Người Việt Khắp Nơi

Hội chợ hoa lan và cây cảnh tại Westminster Mall

Tuesday, 21/08/2018 - 06:47:03

Anh Bình chỉ vào một chỗ nhỏ trong khúc cây khô mục đó và nói: “Bí quyết là ở chỗ này, chúng tôi phải chọn một chỗ nào dù nhỏ cũng được nhưng còn mạch sống để có thể nuôi nó sống được.”

Nhiếp ảnh gia Su Công bên cạnh bốn tác phẩm của bà. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Liên tiếp ba ngày 17,18 và 19 tháng 8, 2018 Hội Hoa Lan Newport Harbor và Hội Cây Cảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc triển lãm Hoa Lan và Cây Cảnh tại Westminster Mall, lầu hai gần JC Pennys thu hút hàng ngàn người đến xem và mua hoa.

Nghệ nhân Lê Quang Bình bên chậu bonsai California Juniper. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Trong tờ Flyer quảng cáo có ghi: “Nhân dịp này Hội Hoa Lan Việt Nam cũng tổ chức một cuộc triển lãm: Bonsai, Cắm Hoa Nghệ Thuật, Tác phẩm Trên Gỗ, Hội Họa và Nhiếp Ảnh” nhưng tìm mãi không thấy phòng trưng bày Hoa Lan của Hội Hoa Lan Việt Nam, mà chỉ có các gian hàng hoa lan của Mỹ. Nếu so với gian hàng của Hội Hoa Lan Việt Nam từng triển lãm thì những gian hàng này không sao sánh kịp với Hội Hoa Lan Việt Nam, vừa nhiều hoa lạ, đẹp lại trưng bày khéo léo, thẩm mỹ nên năm nào Hội Hoa Lan Việt Nam cũng đoạt Giải Nhất.

Tại địa chỉ này, sau khi xem mấy gian hàng hoa lan, chúng tôi vào một phòng trưng bày Bonsai, cây cảnh, tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh. Phòng khá rộng, trưng bày thật bắt mắt. Người đầu tiên chúng tôi gặp là nghệ nhân Lê Quang Bình, anh là Hội Trưởng Hội Cây Cảnh Việt Nam từng tổ chức triển lãm nhiều năm qua, và đây là lần thứ tư trong năm 2018 cũng là kỷ niệm 20 năm thành lập Hội nên lần này anh cho biết Hội có mang đến 22 tác phẩm Bonsai của 18 nghệ nhân để triển lãm, mà 22 tác phẩm toàn là mới triển lãm lần đầu.


Chị Thy Bùi, một người mê bonsai, thích thú với những chậu California Juniper. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Đứng trước chậu California Juniper khá lớn mà hầu như thân cây là một khối gỗ đã chết khô từ lâu nhưng bên trên những nhánh khô lại đâm chồi, tỏa ra những cành lá xanh tươi. Thắc mắc về điểm, làm sao thân cây đã chết khô mà còn dẫn nước lên nuôi cây để sinh ra lá được?

Anh Bình chỉ vào một chỗ nhỏ trong khúc cây khô mục đó và nói: “Bí quyết là ở chỗ này, chúng tôi phải chọn một chỗ nào dù nhỏ cũng được nhưng còn mạch sống để có thể nuôi nó sống được.”

Anh cũng cho hay, cây này đã có tuổi thọ trên 1,000 năm! Làm sao biết nó đã có trên 1,000 năm? Anh Bình trả lời, “Ngày xưa anh em mình học môn Vạn Vật, các thầy đã giảng cho biết, khi cắt ngang thân cây, ta cứ đếm số vòng tròn trên mặt cắt đó, mỗi vòng là một năm. Cây có 10 vòng là tuổi thọ đã 10 năm. Còn cây này nó đã chết khô nên có cắt ra cũng không thấy các vòng tròn, người ta mới lấy một miếng gỗ trong đó đem vô phòng thí nghiệm phân chất carbon, thành phần cấu tạo, giống như DNA, và người ta đã kết luận cây này trên 1,000 năm tuổi. Cây California Juniper này nó sống trên đỉnh núi Mohavi khô cằn, Cali mình nhiều năm hạn hán mà nó vẫn sống, vì nhờ trong lá của nó có thể nở ra một cái lỗ hút hơi sương, và tự động khép lại khi nắng lên. Chơi Bonsai rất công phu, đòi hỏi người chơi phải có thì giờ, có tính kiên nhẫn, có thú đam mê.”

Hỏi tìm đâu ra những gốc cây để làm thành Bonsai? Anh nói, “Chúng tôi lên rừng, lên núi, vô mấy vườn bán cây tìm. Khi lên núi thì chúng tôi tìm những cây California Juniper, có ông thầy Nhật (đã mất cách đây hai năm) ông là người hướng dẫn chúng tôi vô những rừng cây tư nhân, tức là những group của ông và ông chỉ cho đào những cây rừng nào. Như cây anh thấy đây, nó lớn lắm, chúng tôi chọn một phần có chỗ còn sự sống này, đẽo gọt mang về, rồi tiếp tục gọt đẽo cho đến khi tạo dáng vừa ý mình thì tạm qua một bước. Bước thứ hai là vô chậu, chăm sóc thế nào cho nó sống và mang lại kết quả. Anh nói, cây này mất bảy năm nó mới ra được bằng này lá, và còn phải cắt tỉa nữa khi nó ra nhiều nhánh, nhiều lá.” Anh Bình kể rất chi tiết và hấp dẫn, chúng tôi chỉ ghi những điểm quan trọng.

Người thứ hai là nhiếp ảnh gia Su Công chị có bốn tác phẩm triển lãm chụp tại Việt Nam gồm: Lò Bánh Hỏi, Gốm Mới Ra Lò, Thú Cưng và Người Phụ Nữ; là những bức ảnh chị chụp “đời thường” khá đẹp. Chị mê nhiếp ảnh và đã học qua với thầy Lê Văn Khoa, thầy Phí Văn Trung và hiện vẫn còn đi săn ảnh nhiều nơi. Hy vọng kỳ triển lãm tới chị sẽ có nhiều tác phẩm độc đáo hơn.

Chị Thy Bùi, một người đi xem triển lãm, thích thú với những chậu Bonsai. Chị nói với Viễn Đông, “Mấy lần trước hễ có triển lãm là tôi đi xem, tôi rất thích Bonsai dù ở nhà chưa có cây nào, vì sợ không chăm sóc được nó chết thì uổng lắm. nên chỉ đi ngắm thôi, còn ở nhà thì tôi thích trưng bày bông hoa. So sánh với những lần triển lãm trước, lần này tôi thích hơn, không gian rộng rãi, trình bày thanh nhã và nhất là những cây Bonsai mới, đẹp hơn, công phu hơn.”

Ngoài anh Lê Quang Bình, những nghệ nhân khác về Bonsai có Dan Nguyễn, Dr. Phạm, Truyen Dung, Tiffany Nguyễn, Tiến Nguyễn, Ly Lưu, Mỹ Phạm, Sâm Tu. Riêng về bộ môn hội họa và nhiếp ảnh có nhiều tác giả như Huy Dũng, Tina, Su Công. Phong Trinh, Tina Dương, Hung Quang Tran, Hanh Huỳnh, Hạ Bùi, Yến Huỳnh, Bình Nguyễn, Truyền Dung, Chương Bùi, Đan Vũ v.v. Cuộc triển lãm đã kết thúc chiều Chủ Nhật, 19.8.2018.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT