Wyoming). Thay vì dùng xe nhà, chúng tôi quyết định thuê xe. Phí tổn thuê xe của hãng Thrifty trong 6 ngày là ... $80, kể cả thuế! (Nếu bạn không nỡ bắt cái xe của mình phải lăn bánh một đoạn đường 2,800 dặm trong gần một tuần “gian khổ” để tiết kiệm $80, thì… chắc bạn cũng đồng ý với chúng tôi rằng thuê xe là một quyết định hợp lý!)

Trong khi làm giấy tờ thuê xe, nhân viên Thrifty hỏi rằng có muốn mua thêm Collision Damage Waiver với giá $10 một ngày hay không? Chỉ mất thêm chừng $60 nữa để mua lấy sự yên tâm trong chuyến đi xa này thì thật là quá rẻ, chả nên từ chối!

Nhưng chúng tôi quyết định không mua, vì cái thẻ Bank of America mà chúng tôi dùng để trả $80 nguyên thủy đã cho chúng tôi hưởng Waiver mà không phải trả thêm xu nào. Nếu vô tình không biết mà vẫn mua, đó không phải là mất tiền vô ích sao?
*
Trên đây là ba quyền lợi cụ thể mà giới tiêu thụ thường được hưởng khi dùng thẻ. Trong những điều vừa kể, chỉ có quyền lợi số 1 là được bảo đảm bởi tất cả mọi công ty chủ thẻ. Các quyền lợi còn lại (số 2 và số 3) thì không hẳn thẻ tín dụng nào cũng có. Vì thế, khi xin thẻ tín dụng, bạn nên hỏi lại cho rõ về các quyền lợi đính kèm. Nhưng nếu không có thứ này, chắc chắn họ sẽ có thứ khác để cống hiến. Đó không phải là bằng chứng rõ ràng cho thấy người đi vay nợ thời nay rất có giá, thường được chủ nợ o bế hay sao?
Nhưng đừng quên, muốn được o bế, bạn phải là người có uy tín, nói cách khác, bạn phải có good credit.
erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT