Phóng Sự

Hội Trái Tim Bác Ái và những hoạt động từ thiện (kỳ 2)

Sunday, 10/03/2019 - 10:02:09

“Trẻ bị hội chứng tự kỷ sẽ mất khả năng nói hoặc các kỹ năng xã hội. Trẻ em nào bị ốm hoặc buồn bã sẽ ít nói chuyện hơn trong vài ngày. Nhưng nếu điều này kéo dài nhiều hơn chỉ vài ngày, thì bố mẹ cần đưa con đến một chuyên gia để tìm hiểu lý do.


Hội chợ y tế do Hội Trái Tim Bác Ái tổ chức. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Giúp người khuyết tật
Dược sĩ Nguyễn Thị Mai, người sáng lập và là chủ tịch Hội Trái Tim Bác Ái (Hearts of Charity Foundation, HCF) là người khuyết tật nên cô rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của những người khuyết tật.

Dược sĩ Nguyễn Thị Mai nói, “Đối tượng được Hội Trái Tim Bác Ái giúp tại Việt Nam là người khuyết tật được giúp nhiều nhất, vì chính bản thân tôi là người khuyết tật. Đây là đối tượng ở Việt Nam bị xã hội bỏ rơi. Nên lúc nào tôi cũng cảm thấy những người đó không có tiếng nói. Nên tôi muốn giúp họ. Trái Tim Bác Ái giúp họ, không phải chỉ mang chén cơm đến cho họ. Chén cơm chỉ là phụ thôi. Tinh thần mình mang đến cho họ mới là chính, giúp người ta mạnh mẽ hơn vì được quan tâm và yêu thương.
 

Dược sĩ Nguyễn Thị Mai đại diện cho Hội Trái Tim Bác Ái tặng quà cho trẻ mồ côi, nghèo hiếu học. (Hình cung cấp)

“Khi chúng tôi tới với họ, họ cảm thấy an ủi phần nào. Vì ít nhất họ không bị bỏ quên. Một trong những điều mà tôi nhớ nhất là một anh thanh niên là người khỏe mạnh bình thường, có vợ bị tê liệt chân, hai vợ chồng có ba con rất dễ thương. Họ sống ở Nghệ An, nhà nghèo lắm, anh làm việc vặt để nuôi sống gia đình. Nhà ở gần ao nước, cô con gái lớn mới 6, 7 tuổi phụ mẹ gánh nước, bị té ao nước chết đuối.

“Biết câu chuyện của gia đình anh, chúng tôi rất đau lòng. Khi đến thăm gia đình anh, điều tôi nhớ nhất là cách anh nâng niu cô vợ, tôi rất cảm động. Khi chúng tôi đến giúp gia đình. Anh nhìn tôi và khóc, anh nói anh là thanh niên, vậy mà phải nhờ vả đến người khuyết tật (là tôi) giúp đỡ. Tôi nói đây là tôi giúp vợ anh, giúp tinh thần cho anh để tiếp tục vươn lên làm điểm tựa cho vợ, con.”

Những người già neo đơn, những trẻ em mồ côi hiếu học, và những bệnh nhân phong cùi cũng là những số phận thiệt thòi tại Việt Nam luôn được Hội Trái Tim Bác Ái trợ giúp, giúp họ luôn vững tin trong cuộc sống vì luôn có những tấm lòng từ ái luôn hỗ trợ họ vươn lên. Nhất là những bệnh nhân phong cùi. Dù bệnh phong không còn là nỗi khiếp sợ tại Việt Nam. Nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân của căn bệnh này còn sống, với những di chứng thể chất và tinh thần mà căn bệnh mang lại. Họ cụt chân, tay, và mang theo những ký ức về sự cô độc vì sự kỳ thị trong quá khứ.
 

Dược sĩ Nguyễn Thị Mai đại diện cho Hội Trái Tim Bác Ái tặng gạo cho những người già yếu, neo đơn tại Việt Nam. (Hình cung cấp)

Nhắc đến bệnh phong, căn bệnh một thời là nỗi khiếp sợ của cộng đồng. Chữ “Hủi” đã vượt qua nghĩa đen của nó để trở thành một tính từ thể hiện sự xa lánh trong tiếng Việt. Những bệnh nhân của căn bệnh này chỉ có thể tìm thấy tình cảm từ những người đồng cảnh ngộ. Với sự tiến bộ của y học và xã hội, những người bệnh phong đã không còn mang bệnh trong người, nhưng các khuyết tật thể chất và hàng chục năm bị cách ly khỏi xã hội khiến họ không có khả năng tự mưu sinh. Họ rất cần trợ giúp từ những ân nhân. Và Hội Trái Tim Bác Ái là một trong những Hội giúp đỡ họ.

Giúp trẻ tự kỷ

Dược sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết, hằng năm khi Hội Trái Tim Bác Ái gây quỹ, Hội luôn trích ra 70 phần trăm giúp bên Việt Nam, dành lại 30 phần trăm giúp đồng hương tại Mỹ. Ngoài tổ chức các Hội Chợ Y Tế được sự bảo trợ của các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ… Hội còn tổ chức picnic cho các gia đình có con bị hội chứng tự kỷ để các gia đình có dịp gặp nhau cùng vui chơi và chia sẻ kinh nghiệm giúp con mình. Tặng quà giáng sinh và phần ăn tại nhà hàng cho trẻ bị tự kỷ. Tổ chức hội thảo tìm hiểu về tự kỷ ngay từ khi Hội mới lập ra.
Dược sĩ Nguyễn Thị Mai chia sẻ, “Hội Trái Tim Bác Ái chú ý giúp đỡ những con em bị hội chứng tự kỷ. Đây cũng là những em khuyết tật về tinh thần. Vì tôi có người cháu trai, và một cháu gái là chị em họ của nhau ở trong gia đình tôi đều bệnh hội chứng tự kỷ, nên tôi mới chú ý đến bệnh này để giúp các phụ huynh. Hồi đầu tôi không biết tự kỷ là gì, nhưng khi thấy cháu của mình khác lạ so với những trẻ bình thường. Tôi tìm hiểu và thấy các phụ huynh gốc Việt rất cần được hướng dẫn để giúp con em của họ. Vì trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ít có gia đình hiểu biết về bệnh nầy, cho nên không điều trị sớm thì càng ngày bệnh nhân sẽ bị nặng hơn, dù bệnh không thể chữa hết, nhưng nếu phát hiện sớm và chữa trị sớm, sẽ giúp các em tốt hơn.”

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Mai, “Bệnh tự kỷ là bệnh rối loạn phát triển của não bộ dù nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Nhưng nguyên nhân được nói tới nhiều là do rối loạn di thể (genes), cũng như những tác dụng của các yếu tố gây nguy biến trong thời kỳ mang thai và chu vi sanh sản. Và người ta cũng cho rằng bệnh là do nhiều căn bệnh nhẹ tác động đồng thời gây ra. Trẻ bị hội chứng tự kỷ cũng thường được chẩn đoán mắc các rối loạn khác.

“Các chẩn đoán thường kèm theo tự kỉ bao gồm rối loạn dạ dày ruột, rối loạn giấc ngủ, động kinh, các vấn đề về xử lý cảm giác và xu hướng ăn những thứ không phải là thực phẩm. Phần lớn trẻ tự kỷ đều chậm phát triển về tâm trí và kéo dài cho đến thời kỳ trưởng thành và trung niên. Chưa có loại thuốc cũng như phương thức tâm lý trị liệu nào để chữa trị hữu hiệu căn bệnh rối loạn tâm trí này. Mỗi đứa trẻ tự kỷ có những tánh nết,cử chỉ hành vi khác nhau, nên phương pháp trị liệu cho các em cũng tùy theo từng em có những biến chứng nào để người săn sóc, giúp đỡ cho các em theo cách hướng dẫn can thiệp hành vi ABA.”
Hội Trái Tim Bác Ái thường tổ chức hội thảo tìm hiểu về tự kỷ khoảng hai tháng một lần, thường tổ chức là tại hội trường nhật báo Người Việt. Những hội thảo thường xuyên này Hội Trái Tim Bác Ái mời các chuyên viên về bệnh tự kỷ đến để hướng dẫn, giải thích cho các phụ huynh những phương cách giúp trẻ tự kỷ.
Thường Hội mời những chuyên viên trị liệu chức năng, trị liệu chậm nói, bác sĩ tâm lý, giáo viên can thiệp hành vi ABA… Hội mời các phụ huynh có con bị hội chứng tự kỷ đến hội thảo và kêu gọi họ hãy trao đổi cách thức liên lạc với nhau, để sau hội thảo họ chia sẻ kinh nghiệm chính bản thân cũng như gia đình cách giúp con mình. Đưa con mình đến sinh hoạt cùng với những em bị hội chứng tự kỷ. Hội còn giúp các phụ hunh tìm trường học đặc biệt cho các em. Giúp nâng đỡ tinh thần các phụ huynh. Giới thiệu cho các phụ huynh chuyên viên hướng dẫn cách dinh dưỡng và môi trường, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các thầy cô cải thiện hành vi ABA.

Dược sĩ Mai cho biết hiện nay vẫn chưa có chẩn đoán chính xác về chứng tự kỷ, nhưng các chuyên gia đã đưa ra những dấu hiệu tham khảo. “Trẻ bị hội chứng tự kỷ sẽ có vấn đề về ngôn ngữ. Dù rằng trẻ em có những mốc học nói khác nhau nhưng bố mẹ cần chú ý nếu thấy trẻ quá chậm so với độ tuổi. Các triệu chứng tự kỉ tiềm ẩn bao gồm không có các cử chỉ như chỉ hoặc vẫy tay, không nói khi 16 tháng, không nói được hai từ có nghĩa khi 24 tháng.

“Trẻ bị hội chứng tự kỷ sẽ mất khả năng nói hoặc các kỹ năng xã hội. Trẻ em nào bị ốm hoặc buồn bã sẽ ít nói chuyện hơn trong vài ngày. Nhưng nếu điều này kéo dài nhiều hơn chỉ vài ngày, thì bố mẹ cần đưa con đến một chuyên gia để tìm hiểu lý do.

“Trẻ bị hội chứng tự kỉ có thể chú ý đến trật tự mà không có mục đích. Trẻ có thể dành hàng giờ sắp xếp đồ chơi và phân loại chúng theo màu sắc hoặc kích thước thay vì chơi với đồ chơi.
“Trẻ không biết bắt chước.

Hay la hét nếu không bằng lòng, dễ bực tức khi không diễn tả được.
Hay thích nhìn chăm chú vào một vật gì.
Thích chơi một mình và chỉ thích chơi một món vật gì thích nhất.
Chạy nhiều hơn đi.

Không phân biệt được người thân hay người lạ.
Hung bạo, thích tự hành hạ thể xác, hay đánh đập người khác.”
Dược sĩ Nguyễn Tthị Mai nói, “Nếu phụ huynh cảm thấy lo lắng khi phát hiện những hành động và biểu hiện bất thường của con mình thì đừng chần chừ mà hãy đưa con đến gặp các bác sĩ nhi khoa. Họ sẽ thực hiện những cuộc kiểm tra chuyên môn bằng cách đặt câu hỏi và trò chuyện với trẻ nhằm phát hiện ra những triệu chứng và mức độ tự kỷ ở trẻ để chữa trị kịp thời.”
 Quý phụ huynh cũng có thể liên lạc với Hội Trái Tim Bác Ái để thiện nguyện viên của Hội trợ giúp. Xin liên lạc với dược sĩ Nguyễn Thị Mai (714) 867-8074 (có thể text tin nhắn).
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT