Sức Khỏe

Hồi Sức Tim Phổi CPR (Cardio Pulmonary Resuscitation)

Saturday, 28/07/2018 - 12:00:07

Nên nhớ rằng, sự khác biệt giữa chuyện làm một cái gì đó và không làm gì cả có thể là cuộc sống của một người. Và nên ghi tên đi học cấp cứu CPR bằng cách tìm thời khóa biểu lớp học ở Hội Hồng Thập Tự (Red Cross).

BS Nguyễn Thị Nhuận

Hồi sức tim phổi (CPR) là một kỹ thuật cứu sống hữu ích trong nhiều trường hợp khẩn cấp, gồm cả đau tim hoặc gần chết đuối, khi nạn nhân ngưng thở hay tim ngừng đập. Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyên tất cả mọi người - những người đứng ngoài không được đào tạo và nhân viên y tế - bắt đầu CPR bằng cách nhấn ngực.

Trong những trường hợp cấp cứu, làm một cái gì đó vẫn hơn là không làm gì cả vì sợ rằng kiến thức hoặc khả năng của mình không hoàn hảo. Nên nhớ rằng, sự khác biệt giữa chuyện làm một cái gì đó và không làm gì cả có thể là cuộc sống của một người. Và nên ghi tên đi học cấp cứu CPR bằng cách tìm thời khóa biểu lớp học ở Hội Hồng Thập Tự (Red Cross).

Theo Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, nên dùng những kỹ thuật dưới đây để cấp cứu tim mạch:
*- Nếu bạn chưa từng học cách làm CPR: Trường hợp này, bạn nên làm CPR bằng tay mà thôi. Nghĩa là bạn chỉ nhấn ngực nạn nhân 100 lần mỗi phút cho đến khi nhân viên y tế đến (chi tiết ở phần dưới). Bạn không cần phải cố gắng thổi hơi vào miệng hay mũi nạn nhân.
*- Nếu bạn đã được huấn luyện và rất tự tin: Trường hợp này, bạn hãy bắt đầu với nhấn ngực thay vì kiểm soát đường thở và làm hô hấp nhân tạo. Bắt đầu CPR với 30 cái nhấn ngực trước khi kiểm soát đường thở và thở cho nạn nhân.
*- Đã có học CPR nhưng lâu năm rồi không dùng: Trường hợp này, bạn chỉ cần nhấn ngực 100 lần mỗi phút (chi tiết mô tả bên dưới).
Những lời khuyên trên áp dụng cho người lớn, trẻ em và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh.
CPR có thể giúp bơm máu có chứa oxygen lên óc và các cơ quan quan trọng khác cho đến khi nạn nhân được điều trị để phục hồi nhịp tim bình thường. Khi tim ngừng đập, máu có chứa oxygen không được bơm lên óc, có thể gây tổn thương não chỉ trong một vài phút, và có thể gây tử vong trong vòng tám đến 10 phút.
Muốn học CPR, nên ghi tên vào một khóa học huấn luyện cấp cứu được công nhận, bao gồm CPR và cách sử dụng một máy khử rung tim tự động (Automatic External Defibrillation hay AED). Nếu bạn chưa từng được huấn luyện và có điện thoại, gọi ngay 911 trước khi bắt đầu CPR. Nhân viên trực có thể hướng dẫn bạn làm các kỹ thuật thích hợp cho đến khi nhân viên y tế đến.

Trước khi bắt đầu
Trước khi bắt đầu CPR, nên xem thử:
- Nạn nhân tỉnh hay bất tỉnh?
- Nếu nạn nhân có vẻ bất tỉnh, gõ hoặc lắc vai của họ và hỏi lớn: "Anh (chị) có sao không (Are you OK)?"
Nếu nạn nhân không đáp ứng và đang có hai người tại đó, 1 người nên gọi 911 hoặc số khẩn cấp địa phương và một nên bắt đầu CPR. Nếu bạn đang một mình và có điện thoại, gọi 911 trước khi bắt đầu CPR - trừ khi bạn nghĩ rằng nạn nhân bất tỉnh vì bị nghẹt thở (chẳng hạn như do đuối nước). Trong trường hợp đặc biệt này, làm CPR trong vòng một phút và sau đó gọi 911 hoặc số khẩn cấp địa phương.
Nếu máy AED có sẵn, dùng máy để sốc nạn nhân 1 lần theo lời hướng dẫn in trên máy, sau đó bắt đầu CPR.

Hãy nhớ thứ tự này: C- A- B
CAB là viết tắt của các chữ compressions, airway, breathing – nhấn ngực, đường thở, thở - để giúp mọi người nhớ thứ tự cấp cứu.

C: Nhấn (Compression): Để khôi phục lưu thông máu
1. Đặt nạn nhân nằm ngửa trên một mặt cứng.
2. Quỳ xuống bên cạnh cổ và vai của họ.
3. Đặt gót một bàn tay lên giữa ngực của người đó, giữa hai núm vú. Đặt bàn tay kia trên bàn tay đầu tiên. Giữ khuỷu tay thẳng và đặt vai của bạn trực tiếp phía trên hai bàn tay.
Sử dụng trọng lượng cơ thể của bạn (không chỉ là cánh tay) khi bạn nhấn ngực nạn nhân xuống ít nhất là 2 inch (khoảng 5 cm). Nhấn mạnh với tốc độ khoảng 100 nhấn/một phút.
Nếu bạn chưa từng được huấn luyện CPR, nên tiếp tục nhấn ngực cho đến khi có dấu hiệu của sự chuyển động hoặc cho đến khi nhân viên y tế khẩn cấp đến. Nếu bạn đã được huấn luyện CPR, nhấn ngực 30 cái rồi xem đường thở và hô hấp của nạn nhân.
A: Đường thở (Airway): Làm thông đường thở
1. Nếu bạn từng được huấn luyện CPR và đã thực hiện 30 lần nhấn ngực, đây là lúc làm thông đường thở của nạn nhân bằng cách dùng thủ thuật ngửa đầu, nhấc cằm (head tilt- chin lift). Đặt lòng bàn tay của bạn trên trán của nạn nhân và nhẹ nhàng ngửa đầu ra sau. Sau đó dùng tay kia, nhẹ nhàng nhấc cằm về phía trước để mở đường thở.
2. Xem nạn nhân có thở bình thường không trong vòng năm hoặc 10 giây. Nhìn xem nạn nhân có chuyển động ngực không, lắng nghe âm thanh hơi thở bình thường, và cảm nhận hơi thở của người đó trên má và tai của bạn. Thở hổn hển không được coi là thở bình thường. Nếu nạn nhân không thở bình thường và bạn đã được huấn luyện CPR, bắt đầu thở miệng- áp- miệng (mouth to mouth). Nếu bạn nghĩ rằng nạn nhân bất tỉnh vì một cơn đau tim và bạn không biết cách cấp cứu, bỏ qua việc thực hành thở miệng- áp- miệng và tiếp tục nhấn ngực.

B. Thở (Breathing): Thở cho nạn nhân
Có thể dùng cách thở miệng- áp- miệng hoặc miệng- áp- mũi nếu miệng bị thương nặng hoặc không thể mở được.

Với đường thở đã được mở bằng cách ngửa đầu, nhấc cằm, bịt hai lỗ mũi nạn nhân và dùng miệng mình lấp miệng của nạn nhân thật kín để không khí không bị thoát ra khi thổi vào miệng nạn nhân. Thổi hơi thở đầu tiên - kéo dài một giây - và nhìn xem ngực nạn nhân có nhô lên không. Nếu có nhô lên, tức không khí có vào được phổi nạn nhân, thổi hơi thở thứ hai. Nếu ngực không nhô lên, trở lại thủ thuật ngứa đầu ra sau và nâng cằm để mở đường thở lại, sau đó mới thổi hơi thở thứ hai. Ba mươi cái nhấn ngực theo sau bởi hai hơi thở giải cứu được coi là một chu kỳ.
3. Tiếp tục nhấn ngực để khôi phục lại lưu thông máu.
4. Nếu nạn nhân không bắt đầu chuyển động sau năm chu kỳ (khoảng hai phút) và có sẵn một máy khử rung tim ngoài tự động (AED), sử dụng máy theo các hướng dẫn trên máy. Làm một sốc, sau đó tiếp tục CPR - bắt đầu với nhấn ngực - hai phút nữa trước khi làm một sốc thứ hai. Nếu bạn không từng được huấn luyện sử dụng một AED, người trả lời điện thoại 911 có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng. Nếu không có sẵn máy AED, đi đến bước 5 dưới đây.
5. Tiếp tục CPR cho đến khi có những dấu hiệu của sự chuyển động hoặc nhân viên y tế đến.

Thực hiện CPR nơi một đứa trẻ
Thủ tục làm CPR cho trẻ em tuổi từ 1 đến 8 về căn bản giống như đối với một người lớn. Sự khác biệt như sau:
- Nếu bạn chi có một mình, làm năm chu kỳ nhấn ngực và thổi hơi thở - mất khoảng hai phút - trước khi gọi 911 hoặc số khẩn cấp địa phương hoặc sử dụng máy AED.
- Chỉ sử dụng một tay để thực hiện nhấn ngực.
- Thổi hơi thở nhẹ nhàng hơn.
- Sử dụng tỷ lệ nhấn ngực/thổi hơi thở tương tự như ở người lớn: 30 lần nhấn ngực, theo sau là hai hơi thở. Đây là một chu kỳ. Sau hai hơi thở, ngay lập tức bắt đầu chu kỳ tiếp theo.
- Sau năm chu kỳ (khoảng hai phút) của CPR, nếu không có phản ứng và có sẵn máy AED, dùng náy theo hướng dẫn. Sử dụng miếng đệm cho trẻ em, nếu có, đối với trẻ em lứa tuổi từ 1 đến 8. Nếu không có miếng đệm trẻ em, sử dụng miếng đệm người lớn. Không sử dụng AED cho trẻ em dưới 1 tuổi. Thực hiện một cú sốc, sau đó tiếp tục CPR - bắt đầu với nhấn ngực - hai phút nữa trước khi làm một cú sốc thứ hai. Nếu bạn không từng được huấn luyện sử dụng một AED, người trả lời điện thoại 911 có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng.
Tiếp tục cho đến khi trẻ chuyển động hoặc nhân viên y tế đến.

Thực hiện CPR cho em bé
Hầu hết các vụ ngưng tim ở trẻ sơ sinh xảy ra do thiếu oxygen, chẳng hạn như vì chết đuối hay bị nghẹn. Nếu bạn biết là em bé bị tắc nghẽn đường thở (choking), thực hiện cứu cấp nghẹt thở ngay. Nếu bạn không biết tại sao em bé không thở, thực hiện hô hấp nhân tạo.
Để bắt đầu, nên xem xét tình hình. Phết vào người em bé xem có phản ứng không, chẳng hạn như chuyển động người em bé nhưng không lắc em.
Nếu không có phản ứng, thực hiện CAB theo dưới đây:
- Nếu bạn là người duy nhất tại chỗ, làm CPR hai phút - khoảng năm chu kỳ - trước khi gọi 911.
- Nếu có người thứ hai, bảo người này gọi điện thoại để được giúp đỡ ngay lập tức trong khi bạn làm việc với em bé.

C: Nhấn ngực (Compression) Khôi phục lưu thông máu
1. Đặt em bé nằm ngửa trên một bề mặt phẳng và cứng, thí dụ như chiếc bàn, sàn nhà hoặc mặt đất.
2. Tưởng tượng một đường ngang nối hai núm vú của em bé. Đặt hai ngón tay ngay dưới dòng này, ở trung tâm của ngực.
3. Nhẹ nhàng nhấn ngực xuống khoảng 1,5 inches (khoảng 4 cm).
4. Đếm lớn tiếng khi đang nhấn với một nhịp điệu khá nhanh. Bạn nên nhấn với tốc độ 100 lần một phút.
*A: Đường thở (Airway): Làm thông đường thở
1. Sau 30 lần nhấn ngực, nhẹ nhàng làm ngửa đầu em bé về phía sau bằng cách nâng cằm lên bằng một tay và đẩy nhẹ trán xuống bằng tay kia.
2. Trong không quá 10 giây, áp tai gần miệng bé và tìm hơi thở: Nhìn xem ngực có chuyển động không, lắng nghe tiếng thở, và cảm nhận hơi thở vào má và tai của bạn.
*B: Thở (Breathing): Thở cho bé
1. Lấp miệng và mũi của em bé bằng miệng của bạn.
2. Chuẩn bị cho hai hơi thở cấp cứu. Sử dụng sức mạnh của đôi má để cung cấp hai hơi thở nhẹ (thay vì thổi mạnh từ phổi) vào miệng của bé một lần, kéo dài một giây. Quan sát xem ngực của em bé có nhô lên không. Nếu có, thổi nhẹ thêm hơi thở thứ hai. Nếu ngực không nhô lên, lặp lại thủ tục mở đường thở như trên và sau đó thổi hơi thở thứ hai.
3. Nếu ngực của em bé vẫn không nhô lên, quan sát trong miệng bé để bảo đảm không có vật lạ bên trong. Nếu nhìn thấy vật lạ, dùng ngón tay quét nó ra. Nếu đường thở dường như bị nghẹt, thực hiện thủ thuật cứu nghẹn.
4. Thổi hai hơi thở sau mỗi 30 ép ngực.
5. Thực hiện CPR trong khoảng hai phút trước khi gọi để được giúp đỡ, trừ khi ai đó có thể gọi trong khi bạn giúp em bé.
6. Tiếp tục CPR cho đến khi bạn nhìn thấy dấu hiệu của sự sống hoặc cho đến khi nhân viên y tế đến.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT