Người Việt Khắp Nơi

Họa sĩ Trịnh Cung triển lãm tranh hiện thực & trừu tượng

Sunday, 23/06/2019 - 09:45:45

Ông cho biết ông chính thức cầm cọ từ năm 1962 đến nay là 56 năm, không nhớ bao nhiêu lần triển lãm nhưng không nhiều, chỉ triển lãm khi thấy cái gì mới để đưa ra công chúng. Loạt tranh triển lãm trong phòng này ông đã làm việc gần năm năm.


Ông bà Hồ Đắc Huân và giáo sư Trần Diễm Thúy (bên trái) đến xem tranh. (Thanh Phong/Viễn Đông)
 
Bài THANH PHONG

WESTMINSTER- Họa sĩ Trịnh Cung sinh năm 1938 tại làng Chụt, Nha Trang, tính đến nay ông đã hiện diện trên trái đất này 81 năm. Với tuổi này, nhiều người đã an nghỉ vĩnh viễn trong lòng đất, hoặc đang nằm trong các viện dưỡng lão chờ ngày ra đi nhưng với họa sĩ Trịnh Cung, ông vẫn cầm cọ mà tay không run, vẫn sáng tác và để lại cho đời những tác phẩm vừa trừu tượng vừa hiện thực rất giá trị nghệ thuật, và những tác phẩm mới nhất của ông đã được trình làng hôm 15, 16 tháng 6 vừa qua tại hội trường báo Người Việt.
 

Họa sĩ Trịnh Cung ký tặng sách cho người viết. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Tác phẩm “Treo Trên Giá Vẽ” là tác phẩm gây sự chú ý nhất của mọi người xem tranh. Họa phẩm đặc biệt này được đặt riêng trên một chỗ đặc biệt trong phòng triển lãm, người thưởng lãm mới nhìn, tưởng như nhìn hình vẽ Chúa Giêsu treo trên Thập giá, nhưng không phải. Đây là hình ảnh tác giả “treo trên giá vẽ” với ngụ ý cuộc đời gắn bó với hội họa của ông cũng nhiều nỗi gian nan, đau khổ, nhất là giai đoạn từ 1954 -1975, Và tác phẩm này cũng được ông chọn làm hình bìa cuốn sách Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ (1962-2018).

Ngoài bức tranh “Treo Trên Giá Vẽ,” phía tường bên trái là các tác phẩm vẽ theo lối trừu tượng với nhiều màu sắc khác nhau. Bức tường đối diện ông gọi là “Câu chuyện Của Một Di Dân Mới ở California” gồm các tác phẩm hiện thực, vẽ với hai màu trắng đen trên vải bố. Trong đó có bức ông vẽ chân dung của ông hoàn toàn không mảnh vải che thân với ghi chú “Tôi đến đây trần truồng.”

Một bức vẽ ông H.O. gom đồ phế thải đi bán kiếm chút tiền gửi cho bạn bè còn ở Việt Nam, và một người từng thành công nhưng mê cờ bạc, hút sách trở thành người vô gia cư. Ba tác phẩm khác diễn tả ba cảnh đời hiện thực của ba người phụ nữ Việt Nam. Một người đang gánh ve chai đi bán kiếm tiền độ nhật, một phụ nữ đang trang điểm nhan sắc tàn tạ của mình sau khi nghiện ngập ma túy và một phụ nữ ăn mặc chỉnh tề với gương mặt tự tin, biểu hiện cho sự thành đạt trên xứ người. Những tác phẩm hiện thực thì không cần lời giải thích, nhưng những tác phẩm trừu tượng thì hiểu thế nào?
 

Họa sĩ Trịnh Cung và một người bạn, phía sau hai người là các tác phẩm hiện thực của họa sĩ Trịnh Cung. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Họa sĩ Trịnh Cung trả lời câu hỏi này của Viễn Đông, “Tranh trừu tượng nó không có hình thể rõ ràng, nó là một cái ngôn ngữ có ít lời, nó không nói ra sự thật nhiều, nó để cho người xem suy nghĩ theo cái cảm nhận của họ qua màu sắc, qua đường nét, qua những cấu tạo trên bức tranh mà người họa sĩ họ đưa lên đó, và nó là thứ ngôn ngữ của tự do, một cảm xúc của tự do, cho nên nó không ràng buộc người xem phải hiểu bức tranh gì cả. Loại tranh này không nên đi vào chỗ hiểu hay là nói về cái gì, mà cái cảm nhận từ nó cho mình cái gì và mình thích cái gì ở đó thì dần dần để mở rộng cái cảm xúc của mình đối với tác phẩm. Cái loại tranh trừu tượng không thể xem một giây, không thể xem một giờ mà có thể xem rất nhiều ngày, và ở mỗi lần xem như vậy, người có bức tranh hay người đối diện với bức tranh sẽ thấy rằng nó cho mình những ý mới, mình khám phá nó thì cái đó là cái thế giới của hội họa trừu tượng.”
Đến xem tranh có khá nhiều khuôn mặt quen thuộc trong giới văn, nghệ sĩ như các nhà văn Đặng Phú Phong, Trịnh Y Thư, nhà báo Trịnh Thanh Thủy, nhà thơ Du Tử Lê và đặc biệt có một nữ giáo sư Đại Học còn rất trẻ người Việt, cô Trần Nhất Diễm Thúy. Cô đang dạy tại trường Đại Học Santa Barbara,
California, và nghiên cứu về Mỹ Thuật Việt Nam trước 1975, đặc biệt là ở thủ đô Saigon và Huế, hai nơi đó rất nhiều người muốn nghiên cứu tìm hiểu nhưng không có ai vừa biết tiếng Việt, vừa biết tiếng Pháp và tiếng Anh, may mắn cô tìm được họa sĩ Trịnh Cung, và cô cho biết đang làm luận án, cuối mùa hè này cô sẽ nhận bằng Tiến Sĩ.

Nhận xét về tranh của họa sĩ Trịnh Cung như thế nào? Cô trả lời, “Cháu rất ngạc nhiên, cháu biết bác Trịnh Cung rất nổi tiếng về tranh trừu tượng nhưng kỳ này thấy các bức tranh mới thì cháu càng ngạc nhiên và thích thú, vì cái thực tế bây giờ của họa sĩ Trịnh Cung là như vậy, nó thể hiện đời sống của bác Cung và đời sống người tỵ nạn ở Mỹ, nó rất thực tế không có dấu diếm che đậy chỗ nào hết, cháu nghĩ như vậy.”
 

Giáo sư TS Trần Nhất Diễm Thúy đang trả lời phỏng vấn của Viễn Đông. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Ngoài cuộc triển lãm, họa sĩ Trịnh Cung cũng ra mắt cuốn sách “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ,” một cuốn sách thật giá trị về nghệ thuật, trong đó tiểu sử của tác giả được ông trình bày trong 20 câu hỏi cho bản tự khai, tác giả cho biết, ông là cựu học sinh trường Võ Tánh, Nha Trang và trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Năm 1997 ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học San Francisco.

Ông cho biết ông chính thức cầm cọ từ năm 1962 đến nay là 56 năm, không nhớ bao nhiêu lần triển lãm nhưng không nhiều, chỉ triển lãm khi thấy cái gì mới để đưa ra công chúng. Loạt tranh triển lãm trong phòng này ông đã làm việc gần năm năm.

Về nội dung cuốn sách gồm một số ảnh tự họa của tác giả, một số họa phẩm khỏa thân, nhiều tác phẩm trừu tượng và hiện thực của ông đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình trong và ngoài nước đánh giá rất cao về nghệ thuật, và cuốn sách này cũng là một tư liệu qúy báu cho những người muốn nghiên cứu về hội họa Việt Nam.
Cần liên lạc tác giả xin Email: nguyenbatbai@gmail.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT