Phóng Sự

Hội Từ Thiện Hồng Bàng và các dự án tại Việt Nam (kỳ 2 và hết)

Monday, 05/11/2018 - 02:00:15

Vì sao Hội Hồng Bàng không quảng bá rộng hơn về Hội, kêu gọi thêm nhiều đồng hương hỗ trợ tài chánh, để có những buổi gây quỹ được số tiền lớn, để Hội có thêm tài chánh, mở rộng thêm những chương trình?




Cô giáo Dawn Trần Galazyn (Dung Trần) đang chỉ dẫn một em gái (ở Miền Tây) bị thiểu năng trí tuệ cách tự đánh răng. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Chương trình gửi thiện nguyện viên về Việt Nam

Trong các dự án từ thiện của Hội Từ Thiện Hồng Bàng, Hội chú trọng nhất chương trình gửi thiện nguyện viên từ Mỹ (và một số quốc gia có thiện nguyện viên của Hội như Canada, Úc, Pháp, Nhật, nhưng bên Mỹ vẫn là nhiều nhất) về giúp người dân tại một số địa phương ở Việt Nam. Tên tiếng Anh của chương trình là Overseas Volunteer (OV program). Hội Hồng Bàng mong muốn không chỉ kêu gọi sự đóng góp vật chất từ các nhà hảo tâm mà Hội còn mong có nhiều thiện nguyện viên đóng góp thời gian và kiến thức của mình để giúp người dân tại những vùng thôn quê ở Việt Nam.
 

Cô giáo Dawn Trần Galazyn (Dung Trần) đang hướng dẫn em tự kỷ học cách phân biệt các con số. (Hình cung cấp)

Anh Văn Phạm (là một trong những người sáng lập buổi đầu của Hội Từ Thiện Hồng Bàng và là cựu Hội trưởng của Hội) chia sẻ, “Điều khó khăn nhất với Hội Hồng Bàng chính là được các thiện nguyện viên đồng ý về Việt Nam. Thường chúng tôi muốn các thiện nguyện viên của Hội về Việt Nam làm việc ít nhất khoảng ba tháng, hoặc khoảng sáu tháng là tốt nhất, lý tưởng là làm việc một năm. Nhưng bây giờ kiếm người làm việc một năm thì rất khó. Chúng tôi cần thời gian ít nhất ba tháng, vì cần có thời gian để thiện nguyện viên hội nhập với đời sống và cách làm việc tại Việt Nam, nên cần có thời gian như thế.

“Nếu khi mình gửi thiện nguyện viên về làm công việc nào đó mà không hợp, mình vẫn còn thời gian để chuyển họ sang công việc khác. Càng ngày thì Hội càng khó khăn hơn trong việc tìm các thiện nguyện viên nhận lời về giúp bên Việt Nam. Vì cộng đồng Việt Nam mình càng ngày càng hội nhập hơn với xã hội, đời sống bên này. Thành ra những em trẻ của lớp sau, có nhiều sinh hoạt hơn tại Mỹ, ít hướng về quê nhà hơn so với những người trẻ của lớp trước. Hằng năm chúng tôi vẫn có thiện nguyện viên về giúp Việt Nam. Trung bình có khoảng hai người. Rất ít so với thời gian trước đây (10 người về mỗi năm).”
Anh Văn chia sẻ nỗi ưu tư, “Thường thì những thiện nguyện viên muốn về giúp người dân bên Việt Nam, họ sẽ rất lý tưởng, với tâm thế muốn giúp đỡ những người nghèo khổ. Nhưng trên thực tế là giúp như thế nào cho nó hiệu quả mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy nhiều khi mong đợi từ các thiện nguyện viên là muốn giúp thật nhiều, trên thực tế hiệu quả chỉ có giới hạn. Vì vấn đề của xã hội tại Việt Nam không thể giải quyết bằng việc gửi tiền về giúp, hay gửi người về dạy học là xong. Mà còn nhiều vấn đề lắm. Nên có nhiều thiện nguyện viên không biết việc mình làm có hiệu quả hay không. Chẳng hạn như về dạy Anh Văn, nhưng dạy xong cho những người dân tại những địa phương vùng sâu, vùng xa, thì người dân sẽ làm gì, vì họ cũng chẳng thể làm việc gì liên quan đến Anh Văn hết.”

Những nơi chính mà các thiện nguyện viên của Hội Từ Thiện Hồng Bàng đến thường là các tỉnh ở miền Nam và một số nơi ở ngoài Bắc, nhưng đại đa số là trong miền Nam. Vì trong miền Nam, sự tự do dành cho các thiện nguyện viên làm việc vẫn nhiều hơn ở phía Bắc.

Hội Từ Thiện Hồng Bàng không kêu gọi các thiện nguyện viên theo chuyên môn. Hội Hồng Bàng gửi thiện nguyện viên đến những công việc mà họ có khả năng để làm. Dễ nhất đối với một người trẻ mới ra trường, khi trở thành thiện nguyện viên của Hội Hồng Bàng, thường là đến các địa phương để dạy tiếng Anh trong một trường học, hoặc một nhóm nhỏ nào đó do các hội đoàn, cộng đoàn bên Công giáo, hay là chùa ở tại địa phương mở ra. Có một số địa phương cho thiện nguyện viên của Hồng Bàng dùng phòng học trong trường học thông qua các hội đoàn đó để thiện nguyện viên dạy học.

Ngoài dạy Anh Văn, các thiện nguyện viên của Hội Từ Thiện Hồng Bàng còn dạy điện toán, vì các thiện nguyện viên của Hội học ngành kỹ thuật khá đông. Một số người học ngành kế toán thì dạy môn kế toán. Có một số người có chuyên môn trong ngành giáo dục đặc biệt (dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ) thì thực hiện huấn luyện các phụ huynh có con khuyết tật giúp con em của họ hòa nhập vào cộng đồng. Có người có chuyên ngành về IT thì giúp thực hiện lưu trữ dữ liệu, thiết lập mạng lưới internet. Có một số người học chuyên ngành chương trình huấn nghệ, thì khi về cũng sẽ dạy trong chương trình huấn nghệ.
Nếu những thiện nguyện viên có chuyên môn, đã đi làm một thời gian chứ không phải mới ra trường, thì có thể thực hiện những hội thảo tại một số địa phương ở Việt Nam, nhất là những người trong ngành tâm lý, y tế. Những người này có thể đi ngắn hạn hơn.

Anh Văn nói, “Hội của chúng tôi có những bác sĩ ở bên này về bên đó đến các địa phương để khám bệnh cho người địa phương tại các trạm xá. Một số người trong ngành y tá cũng đến các trạm xá để làm. Những người mới ra trường, thường về hơn một tháng, còn những người đã làm trong nghề rồi, thì về giúp khoảng hai tuần thôi. Chúng tôi có cộng tác với một số partner (không thuộc Hội Hồng Bàng) sống tại Việt Nam. Họ là bác sĩ, y tá sống trong thành phố, mỗi tháng hoặc vài tháng, họ dành thời gian đi đến các địa phương xa xôi ở Việt Nam giúp dân địa phương. Những thiện nguyện viên của Hồng Bàng là bác sĩ, y tá từ Mỹ về thì đi cùng với họ.

“Chính ngay tại quê nhà chúng ta có những người rất nhiệt tình làm công việc phục vụ xã hội, chứ không chỉ có những người trong cộng đồng bên Mỹ hoặc những nước khác. Những người từ bên ngoài như chúng tôi và quý vị thường đóng góp nhiều nhất là vật chất, và một số kiến thức chuyên môn, nhưng bên Việt Nam vẫn có nhiều thiện nguyện viên thuộc các tổ chức phi chính phủ có tấm lòng làm từ thiện.”
Anh Văn cho biết, “Tôi dạy ngành kinh tế tại đại học Taylor nên hằng năm tôi về làm việc tại Đại Học Kinh Tế tại Sài Gòn. Tôi là một trong những người giúp tổ chức hội nghị về Kinh Tế Học, là một hội thảo rất lớn, có nhiều bài nghiên cứu được trình bày từ các kinh tế gia khắp thế giới, bên Âu châu, Úc châu, Mỹ (ít hơn) và tại Việt Nam về dự. Tôi nhận dạy thỉnh giảng ngắn hạn tại Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn về Kinh Tế Phát Triển. Vì vậy mỗi năm tôi thường về Việt Nam cho công việc bên trường đại học, tôi kết hợp gặp gỡ những partner của Hội Hồng Bàng tại Việt Nam, thực hiện những buổi hội thảo ngắn cho cộng đồng không thuộc chuyên môn, dưới danh nghĩa do Hội Từ Thiện Hồng Bàng tổ chức. Ví dụ như hội thảo về vấn đề lạm phát, hay khủng hoảng về ngân hàng xảy ra trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đi thăm thiện nguyện viên của Hồng Bàng làm việc tại Việt Nam như thế nào.

“Hội Hồng Bàng có chương trình học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, nên những lần về Việt Nam tôi có đến gặp gỡ những sinh viên nhận học bổng của Hội Hồng Bàng tặng, để chia sẻ với họ những hiểu biết của tôi trong việc học tại đại học.”

Chia sẻ từ một thiện nguyện viên

Cô giáo Dawn Trần Galazyn (Dung Trần) dạy môn Toán, Tập Đọc và Khoa Học lớp 7 và lớp 8 trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt (dành cho các em khuyết tật, tự kỷ) tại trường Ralston Intermediate School trong học khu Gadern Grove đã từng dành một năm (nghỉ việc không nhận lương) vào niên học 2010-2011, để làm thiện nguyện viên của Hội Từ Thiện Hồng Bàng, về Việt Nam giúp các em khuyết tật sống tại những vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh lỵ ở miền Nam, lên đến miền Thượng (vùng Pleiku, thuộc Cao nguyên trung phần Việt Nam). Vì cô giáo Dung Trần cho rằng nếu làm từ thiện bằng việc bỏ tiền ra gửi về Việt Nam giúp các em khuyết tật thì việc đó quá dễ dàng. Nhưng như vậy bản thân cô lại không cảm thấy mình làm được gì cụ thể giúp các em, vì vậy cô muốn tự mình trực tiếp gặp các em, giúp đỡ các em bằng những kinh nghiệm mà cô đã có từ môi trường giáo dục và giảng dạy trẻ khuyết tật tại Mỹ.

Thời gian một năm tại Việt Nam cô ở chung với mấy soeur của dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái. Vì tại Việt Nam người nào có yếu tố nước ngoài về làm từ thiện không dễ chút nào, mà phải thông qua một tổ chức trong nước, nên hội Hồng Bàng đã thông qua dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái. Dù là Phật tử, nhưng trong một năm ở chung với các nữ tu, cô giáo Dung Trần đã học hỏi được rất nhiều điều hay.

Cô chia sẻ, “Các soeur có tình thương rộng mở dành cho người nghèo khổ, khuyết tật. Bản thân tôi vốn quen sống đơn giản, vì vậy khi rời Mỹ đầy đủ tiện nghi về sống tại các vùng thôn quê từ Nam đến miền Trung, tôi thích nghi được. Những thiếu thốn tiện nghi nơi tôi đến chỉ là những vấn đề rất nhỏ nhặt. Điều mà tôi quan tâm chính là những vấn đề lớn hơn tại Việt Nam. Trăn trở lớn nhất là khi tôi về một số vùng quê không có giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt hướng dẫn các em.”

Vì dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái ngoài trụ sở chính tại Sài Gòn, còn có rất nhiều cộng đoàn ở các vùng sâu vùng xa tại Việt Nam, nên cô Dung Trần được các soeur giới thiệu đi đến các cộng đoàn của dòng tu ở nhiều nơi tại Việt Nam. Mỗi nơi cô giáo Dung Trần ở hai, ba tháng. “Tôi từng ở Bình Dương, Bình Giã [là một xã thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu] những nơi này các soeur có mở trường học dành cho các em khuyết tật. Để có tiền duy trì những trường học miễn phí này, dòng nữ tu được sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, chứ không có sự trợ giúp nào của chính quyền Việt Nam cả. Khi về những nơi này, tôi lấy những kinh nghiệm dạy các em khuyết tật bên Mỹ chỉ lại cho các cô giáo thiện nguyện tại đây, chia sẻ những phương pháp dạy, có học sinh tại lớp luôn để thực hành những phương pháp này luôn.
Cô giáo Dung Trần kể, “Còn khi về miền Tây và lên vùng Kontum- Pleiku tôi có thực hiện một dự án Hội Nhập Cộng Đồng, giúp các em khuyết tật hội nhập vào đời sống trong cộng đồng. Tôi đã thực hiện được nhiều buổi hội thảo, mời các phụ huynh có con khuyết tật đến dự. Vì ở nhiều vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn còn thành kiến việc con em mình bị khuyết tật. Họ xấu hổ, nên thường giấu con trong nhà, cho nên tôi được các soeur giúp mời các phụ huynh có con khuyết tật tại vùng đó lại dự buổi hội thảo. Tôi nói sơ qua kiến thức căn bản về khuyết tật ra sao, chia sẻ những kinh nghiệm của tôi về những em khuyết tật tại Mỹ, nói cho phụ huynh biết với những em bị khuyết tật, tùy theo từng em, mình có thể làm gì giúp các em.”

Cô giáo Dung Trần nói, “Sau buổi họp đó, cô xin phép từng gia đình đến thăm tận nhà mỗi người, rồi dựa trên khả năng của từng em, tôi hướng dẫn phụ huynh cách để giúp các em. Ví dụ có em bị bại não, nhưng trí của em rất bình thường (vì 50- 60 phần trăm trẻ em bị bại não có trí óc bình thường, chỉ bị liệt thôi), cha mẹ lại cho em ở nhà không đi học. Tôi đã mua một số dụng cụ học tập tặng cho gia đình những em này, hướng dẫn cho cha mẹ cách dạy cho em học chữ, dù em không thể học được lên cao, chỉ cần em biết đọc thôi cũng rất tốt cho em.”

Cô Dung Trần cho biết, những nơi cô đến, có một số em bị bệnh thiểu năng trí tuệ, phụ huynh cứ nghĩ em bệnh, nên cái gì cũng làm cho em hết, mà không tập cho em tự lập, cô đến thăm đã hướng dẫn cho phụ huynh tập cho em những kỹ năng tự chăm sóc mình, như chỉ cho em tự đánh răng, vệ sinh cá nhân, tự thay quần áo, vì ba mẹ em đâu thể ở suốt đời với em mà giúp em được hoài.

Điều mà cô giáo Dung Trần rất ưu tư khi về làm thiện nguyện tại Việt Nam, chính là sự kỳ thị dành cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam là một trong rất nhiều cách khiến những đứa trẻ này bị gạt ra lề xã hội.Vì phần lớn xã hội tin rằng các em không có khả năng làm gì cả nên trẻ em khuyết tật bị loại ra khỏi mọi mặt đời sống: không được chăm sóc sức khỏe thỏa đáng; không có bạn bè; không được hưởng các cơ hội học tập. Do không được đến trường nên các em thiếu kiến thức và kỹ năng sống, dẫn đến mất cơ hội việc làm và không hoàn toàn tham gia vào xã hội khi trưởng thành. Hiển nhiên điều này chỉ càng làm tăng thêm sự kỳ thị đối với người khuyết tật nói chung và những trẻ em kém may mắn nói riêng.

Từ kinh nghiệm làm thiện nguyện một năm giúp các em khuyết tật tại Việt Nam, cô giáo Dung Trần nhận thấy tại Việt Nam vẫn nhìn nhận khuyết tật theo mô hình từ thiện hoặc y học, và chính vì vậy những định kiến và sự phân biết đối xử vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với người khuyết tật. Trong khi đáng lẽ ra người khuyết tật hoàn toàn có khả năng tận hưởng một cuộc sống tự lập và tự trọng dựa trên nhân quyền.

Những đóng góp của các nhà hảo tâm

Hội Từ Thiện Hồng Bàng bấy lâu nay không có tổ chức những buổi gây quỹ lớn, mà thường nhận được đóng góp vật chất từ các cá nhân qua bạn bè, người quen, người thân trong gia đình các thành viên, thiện nguyện viên của Hồng Bàng là nhiều nhất, dần dần người này giới thiệu thêm người kia, càng ngày càng nhiều hơn.

Vì sao Hội Hồng Bàng không quảng bá rộng hơn về Hội, kêu gọi thêm nhiều đồng hương hỗ trợ tài chánh, để có những buổi gây quỹ được số tiền lớn, để Hội có thêm tài chánh, mở rộng thêm những chương trình?

Anh Văn cho biết, “Dù hiện nay chúng tôi vẫn phải báo cáo với sở thuế của chính phủ Mỹ hằng năm tiền nhận được từ những đóng góp của các ân nhân, nhưng công việc vẫn nhẹ hơn là khi mở rộng. Từ trước đến nay chúng tôi vẫn gửi báo cáo hằng năm đến các ân nhân những chương trình chúng tôi làm bằng hình ảnh, báo cáo tài chính để họ biết số tiền đóng góp của họ đã được sử dụng đúng. Nếu có khoản tài chánh lớn hơn hiện nay, thì Hội cần phải có hẳn một nhóm nhân viên làm việc toàn thời gian. Chứ còn nhân viên thiện nguyện như bấy lâu nay, thì đôi khi sẽ có thiết xót, là điều chúng tôi không mở rộng.”
Anh Văn bày tỏ, “Chúng tôi ước mong mọi người chúng ta sống bên này, đừng quên những người tại quê nhà, những người cần được giúp đỡ. Đôi khi chúng ta quan tâm đến những việc thay đổi lớn tại quê nhà nhiều hơn, nhưng cũng mong quý vị hãy quan tâm đến những công tác nhỏ. Nếu những ai có lòng, có thời gian, muốn làm thiện nguyện viên của Hồng Bàng về giúp bên Việt Nam, là điều chúng tôi mong muốn. Vì hiện giờ muốn có người dành ra sáu tháng hay một năm về làm việc thiện nguyện tại Việt Nam là rất khó. Nhất là những người đã có gia đình rồi thì càng khó khăn hơn. Điều lý tưởng nhất là có những người đã đi làm và có chuyên môn bỏ ra thời gian sáu tháng hay một năm, làm việc với cộng đồng người nghèo tại Việt Nam. Chỉ cần một năm có hai thiện nguyện viên làm sáu tháng hay một năm là chúng tôi hạnh phúc rồi.

“Tôi nghĩ rằng, những thiện nguyện viên của Hồng Bàng, đặc biệt là những người trẻ trưởng thành tại Mỹ nói riêng, tại hải ngoại nói chung, sau lần về Việt Nam làm việc, họ sẽ có sự thay đổi tốt hơn, có cái nhìn rộng mở hơn. Họ càng trưởng thành hơn khi nhìn thấy những người dân nghèo khổ. Khi về bên ấy, họ với tâm trạng là muốn cho thật nhiều, nhưng thật ra họ cũng học thêm nhiều điều từ quê nhà, học thêm về ngôn ngữ tiếng Việt giỏi hơn, hiểu hơn về văn hóa. Có thiện nguyện viên về bên ấy đã học được chơi đàn Bầu.”
Để hiểu hơn những hoạt động từ thiện của Hội Từ Thiện Hồng Bàng, xin vào trang web www.hongbang.org.
Muốn đồng hành cùng Hội Từ Thiện Hồng Bàng, xin hãy liên lạc đến địa chỉ: Hong Bang, Inc. PO Box 11518. Fort Worth, TX 76110-3051.
Email: General inquiries: info@hongbang.org.
Overseas Volunteer Program: ovs@hongbang.org.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT