Mẹo Vặt

Ích lợi của gián

Thursday, 11/08/2016 - 11:18:39

Giáo sư nói rằng, nếu chẳng may toàn bộ 10,000 loại gián tuyệt chủng thì đời sống trên mặt đất này sẽ gặp không ít phiền phức.

Bài VŨ HẰNG

Sở dĩ hôm nay có bài này là vì chúng ta rất ghét gián. Nhìn thấy chúng là ai cũng bắt rùng mình. Chúng ta sợ gián làm tổ bên trong vách tường, sợ gián bò qua mặt mình lúc ngủ say, sợ gián lợi dụng đêm tối ra gậm những vệt kem còn đọng lại ở bàn chải đánh răng, sợ chân gián lê trên đồ ăn, v.v.. Sự sợ hãi khiến chúng ta cứ nhìn thấy nó là muốn giết, giết, giết và luôn suy nghĩ có cách nào để tiêu diệt, xua đuổi, thậm chí còn ước ao phải chi ông Trời đừng tạo ra loài gián. Thực ra, chỉ nghĩ có một chiều như vậy là bất công lắm. Ngày xưa mẹ Hằng vẫn nói: Không một thứ gì không có ích. Càng lớn, càng có dịp học hỏi thêm nơi nhiều bậc sư phụ, em càng thấy rằng những lời đơn sơ của người mẹ nhà quê ngày xưa là chính xác. Vậy, con gián có ích lợi gì?

Con gián có ích lợi gì không?

Ích lợi từ … đít gián

Sở dĩ nói từ đít gián là vì ngay cả cứt gián cũng có ích lợi nữa, các bạn ạ. Con bé này quả thực không dám lộng ngôn, nhưng đây là lời tuyên bố của một vị sư phụ rất có uy tín: Thầy Srini Kambhampati, một chuyên gia khảo sát gián, giáo sư trưởng khoa sinh vật học tại Đại Học Texas ở Tyler. Giáo sư nói rằng, nếu chẳng may toàn bộ 10,000 loại gián tuyệt chủng thì đời sống trên mặt đất này sẽ gặp không ít phiền phức.

Trước tiên, trái đất này sợ rằng sẽ có “sa mạc xanh,” tức là những khu rừng trông xanh um tươi tốt mà thực ra đất nơi chúng mọc lên lại rất khô cằn, nghèo nàn dưỡng chất. Lý do: Cây chết, lá rụng, xác thú vật… sẽ không thể thoái hóa để cung cấp nguồn Nitrogen cho môi trường, nếu không có những yếu tố tác động. Một trong những yếu tố tác động đó là con gián: Khi gián ăn “xác chết,” chúng ỉa ra những cục phân rất “giầu” Nitrogen, một dưỡng chất cần thiết biến đất khô cằn trở nên đất tốt cho thế hệ cây non phát triển. Nếu không có gián, cây cối rã mục sẽ bóp nghẹt sức sống của núi rừng. Giáo sư Kambhampati kết luận: Nếu gián tuyệt chủng, rừng xanh sẽ bị tác hại nặng nề, và sẽ gây hại dắt dây cho muôn loài sống trong rừng và trên trái đất, không loại trừ con người. Nói tóm lại, môi sinh của chúng ta rất, rất cần cứt gián.

Thoạt nghe cứ tưởng chuyện đùa, nhưng chắc chắn một người uy tín như “sư phụ” Kambhampati không thể bông lơn, bỡn cợt với đám nhà quê như chúng ta được.

Ích lợi từ đầu gián

Nhiều bậc thông thái khác lại quả quyết về giá trị của cái đầu gián, và cảnh giác chúng ta rằng, nếu có bao giờ tức giận đưa chân dí nát cái đầu bé nhỏ của con gián, xin hãy nhớ cho: Đó là chỗ chứa những phân tử trụ sinh (antibiotic) cực mạnh, mà so với nó thì những loại trụ sinh các bác sĩ của chúng ta hiện dùng chỉ như những viên … kẹo ngọt!

Nhiều năm qua, các thầy cô trong ngành nghiên cứu luôn luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Tại sao loài gián lại có thể sống dai thế? Chuyện này chắc bạn cũng đã chứng kiến: Một con gián bị di bèm nhẹp dưới gót chân rốt cuộc vẫn gượng dậy chạy đi được. Có người còn tuyên bố đã theo dõi một con gián cụt đầu vẫn có thể sống được thêm … 30 ngày nữa. Cho dù không tin rằng con gián lại có thể làm xiếc được như vậy, chúng ta cũng phải công nhận rằng: Tuy không sống lâu, nhưng loài gián sống rất dai.

Bây giờ, các nhà khoa học đã có câu trả lời: Gián có chứa trong cái đầu của nó ít nhất 9 phân tử trụ sinh giúp chúng chống lại những vết thương và những vụ nhiễm trùng trầm trọng. Sự khám phá này chắc chắn sẽ giúp ngành y khoa của con người tìm ra nhiều thứ thuốc hiệu quả khác từ nơi con gián. Hằng mượn lời các thầy cô nói trước với các bạn như vậy để sau này các thứ thuốc đó ra đời, chúng ta có thể tự hào bảo rằng: Tôi đã biết trước từ lâu rồi!

Ích lợi từ thân gián

Cái thân gián ích lợi là vì có thể ăn được. Dù bạn có thể nổi gai ốc khi nghĩ tới đàn gián bò lổm nhổm từ trong những góc tối nhà mình, nhưng ăn gián là sự thật, nhất là với những dân tộc Á Châu. Thực ra, gián đâu phải là thứ côn trùng duy nhất được bầy lên bàn ăn. Người ta đã từng ăn chuột, ăn rắn, ăn tắc kè, thì ăn gián chắc chắn không phải là chuyện lạ. Dĩ nhiên, không phải loại gián nào cũng ăn được.
Những người đã từng ăn thịt gián tuyên bố rằng, thịt gián có nhiều đạm chất (protein), và có thể sử dụng tại những nơi hiếm hoi các nguồn đạm chất phổ thông khác. Mấy cuốn sách về món ngon vật lạ trên thế giới kể ra đất Thái là nơi có đặc sản thịt gián, như gián chiên bơ, gián xào, gián luộc. Bạn nào đi du lịch Thái Lan nhớ thưởng thức món này rồi kể cho mọi người nghe nhé. Có phải nó giống như … thịt gà vàng óng, béo ngậy không?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT