Người Việt Khắp Nơi

Hội luận Hoàng Sa 40 Năm Nhìn Lại

Saturday, 18/01/2014 - 11:57:06

Tưởng Niệm 40 Năm ngày 74 chiến sĩ QL/VNCH anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội luận trên đài VHN/TV vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy ngày 18-1-2014 với chủ đề “Hoàng Sa 40 Năm Nhìn Lại.

Thanh Phong/Viễn Đông


Toán hầu kỳ trong tư thế “Súng Mặc Niệm” để tưởng nhớ anh linh các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

 
‘Chúng ta phải hy sinh, có thể bằng xương máu và bất cứ giá nào chúng ta phải lấy lại Hoàng Sa.’

FOUTAIN VALLEY – Tưởng Niệm 40 Năm ngày 74 chiến sĩ QL/VNCH anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội luận trên đài VHN/TV vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy ngày 18-1-2014 với chủ đề “Hoàng Sa 40 Năm Nhìn Lại.”

Buổi hội luận được khai mạc với nghi thức chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ do Hội Hải Quân Cửu Long đảm trách. Sau đó, mọi người thinh lặng, tưởng niệm và cầu nguyện cho anh linh các chiến sĩ, đặc biệt 74 tử sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa.

Một sĩ quan Hải Quân điều khiển phần nghi lễ ngậm ngùi nói, “Hôm nay chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng niệm cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, cố HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí cùng 72 tử sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa. Ho sẽ đời đời được toàn dân Việt Nam tri ân và ngưỡng mộ.”

Sau giây phút tưởng niệm thật trang nghiêm, ông Đoàn Ngọc Đa, Hội Trưởng Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng lên chào mừng, cám ơn quan khách, Ban Giám đốc đài VHN/TV và quý đồng hương đang theo dõi trực tiếp buổi hội luận hôm nay.

Bằng giọng nói thật dõng dạc, hùng hồn, không cần dùng tài liệu, ông Đoàn Ngọc Đa đã nhớ tất cả những dấu mốc lịch sử từ rất xa xưa đến hiện tại. Bài phát biểu của ông bị ngắt quãng nhiều lần bằng những tràng pháo tay dòn giã.

Ông Hội Trưởng nói, “Tôi hân hạnh đại diện cho Hội Quảng Nam – Đà Nẵng trân trọng kính chào quý vị. Sự tham dự buổi hội luận ngày hôm nay đã nói lên lòng lo âu đối với Hoàng Sa, nỗi ưu tư mà cả dân tộc Việt Nam đều phải nghĩ đến. Ngược dòng lịch sử, năm 1803 vua Gia Long; năm 1817 vua Minh Mạng đã đóng cọc mốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam.

“Vào cuối đời nhà Thanh và nhiều năm sau nữa 1979, bản đồ Trung Hoa không có ghi Hoàng Sa và Trường Sa; điều đó một lần nữa minh xác Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Năm 1974, bọn xâm lăng Bắc phương đã xâm chiếm Hoàng Sa và 40 năm nay chúng ta đành mất một phần đất thân yêu của tổ quốc.

“Kính thưa quý vị, trong quá khứ người Trung Hoa đã xâm lấn nước ta nhiều lần nhưng với tinh thần bất khuất của hai Bà Trưng, bà Triệu, của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, chúng ta đã bao năm đánh đuổi ngoại xâm và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ. Trong chúng ta, ai ai cũng tâm niệm rằng, mỗi một giang sơn, mỗi một tấc đất của nước non Việt Nam đều trộn hòa máu nóng và chôn xương tàn của tổ tiên. Chính vì thế mà chúng ta phải có bổn phận đòi lại Hoàng Sa.

“Chúng ta trong hành trình đòi lại Hoàng Sa, chúng ta không phải là người cô đơn mà chúng ta có những nước tôn trọng hòa bình của thế giới và gần nhất chúng ta có Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân cùng đồng hành với chúng ta để chống kẻ thù phương Bắc điên cuồng, man rợ, tham lam. Điều đó con cháu chúng ta phải hy sinh, có thể bằng…có thể bằng xương máu và bất cứ giá nào chúng ta phải lấy lại Hoàng Sa. Hồn thiêng sông núi luôn luôn phù hộ cho chúng ta, và chúng ta đã có một hành trình hết sức là có những anh hùng dân tộc.

“Kính thưa qúy vị, Năm 1974, 72 chiến sĩ, cố Trung tá Hải Quân Ngụy Văn Thà và nhiều chiến sĩ khác đã cắm cột mốc tại Hoàng Sa một lần nữa để nói lên chủ quyền của đất nước chúng ta. Không vì lý do gì bọn xâm lược Bắc phương chiếm giữ Hoàng Sa. Cho nên, một lần nữa, chúng tôi tin rằng con cháu chúng ta sẽ đương đầu với kẻ thù. Kẻ thù lớn nhất thế giới. Nhưng với ý chí quật khởi của tiến nhân, chúng ta không thể lùi bước và bất cứ giá nào chúng ta cũng phải lấy lại Hoàng Sa.”

Tiếp theo, Ban Văn Nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng lên đồng ca nhạc phẩm “Quảng Nam Quê Ta Ơi” của cố nhạc sĩ Nhật Ngân

Chương trình được tiếp tục với phần trình bày về trận hải chiến Hoàng Sa do Trưởng ban tổ chức đảm trách. Sau đó, ca sĩ Trần Tiến Dũng đơn ca nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Đâu.”

Sau vài phút nghỉ giải lao, diễn giả, giáo sư Trần Gia Phụng trình bày về đề tài Hoàng Sa 40 Năm Nhìn Lại. Là một sử gia, giáo sư Trần Gia Phụng đã đưa ra những chứng cứ cụ thể, những tài liệu, bản đồ chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam từ hàng ngàn năm trước. Bọn bá quyền Trung Cộng không có một viện dẫn hợp lý nào để cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng, ngoại trừ hai chữ “xâm lược”.

Sau phần thuyết trình của diễn giả Trần Gia Phụng, một số câu hỏi được diễn giả cũng như Chủ tọa đoàn giải đáp. Bản nhạc cuối cùng là nhạc phẩm “Lửa Bolsa’’ do Ban Văn Nghệ QNĐN hợp ca để kết thúc buổi hội luận vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT