Người Việt Khắp Nơi

Hội ngộ 60 năm Trần Lục (1958 -2018)

Friday, 25/05/2018 - 07:29:37

Đức Giám Mục Jeantet Khiêm sai người bí mật mang lên Lạng Sơn trao cho thầy Triêm bức thư và ba nén bạc, bức thư gọi thầy về miền xuôi để được phong chức linh mục, và sau lệnh tha đạo năm 1862, cha Trần Lục nhận bài sai đi coi xứ đạo Thanh Hóa và đến năm 1865 ngài nhận bài sai về làm chánh xứ Phát Diệm.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - “Nhân dịp kỷ niệm 60 năm nhập học các lớp Đệ Thất năm 1958 tại trường Trung học Trần Lục, Tân Định, Saigon, các bạn Trần Lục ở California, Hoa Kỳ sẽ tổ chức một buổi hội ngộ để đánh dấu mốc thời gian lịch sử này.”

Trên đây là lời của ông Phạm Gia Đại, tác giả cuốn hồi ký Những Người Tù Cuối Cùng, XB 2011, Trưởng Ban Tổ Chức trong Thư Mời gửi các vị giáo sư, đồng môn và cho nhật báo Viễn Đông.

Ông Phạm Gia Đại cũng cho hay, đây là lần hội ngộ chỉ một lần trong đời, đơn giản là vì các cựu học sinh lớp Đệ Thất trường Trần Lục năm nay ai cũng ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nên làm sao có mặt trong kỳ hội ngộ thứ hai trên cõi đời này, có chăng sẽ hội ngộ với nhau ở thế giới bên kia.

Theo chương trình đã định, hôm nay thứ Bảy các đồng môn từ các nơi xa như Pháp, Đức, Úc, Canada và các nơi như Virginia, Texas, Nevada, Bắc Cali, San Diego về sẽ cùng với một số đồng môn tại Nam Cali họp nhau tại Club House/Lake 4211 W. First St., Santa Ana gọi là “tiền hội ngộ” để họp mặt và duyệt lại một số chương trình cho buổi họp mặt chính thức vào ngày Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018 với trên 120 đồng môn và thân hữu tại nhà hàng Golden Sea thành phố Anaheim. Sau đại hội, vào ngày thứ Hai sẽ có buổi họp mặt chia tay tại Phở Pasteur ở đường Westminster, Garden Grove.

Trong buổi hội ngộ lần này có hai vị giáo sư là Thầy, Cô Đỗ Kim Bảng và Thầy Doãn Quốc Sỹ đến tham dự cùng một số thân hữu các trường bạn và quan khách cũng như giới truyền thông. Chắc chắn đây sẽ là buổi hội ngộ thật vui nhưng cũng thật cảm động vì rất có thể thầy, trò và các đồng môn ở xa không còn cơ hội gặp lại nhau lần nữa, nên theo ông Phạm Gia Đại, chương trình hội ngộ được hoạch định thật kỹ lưỡng từ lúc khai mạc đến khi bế mạc, cả chương trình văn nghệ “Hát cho nhau nghe”với ban nhạc Night Star nổi tiếng đến phần ẩm thực cũng được chọn lựa để lưu lại trong lòng mọi người dấu ấn đặc biệt.

Trường Trung Học Trần Lục nguyên là trường bán công được thành lập vào năm 1950 tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Bắc Việt. Vị hiệu trưởng đầu tiên là linh mục Trần Văn Kiệm, tốt nghiệp BS Hóa Học và MS Vật Lý tại Hoa Kỳ vào thập niên 1950. Sau trở thành trường công lập. Năm 1954 trong cuộc di cư vào Nam, Hiệu Trưởng và toàn ban giáo sư đã lên đường vào Nam lánh nạn cộng sản. Khi vào đến Saigon, trường phải tạm trú tại trường Đổ Chiểu cho đến năm 1971 khi xây dựng được cơ sở mới trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, Quận 10 Saigon thì đổi tên thành Trường Trung Học Nguyễn Du. Từ ngày thành lập đến nay, trường Trần Lục (Nguyễn Du) đã đào tạo được nhiều nhân tài phục vụ cho đất nước về các lãnh vực văn hóa giáo dục, quân sự, chính trị v.v..


Cụ Sáu Trần Lục được chọn làm tên trường Trung Học tại miền bắc Việt Nam cách nay 68 năm. (Ảnh chụp lại từ NS/MHCG)

Vài dòng về danh xưng Trần Lục

Trần Lục là tên một linh mục nổi tiếng trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, mọi người quen gọi ngài là “Cụ Sáu Trần Lục,” lúc còn nhỏ có tên là Phêrô Hữu sinh năm 1825, là con thứ của một gia đình có 5 trai, 2 gái. Năm 20 tuổi vào Tiểu Chủng Viện Vĩnh Trị đổi tên là Triêm, 30 tuổi vào Đại Chủng Viện Kẻ Non, 33 tuổi lãnh chức Phó Tế. Ngày 13 tháng 7, 1858 khi đang có mặt ở Lan Mát nay thuộc huyện Thanh Liêm, Hà Nam với Đức Giám Mục Jeantet Khiêm thì quân triều đình về vây làng bắt đạo, vì đây là thời kỳ cấm đạo gắt gao nhất của triều vua Tự Đức. Thầy Triêm cải danh thành đạo trưởng cho quân lính bắt để Đức Giám Mục thoát khỏi tay triều đình. Thầy bị đánh đập hết sức dã man để yêu cầu bỏ đạo nhưng thà chết nhất quyết không bỏ đạo. Trong thời gian bị quản thúc, nhờ lòng đạo đức thánh thiện và khả năng học vấn của ngài, ngài đã cảm hóa được một số quan, quân của triều đình nên được cử dạy học cho con các vua quan..

Đức Giám Mục Jeantet Khiêm sai người bí mật mang lên Lạng Sơn trao cho thầy Triêm bức thư và ba nén bạc, bức thư gọi thầy về miền xuôi để được phong chức linh mục, và sau lệnh tha đạo năm 1862, cha Trần Lục nhận bài sai đi coi xứ đạo Thanh Hóa và đến năm 1865 ngài nhận bài sai về làm chánh xứ Phát Diệm.

Tại đây, cha Trần Lục đã xây dựng được một quần thể gồm Nhà Thờ Lớn, Phương Đình, bốn nhà thờ cạnh, Nhà Thờ Đá, ba hang đá nhân tạo và một hồ lớn ngay trước Phương Đình, giữa hồ có tượng Chúa Giêsu Kitô Vua. Đặc biệt ngôi Nhà Thờ Đá là một kỳ công chưa nơi nào có. Cả một quần thể rộng 100 mét dài 200 mét lớn như thế được xây dựng trên một bãi đất phù sa, nói chung là bãi biển, vậy mà đến nay không hề bị lún. Các vật liệu để xây dựng được cha chuẩn bị 10 năm, gỗ lấy ở Bến Thủy (Nghệ An) cách đó 200 km. Nhà thờ lớn có 48 cây cột, trong đó có 16 cây cao 11 mét, nặng tới 7 tấn. Đá lấy ở núi Thiện Dưỡng cách đó 30 km, đá quý lấy ở Núi Nhôi, Thanh Hóa cách 70 km, có những phiến đá nặng 20 tấn. Tất cả gỗ, đá được chất lên bè mảng chở về. Khi tới nơi chờ nước thủy triều dâng lên là dùng sức người kéo lên bờ, và ngôi Nhà Thờ Đá Phát Diệm được coi như một kỳ tích của Giáo Hội Công Giáo VN mà tác giả là Cụ Sáu Trần Lục.

Cần thêm chi tiết xin gọi ông Phạm Gia Đại trưởng ban tổ chức (714) 483-6743, hoặc Nguyễn Mậu Tùng phó ban tổ chức (714) 717-2302.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT