Người Việt Khắp Nơi

Hội Đồng Hương Phúc Nhạc đại hội thường niên, mừng lễ Bổn Mạng

Wednesday, 14/06/2017 - 07:20:19

Phúc Nhạc cũng là nơi sản sinh nhiều vị Thánh Tử Đạo, trong đó nổi bật nhất là bà thánh Anê Lê Thị Thành, vì trong số 117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên phong Hiển Thánh chỉ có một phụ nữ duy nhất là bà thánh Anê Lê Thị Thành.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Trưa Chủ nhật, 11 tháng 6, 2017 vừa qua, các đồng hương Phúc Nhạc từ khắp nơi đã về Trung Tâm Công Giáo Việt Nam ở Santa Ana để tham dự đại hội thường niên năm 2017 và mừng kính thánh nữ Anê Lê Thị Thành, Bổn Mạng của Hội.

Linh Mục Nguyễn Châu Diên, người gốc giáo xứ Phúc Nhạc là Linh Hướng của Hội từ Missouri được mời đến dâng thánh lễ. Trong bài giảng, linh mục cho biết, năm nay là năm cha mừng kỷ niệm khấn Dòng 50 năm, nên xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho cha, và vị linh mục khuyên giáo dân cố gắng sống đạo theo lời Chúa dạy, kính Chúa và yêu người, đặc biệt hãy noi gương đức tin mãnh liệt của thánh Bổn Mạng Anê Lê Thị Thành, trung thành với Chúa đến hơi thở cuối cùng.


Linh mục Nguyễn Châu Diên dâng thánh lễ mừng kính Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành, bổn mạng Hội Đồng Hương Phúc Nhạc. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau thánh lễ, ông Vũ Quang Điện, Hội Trưởng thay mặt Hội Đồng Hương Phúc Nhạc cám ơn cha linh hướng từ xa xôi đã đến và dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người Phúc Nhạc đã ra đi. Ông cũng cầu chúc cha linh hướng luôn được Thiên Chúa ban nhiều ơn lành hồn, xác để chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó ,và cám ơn quý đồng hương Phúc Nhạc đã đóng góp công sức xây dựng Hội. Sau thánh lễ, ông mời mọi người nán lại dùng tiệc mừng và hàn huyên tâm sự.


Các đồng hương Phúc Nhạc tham dự thánh lễ và dự đại hội thường niên 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Phúc Nhạc là một xứ đạo lớn và là một trong hai giáo xứ lâu đời nhất của giáo phận Phát Diệm chỉ sau giáo xứ Hảo Nho. Phúc Nhạc hiện nay thuộc xã Khánh Nhạc, Huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.

Giáo xứ Phúc Nhạc có một ngôi thánh đường rất lớn, dài 45 mét, rộng 13 mét, cao 11 mét được xây dựng vào năm 1892 trên một khu đất rộng hàng chục mẫu. Phía trước nhà thờ có một hồ rộng 5,400 mét vuông, chính giữa hồ có dựng cây Thánh Giá. Phúc Nhạc có Tiểu Chủng Viện nơi đào tạo chủng sinh để trở thành linh mục. Trong khuôn viên thánh đường có hai đền, đền thờ bà Thánh Anê Lê Thị Thành và đền thờ Thánh Antôn (Anthony).

Phúc Nhạc cũng là nơi sản sinh nhiều vị Thánh Tử Đạo, trong đó nổi bật nhất là bà thánh Anê Lê Thị Thành, vì trong số 117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên phong Hiển Thánh chỉ có một phụ nữ duy nhất là bà thánh Anê Lê Thị Thành.


Hội Trưởng Vũ Quang Điện cám ơn cha linh hướng và quý đồng hương Phúc Nhạc. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trong cuốn Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam do Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose ấn hành có ghi chép về vị Thánh Nữ tiên khởi Việt Nam: “Anê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc địa phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất người cùng xã và hai ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hòa, sinh hạ được hai trai, bốn gái, người con trai đầu lòng đặt tên là Đê. Tục lệ địa phương thường gọi cha mẹ bằng tên con đầu lòng, vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà là người đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái... Trong thời cấm đạo, ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục thừa sai trú ẩn. Chính đức ái đó đã đưa bà Đê đến phúc tử đạo.
“Tháng 3 năm 1841 đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục hiện diện tại làng Phúc Nhạc, trong đó có cha Thành ở nhà bà Đê, các cha khác trốn ở nhà khác. Khi quân lính vào làng lục soát, cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên để ẩn trốn. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre và nói với cha: Xin cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát bằng không cha và con đều bị bắt. Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên. Nhưng quân lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà.

“Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá là Ana Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt; tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu ra đình làng thì gương mặt bà lại vui tươi không còn vẻ sợ sệt gì nữa. Quân lính áp giải các nạn nhân về Nam Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu.

“Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo, bà đáp: Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời. Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà được kiên tâm như vậy: Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi,nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn. Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba, thấy bà Đê vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà bước qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để cưỡng bức con đạp lên Thánh Giá.

“Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm lấy áo rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê đã giữ được bình tĩnh lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: Bà Anê Đê tuy bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình bà đầy máu mủ. Tuy vậy, bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa. Cô Lucia Nụ đến thăm mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lổ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc? Bà còn khuyên: Con hãy về chuyển lời mẹ, bảo với anh chị con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh, xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa Giêsu đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng.

“Trong giờ hấp hối, người ta thường nghe bà cầu nguyện: Lạy Chúa! Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con. Cuối cùng bà dâng lời sau hết: Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự, và bà đã về nhà Cha trong tinh thần thánh thiện ấy. Hôm đó là ngày 12.7.1841 Hưởng thọ 60 tuổi. Ngày 2.5.1909, Đức Giáo Hoàng Pio X đã suy tôn Chân Phước cho bà Anê Lê Thị Thành và ngày 19.6.1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã tôn phong 117 thánh Tử Đạo tại Việt Nam lên bậc Hiển Thánh, trong đó có bà thánh Anê Lê Thị Thành hay còn gọi là Bà Thánh Đê.”

Hội Đồng hương Phúc Nhạc hiện được điều hành bởi một Ban Chấp Hành gồm Hội Trưởng: Ông Vũ Quang Điện, Hội Phó: Ông Ly, Tổng Thư Ký: ông Mai Công Chính, và Thủ Quỹ: bà Vũ Kim.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT