Người Việt Khắp Nơi

Họa sĩ Duy Huỳnh nắm bắt huyễn mộng và tường thuật trên tranh

Sunday, 02/09/2018 - 10:07:40

Duy Huỳnh, 43 tuổi, nói thêm, “Những hình ảnh đó không nhất thiết phải hợp lý, nhưng đó là phần thú vị của hội họa: Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với nó.”



Tranh được gợi ý từ âm nhạc của Duy Huỳnh (Lark & Key Gallery)

ASVILLE, North Carolina - Mới đây, nhân dịp giới thiệu một chương trình triển lãm các tác phẩm của bốn nghệ sĩ, nhật báo Moutain Express viết về anh Duy Huỳnh, một họa sĩ Mỹ gốc Việt. Bài viết đó được tóm lược như sau.
 

Bức tranh "Ethos Entanglement" (Nhân Vật Rối Loạn) của Duy Huỳnh. Tranh của anh kể chuyện bằng hình ảnh ảo mộng, siêu thực. Anh chọn Ashville làm quê hương cũng như nơi sáng tác.

Hồi còn là một đứa trẻ mới di cư sang Mỹ và chưa thông thạo tiếng Anh, Duy Huỳnh tự diễn đạt và thu hút bạn bè bằng cách vẽ hoạt họa và hình ảnh khôi hài. Mặc dù không còn làm việc trong môi trường truyện tranh nữa, anh nói, “Tôi cảm thấy như thể công việc của tôi hiện nay là phần nối tiếp của cách vẽ thời niên thiếu đó, vì tôi vẫn đang tạo ra các nhân vật và nghĩ đến những câu chuyện để đi cùng với hình ảnh. Những nhân vật đó không phải là Siêu Nhân hay Người Nhện, xét về mặt thị giác, nhưng chắc chắn có huyễn mộng, và có thể có những khía cạnh siêu phàm trong đó.”

Duy Huỳnh, 43 tuổi, nói thêm, “Những hình ảnh đó không nhất thiết phải hợp lý, nhưng đó là phần thú vị của hội họa: Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với nó.”
 

(SlideShare)

Họa sĩ này sẽ trưng bày khoảng một chục bức tranh, một phần của cuộc triển lãm nhóm Reverie, được mở tại Blue Spiral 1 vào thứ Năm, ngày 6 tháng Chín.

Làm việc ở thành phố Charlotte, Duy Huỳnh là đồng chủ nhân của phòng tranh Lark & Key Gallery, cùng với vợ là Sandy Snead. Anh nói đùa, “Rủi thay cho cô ấy, cô phải lo hết mọi khía cạnh không vui lắm của công việc kinh doanh, trong khi tôi chỉ làm công việc vẽ.”

Cô Sandy Snead là chuyên viên làm nữ trang, đồng thời cũng là một người trông coi và làm chủ phòng tranh, có một gian hàng trưng bày tại Kress Emporium ở Asheville, và cô đã mang Duy Huỳnh đến ông John Cram, chủ nhân của phòng triển lãm Blue Spiral 1.

Họa sĩ nói về thành phố hoạt động của anh, “Tôi đã không nhất thiết chọn Charlotte, nhưng nơi này đã dần dần chiếm lấy tâm hồn của tôi.”

Gia đình của Duy Huỳnh đã thoát khỏi Việt Nam khi anh lên 5 tuổi; họ đã thuộc một làn sóng những người tị nạn được gọi là thuyền nhân. Anh nói trong một video AroundCarolina năm 2012, “Chúng tôi đã chịu đựng nhiều gian khổ chỉ để đến đây. Chúng tôi bị trôi dạt trên biển trong mấy ngày. Chúng tôi đã được đưa đến các trại tị nạn khác nhau ở Thái Lan và Phi Luật Tân. Có lúc tôi đã nghĩ, Đây giống như là chuyến nghỉ hè tệ nhất xưa nay.”

Gia đình anh định cư ở Nam California trong 13 năm, và cuối cùng dời sang Charlotte “để thay đổi điều đã quen thuộc,” Duy Huỳnh cho biết. Đó là cách anh gọi thành phố ở North Carolina này là quê hương của anh. “Người ta thường hỏi tôi tại sao tôi không đến New York hoặc các thành phố lớn hơn, nơi có nghệ thuật nhiều hơn đã được thiết lập. Tôi biết Charlotte chưa là một thành phố của nghệ thuật, vì tôi cảm thấy tôi có thể đang góp phần vào sự tăng trưởng và lịch sử của thành phố này.” Thêm vào đó, một cộng đồng người Việt đang phát triển tại Charlotte.
 

Họa sĩ Duy Huỳnh và bà xã Sandy Snead, chủ nhân của phòng triển lãm Lark & Key Gallery.

Mặc dù hy vọng sẽ về thăm lại Việt Nam anh vào một ngày nào đó, Duy Huỳnh nói rằng anh không cảm thấy mình phải vẽ về phong tục và truyền thống của người Việt Nam trên tranh. Anh giải thích, “Tôi muốn người ta ngắm tác phẩm vì chính nó, bất kể thông điệp nào mà tôi muốn truyền đạt trong mỗi tác phẩm, hơn là muốn người ta xem tác phẩm và nói rằng 'Đó là một họa sĩ Việt Nam nói về cuộc đời của anh ấy. Tôi đã vẽ trong 20 năm hoặc lâu hơn, do đó có mấy tác phẩm mô tả một số khía cạnh của kinh nghiệm của tôi, vốn là một người di cư và là một người tị nạn, và cảm thức của kẻ tha phương.”

Chẳng hạn, những chiếc thuyền là một hình ảnh lặp đi lặp lại trên những bức tranh của Duy Huỳnh, cũng như những nhân vật đơn độc. Về những nhân vật cô độc này, anh nói, “Đó là cách thức tôi luôn bắt đầu bằng việc soạn một tác phẩm hay một câu chuyện - Tôi nghĩ về một nhân vật, và sau đó tôi nghĩ về câu chuyện... Tôi muốn người ta có một mối liên hệ với nhân vật đó.” Những tranh đó kể lại một câu chuyện hơn là diễn tả sự cô đơn. Anh nói, “Tôi thấy đó là một dấu hiệu của tự do.”

Tác phẩm của Duy Huỳnh có tính chất mơ mộng và gợi cảm. Anh đã trở lại nhiều lần với hình ảnh một người phụ nữ vẽ trên đôi cánh của chính cô. Các nhân vật nữ dạo chơi trên các bức tranh sơn dầu, trong những kiểu tóc được bới một cách khôi hài, lập lại những hàng cây bị gió thổi. Những nhân vật gợi nhớ phong cách thế giới khoa học giả tưởng Steampunk, họ dạo chơi, ăn uống ngoài trời, trong khi trôi bềnh bồng giữa những khinh khí cầu. Các phụ nữ mặc áo đầm vẽ hình hoa và bướm, hoặc trình diễn những trò xiếc, trong khi những con sếu – một hình ảnh lặp lại nhiều lần – bay sà xuống gần đó. Những người đàn ông chơi đàn banjo và piano, và cầm dù. Họ trôi dạt trên các đại dương và trên những cánh đồng. Trong một tác phẩm, một người đàn ông té ngửa từ một cái thang về phía một tấm bố được vẽ bằng một đôi bàn tay quá to sẵn sàng bắt lấy anh ta.

Cái cảm giác quái dị của Duy Huỳnh đã bắt nguồn, ít nhất một phần, từ kinh nghiệm di dân của. Anh nói, “Khi tôi đang cố gắng học tiếng Anh, tôi hiểu mọi sự theo nghĩa đen. Lúc tôi học một từ ngữ hoặc cụm từ mới, tôi tìm cách hình dung nó là gì. Trong thời gian dài, tôi không biết corndog (bánh hot dog lăn bột bắp rồi chiên) là gì, nên tôi vẽ một con chó nhỏ với trái bắp.”

Thay vì bị bối rối do những hiểu lầm lúc đầu đó, anh đã áp dụng sự nhạy cảm đó - và những lối dùng sai về hình ảnh thị giác phát sinh từ đó - vào tác phẩm trên tranh. Duy Huỳnh nói, “Có một bức tranh mà tôi gọi là Seahorse Odyssey. Tôi hình dung một con ngựa như là một phi công hải quân, hay một thủy thủ trên một chiếc thuyền.”

Anh nói thêm, “Thật là ngớ ngẩn, nhưng điều đó cũng có thể mở cửa cho thêm nhiều ý tưởng, kích thích sự suy nghĩ.”

Cuộc triển lãm Reverie trưng bày tác phẩm của bốn họa sĩ Duy Huỳnh, Jim Connell, Eric Serritella và Kirsten Stingle. Địa điểm: Phòng Triển Lãm Blue Spiral 1, 38 Biltmore Ave., Ashville. (Bluespiral1.com). Thời gian: Từ thứ Năm, ngày 6 tháng Chín đến thứ Sáu, ngày 9 tháng 11. Tiếp tân ngày 6 tháng Chín, từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT