Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Họa sĩ trẻ Bảo Trâm và tình yêu với hội họa Trừu Tượng

Friday, 10/10/2014 - 08:05:16

Tockey, địa chỉ ở 761 South Coast Highway, Laguna Beach, CA 92651] và một số tác phẩm của chị cũng sẽ tham dự triển lãm tại Gallary Liberty fine arts, địa chỉ 921 E. Santa Ana Bvld, Santa Ana, CA 92701 bắt đầu vào ngày 15- 11 năm nay.



Bài BĂNG HUYỀN

Nếu với các nhà văn, người ta nói “văn là người,” thì đối với người họa sĩ, “họa cũng là người.” Màu sắc và đường nét, sựtinh tế trong bút pháp nghệ thuật qua tác phẩm hội họa sẽ phản ảnh chiều sâu tâm hồn người họa sĩ. Điều này người viết cảm nhận rất rõ khi thưởng ngoạn những tác phẩm theo trường phái Trừu Tượng của nữ họa sĩ trẻ Bảo Trâm (đến từ tiểu bang Oregon), đang được triển lãm cùng với 2 nữ họa sĩ người Mỹ Suvillan và Liberty (triển lãm bắt đầu từ cuối tháng 8 kéo dài đến hết tháng 12 năm 2014) tại Gallary Orange County Creatives [chủ nhân phòng tranh này là Jason Tockey và Maggie Tockey, địa chỉ ở 761 South Coast Highway, Laguna Beach, CA 92651] và một số tác phẩm của chị cũng sẽ tham dự triển lãm tại Gallary Liberty fine arts, địa chỉ 921 E. Santa Ana Bvld, Santa Ana, CA 92701 bắt đầu vào ngày 15- 11 năm nay.


Bảo Trâm bên tác phẩm của mình. (Bảo Trâm)

Họa sĩ Bảo Trâm và những nét riêng độc đáo trong tranh
Khác hẳn với vẻ ngoài dịu dàng, đầy nữ tính của mình, họa sĩ Bảo Trâm khi vẽ người phụ nữ, điều quyến rũ người thưởng ngoạn không phải là sự mềm mại trong đường nét mà chính là những nét vẽ rắn mạnh, dứt khoát, ai cũng như bất an, xô dạt, nghiêng ngửa, thăng trầm... Chị sử dụng chuyển động của màu và của nét không giống nhau tạo nên cảm giác vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ.

Một số tác phẩm tiêu biểu hiện nay của họa sĩ Bảo Trâm đang được triển lãm tại Gallary Orange County Creatives. (Bảo Trâm)



Bởi theo chị “từ những câu chuyện của những người bạn và sự quan sát của tôi, đã ảnh hưởng đến tôi, tôi thấy người phụ nữ ngày nay phải đối diện với muôn vàn khó khăn, vì vậy tôi muốn họ cần phải sống mạnh hơn. Khi vẽ phụ nữ, tôi muốn mọi người thấy rằng ngoài sự yếu đuối của người con gái mà mọi người quen nghĩ, nhưng bên trong họ rất mạnh, nên tôi muốn đưa nét mạnh ấy ra, người phụ nữ thời nay không bị đẩy lùi xa phía sau người đàn ông và chịu lệ thuộc hoàn toàn vào phái mạnh nữa.”
Ngắm thật kỹ tranh của họa sĩ Bảo Trâm, người xem có thể thấy mỗi nét vẽ của chị có sự cuốn hút thẩm mỹ thị giác không cưỡng nổi bởi các mảng màu lộng lẫy, đầy sắc độ. Đôi khi là những màu đỏ nóng đến ngộp thở, chị làm sống động một bề mặt mà không cần bôi đầy, những vệt màu vung lên một cách mạnh mẽ để tạo những mảng lớn hay những nét thả lỏng hững hờ dường như mất hút vào mặt tranh. Có khi mạnh mẽ bạo liệt cuồn cuộn một cơn lốc tình cảm, nhưng cũng có khi trầm tĩnh duy lý, tựa như thể chị trút tất cả nỗi niềm, ruột gan của mình lên họa phẩm.

 

Tên của bức tranh do họa sĩ Bảo Trâm vẽ, có tên là “Collasp.” (Bảo Trâm)



Tranh của họa sĩ Bảo Trâm luôn biến, sự biến hóa của hình, của màu tạo nên cái động. Trong tranh của chị, chị kỳ công trong xử lý giữa độ sâu của màu và chuyển động của nét, là cách để chị thiết lập nên các tác dụng của ánh sáng, và màu sắc cũng là cách để chị chuyển đạt sự đam mê sâu thẳm, của sự rung cảm trước cảnh vật, con người...
Mỗi bức tranh của chị không bức nào lặp lại phong cách của bức nào. Đa phần dường như không có cấu tứ, mà chủ yếu là sắc màu được đưa vào một cách ngẫu hứng và giàu cảm xúc. Điều đó cũng khiến cho mỗi bức tranh của chị thường gây bất ngờ, đòi hỏi người xem phải dừng chân ngắm nghía ,nghĩ ngợi, tưởng tượng và rung lên cái cảm xúc thẩm mỹ mà chị muốn chuyển tải, gửi gắm.

Cơ duyên đến với hội họa
Tâm sự về cơ duyên đến với hội họa, họa sĩ Bảo Trâm cho biết chị may mắn sinh ra trong một gia đình có ba là họa sĩ Hải Trí chuyên vẽ tranh chân dung, hai anh trai là họa sĩ Duy Cường và Thủy Phong thì theo trường phái ấn tượng. Chính tình yêu với hội họa từ cha và 2 anh đã truyền cho chị đam mê với việc vẽ vời ngay từ lúc tuổi còn nhỏ. Khi gia đình chị đến định cư tại Hoa Kỳ, ở tiểu bang Oregon từ những năm cuối thập niên 80, vì không muốn con gái dấn thân vào con đường nghệ thuật hội họa nhiều chông gai, nên cha và mẹ đã khuyên chị học ngành y tá.
Họa sĩ Bảo Trâm kể, “Nhưng đam mê với hội họa đã có từ lúc nhỏ, thành ra những lúc rỗi rảnh tôi lại mơ màng ngồi vẽ. Lúc này tôi vẽ hoàn toàn bản năng, chứ không được học bài bản gì hết. Khi vào học trung học, vì quá yêu thích hội họa, tôi đã lấy lớp vẽ trong trường và khi trường tổ chức cuộc thi, tác phẩm của tôi được giải cao, lúc bấy giờ ba thấy tôi quá đam mê nên đã không ngăn cản nữa mà ủng hộ tôi theo học mỹ thuật. Vì vậy khi lên đại học, tôi ghi danh học mỹ thuật 4 năm tại đại học Portland State University, song song hội họa, tôi còn học thêm về âm nhạc. Sau khi hoàn tất việc học, tôi trở thành giáo viên dạy nhạc và mỹ thuật tại trường tiểu học Kellogg Middle school hơn 10 năm. Hiện nay vì muốn chuyên tâm trong sáng tác và tham dự các triển lãm khắp các Gallery trên nước Mỹ, nên tôi tạm ngưng việc dạy học.”

Tên của bức tranh do họa sĩ Bảo Trâm vẽ, có tên là “Reborn.” (Bảo Trâm)




Bước đường hội họa khó khăn
Họa sĩ Bảo Trâm cho biết để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp như ngày hôm nay, chị phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trong thời gian đầu khi chị vẫn là một tên tuổi còn mới, để thỏa mãn ước mơ sáng tạo, nhưng cần phải có thu nhập ổn định để trang trải đời sống, chị đã chọn việc dạy các em tiểu học theo đúng ngành nghề mình yêu thích và cũng vì chị rất yêu trẻ em, song song đó chị cũng nhận thêm vẽ design.

Tên của bức tranh do họa sĩ Bảo Trâm vẽ, có tên là “Be free,” bức tranh này hiện đang được chọn trưng ngoài cửa kính của Gallary Orange County Creatives. (Bảo Trâm)



Chị tâm sự, “Nghề hội họa bước đầu rất khó khăn, nhất là với trường phái Trừu Tượng mà tôi theo đuổi, để có chỗ đứng và được công nhận thì càng khó khăn hơn. Để thành công, đó không phải là điều tự nhiên, mà đòi hỏi người họa sĩ có thật nhiều đam mê, luôn cố gắng và nhẫn nại. Nhiều bạn học cùng thời gian với tôi, nhưng họ đều không muốn tiếp tục nữa, còn tôi vì quá đam mê với hội họa nên đã thúc đẩy tôi vượt mọi khó khăn, trở ngại trong đời sống để đạt được thành công như ngày hôm nay. Vì nghề này không kiếm ra tiền đều đặn, những tháng không bán được bức tranh nào đôi khi rất dễ nản lòng khi những bạn bè không cùng nghề nói ra nói vào, khiến mình tự hỏi có nên tiếp tục đeo đuổi đam mê hội họa hay không?. Vì tính cách của tôi vốn rất mạnh mẽ, nhiều khi chung quanh tìm cách ảnh hưởng, nhưng tôi quyết không để những điều đó chi phối và vẫn kiên trì đeo đổi tận cùng đam mê của mình.”
Họa sĩ Bảo Trâm cho biết chị rất ngưỡng mộ ba cùng 2 anh trai của mình và người thầy dạy chị tại đại học Portland State University, họ là những người thầy đáng kính, đã hướng dẫn chị những bước đi vững vàng trong nghề. Chị rất yêu kính Chúa, vì chính đức Chúa Trời đã ban cho chị thiên tư đặc biệt về màu sắc để chị biểu đạt chúng thật sống động trên tranh. Nhưng chị thừa nhận, chị chịu ảnh hưởng về thị giác một cách mạnh mẽ nhất là từ phong cách sáng tạo màu sắc của họa sĩ tài hoa Van Gogh và cách tạo hình tác phẩm thiên về khai thác chiều sâu tận cùng trong con người, cảnh vật, kỷ vật... của ông khi chị sáng tác.

 

Tên của bức tranh do họa sĩ Bảo Trâm vẽ, có tên là “Destruction of love.” (Bảo Trâm)



Chiều sâu của hội họa Trừu Tượng
Giải thích về tình yêu dành cho hội họa Trừu Tượng, họa sĩ Bảo Trâm cho rằng chị thích vẽ Trừu Tượng vì đó là một giải thoát khỏi những bức bối gây nên do giới hạn của hình họa. Hội họa theo trường phái Trừu Tượng chủ trương thoát khỏi sự ràng buộc của hình thể, tự do biểu đạt ý niệm, giải phóng tư tưởng... Là thể loại tranh mà bút pháp hay màu sắc thể hiện được các họa sĩ cô đọng, dồn nén cảm xúc vào từng đường nét, tạo nên chiều sâu thu hút người xem, gợi nhiều hơn tả. Người họa sĩ theo trường phái Trừu Tượng không thể hiện cái được trông thấy mà là cái được gợi ra, phần tinh thần của hiện tượng, của vật thể. Sự phối hợp ăn ý giữa các mảng màu, đường nét, hình khối trong một bức tranh Trừu Tượng phản ánh được tài hoa và cảm xúc của người họa sĩ theo cách riêng của mình, có tác động khơi gợi cảm xúc và ấn tượng đối với người thưởng thức. Đây chính là điều tạo nên sự khác biệt và đặc biệt của tranh Trừu Tượng, họa sĩ vẽ tranh Trừu Tượng không nhất thiết phải mô tả sự vật cụ thể như nó vốn có. Mà mỗi người thưởng ngoạn khi chiêm ngưỡng một bức tranh Trừu Tượng sẽ cảm nhận theo nhiều cách khác nhau.



Họa sĩ Bảo trâm đứng cạnh 4 bức tranh của chị đang được triển lãm tại Gallary Orange County Creatives. (Bảo Trâm)

Họa sĩ Bảo Trâm bày tỏ, “Tôi sinh ra sau cuộc chiến tại Việt Nam, vì không sống trong thời chiến tranh, chưa từng thấy chiến tranh, tôi không thấy bom đạn, không thấy người chết la liệt ngoài đường, nên ký ức về nỗi đau chiến tranh không có trong tranh của tôi. Nhưng tuổi thơ tôi khi còn sống tại Việt Nam luôn nhìn thấy người ta đói khát, xin ăn, những người sống đau khổ về tinh thần. Đặc biệt là với đời sống ngày nay, tôi nhìn thấy nhiều gia đình không có cuộc sống hạnh phúc. Vợ chồng con cái dần xa cách nhau, nhiều người sống như một cái máy được lập trình sẵn... Chính những điều này đã tác động lên tôi rất nhiều và được tôi ghi nhận lại vào trong tác phẩm của mình. Đề tài chính mà tranh tôi thường đề cập là nỗi đau về tinh thần.
Họa sĩ Bảo Trâm cũng thổ lộ rằng vì tranh Trừu Tượng đã trừu tượng hóa đối tượng mà người họa sĩ muốn truyền đạt, vì thế khi vẽ, chị vẽ cái hồn của những con người,những vật thể chị nhìn thấy vào khoảnh khắc mà chị cảm xúc. Mỗi bức vẽ của chị là một câu chuyện, là một cuộc đời. Chị chỉ có sứ mệnh của người cầm cọ, ghi nhận lại mà thôi.
Họa sĩ Bảo Trâm chia sẻ, “Khi tôi dấn thân vào con đường trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, tôi không ước mong sẽ kiếm được nhiều tiền để làm giàu, mà muốn chia sẻ những nghĩ suy với mọi người về cuộc đời này. Tôi rất sợ mình sẽ không sáng tác được nữa, chứ không sợ phải sống nghèo khổ. Theo tôi khi đã là họa sĩ, thì không ai vẽ xấu hết, nhưng mỗi người phải tranh đấu chính mình để luôn sáng tạo được những tác phẩm mới, chứa đựng thông điệp mới, mình phải có lối đi riêng, chứ không nên theo lối cũ lặp lại của người khác, thì sẽ không thành công. Kể từ lần đầu tiên triển lãm vào năm 2008 với cộng đồng người Mỹ đến nay, tôi đã tham dự một số triển lãm và tranh của tôi đã được công nhận, đó là niềm hãnh diện cho cá nhân tôi và tôi muốn cho người bản địa tại đây biết tôi là người Việt Nam, nhưng vẫn có thể đạt được những thành công nhất định theo trường phái Trừu Tượng, vì vậy tôi không đổi tên Mỹ, mà vẫn lấy tên Việt Bảo Trâm ký lên trên các bức tranh của mình.”
Vì chưa có dịp gặp gỡ nhiều với cộng đồng người Việt tại quận Cam, nên họa sĩ Bảo Trâm cũng tha thiết mời gọi mọi người yêu thích tranh, hãy dành thời gian đến dự triển lãm tại Gallary Liberty fine arts, địa chỉ 921 E. Santa Ana Bvld, Santa Ana, CA 92701 bắt đầu vào ngày 15- 11-2014 mà chị sẽ tham dự, để chị có dịp làm quen với đồng hương và giới thiệu về mình với mọi người nhiều hơn.
Hoặc quý vị có thể đến thưởng ngoạn một số tác phẩm của họa sĩ Bảo Trâm hiện đang được trưng bày tại Gallary Orange County Creatives [địa chỉ ở 761 South Coast Highway, Laguna Beach, CA 92651] từ nay đến hết tháng 12 năm 2014. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT