Người Việt Khắp Nơi

Họa Sĩ Ann Phong triển lãm tranh tại Việt Báo Gallery

Saturday, 06/05/2017 - 07:51:52

Em Lợi Lý: “Tranh của cô Ann, cô giáo em rất đẹp. Cô pha trộn nhiều màu sắc thật hay. Nhà em ở Rosemead nhưng tuần nào em cũng xuống học cô. Em học cô 5 năm rồi, hy vọng sau may ra nối gót Co..

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Bẵng đi một thời gian khá lâu, cuối tuần này giới yêu hội họa mới được thưởng thức 29 tác phẩm hội họa rất giá trị của nữ họa sĩ Ann Phong, trưng bày trong Việt Báo Gallery từ chiều thứ Sáu đến chiều Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017.

Đến tham dự khai mạc vào lúc 6 giờ chiều thứ Sáu có khoảng một trăm quan khách và đồng hương, trong đó có họa sĩ Nguyên Khai, họa sĩ Cao Bá Minh, nhà văn Phạm Phú Minh, nhà văn Nhã Ca, thi sĩ Trần Dạ Từ, nhà văn Đặng Phú Phong, bác sĩ Bích Liên, bà Velda Ishizaki, ông Gary Kious (Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch LA Arture) một số thân hữu của họa sĩ và rất đông các học sinh thuộc hai trường trung học Westminster và La Quinta, nhiều em trong số này là học trò của nữ họa sĩ Ann Phong.

Họa sĩ Ann Phong phát biểu khai mạc buổi triển lãm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bước vào phòng triển lãm, hầu hết các tác phẩm được trưng bày lần này họa sĩ đều dùng màu xanh nước biển. Ngạc nhiên, Viễn Đông phỏng vấn và được họa sĩ Ann Phong cho biết, “Bấy lâu nay Ann Phong xài màu xanh cũng nhiều, nhưng nhiều năm nay Ann Phong xài màu xanh rất là đậm, kỳ này mình muốn phá những gì mình có thành ra màu xanh bắt đầu nó lợt xuống, đồng thời màu nó cũng nhẹ đi nên đợt tranh này qúy vị thấy nó khác các kỳ trước là nó tươi ra làm như mình càng già càng trẻ lại vậy đó.


Bà Velda Ishizaki, Chủ Tịch LA Arture khen ngợi các tác phẩm của họa sĩ Ann Phong. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Cái đó là một thử thách xem người họa sĩ có làm được hay không, và kỳ này Ann Phong đã làm được điều đó, nghĩa là lấy những màu nhẹ diễn tả cảm xúc mạnh . Nếu mà nói chung hết thì Ann Phong đã triển lãm khoảng 150 lần, có những lần chỉ làm một mình nhưng rất nhiều lần triển lãm chung với các đồng nghiệp khác; có những lần triển lãm ở địa phương, có những lần triển lãm ở Thái Lan, Đại Hàn, và tháng Tám sắp tới sẽ triển lãm tại Tokyo, Nhật Bản,”

Viễn Đông hỏi họa sĩ về chủ đề cuộc triển lãm này là gì, và tác phẩm nào diễn tả mạnh nhất cho chủ đề?
Họa sĩ Ann Phong trả lời, “Ann Phong đi từ chủ đề của thế kỷ 20 sang chủ đề của thế kỷ 21. Chủ đề của thế kỷ 20 là mình vẽ cho mình là thuyền nhân mình đi từ Thái Bình Dương bên kia về tới Thái Bình Dương bên này, đó là một chủ đề. Tới nay hôm nay, trong thế kỷ 21 thì Ann Phong thấy rằng, dù mình đang sống ở đây nhưng lúc nào mình nhận được tin tức bên nhà gửi tới tự nhiên mình vẫn còn đau lòng thì những điều đó Ann Phong bỏ vô tranh, tức là diễn đạt những người còn ở lại VN.


Họa sĩ Ann Phong đứng bên tác phẩm “ Dòng Sông Biến Sắc,” bên trái là tác phẩm Hoa Sen. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


“Nếu mà diễn tả mạnh nhất về cái cảm xúc đối với những người còn đang sống tại quê nhà thì Ann Phong nghĩ chính là bức đỏ ở đây (Dòng Sông Biến Sắc). Khi một năm trước, vào ngày 6 tháng Tư khi Việt Nam bắt đầu bị Formosa, những người mình sống ở đây đã biết tin tức đó. Đến hôm nay mình nhìn lại đã hơn một năm rồi, hoàn cảnh sống của người dân vẫn không thay đổi nên Ann Phong lấy điều đó bỏ vô tranh và bức tranh đó, Ann Phong đặt tên là Dòng Sông Biến Sắc.

“Thông thường khi mình nghĩ đến giòng sông là phải màu xanh của nước biển nhưng trong bức tranh đó Ann Phong xài màu đỏ, cái màu đỏ nó diễn tả nỗi đau như máu, và bức tranh đó, Ann Phong nghĩ là nó diễn đạt chủ đề mạnh nhất.”


Ba bạn trẻ chăm chú xem từng nét vẽ của họa sĩ Ann Phong. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Họa sĩ Ann Phong cũng cho biết, chị là một thuyền nhân. Lúc còn ở Việt Nam tự học vẽ bằng viết chì từ năm 6 tuổi, nhưng bắt đầu cầm cọ từ khi học trung học và trưởng thành ở Mỹ, từ Mỹ mình học được cái sự độc lập, mình muốn diễn đạt cái gì mình có chứ không phải cái gì Thầy, Cô muốn. Khi nhìn lại mình thấy có cái điều hay cho Ann Phong là mình bắt đầu bằng sự hấp thụ cái hay của Mỹ, sau đó mình lại tìm về nguồn, lấy cái tự học của Ann Phong ở Việt Nam phối hợp với cái học được ở Mỹ để tạo ra những tác phẩm như ngày hôm nay”.
Mở đầu phần khai mạc, cô Lê Đình Y Sa thay mặt ban tổ chức chào mừng và cảm tạ mọi người có mặt. Sau đó cô giới thiệu nhà thơ Trần Dạ Từ lên nói về cảm nghĩ của ông. Nhà thơ cho biết, bước vào phòng tranh ông thấy rất lạ, lạ lắm, dù ông không hiểu nhiều về tranh nhưng tranh của Ann Phong để ở bất cứ đâu ông cũng nhận ra, không thể lộn với các họa sĩ khác.

Sau đó họa sĩ Ann Phong nói về ý nghĩa của một số tác phẩm và chủ đề của cuộc triển lãm cũng như giải thích lối vẽ “mixed media” mà chị đang dùng. Họa sĩ Ann Phong nói, “Nhìn tranh giống như nhìn cô gái, mới nhìn thì thấy thương mà không biết mình thương chỗ nào!” nên khi xem tranh hãy cứ suy nghĩ để tìm hiểu xem bức tranh đó nó liên hệ với mình ở điểm nào, nó tạo cho mình cái cảm xúc gì trước đã.

Sau khi khai mạc và mọi người đã xem tranh. Viễn Đông phỏng vấn một số vị tham dự và ghi nhận cảm nghĩ của từng người:

Cô Hòa Bình (chủ nhiệm Việt Báo): “Tranh của chị Ann rất là mới, trẻ trung và mặc dù tranh về biển nhưng có những màu sắc mới vượt ra khỏi cái màu của biển giống như đời sống của mình. Xem tranh của chị Ann Phong, mỗi người có một cảm xúc riêng, nhưng với cháu, hình ảnh của biển bây giờ không còn dữ dội như thời của mình vượt biển năm xưa nữa mà mình nhìn thấy tương lai trước mắt.”

Em Lợi Lý: “Tranh của cô Ann, cô giáo em rất đẹp. Cô pha trộn nhiều màu sắc thật hay. Nhà em ở Rosemead nhưng tuần nào em cũng xuống học cô. Em học cô 5 năm rồi, hy vọng sau may ra nối gót Co..

Cô Tường Vân (Huntington Beach): “Em rất là thích. Em không biết nhiều về tranh ảnh nhưng em rất thích cái sắc màu của chị Ann dùng. Em thích những bức tranh nào gợi nhớ quê hương như tấm vẽ hoa sen, và em thích hai tấm có màu hồng, em rất thích màu hồng của chị Ann.”

Bác sĩ Bích Liên: “Tôi xem tranh của chị Ann Phong nhiều lần rồi, phần lớn chị ấy vẽ về biển, nhưng lần này không chỉ biển mà có những tác phẩm về thiên nhiên. Chị Ann Phong đã đi vượt biển với nhiều cam go, hãi hùng nên những kinh nghiệm đó nó thể hiện trên tranh của chị, và từ trước đến giờ nó vẫn có nét dữ dội khiến người xem phải suy nghĩ; nhưng hôm nay tôi thấy cái sự xúc cảm của Ann Phong nhẹ nhàng, tươi sáng chứ không chỉ bóng tối như ngày xưa nữa.”

Nhà văn Phạm Phú Minh: “Tôi coi tranh của Ann Phong cũng lâu rồi, khoảng 20 năm nay. Cảm giác hồi xưa mình coi tranh của cô ấy là dữ dội như cô ấy nói, cái đó nó diễn tả nỗi ám ảnh từ biển, ám ảnh rất là nặng. Mình không sống được cái cảm xúc của cô ấy nhưng cái cảm xúc đó nó hiện lên tranh của cô ấy, và mình cũng thấy cái ám ảnh đó nó dữ lắm, và những lần triển lãm sau này tôi thấy tính chất đó của Ann Phong vẫn còn giữ như vậy, đặc biệt là về biển; cái đó mình hiểu được, bởi vì người Việt Nam nào đi vượt biên đều có cái nhận định nào đó về biển.

“Có nhiều người bạn tôi, nhiều bà bảo, bây giờ tôi không đi tắm biển, không dám xuống biển nữa, thấy biển là sợ, nên tôi nghĩ một người nghệ sĩ như Ann Phong, cái cảm giác đó nó có và còn dai dẳng. Nhưng lần này vẫn là biển. Tôi để ý khi bước vào phòng tranh này tôi cảm thấy ngay cái màu xanh của Ann Phong lần này đặc biệt lắm. Nó là biển đấy! nhưng biển ở một cái không còn sự ám ảnh nữa, và cái biển nó bắt đầu có cái nhìn cao hơn là nỗi ám ảnh của quá khứ.

“Đúng như Ann Phong vừa mới nói, đúng như vậy. Cô ấy có một cảm xúc mới và cái đó nó cũng không đi ra ngoài cái thân phận của người vượt biên đi tìm đời sống mới ở một xứ khác, và muốn như vậy thì phải đi qua một đại dương như cô ấy thì những cái nó dính líu, nó ám ảnh con người ta nó khó phai mờ, nhưng đối với Ann Phong bây giờ nó ở mức độ khác, nó đi lên cái cảm xúc khác, tươi tắn hơn có nghĩa là những đau khổ của qúa khứ cô ấy đã vượt qua, bây giờ cô ấy có cái nhìn mới chứng tỏ rằng trong phòng tranh hôm nay có rất nhiều bạn trẻ tới. Tôi nghĩ rằng họ cảm nhận được điều đó.”
Phòng triển lãm còn mở cửa đến chiều Chủ Nhật. Vào cửa tự do.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT